Tuesday, March 31, 2009

ĐỘC LẬP VÀ TỰ DO THEO CÁCH NHÌN CỦA PHAN CHÂU TRINH

Độc Lập Và Tự Do Theo Cách Nhìn Của Phan Châu Trinh

Mai Thái Lĩnh

[29/10/2008 - Tác giả: admin1 - Vietnam Review]

http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=8239

Viết nhân kỷ niệm hai năm ngày thành lập
Hội Ái hữu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam (27/10/2006-27/10/2008)

Điểm độc đáo trong quan niệm chính trị của Phan Châu Trinh


So với những người yêu nước cùng thời, Phan Châu Trinh có một quan niệm rất khác biệt về độc lập dân tộc. Đối với ông, độc lập dân tộc không phải là mục tiêu duy nhất và cũng không phải là mục tiêu tiên quyết. Giữa hai giá trị độc lập và tự do, ông nghiêng nhiều về phía tự do, hay nói chính xác hơn, đối với ông độc lập không có ý nghĩa nếu không gắn liền với tự do.

Sở dĩ ông có cái nhìn khác người như thế là vì ông đánh giá nguyên nhân mất nước bằng một cái nhìn tỉnh táo, sáng suốt hơn nhiều người khác. Thông thường, đối với một người yêu nước, nhìn thấy đất nước mình bị mất chủ quyền, bị người nước khác đến đè đầu cưỡi cổ, thì phản ứng tự nhiên là quy nguyên nhân cho bên ngoài : ta mất nước là vì dã tâm của kẻ xâm lược. Vào cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, kẻ xâm lược đó chính là nước Pháp, do đó ghét Pháp là tình cảm tự nhiên, không cần phải lý luận dông dài. Quan điểm đó bắt nguồn từ một cách nhìn nặng phần cảm tính, không phải là cái nhìn khách quan, khoa học. Nhưng nó lại là một phản ứng tự nhiên, bột phát của những người dân trong một đất nước bị lệ thuộc, kể cả giới trí thức.


Riêng đối với Phan Châu Trinh, ông có một cách nhìn khác hẳn. Đối với ông, ta mất nước, ta yếu hèn thì chỉ có 50% là do người khác, còn 50% là do bởi chính ta :
Huống ta ở dưới tay người Pháp,
Sáu mươi năm thấm thoát đã qua.
Lỗi lầm cũng nửa bởi ta,
Cạn suy vụng tính, hóa ra lỡ làng.
1/

Nói cách khác, ta mất nước, ta yếu hèn không phải chỉ do lòng tham hoặc do ác tâm của nước khác, mà trước hết là do ta yếu, ta hèn. Trong cuộc cạnh tranh ác liệt vào nửa cuối thế kỷ 19, một quốc gia yếu hèn đương nhiên sẽ rơi vào tay một quốc gia hùng mạnh khác. Vì vậy, để có thể giải quyết vấn đề tận gốc, trước hết phải chữa căn bệnh trong chính bản thân ta. Muốn chữa được căn bệnh yếu hèn, phải giải đáp được câu hỏi : tại sao các nước phương Tây lại mạnh lên và tại sao các nước phương Đông lại trở nên hèn yếu? Độc lập dân tộc chỉ có ý nghĩa khi căn bệnh yếu hèn được chữa khỏi, khi dân tộc đủ sức vươn vai đua chen cùng các dân tộc khác. Nếu không, chủ trương “độc lập bằng mọi giá” sẽ dẫn đến tình trạng dân tộc giành được độc lập rồi mà vẫn phải tiếp tục sống trong cảnh nghèo nàn, lạc hậu, giành được địa vị giữa chính trường quốc tế mà vẫn phải ngửa tay xin tiền một cách không biết nhục. Đó chính là tình trạng của hàng loạt quốc gia Á, Phi, Mỹ la-tinh ngày nay, sau hàng chục năm độc lập vẫn tìm cách biện minh cho sự yếu kém trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế bằng cách đổ trách nhiệm về tình trạng đói nghèo cho thực dân, đế quốc mặc dù “quân xâm lược” chỉ còn là hình bóng của quá khứ.

