Tưởng niệm con đường Phan Châu Trinh
Nguyễn Thanh Giang
Thân sinh tôi vì đã cùng Nguyễn Khắc Viện, hai người bạn học ngồi cùng bàn, tham gia tổ chức biểu tình nhân lễ tang Phan Châu Trinh mà bị đuổi khỏi trường Collège Vinh cho nên cái tên Phan Châu Trinh từng vang động tâm tư tôi từ khi tôi chưa có ý thức gì về chính trị. Ngày 1 tháng 6 năm 2006, tôi lại đến viếng mộ Cụ tại Tân Sơn Nhất, cùng đi lần này có Nguyễn Chính Kết và Đỗ Nam Hải. Khu lăng mộ Cụ bây giờ đã khang trang hơn, cây lá xanh tươi hơn, nhưng trong khói nhang tôi dâng trước tượng đài, ngước nhìn lên, tôi thấy dường như mắt Cụ vẫn đượm buồn.
Trong buổi đưa tang Phan Châu Trinh, trên một bó hoa tươi đặt dưới bia mộ có mấy dòng chữ viết tay như sau: “Lấp núi chưa nên chín hận. Vá trời còn để giận trăm năm”. Điếu văn của cụ Huỳnh Thúc Kháng thì thốt lên thống thiết: “Đất vàng một nấm, giấc mộng ngàn thu…”. Cái giấc mộng ngàn thu ấy dường như có nén một tiếng thở dài. Cái con đường Cụ vạch ra, dường như ta đã chưa đi. Chưa đi nên vẫn chưa đến được…!
Phải chăng đây là điều tổ quốc ăn năn?
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng tâm sự: “Mình biết Cụ từ trong nước rất sớm vì Cụ là bạn thân của cha mình. Lúc sang Pháp là dựa vào Cụ, ở Pháp cũng dựa vào Cụ để sống và hoạt động …Cụ Phan đã giúp mình rất nhiều, thực sự là người đỡ đầu cho mình trong một thời gian khi mình ở Pháp. Về sau Cụ biết là mình có những chính kiến khác Cụ trên một số điểm nhưng Cụ vẫn thân tình và hết sức giúp đỡ”. Tuy nhiên, Hồ chủ tịch cũng không tiện phát biểu gì về Phan Châu Trinh. Ông Vũ Kỳ kể: “Bác Hồ thường không nói chính thức về quá trình hoạt động trước đây cũng như những mối quan hệ của Bác trước đây. Hễ trực tiếp hỏi, Bác thường tránh không trả lời. Vì vậy các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Tố Hữu… thường nhắc tôi tìm cách gợi chuyện để Bác nói, trong khi vui chuyện, trong bữa cơm chẳng hạn… . Phải cố nhớ để sau này ghi lại, nếu Bác thấy đưa bút ra là Bác thôi không nói nữa. Định bố trí máy ghi âm trộm cũng không làm được”.
Thuở ấy, tìm đường cứu nước, trí thức Việt Nam, nhiều người có nhận thức khác nhau, chính kiến khác nhau, chủ trương đường lối khác nhau; đôi khi mâu thuẫn nhau. Trong các câu đối viếng ở buổi tang lễ Phan Châu Trinh, tôi lưu ý đến hai câu:
- Cùng giống Việt, người thế nọ, người thế kia, nước nhà lắm nỗi!
Cùng họ Phan, ông vội về, ông vội thác, ý trời sao đây?
- Tính linh về với quốc hồn, tiên sinh không chết
Ưu ái chưa tròn tâm sự, dân chúng đều thương
“Ưu ái chưa tròn tâm sự” bởi có lúc Phan Châu Trinh từng gay gắt với chí sỹ cùng họ Phan mà Cụ hết lòng cảm mến: “Ngày nay, có kẻ danh sỹ trong nước, tự phụ yêu nước, chẳng biết đem hết sức ở trong nhà mà đề xướng quốc dân, không có phương châm gì, chạy bậy ra ngoài, như sư tử ngủ mê không có sức, tô vẽ non sông để theo kẻ quyền mạnh, nói năng bậy bạ, không để ý đến lợi hại, kíp mượn một nước thứ ba, miệng Phật lòng rắn, chẳng có đạo người đem cả tính mệnh mà giao hết cho thì sau mới lấy làm thích ! Chẳng biết rằng nước kia đã không có sức thì để đó không hỏi, còn nếu nó đã có sức thì đợi gì ta cầu?”.( Trích Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam ).
Trong bức thư viết từ Marseille đề ngày 18 tháng 2 năm 1922 gửi Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh cũng phân tường: “Bấy lâu nay tôi cùng anh và anh Phan (ở đây là Phan văn Trường) đàm đạo nhiều việc, mãi tới bây giờ anh cũng không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi; còn tôi thời lại không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội của anh và cả cái phương pháp dụng lý thuyết thâu nhân tâm của anh Phan”.
Vậy đâu là cái nỗi “vá trời còn để giận trăm năm” của Phan Châu Trinh?
