Đứng giữa đời thường
Trần Khải
30-03-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6165
Không phải ai cũng sống vượt nổi đời thường, nhất là trong thời khủng hoảng tài chánh toàn cầu như hiện nay. Nghĩ như thế, mới hết lòng khâm phục những người hoạt động dân chủ ở quê nhà, khi vừa gìn giữ được trách nhiệm của một người trong gia đình và vừa dấn thân đòi hỏi thực hiện các ước mơ dân chủ cho toàn dân.
Thí dụ, như trường hợp gần nhất, vừa xảy ra tại Sài Gòn. Phương
“...họ để mặc tôi dưới phòng khách còn họ lên phòng, phá khóa. Căn phòng nhỏ xíu khoảng 10 mét vuông thế mà cả hàng chục người xông vào lục soát. Họ lục tung tất cả mọi đồ đạc, sách vở, các túi quần áo… Vật quan trọng hơn cả mà họ muốn tìm cho ra là máy vi tính và cục USB nhỏ bằng hai ngón tay để kết nối Internet. Sau khoảng 1 tiếng đồng hồ lục soát, họ đã lấy đi của tôi theo như biên bản kiểm kê tài sản gồm: 1 đầu máy vi tính CPU, 1 màn hình, 1 bàn phím, 1 chuột vi tính, 1 web cam, 1 tai nghe (headphone), 1 đầu đọc thẻ nhớ (memory stick reader), 2 ổ USB (flash disks), 1 điện thoại motorola màu đen, 1 cục modem để kết nối Internet.”
(hết trích)
Lý do, công an lấy cớ là thu tiền phạt “vi phạm hành chính,” nhưng thực ra, và ai cũng hiểu, là trong vài tuần qua, Đỗ Nam Hải nói chuyện trên đài phát thanh Chân Trời Mới về “nguy cơ rất lớn cho đất nước do nhà cầm quyền CSVN này gây ra khi cho Trung Quốc khai thác bauxite tại Tây Nguyên. Kế đến là tôi đã góp phần tham gia soạn thảo những bản văn như ‘Tuyên bố 9 điểm của Khối 8406’, hoặc ‘Tuyên bố của Khối 8406 về vấn đề bauxite tại Tây Nguyên’, v.v...”
(hết trích)
Đó là điển hình một trường hợp. Trước đó vài ngày, văn phòng Luật Sư Pháp Quyền của LS Lê Trần Luật, người nhận biện hộ cho hồ sơ 8 giáo dân Thái Hà, bị đóng cửa không thời hạn, và như thế, ông không thể nào tiếp tục biện hộ cho các hồ sơ này.
Chúng ta nơi hải ngoại không thể nào hình dung hết các gian nan của người trong nước, nhất là với các nhà hoạt động, cho dù là vì nhân quyền và pháp quyền, như LS Lê Trần Luật, hay là để đưa đất nước tới nền dân chủ đa nguyên đa đảng, như ông Đỗ Nam Hải. Một thời tuổi trẻ, chúng ta đọc truyện kiếm hiệp Kim Dung và theo dõi chuyện các cao thủ võ lâm đi nơi này nơi kia, hành hiệp giang hồ, và không hề thắc mắc rằng làm sao họ mưu sinh, và lấy tiền đâu để chi trả cho phòng trọ, bữa cơm. Các nhà hoạt động thời này cũng có các đau khổ đời thường như chúng ta. Thí dụ, như trường hợp LS Lê Trần Luật, ông phải nghĩ tới chuyện đi làm thuê cho văn phòng luật khác. Hay như trường hợp ông Đỗ Nam Hải, hoạt động có thể sẽ phải tê liệt vài tuần lễ hay cả tháng, cho dù là có bạn bè thân hữu trao tặng cho máy vi tính mới, hay điện thoại mới... vì muốn nhờ anh lên tiếng liên tục giùm để gây ý thức về tình hình bô-xít Hán hóa Tây Nguyên, và muốn giúp nuôi lửa dân chủ.
Thấy như thế, mới hiểu đời thường là cái gì có thể làm vướng bao nhiêu là chuyện. Đôi khi chúng ta lên các diễn đàn trên mạng, và bất chợt thấy nhiều người với các tên trên mạng rất là không quen thuộc, hô hào bạo động, kêu gọi toàn dân nổi dậy kéo ra phá sập Lăng Ba Đình, và vân vân. Chúng ta không biết những người kêu gọi bạo động là ai, và thực sự muốn gì. Bởi vì chính những người kêu gọi bạo động như thế, lại không hẹn một giờ, một ngày và một nơi cụ thể nào để tập họp, điểm danh xuất quân lên đường. Và chúng ta cũng không biết người hô hào bạo động đó đang ở Mỹ hay Anh, muốn rủ nhau lên chuyến bay nào về phi trường Nội Bài để ra giựt sập Lăng Ba Đình. Nhưng ngôn ngữ nghe có vẻ như không đời thường tí nào.