Hiểu được quan niệm về độc lập và tự do của Phan Châu Trinh, chúng ta mới có thể hiểu được mối bất đồng sâu sắc giữa Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu vào đầu thế kỷ trước. Trong cuốn Phan Bội Châu niên biểu (còn gọi là Tự phán), Phan Bội Châu kể lại việc Phan Châu Trinh đến thăm Nhật vào tháng 4 âm lịch (tức tháng 5 dương lịch) năm 1906 như sau :
Hồi tôi lên Đông Kinh, cụ Tây Hồ cùng đi với tôi. Cụ với tôi thăm các học đường và khảo sát những công việc chính trị giáo dục của Nhật Bản. Cụ bảo tôi rằng :
“Trình độ quốc dân Nhật Bản như thế, mà trình độ quốc dân ta thì như thế, không nô lệ làm sao được! Được bấy nhiêu học sinh vào nhà học Nhật Bản là sự nghiệp rất lớn của ông đó. Từ nay nên lưu Đông yên nghỉ, hết sức chăm chỉ ở việc làm sách và bất tất nói chuyện bài Pháp làm gì, chỉ nên đề xướng dân quyền. Dân đã biết có quyền, thì việc khác đều có thể tính làm được”.

Từ đó luôn mười ngày, tôi với cụ tráo trở bàn bạc, ý kiến rất trái nhau. Cụ thì muốn đánh đổ quân chủ, mà cốt vun trồng lấy nền tảng dân quyền, dựa vào Pháp mà đánh đổ quân chủ. Còn ý tôi thì trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc gì khác. Vì thế, mà đương lúc đánh với Pháp, phải lợi dụng quân chủ. Chính kiến của hai người rất phản đối nhau. Bởi vì cụ với tôi vẫn cùng một mục đích, mà thủ đoạn thì khác nhau xa. Cụ thì muốn đi theo lối dựa Pháp đánh đổ vua, tôi ưng theo lối bài Pháp phục Việt, sở dĩ mâu thuẫn với nhau là vì thế.
Tuy nhiên, chính kiến vẫn trái nhau, mà ý khí lại rất ưa nhau, cụ với tôi kề gối chung giường, ước non một tháng thì cụ muốn về nước. 2/


Như vậy, sự khác nhau căn bản là ở chỗ theo Phan Châu Trinh, trước hết phải “nên đề xướng dân quyền; dân đã biết có quyền, thì việc khác đều có thể tính làm được.” Ngược lại, Phan Bội Châu thì “trước muốn đánh đổ người Pháp, chờ nước mình độc lập rồi, mới bàn đến việc gì khác.” 3/

Sau khi từ Nhật trở về, Phan Châu Trinh và một số đồng chí bắt đầu cuộc vận động văn hóa –chính trị mà các nhà sử học thường gọi là Phong trào Duy tân (nói theo ngôn ngữ thời nay là “phong trào đổi mới”). Thấy ảnh hưởng và uy tín của nhóm Quảng Nam ngày càng lên cao, lo sợ nhiều người yêu nước sẽ ngả theo hướng này, Phan Bội Châu đã viết một lá thư cho Phan Châu Trinh, trong đó có ý can ngăn việc đề xướng thuyết dân chủ, bởi vì :
… quốc dân ta ngày nay còn đang măng sữa, khác nào còn ở giai đoạn phôi thai. Răng đứa trẻ con chưa chắc mà đã đút xương bắt nhai; chân đi chưa vững mà lấy roi vọt khua bắt chạy, làm thế nào mà nó không hóc, không què, thì thiệt là vô lí! Trình độ quốc dân ta còn kém hẳn người Âu. (…) Bây giờ vội vã đề xướng một học thuyết không đầu không đuôi, đưa người đến giữa ngã ba, ngã bẩy, tiếng đó la lên, rồi đây sẽ được mấy người tán thành? Thế rồi những kẻ tài năng có thể gánh vác công việc, trí khôn có thể tập hợp anh em, sẽ do sự bất đồng ý kiến đó mà mâu thuẫn cùng nhau. Kẻ thù bên ngoài chưa diệt được mà trong nội bộ Đảng đã chia rẽ…Dân không còn nữa, mà chủ với ai? Khi đó thì dầu Huynh ông có bầu máu nóng đến mấy đi nữa, rồi chả biết rưới vào đâu nữa đâu! 4/