Nhận diện kẻ thù – Ngoại xâm và nội tặc
Cuối thế kỷ XVIII, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã làm cho các nước Hà Lan, Anh, Pháp… khao khát có thuộc địa để cung cấp nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa. Vùng Châu Á đầy tiềm năng trở thành mục tiêu của các nước đế quốc. Xu thế lịch sử lúc đó là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản đang dâng lên làn sóng văn minh mới, phá tan tình trạng cô lập của các quốc gia, dân tộc tồn tại theo lối tự cung tự cấp mà thay vào đó là những mối quan hệ và sự phụ thuộc tất yếu giữa các dân tộc. Trước sức ép ngày càng tăng của Phương Tây, Nhật Bản và Thái Lan đã sớm nhận ra cục diện chính trị thế giới và đã xây dựng được chương trình hành động phù hợp để bảo vệ chủ quyền. Trong khi đó, Trung Hoa, Việt Nam và một số nước Châu Á khác đã mù quáng bảo vệ độc lập bằng phương pháp thụ động là “bế quan, tỏa cảng” ngõ hầu chặn được bước ngoại xâm.
Gia Long lên ngôi, quyết định lấy Nho giáo làm cơ sở tư tưởng cho triều đại, lấy mô hình Trung Quốc làm khuôn mẫu xây dựng xã hội, đồng nhất vương quyền với thần quyền. Các chúa Nguyễn cho mời nhiều vị cao tăng Trung Quốc sang giảng đạo như Nguyễn Thiều, Thạch Liêm, Giác Lĩnh …, sử dụng Phật giáo để tập hợp quần chúng, củng cố sự nghiệp của mình. Từ đấy, cùng với việc Minh Mạng vẫn không chịu thừa nhận tính ưu việt hơn của nền văn minh Phương Tây, thậm chí còn thực thi những đối sách cứng nhắc hơn triều đại trước, việc đàn áp sát hại các tín đồ Thiên Chúa giáo đã đem lại những hậu quả vô cùng tai hại cho đất nước.
Trước khi quyết định nổ súng tấn công Đà Nẵng vào năm 1858, người Pháp chỉ đưa ra hai yêu sách: một là triều đình Huế mở một số cửa biển cho họ vào buôn bán, hai là để cho các giáo sỹ được tự do truyền đạo Thiên Chúa ở Việt Nam.
Thời bấy giờ vương quốc Thái Lan quy mô như nước ta, kinh tế, quân sự, văn hóa không bằng ta, và cũng bị các đế quốc dòm ngó. Anh đòi Thái Lan mở cửa để giao thưong, truyền đạo Thiên Chúa và lập lãnh sự. Pháp, sau khi chiếm ba tỉnh miền đông Nam kỳ Việt Nam, đặt chế độ bảo hộ ở Campuchia năm 1863 đang nhăm nhe đánh Thái Lan. Trong thế kẹp giữa hai gọng kìm Anh-Pháp, nước Xiêm có vua Moongkut, một vị anh quân có học thức, biết tiếng Anh và chữ Latinh, am hiểu văn hóa và lịch sử Phương Tây, có tầm nhìn rộng. Nhận thấy không thể chống lại được Anh, Pháp, vua Xiêm đã chấp nhận mở cửa cho Anh và các nước khác vào buôn bán, truyền giáo ( mặc dù đạo Phật là quốc giáo của nước này ). Nhờ vậy Thái Lan không những tránh được chiến tranh tàn hại, giữ được độc lập dân tộc mà còn đưa được đất nước phát triển không ngừng cho tới ngày nay.
(Ngược lại, ở Việt Nam, nhà vua vẫn không mở được đường đi ngay cả khi Pháp đã bối rối, chịu xuống nước. Đây là bức điện mà phó đô đốc De Genouilly nhận được: “… Hồi này nước nhà không thể nào tiếp tế cho tướng quân thêm một tên lính hay một chiếc tầu nào nữa. Tốt hơn hết là tướng quân liệu bề thương thuyết điều đình với chính phủ Annam cho xong. Nếu họ cam đoan từ nay trở đi không ngược đãi tín đồ Thiên Chúa giáo nữa thì chúng ta chỉ có việc trả lại thành trì cho họ rồi rút binh về là hơn”).
Trông người, ngẫm mình, Nguyễn Trường Tộ không khỏi ngậm ngùi: “Hiện nay nước ấy (Thái Lan) nhờ ngoại giao mà được lợi ích, ngày một nhanh chóng trở nên giầu mạnh, nội loạn không sinh, kẻ địch bên ngoài không đến, thuyền buôn đi lại trên biển như mắc cửi, quan chức phân bổ khác trước, dần dần đã lập được cái thế con rết trăm chân”.
Cho nên, trò chuyện với nhà chính khách Nguyễn Phan Long trong tiệc chiêu đãi sau những ngày tù biệt xứ ở Côn Đảo về, Phan Châu Trinh nêu nhận xét: “… nước Annam dưới thời Trần đã có một kỷ nguyên vinh quang và thịnh vượng nổi bật. Chính quyền thời ấy là một chính quyền dân chủ - từ ngữ mà lúc bấy giờ Châu Âu chưa biết đến - vì bất kỳ ở đâu, châu Âu lúc ấy cũng đang rên xiết dưới sự chuyên chế tàn bạo của chế độ phong kiến. Vài năm sau những ông vua xấu – mà tôi không muốn nêu tên - đã đưa vào nước ta nền văn minh Mãn Châu mà họ là những tín đồ trung thành. Và đó là sự tan vỡ của lịch sử chúng ta. Con người bị rơi vào tình cảnh nông nô,…”.