Độc giả hãy hình dung rằng mình cũng là một người trong nước, đang đứng hay đang đi bộ trên phố Nguyễn Huệ, Sài Gòn, hay đang đi trên một lối vào Phố Cổ Hà Nội. Giữa dòng người đi lại, giữa dòng xe đông đúc, cả xe đạp, xe gắn máy, xe buýt, và xe hơi. Và nếu chúng ta muốn đấu tranh dân chủ, có thể nhìn thấy quanh quẩn vài công an thường phục đang bám sát. Đó là đời thường. Thấy như thế, mới biết khi xuất hiện để đấu tranh là cả một bước nhảy khổng lồ.
Đó là chưa kể chuyện thế giới đang khủng hoảng, và các áp lực đang hiển hiện ngay chung quanh đời sống các nhà hoạt động dân chủ. Họ nhìn thấy nhiều trẻ em trong xóm phải bỏ học. Hoặc nhìn thấy trực tiếp, hoặc đọc trên mạng. Bản tin Bernama hôm 26/03/2009 viết rằng kể từ đầu niên học năm nay, có hơn 86.260 học sinh khắp VN bỏ học, theo phúc trình của Bộ Giáo Dục, trên tổng số 15,3 triệu học sinh toàn quốc. Trong đó, 30% lý do là vì quá nghèo. Thấy như thế trong xóm, đọc như thế trên mạng, người quốc nội và các nhà hoạt động quốc nội chắc chắn là nóng ruột hơn người hải ngoại nhiều. Bởi vì dễ dàng bước ra phố là thấy ngay các em bỏ học đang giúp ba mẹ, đi khắp các phố để bán vé số, thuốc lá, bánh trái...
Tình hình kinh tế thê thảm tới mức, sức tăng cực kỳ thê thảm. Bản tin thông tấn Bloomberg hôm 27/03/2009 cho biết, kinh tế VN trong quý đầu năm nay tăng thấp nhất kể từ khi có các bản thống kê kinh tế: VN chỉ tăng 3.1% so với cùng thời kỳ năm trước, kém hơn phân nửa sức tăng 7.5% đã đạt trong cùng thời kỳ năm 2008. Sức tăng tệ hại nhất là 3.8% trong quý đầu năm 1999, năm đầu tiên có các con số kết toán theo tam cá nguyệt.
Như thế, kinh tế trong khu xóm, trong các bạn hữu, và thậm chí tình hình tài chánh của các gia đình của các nhà hoạt động dân chủ cũng đều đi xuống. Mất đi một máy vi tính, là cũng một vấn đề. Mất cả một văn phòng luật, là nhiều lần thê thảm hơn bão lụt.
Họ cũng là người đời thường. Các nhà hoạt động dân chủ không phi thân từ Sài Gòn ra Hà Nội chớp nhoáng như truyện võ hiệp Kim Dung. Họ cũng không hề nghĩ tới chuyện gửi thư cho Nông Đức Mạnh và Nguyễn Tấn Dũng để hẹn lên đỉnh núi Tản Viên mở hội đấu quyền tranh chức võ lâm minh chủ. May lắm, và cũng tài ba lắm, mới có trường hợp như Trần Khải Thanh Thủy ngồi giữa Hà Nội, hay Trần Thị Hồng Sương từ Cần Thơ, có khả năng “phóng chưởng” ngàn dặm xa, đưa văn chương ra hải ngoại để kêu gọi dân chủ.
May mắn là khi những người hoạt động đứng giữa phố Sài Gòn, Hà Nội, giữa dòng người và xe đời thường, họ vẫn nuôi được ngọn lửa đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền bất kể là bị tịch thu kê biên tài sản, hay bị đóng cửa văn phòng luật. Khi dẫn xe gắn máy ra chạy nơi này nơi kia cho công việc, họ vẫn phải nghĩ tới chuyện kiếm tiền đổ xăng, và cũng lo lắng quan ngại khi thấy giá xăng đã tăng vọt lên. Nhỡ khi gặp xăng dỏm thì lại hỏng việc, nhăn nhó.
Đó là đời thường, có những vất vả gian nan như thế, và may mắn là còn có những người hoạt động dân chủ như thế.
Bài do tác giả gởi. DCVOnline biên tập và minh hoạ.
No comments:
Post a Comment