Mãi cho đến ngày nay, vẫn còn rất nhiều trí thức – trong đó có cả những nhà sử học, dựa vào ý kiến này để phê phán Phan Châu Trinh. Nội dung của lập luận này là : dân không còn, nước không còn, lấy gì để nói đến dân chủ?

Tự do có trước, độc lập có sau

Thực ra, nếu chịu khó nghiên cứu lịch sử của nhiều quốc gia khác và bớt đi cái nhìn thành kiến đối với những nhà yêu nước chủ trương giành độc lập bằng con đường đấu tranh chính trị ôn hòa, chúng ta sẽ thấy rằng lời phê bình của Phan Bội Châu đối với Phan Châu Trinh là một lời phê bình không xác đáng, và cách đánh giá của hậu thế đối với Phan Châu Trinh là không công bằng.

Trước hết, khi một quốc gia mất độc lập thì chủ quyền của nước đó không còn nhưng không thể nói là dân không còn. Nói một cách cụ thể, vào cuối thế kỷ 19, khi Việt Nam bị rơi vào tay thực dân Pháp thì vương quyền của triều Nguyễn không còn (vua không còn) hay chỉ còn là hư vị (vua bù nhìn) nhưng không thể nói là “dân không còn”. Hai là : trong một nước mất độc lập, người ta vẫn có thể xây dựng dân chủ, bởi vì dân chủ là một thể chế được xây dựng dần từ thấp đến cao, không thể một sớm một chiều có được một cách trọn vẹn, hoàn chỉnh. Hơn thế nữa, một dân tộc vẫn có thể đạt đến một trình độ dân chủ nhất định trước khi giành được độc lập trọn vẹn.

Ở đây tôi chỉ nêu hai trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là Na Uy. Sau khi Napoleon thất trận tại Leipzig, Đan Mạch (đồng minh của Napoleon) phải ký hiệp ước Kiel (tháng 1 năm 1814) đồng ý giao Na Uy cho Thụy Điển. Người Na Uy đã nhân cơ hội này mưu toan giành độc lập bằng cách triệu tập một Quốc hội tại Eidsvoll và thông qua một bản hiến pháp. Bị Thụy Điển khuất phục bằng một chiến dịch chớp nhoáng kéo dài 14 ngày, người Na Uy đành phải chấp nhận gia nhập vào một Liên hiệp Vương quốc mới : Liên hiệp Thụy Điển – Na Uy, trong đó quyền lực tối cao thuộc về Thụy Điển. Họ đành chịu mất quyền ngoại giao và quốc phòng vào tay người Thụy Điển, nhưng quyết tâm giữ vững thành quả dân chủ vừa đạt được trong khuôn khổ một chế độ tự trị. Trong gần một thế kỷ, người Na Uy đã nhẫn nhục xây dựng chính quyền của họ thành một chính quyền dân chủ vững mạnh trước khi tiến hành giành độc lập hoàn toàn. Trong thực tế, mãi đến năm 1905 Na Uy mới giành được độc lập trọn vẹn, nhưng chế độ đại nghị ở đây đã được xác lập vào năm 1884 và được mở rộng cho các giai cấp, tầng lớp dân cư trong những thập niên cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20. Các nhà sử học đánh giá rằng chế độ đại nghị đã hình thành và phát triển tại Na Uy sớm hơn so với hai nước độc lập trong vùng là Đan Mạch và Thụy Điển.
Như vậy là trong gần một thế kỷ, các giai cấp và tầng lớp ở Na Uy một mặt đấu tranh với nhau về mặt quyền lợi, nhưng vẫn đoàn kết với nhau trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Nói cách khác, cuộc đấu tranh giành độc lập ở Na Uy gắn liền với sự nghiệp xây dựng chế độ dân chủ.