Đến triều Khải Định, chẳng những ông vua này không có được đối sách gì sáng suốt hơn các triều đại trước mà chỉ biết tôn sùng quyền vua, chuộng sự quỳ lạy, kiêu căng dâm dục… đi ngược với văn minh thế giới.
Tình trạng đó càng kích thích Phan Châu Chinh chủ trương quyết chiến với chế độ quân chủ chuyên chế. Ông đối đầu trực diện với chính vị vua đương quyền qua “Việt Nam quốc dân Phan Châu Trinh ký thư ư Việt Nam đương kim Hoàng đế” ( còn goi là “Thất điều thư” ), gửi trực tiếp cho Khải Định. “Thất điều thư” vạch ra 7 tội của Khải Định: 1) Tội tôn quân quyền, 2) Tội thưởng phạt không công minh, 3) Tội chuộng sự quỳ lạy, 4) Tội xa xỉ vô đạo, 5) Tội phục sức không đúng phép, 6) Tội du hạn vô độ, 7) Tội sang Pháp làm việc ám muội.
Tội tôn quân quyền được đưa lên đầu vì tội này ngăn trở tiếp thu tư tưởng dân chủ Phương Tây lúc bấy giờ.
Gay gắt đến mức, kết thúc “ Thất điều thư ”, Phan Châu Trinh dõng dạc tuyên bố: “cùng bệ hạ tuyên chiến quyết liệt, nguyện để cho cái đầu của tôi cùng với cái quân quyền chuyên chế dã man của Bệ hạ đồng thời rơi xuống đất, quyết không nỡ thấy vài mươi dặm vuông giang sơn đất nước, vài mươi triệu cha mẹ anh em phải giao đứt vào tay hôn quân vậy”.
Phan Châu Trinh thẳng thừng phán quyết: “Nếu như bệ hạ có đủ thiên lương, chút biết hối ngộ, biết quân quyền không thể cậy được, dân oán không thể khinh được, thì phải sớm quay về tự thoái vị trước, đem chính quyền dâng trả lại cho quốc dân ta, để họ trực tiếp cùng dân tộc Pháp, tự mưu lấy lợi ích của họ, như vậy quốc dân ta còn lượng tình không bạc đãi, cái kế của bệ hạ không còn kế nào hơn”.
Phan Châu Trinh trách cứ cả người Pháp: “Các vị đến đây để thay thể chế già cỗi của chúng tôi và nhân danh những thể chế mà chúng tôi kính trọng, các vị đã sắp đặt gì ? Các vị đưa lên làm quan những tên bồi bếp cũ và thông ngôn cũ của các vị và các vị bắt buộc chúng tôi phải tôn kính những kẻ mà chúng tôi chỉ có thể khinh bỉ”. Cụ đòi: “… thay thế tất cả các quan lại già bằng những người trẻ từng được tiếp thu học vấn trong các nhà trường Pháp, đồng thời lại biết chữ Nho. Muốn có thể chuyển đối tư tưởng của dân chúng, trước hết bằng bất cứ giá nào phải thức tỉnh đầu óc những người cầm đầu xứ này. Những người cầm đầu xứ này phải có tư tưởng mới mẻ, sâu rộng và tự do ”.
Ngày 7 tháng 11 năm 1925, được tin Khải Định chết, trong khi bị mệt đang nghỉ dưỡng ở Vũng Tầu, Phan Châu Trinh vẫn vội điện ngay cho khâm sứ Trung Kỳ Pasquier “đề nghị lập hội đồng để xem xét có nên chấm dứt chế độ quân chủ?”.
Theo Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh “cho rằng không đập tan được nền quân chủ thì dù đã khôi phục được nước cũng không phải là hạnh phúc cho dân”. Về ý kiến trước mắt cần đánh đổ ai, Phan Bội Châu viết: “Ông Phan Châu Trinh muốn trước hết đánh dổ ngay quân chủ để làm cơ sở xây dựng dân quyền, tôi thì tôi muốn đánh đổ ngay giặc Pháp, đợi khi nước ta độc lập rồi sẽ mưu tính việc khác. Ý tôi muốn lợi dụng quân chủ thì ông cực lực phản đối. Ý ông muốn phản đối quân chủ thì tôi không tán thành. Ông thì đi từ chỗ dựa vào Pháp để đánh đổ vua. Tôi thì đi từ chỗ đánh đổ Pháp mà phục lại Việt” . (Phan Bội Châu niên biểu).
Thấy dân tình sục sôi có nguy cơ nổi dậy dưới sự bảo trợ của quân đội nước ngoài, Phan Châu Trinh ra sức diễn giảng để nhân dân xoay mũi nhọn đấu tranh vào chế độ phong kiến và các quan trường thối nát, tạm quên kẻ thù Pháp để tránh một cuộc chiến đẫm máu và không cân sức, đồng thời gửi thư cho chính phủ Pháp yêu cầu cải cách bộ máy cai trị để nhân dân có điều kiện tiến hành công cuộc “tự khai hóa”.
“ Khai dân trí, chấn dân khí …”
Trước cảnh nước mất nhà tan, cuối thế kỷ XIX, dầu thế kỷ XX xuất hiện phong trào Cần Vương với những nhà nho yêu nước tiêu biểu: Nguyễn Đình Chiểu, Vũ Phạm Khải, Phan Đình Phùng… Trong đó, Nguyễn Đình Chiểu chủ yếu phê phán những kẻ hại dân, hại nước. Giữa trung quân và ái quốc, ông đặt ái quốc làm đầu. Dân có thể không theo ý kiến sai trái của vua vẫn có thể được gọi là trung quân. Vũ Phạm Khải và Phan Đình Phùng thì ước muốn phát động cho được lòng yêu nước để đánh đuổi giặc Pháp.
Những người yêu nước theo khuynh hướng cải cách, canh tân thì khuyến cáo muốn cứu nước phải làm cho nước giầu, binh mạnh, bài trừ các hủ tục lạc hậu, đuổi kịp được các nước tiên tiến. Đặng Huy Trứ cho rằng muốn thắng Pháp phải có tầu to, súng lớn… Phạm Phú Thứ đề nghị mở rộng giao thương, cải tiến giáo dục… Nguyễn Trường Tộ với “ Thiên hạ phân hợp đại thế luận ” ( 1863 ), “ Tế cấp bát điếu luận ” ( 1867 ) nêu chủ trương cải cách toàn diện về kinh tế, tài chính, giáo dục, ngoại giao, văn hóa, phong tục …; phải từ bỏ tư tưởng hoài cổ hủ Nho để có đầu óc thực tiễn, khoa học.
Sau khi từ quan, Phan Châu Trinh đã cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp dấy lên phong trào Duy Tân với ba mục tiêu “ đổi mới ” rõ ràng: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Trong đó:
Khai dân trí: Mở mang trí tuệ cho dân, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước bằng cách tổ chức các trường học dạy theo lối mới, chú trọng kiến thức khoa học kỹ thuật, vận động bỏ lối học nhồi sọ vị khoa cử, bài trừ hủ tục, chống mê tín dị đoan, xây dựng một nền học vấn và văn hóa tiến bộ, xây dựng con người toàn diện thích ứng với cuộc sống văn minh.
Chấn dân khí: Trước hết phải thức tỉnh lòng yêu nước và nhuệ khí đấu tranh trong đồng bào đang bị vùi dập đến cùng cực, đồng thời phải bồi dưỡng chí khí trong trí thức nhân sỹ bị mộng khoa cử và bả vinh hoa làm cho mê muội để họ dấn thân vào con đường cách mạng
Hậu dân sinh: Làm cho đời sống của dân ngày càng được no đủ, chấn hưng đất nước bằng những biện pháp và tổ chức phát triển kinh tế theo hướng tự lực tự cường như vận động dùng hàng nội hóa, phục hồi và phát triển các ngành nghề trong nước, chung vốn khẩn hoang lập vườn, làm xưởng sản xuất, lập hội buôn…
Phan Châu Trinh đã viết nhiều trước tác như: “ Đông Dương chính trị luận ”, “ Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam ”, “ Giai nhân kỳ ngộ ” …. để khai hóa dân trí; đồng thời đã cùng các đồng chí của mình mở được nhiều trường tiểu học phổ thông ở hương thôn, lập hội tân học, hội buôn, hội diễn thuyết, hội trồng cây, hội cắt tóc, mặc áo ngắn. Các ông còn có kế hoạch lập hội tơ tằm và hội cải tiến vải nội hóa nhưng chưa thực hiện được thì bị bắt tù.
Phan Châu Trinh hoàn toàn tin vào tư chất của dân tộc mình. Cụ cho rằng chỉ vì vua quan hủ Nho, lạc hậu nên để dân nghèo khổ, hèn kém mà cam chịu nô lệ, nếu “khai dân trí, chấn dân khí” tốt thì có thể xây dựng được đất nước phú cường trên cơ sở tự lập, tự chủ. Trong cuốn “ Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam ” ở mục “ Lịch sử giao thiệp của Việt Nam với Trung Quốc ”, Cụ viết : “ Ôi ! xứ Giao Chỉ cỏn con, một vùng đất nhỏ không bằng một huyện lớn, mà xem nó ngang hàng, muốn đuổi nó đi, đuổi mấy vạn của dân tộc hùm sói Trung Quốc, không đoái đến nó văn minh hay dã man, không kể mạnh yếu liều chết mà giành, không chịu lùi một chút, cuối cùng có thể thắng được, giành giật sinh tồn cho đến ngày nay, ngang nhiên là một nước lớn ở phương Nam. Than ôi! Trời thương chăng? Thần giúp cho chăng ? Không thể bàn được, không thể quy công cho ai. Thì phải nói: Đó là một đặc tính trầm nghị kiên nhẫn, độc lập, bất khuất của dân tộc đời trước của Tổ quốc ta mà thôi!