Trường hợp thứ hai là Ấn Độ. Đảng Quốc Đại (Indian National Congress, hay còn gọi là Congress Party) được thành lập từ năm 1885 với mục tiêu mang tính « cải lương » là đấu tranh để những trí thức Ấn đã được hưởng một nền học vấn kiểu Tây phương giành được địa vị xứng đáng trong bộ máy chính quyền thuộc địa. Chính Allan Octavian Hume, một công chức người Anh, đã tổ chức phiên họp đầu tiên của đảng tại Bombay, với sự đồng ý của Huân tước Dufferin, phó vương tại Ấn Độ vào thời đó. Thay vì tẩy chay, nhiều nhà yêu nước tại Ấn Độ đã tham gia vào tổ chức chính trị mang tính chất « cải lương », « xôi thịt » đó và từng bước biến đổi nó thành một môi trường hoạt động chính trị công khai, hợp pháp.
Vào thời kỳ đầu, đảng Quốc Đại chưa đặt vấn đề về sự hiện diện của người Anh trên đất nước Ấn Độ. Mãi về sau, do tác động của các nhà yêu nước, đòi hỏi của đảng ngày càng trở nên cấp tiến hơn và đảng trở thành tổ chức đóng vai trò chủ chốt trong cuộc đấu tranh giành độc lập. Trong quá trình đấu tranh, mục tiêu được đặt ra đầu tiên là tự trị, mãi đến giai đoạn sau yêu cầu độc lập mới được đặt ra. Mặt khác, trong từng giai đoạn, Đảng Quốc đại đã chấp nhận tham gia tranh cử vào các cơ quan lập pháp ở địa phương để đạt được những thắng lợi từng phần. Chính đường lối đấu tranh này đã góp phần thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, và những mầm mống của chế độ dân chủ sau này đã hình thành ngay trong thời kỳ Ấn Độ chưa giành được độc lập.

Khi có độc lập mà không có tự do

Lịch sử của thế kỷ 20 đã cho thấy có rất nhiều quốc gia rơi vào tình trạng có độc lập mà không có tự do. Một số tổ chức chính trị trong quá trình đấu tranh giành độc lập dân tộc đã ra sức kêu gọi người dân hy sinh quyền lợi cá nhân cho quyền lợi chung của Tổ quốc, nhưng sau khi giành được độc lập lại không cho phép người dân được hưởng các quyền tự do căn bản. Họ tiếp tục bắt buộc người dân hy sinh quyền lợi riêng để phục vụ cho quyền lợi của « Tổ quốc »,
nhưng lúc này Tổ quốc đã bị đánh tráo, nghĩa là bị đồng hóa với một dòng họ, một đẳng cấp hay một đảng phái chính trị. Thực chất của chủ nghĩa yêu nước giả hiệu đó là từ chối tự do, nhân quyền, từ chối chế độ dân chủ để thiết lập những hình thức độc tài kiểu mới nhân danh dân tộc, nhân danh Tổ quốc. Trong những chế độ đó, một thiểu số có đặc quyền, đặc lợi được hưởng mọi thứ tự do – kể cả tự do tham nhũng mà không bị pháp luật trừng trị, trong khi « tự do » trở thành một thứ xa xỉ phẩm đối với tuyệt đại đa số người dân.

Và để ngăn cản cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, các chế độ độc tài kiểu mới đó đã ra sức rao giảng, quảng bá những thứ chủ nghĩa bài ngoại đội lốt chủ nghĩa dân tộc hay « chủ nghĩa phương Đông » trong đó các giá trị tự do, dân chủ được gắn liền với nền văn minh phương Tây. Họ lập luận rằng văn minh phương Tây là nguồn gốc của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc, cho nên tự do, nhân quyền là món « hàng xuất khẩu » của phương Tây không thể đem áp dụng vào các nước chậm phát triển. Như vậy, tự do, dân chủ đáng lẽ là mục tiêu phấn đấu để một khi dân tộc được giải phóng thì từng thành viên của dân tộc cũng phải được hưởng tự do, nay bỗng dưng lại biến thành hàng quốc cấm.