Dân tộc ta, ngàn năm trước đây đã có cái đặc tính vĩ đại kia, cho nên, nếu như lấy học thuyết hoạt bát ngày nay của Châu Âu, phê bình khuyến khích làm cho lớn mạnh, mở mang tìm tòi, làm cho rạng rỡ thì tiền đồ của dân tộc ta tốt lắm thay! Chẳng ngờ từ đó về sau lại càng quá lắm, càng diễn ra lại càng sai. Đã lầm ở thuật cai trị, lại lầm về văn hoc, về ngoại giao, chìm chìm đắm đắm cho tới ngày nay, rơi xuống vực không thể tự kéo lên được! Ôi! Đó là lỗi của ai? Lỗi của ai? ”.
Trong thư gửi từ Castre cho Phan văn Trường ngày 11 tháng 4 nám 1923, Phan Châu Trinh viết: “Xưa kia nước Nam là một nước lớn, song chính vì nó đã theo và bắt chước các sai lầm của nước Tầu mà nó mất độc lập, điều đó là có thật và không thể che dấu. Nước Tầu, Triều Tiên và nước chúng ta đã suy sụp từ đời Tống và Minh bởi vì chúng ta đã phạm sai lầm lớn là theo văn hóa đạo Khổng ”….“ Mất độc lập là một điều đau đớn nhưng khi xét các nguyên nhân, ta phải thừa nhận là do chúng ta ngu si, vì vậy mà chúng ta phải chịu đựng đủ thứ, phải bỏ hết mọi ý thức hận thù, chúng ta nhờ người Âu Châu làm thầy, chúng ta chấp nhận làm học trò, chúng ta cũng phải chấp nhận sự khốn cùng và chịu câm miệng để bắt đầu cái sai là bắt chước một nền văn minh nước ngoài ”.
Vững tin rằng chủ thuyết của mình có thể được hiện thực hóa. Rằng, chỉ nhờ khai hóa dân trí, chấn hưng dân khí là có thể giành được độc lập, tự chủ, năm 1914, trong một bài đăng báo ở Paris, Phan Châu Trinh đã viết: “ Không lẽ người nước tôi chỉ có hai cách, một là vác trái phá ném cầu, hai là cúi đầu ngậm miệng làm thinh, ngoại giả không ai được phép nhúng vào việc chính trị, nghĩ ra một cái chủ nghĩa khác nữa, nếu có thì phải tội ”.
Cho rằng phải và có thể hoàn toàn tự lập, không nên dựa vào một nước ngoài nào khác nhằm đánh đuổi cho được thực dân Pháp để rồi lại lâm cảnh “ ngăn hổ cửa trước, rước sói cửa sau”, như vậy chẳng qua chỉ là cái sách “ dịch chủ, tái nô ”, trong bài “ Hiện trạng vấn đề ”, Phan Châu Trinh quả quyết:“ Mình không tự lập, ai là kẻ cứu mình. Triều Tiên, Đài Loan hồi ấy thuộc Nhật, cái gương đã rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp ! Chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ sức nước ngoài, chỉ diễn cái trò “ đổi chủ ” mà làm đầy tớ lần thứ hai, không ích gì”.
Quả vậy, lịch sử đã từng chứng kiến nỗi bất hạnh của dân tộc ta. Từ khi thực dân Pháp nổ súng xâm lăng nước ta đến khi họ tấn công vào kinh đô Huế, buộc nhà nước phong kiến ký điều ước Arman ( 1883 ) là 25 năm. Trong một phần tư thế kỷ ấy, nếu nhà nước phong kiến nước ta chịu canh tân đất nước biết mở rộng giao thương với Phương Tây tiên tiến như kế sách của Nguyễn Trường Tộ: “ Vừa phải giao thiệp với Pháp tránh được nghi kỵ của Pháp, vừa “ âm thầm ” giao thiệp, dùng thuật “ liên hoành” với nước khác ”, thì đâu đến nỗi. Cho nên Nguyễn Trường Tộ đã ngán ngẩm so bì: “ Nhật Bản xưa là một lũ người lùn, từ Trung Diệp nhà Minh, mới bắt đầu giao hảo với Hà Lan, làm bạn với Bồ Đào Nha, kế đến mời Hiệp Chủng Quốc giúp vào việc nước, mở mắt nhìn rộng rãi thiên hạ mới có các chí hướng như vậy ”.
Nhìn sang Thái Lan cũng thế, năm 1868 vua Chalalongkorn lên nối ngôi vua cha Moongkut. Vua Chalalongkorn chịu ảnh hưởng sâu sắc của Phương Tây, có kiến thức rộng, lại chịu đi tham quan nhiều nước ở Châu Âu và các nước láng giềng để học hỏi. Ông tích cực cho các thành viên của Hoàng gia du học ở Châu Âu và mời các chuyên gia Phương Tây vào làm cố vấn để xây dựng hạ tầng cơ sở, giáo dục và ngoại giao.
Sự nghiệp canh tân đất nước của Nhật Bản và Thái Lan thành công, giúp cường thịnh đất nước gìn giữ được độc lập dân tộc là nhờ những người lãnh đạo cao nhất có học thức, nhìn xa thấy rộng, nắm bắt được xu thế của thời đại, biết mình biết người, biết hy sinh cái nhỏ để đạt được cái lớn, cho nên họ đã đạt tới cái đích vẻ vang như ngày nay.
“ Ỷ Pháp cầu tiến bộ ” và “ Ỷ Pháp tự trị ”
Nhằm canh tân đất nước, với Hiệp ước Nam Kinh 29 tháng 8 năm 1842, Trung Quốc chấp nhận mở cửa cho tự do mậu dịch giao thương với nước ngoài đồng thời nhường một số địa bàn cho các nước Phương Tây. Từ những năm 60 của thế kỷ XIX hàng loạt quan chức triều đình nhà Thanh như Dịch Tố, Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương … đã khởi xướng cuộc vận động học tập Phương Tây, gọi là “ Dương vụ vận động ”. Họ chủ trương gửi nhiều học sinh du học nhằm tiếp thu và sử dụng kỹ thuật Phương Tây để chấn hưng kinh tế và củng cố ngai vàng.
Vào thời kỳ này, tại Nhật Bản, mặc dù triều đại Tokugawa vẫn thi hành chính sách đóng cửa, nhân dân vẫn tìm cách phá rào, tự ý giành quyền giao thương với các tầu buôn ngoài khơi các hải cảng. Đến năm 1854, Hiệp ước hữu nghị và thương mại Nhật Bản-Hoa Kỳ được ký kết, và năm 1856, Nhật Bản dã thành lập Thương xá quốc tế và Phòng giao dịch sách ngoại quốc chủ yếu với các sách khoa học kỹ thuật Phương Tây. Từ đấy, nhân dân Nhật Bản nhận thức được sức mạnh ưu việt của nền văn minh Phương Tây, định hướng được con đường đúng đắn phải đi là mở cửa, học tập khoa học-kỹ thuật Phương Tây để thoát khỏi họa ngoại xâm. Năm 1868 Minh Trị lên ngôi. Vị vua Nhật Bản anh minh này đã sáng suốt thi hành chính sách cải cách mở cửa thực sự, tạo ra thời kỳ mới, đưa đất nước Phù Tang vươn lên cường quốc hàng đầu thế giới.
Ở Việt Nam, nhằm canh tân đất nước, Phan Chu Trinh chủ trương “ Ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Chẳng những thế, Cụ còn hy vọng “ Ỷ Pháp tự trị ”. Nghĩa là, Cụ hoàn toàn tin rằng có thể hợp tác chặt chẽ với Pháp không những để chấn hưng đất nước mà còn để giành độc lập dân tộc.
Trong thư gửi Toàn quyền Đông Dương năm 1906, Phan Châu Trinh viết “ Nếu chính phủ thật lòng đổi hết chính sách đi, kén chọn người hiền tài, trao quyền bính cho, lấy thành mà đãi, cùng nhau lo việc dấy trừ lợi hại ở trong nước, mở đường sinh nhai cho dân nghèo, rộng đường ăn nói cho thân sỹ, báo quán cho mở rộng để thông đạt tình dân, thưởng phạt cho nghiêm minh để khuyên răn quan lại …thế thì dân được yên nghiệp làm ăn, sỹ thì vui lòng giúp việc cho chính phủ, chỉ sợ người Pháp bỏ nước Nam mà đi, còn ai mưu toan việc chống cự nữa ”. Cụ thực sự tin tưởng khả năng hòa giải, hòa hợp để kiến thiết thành công tình thâm giao Viêt- Pháp :
“ Sao cho hai nước đồng tâm
Bỏ trường ca hận, chép ngâm thái bình ”
Cụ kêu gọi thống thiết: “ Hỡi người nước Đại Pháp, là dân tộc tiên tiến của Châu Âu, thương ghét không chừng, dễ như trở bàn tay, các người có thể suy tấm lòng nghĩa hiệp, bác ái kia mà cho người Nam chúng tôi một nẻo đường sống hay không ? Hỡi người nước Nam ta, cần phải bỏ cái tính ỷ lại Trung Quốc mới có thể sống còn trên thế giới của thế kỷ hai mươi ” ( Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam ).
Trong cuộc họp với 300 sinh viên, trí thức Việt Nam và Pháp ngày 2 tháng 1 năm 1925 trong Salle des Socíétés Savantes ( Phòng các hội bác học ) tại 28 phố Serpente ở Pháp, Phan Châu Trinh nói : “ Trong nước ta có ít nhất 20 triệu dân và có các nhà bác học cũng có tài năng như người Âu, thế mà, như đàn chó con, chúng ta phải bước theo lệnh người Pháp, đôi khi ngay cả những mệnh lệnh chông lại chính bản thân mình
Chúng ta đều nhất trí thừa nhận rằng dưới ảnh hưởng của Pháp, chúng ta đã tiến bộ rất nhiều và chúng ta sung sướng vì nước Pháp đã đưa nền văn minh Âu Châu đến nước ta. Tôi rất sung sướng và hãnh diện nhận thấy thanh niên Annam ngày càng sang học ở Pháp nhiều. Khi trở về Đông Dương, họ sẽ được trang bị tốt hơn để đấu tranh chống bất công và lạm quyền, nhất là với những quan lại không chỉ vô tích sự mà còn độc hại ”.