Trong số các đảng phái chính trị chủ trương « độc lập không-tự do », có Đảng cộng sản Việt Nam
. Mặc dù cũng nói đến hai chữ “tự do”, nhưng khi đề cập đến nội dung của khái niệm này, các nhà lãnh đạo của Đảng lại giải thích nó chẳng khác gì hai chữ ”độc lập”. Dựa trên hệ tư tưởng Marx-Lenin, các nhà lý luận chính thống coi tự do, nhân quyền là các giá trị gắn liền với giai cấp tư sản, với chủ nghĩa tư bản, với thực dân đế quốc. Họ rao giảng một thứ chủ nghĩa tập thể nhằm thủ tiêu các quyền tự do, bởi vì các quyền tự do căn bản (được gọi chung là nhân quyền) thực chất là quyền của cá nhân. Tệ hại hơn nữa, bộ máy “chuyên chính” còn tìm cách gán ghép cuộc đấu tranh cho tự do, nhân quyền với âm mưu của các thế lực phản động bên ngoài nhằm phá hoại độc lập dân tộc, xâm phạm chủ quyền của quốc gia.

Trong hơn nửa thế kỷ ở Miền Bắc và hơn ba thập niên trên quy mô cả nước, Đảng cộng sản đã thành công phần nào trong việc làm rối loạn các giá trị tinh thần, đổi trắng thay đen, khiến cho rất nhiều người mơ hồ, lẫn lộn, coi tự do, nhân quyền chỉ là chiêu bài của các nước phương Tây nhằm che đậy âm mưu can thiệp vào nội bộ đất nước mình. Rất nhiều người thuộc các thế hệ sinh sau, đẻ muộn đã không biết được rằng : người đầu tiên coi tự do là giá trị ưu tiên so với độc lập, người đầu tiên chủ trương thực hiện dân quyền (tức nhân quyền) để làm cho đất nước Việt Nam được cường thịnh không phải là một người phương Tây hay một người Việt « tay sai » của thực dân hay đế quốc mà là một người Việt yêu nước đã từng bị thực dân Pháp bỏ tù đến hai lần, một lần thông qua triều đình Huế và một lần thông qua bộ máy chính quyền ngay tại chính quốc.

Trong bản thảo bài trường thi « Tỉnh quốc hồn ca II », Phan Châu Trinh viết :
Cuộc đời là cuộc đôi co,
Công quyền là thánh, tự do là thần.
5/

Diễn giải theo ngôn ngữ thời nay, hai câu thơ trên đây có nghĩa là : trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia trong xã hội hiện đại, mỗi dân tộc muốn giành thắng lợi phải đề cao hai nguyên tắc : công quyền và tự do.
Nói công quyền có nghĩa là : quyền lực chính trị là của chung, Nhà nước là của toàn dân, tức là nói đến chế độ dân chủ - một chế độ trong đó quyền lực chính trị không là tài sản riêng của bất cứ cá nhân, phe nhóm, đảng phái nào. Nói tự do có nghĩa là : tất cả mọi người - không phân biệt chủng tộc, chính kiến, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, đều phải được hưởng các quyền tự do căn bản mà chúng ta thường gọi là quyền con người (nhân quyền). Mỗi quốc gia muốn trở thành cường thịnh để không bị thua thiệt mỗi khi bước vào “cuộc đôi co”, phải xây dựng chế độ dân chủ và tạo điều kiện cho người dân được hưởng các quyền tự do căn bản. Điều đó là chân lý đối với tất cả các quốc gia, nhưng đối với một quốc gia nhỏ bé nằm bên cạnh một cường quốc chưa lúc nào từ bỏ chủ nghĩa dân tộc nước lớn (chauvinism) lại càng phải tâm đắc hơn với bài học đó.