Từ 1911 đến 1914, Phan Châu Trinh khi ở Pháp đã kết thân và cộng tác với nhiều người Pháp có tư tưởng dân chủ như : thiếu tá Roux, giáo sư Sylvain Lévy, Moutet, Sarraut … và nhiều kiều bào ở Pháp
Cụ rút ra những nhận đình về nước Pháp : “ Trong suốt 11 năm ở Pháp, tôi đã thẳng thấn và chân thành yêu mến nước này, đánh giá được sự tài giỏi của nó, biết được cái thể chế của nó trong các giai đoạn phát triển ”.
Mặc dầu vậy, trong các bản nhận xét của cơ quan Bộ Thuộc địa Pháp vào các ngày 18 tháng 10 năm 1924 và 10 tháng 11 năm 1924 vẫn nhận xét rằng : “ Cũng phải công bằng thừa nhận cuộc sống cuả Phan Châu Trinh là đáng kính trọng. Nhưng phải thấy rõ ràng là Phan Châu Trinh mang tinh thần dân tộc cao mà y không hề dấu diếm với đồng bào y ở đây và cả với những người Pháp không có quan hệ gì với chính quyền …, quan điểm của y không hề thay đổi và y vẫn ghét Pháp vì Pháp vẫn đô hộ đất nước y… Tất cả những thông tin có được cho thấy Phan Châu Trinh không ngừng toan tính tác động đến đồng bào y một cách có suy nghĩ theo xu hướng quốc gia Annam mạnh mẽ và thù địch với sự đô hộ của chúng ta ở Đông Dương ”. Tuy nhiên, ba tháng đầu năm 1925 cũng đã diễn ra một loạt cuộc họp trong nội bộ người Việt Nam ở Pháp, huy động từ “ Hội những người nấu bếp ” đến “ Hội Liên hiệp Thuộc địa ”, cả “ Hội tương tế người Đông Dương ” do Bộ Thuộc địa đỡ đầu. Các sinh viên và lao động trí óc cũng tích cực tham gia, được Moutet và các bạn bè của ông trong Liên minh Nhân quyền tích cực ủng hộ. Cuối cùng, một tổ chức đã hình thành với Liên hiệp Pháp Đông Dương do Phan Châu Trinh làm chủ tịch, Trần văn Khá làm tổng thư ký. Tham gia về phía Pháp có nhiều trí thức tiến bộ trong Liên minh Nhân quyền và đảng Xã hội. Moutet đích thân làm chủ tịch danh dự của Hội Liên hiệp Pháp- Đông Dương. Grandjean, Victor Bash chủ tịch Liên minh.
Theo giáo sư Trần văn Giầu, Phan Châu Trinh cho rằng đạo đức luân lý Tây phương cao hơn đạo đức luân lý Đông phương cho nên nó có thể bao gồm chủ nghĩa yêu nước. Đáng nhẽ chủ nghĩa yêu nước phải là vấn đề căn bản nhất của đạo đức luân lý nhưng ở nước ta nó bị hạn chế vì: một là, ở “ cái tính nô lệ của người mình ngày nay chính là mang từ trong gia đình chuyên chế mà ra ”; hai là, “ quốc gia luân lý của ta từ xưa đến nay chỉ ở trong vòng chật hẹp của hai chữ vua tôi ”.
Nguyễn An Ninh, người mà cố thủ tướng Phạm văn Đồng đã đánh giá là người: “ có tầm vóc một nhà lãnh đạo một cuộc cách mạng ” cũng đã từng tỏ ra kỳ vọng rất nhiều ở Pháp: “ Giờ đây nước Pháp đã đến, đã chìa tay ra cho ta. Ta cứ chạy sang bên họ, xem cái gì đã tạo nên sức mạnh, đã tạo nên cái lớn lao của họ …Ta sẽ nói lên với những người anh em của ta, nước Pháp là thế nào, nước Pháp đẹp đẽ biết bao, và nói lên tình cảm mà nước Pháp đó dành cho những người con của họ ở Châu Á ”. Trong bài diễn thuyết đêm 25 tháng1 năm 1923 tại Sàigòn, ông nói: “ … nền văn hóa của Pháp quốc có thể dắt người đến nơi đức sáng để sửa mình, trị nhà, rèn đúc vĩ nhân, bác sỹ, nâng đỡ trính độ nước nhà, cho dân tộc nở nang hầu khỏi cái kiếp diệt vong ”.
Thông qua báo “ La Close Félée ” ( Tiếng chuông rè ) và L’Annam ông tích cực truyền bá những tư tưởng nhân văn cơ bản của các nhà khai sáng Pháp, tuyên truyền nguyên tắc tự do-bình đẳng-bác ái mà nhân loại đã xem như giá trị nhân văn chung cho cả loài người nhằm mục đích khai mở trí tuệ dân tộc để xây dựng một nước Pháp thứ hai ở Châu Á với chế độ dân chủ tiến bộ.
Một số chính sách thông thoáng của toàn quyền Albert Sarraut cũng từng có lúc làm cho Nguyễn Ái Quốc thấy có thể trông mong vào người Pháp. Báo cáo mật của chỉ điểm Edouard về cuộc thảo luận tối 19 tháng 12 năm 1919 tại 6 Villa des Gobelins có đoạn ghi : “ Tối hôm qua, lúc 9 giờ tối tôi đã gặp Nguyễn Ái Quốc tại nơi anh ta ở 6 Villa des Gobelins, có cả Lê văn Xao ở đấy …Quốc tán thành phần lớn chính sách của ông Sarraut ở Đông Dương, nhất là về phát triển dạy Pháp ngữ và mở rộng đường sắt cho phép khai thác tài nguyên rừng ở Trung Kỳ và Ai Lao, và tìm kiếm các sản vật quý hiếm trong khu vực trên ”. Người tin vào lòng tốt của người Pháp cả trong việc có thể nhờ cậy giải quyết việc riêng tư của gia đình. Để cứu cha thoát cảnh thất cơ lỡ vận, trong một lá thơ từ Mỹ gởi về cho khâm sứ Pháp tại Huế, Nguyễn Ái Quốc đã viết: "... , tôi dám xin Ngài vui lòng thuận cho cha tôi một công việc như là thừa biện ở các Bộ hoặc huấn đạo, hay giáo thụ để, dưới tấm lòng nhân hậu cao cả của ngài, ông ấy có được kế sinh nhai ".
Tại Hội nghị Tân Trào, chính chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố " Cho dù chúng ta muốn đánh Pháp, chúng ta cũng không đủ sức " và "... ta có thể đòi Pháp phải thừa nhận nước Việt Nam độc lập trong khuôn khổ Khối Liên hiệp Pháp, có quốc hội, có chính phủ, có quân đội, có tài chính và chính sách ngoại giao riêng; chúng ta bảo đảm quyền lợi kinh tế và văn hóa của Pháp tại Việt Nam; sau 5 năm thì nước Việt Nam hoàn toàn độc lập." (Hồi ký Hoàng văn Hoan, phần thứ tư, mục V).
*
Cùng thời với Phan Châu Trinh hoặc sau đó ít lâu, một số nước lệ thuộc Anh, trong đó có Ấn Độ đã tranh thủ được độc lập bằng phương pháp tương tự. Gandhi và sau đó là Nerhou đã dùng đấu tranh chính trị, ngoại giao kết hợp với giác ngộ và vận động quần chúng đấu tranh bất bạo động cũng đã thành công, giành được độc lập dân tộc.
Sau thế chiến thứ hai, từ 1946 đến 1949 các quốc gia Tây Phương lần lượt trao trả độc lập cho các thuộc địa tại Á Châu. Syrie và Liban là hai quốc gia được Pháp trao trả độc lập. Lãnh đạo của các quốc gia này được đào tạo tại Pháp. Họ đã nhận ra ngoài các đảng bảo thủ chủ trương duy trì thuộc địa còn có đảng Xã hôị Pháp chủ trương giải phóng thuộc địa. Họ đã rất thành công trong phương cách đấu tranh ôn hòa để giành lại độc lập cho dân tộc. Năm 1936 ở Pháp Mặt trận Bình dân nắm chính quyền, thủ tướng Xã Hội Léon Blum ký hiệp ước trả tự trị cho các quốc gia này. Năm 1946, quân đội Liên hiệp Pháp rút khỏi các quốc gia này. Syrie và Liban nghiễm nhiên giành được độc lập trong hòa bình.
Ngày 27-3-1947 Hội đồng chính phủ Ramadier cùng Hội đồng các chính đảng Pháp, có cả lãnh tụ cộng sản Maurice Thorez và lãnh tụ Xã Hội Marius Moutet, công bố quyết nghị về chính sách mới của Pháp tại Việt Nam. Theo quyết nghị này Pháp tán thành nguyện vọng chính đáng của nhân dân Việt Nam về độc lập và thống nhất. Ngay sau đó, Pháp đã chính thức đăng ký với Liên Hiệp Quốc ba nước Đông Dương (Việt Miên Lào) là những quốc gia độc lập.
Tiếc rằng Liên Xô sử dụng quyền phủ quyết đã từ chối đơn xin gia nhập của Việt Nam!
Người ta nhớ lại rằng, trong buổi thảo luận tối 19 tháng 12 năm 1919 tại 6 Villa des Gobelins Phan Châu Trinh đã từng phê phán Nguyễn Ái Quốc: “Xin cho tôi được nhận xét là anh quá trẻ và có bầu máu quá nóng. Anh muốn 20 triệu đồng bào ta tay không phải làm gì để chống lại súng ống của Phương Tây? Tại sao phải hy sinh vô ích để chẳng di đến kết quả gì? Nên chăng, cứ phải đòi hỏi một cách mềm mỏng nhưng rất kiên quyết với lòng kiên trì to lớn tất cả các quyền mà danh hiệu làm người cho phép chúng ta đòi hỏi?”.
Hà Nội 15 tháng 9 năm 2006
Nguyễn Thanh Giang
Số nhà 6 – Tập thể Địa Vật lý Máy bay
Trung Văn – Từ Liêm – Hà Nội
No comments:
Post a Comment