Những sự thật đã dần dần được phơi bày kể từ cuối thế kỷ 20 cho đến nay lại càng chứng minh cho mối quan hệ gắn bó giữa độc lập và tự do : một khi nhân dân không được hưởng tự do thì nền độc lập dân tộc cũng không thể được bảo vệ vẹn toàn. Do say sưa bởi quyền lực chính trị, một thứ quyền lực không giới hạn và được sử dụng một cách tùy tiện, do coi thường nhân dân và không dựa vào nhân dân, Đảng cộng sản Việt Nam đã đánh rơi ngọn cờ dân tộc trước sự uy hiếp của Đảng cộng sản Trung Quốc - một đảng luôn luôn coi việc giành từng tấc đất, từng mét vuông lãnh hải, hoặc từng hải đảo xa xôi của các nước láng giềng như một thành tích của công cuộc “xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Thái độ nhu nhược của các cấp có thẩm quyền ở nước ta trước hành động ngang ngược của nhà cầm quyền Trung Quốc chứng minh một điều : chỉ khi nào tự do được thực hiện thì độc lập dân tộc mới vẹn toàn, bởi vì lúc đó công cuộc bảo vệ đất nước sẽ trở thành sự nghiệp chung của toàn dân, tạo điều kiện cho sức mạnh dân tộc được phát huy trọn vẹn. Một chính quyền mà chỗ dựa của nó chỉ là một tầng lớp đặc quyền đặc lợi, chỉ tồn tại nhờ vào sự sợ hãi, phục tùng của người dân thì dù có binh hùng tướng mạnh đến đâu cũng không thể bảo vệ được đất nước một cách hiệu quả, vì nó chỉ có thể hùng hổ, dọa nạt người dân thấp cổ bé họng chứ không thể đương đầu với một chính quyền ngoại quốc có tiềm lực kinh tế và lực lượng quân sự lớn mạnh hơn nhiều lần.

Chưa bao giờ độc lập và tự do gắn bó với nhau như lúc này. Đối với một quốc gia nhỏ bé sống cạnh một cường quốc mang đầy dã tâm, chỉ có một chế độ thật sự dân chủ mới có thể huy động hết sức dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.


Những người đấu tranh cho tự do, nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam hiện nay luôn luôn có thể tự hào về sự nghiệp của mình. Bởi vì họ có được một vị tiền bối như Phan Châu Trinh, một người suốt đời xả thân cho tự do và dân chủ, suốt đời hy sinh cho một nền độc lập chân chính trong đó mỗi công dân, mỗi thành viên của xã hội đều được hưởng các quyền tự do căn bản. Đó cũng là một người tù chính trị đấu tranh cho sự giải phóng tất cả các tù nhân chính trị khác, một người suốt đời nuôi ước vọng về một nước Việt Nam không còn nhà tù chính trị - ước vọng mà mãi cho đến nay, vẫn chưa trở thành hiện thực.

Mai Thái Lĩnh
Đà Lạt, 20.10.2008


-----------------------------------------
1/ “Tỉnh quốc hồn ca II”, câu 425-428; Nguyễn Văn Dương, Tuyển tập Phan Châu Trinh, in lần thứ hai, Nxb Văn hóa Thông tin, 2006, tr.365.
2/ Phan Bội Châu, Toàn tập, Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây - Nxb Thuận Hóa, 2001, tập 6, trang 158-159. Bản dịch từ nguyên bản chữ Hán sang chữ quốc ngữ do chính Phan Bội Châu thực hiện. Ở đây, tác giả dùng chữ “thủ đoạn” với cùng ý nghĩa như chữ “sách lược” mà hiện nay chúng ta quen dùng.
3/ Riêng về chủ trương “dựa Pháp” (ỷ Pháp) của Phan Châu Trinh, một chủ trương đã bị hiểu lầm hay xuyên tạc bởi rất nhiều người, tôi sẽ bàn đến trong một dịp khác.
4/ Phan Bội Châu, Toàn tập, sđd, tập 2, trang 272.
5/ “Tỉnh quốc hồn ca II”, câu 347-348; Nguyễn Văn Dương, sđd, tr.360.

No comments:

Post a Comment