Tuesday, March 3, 2009

TÌNH CẢNH NGƯỜI THƯỢNG VN TỊ NẠN TẠI THÁI LAN

Tình cảnh người Thượng Việt Nam tỵ nạn ở Thái Lan
Nhã Trân, phóng viên RFA-Bangkok
2009-03-03
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Update-on-Vietnamese-Montagnards-Current-Situation-in-Thai-Q-A-03032009173214.html
Trong vài trăm người Việt tỵ nạn hiện đang nương náu ở Thái Lan có nhiều người Thượng Tây Nguyên. Phần lớn trong số này rời Việt Nam đã lâu với hy vọng được Cao uỷ LHQ đặc trách về tỵ nạn nhận cho định cư tại một quốc gia thứ ba.
Thế nhưng đến nay đa số vẫn bị từ chối và vì thế họ phải ẩn lánh ở Thái Lan.

Người Thượng Tây Nguyên không dám trở vê VN

Những người Thượng Tây Nguyên theo đạo Tin Lành Montagnard đào thoát từ Việt Nam và chạy sang Campuchia đã một vài năm. Bị từ chối quy chế tỵ nạn sau khi nộp đơn lên Cao uỷ Tị nạn LHQ (UNHCR), họ phải trốn qua Thái Lan vì không muốn bị cưỡng bách hồi hương.
Những người này thuộc 4 sắc tộc gồm K’hơ, Jarai, Eđê và M’nong. Đặt chân đến Thái trong vài năm trở lại đây là 47 người đến từ Việt Nam hoặc từ Campuchia sau khi chạy trốn khỏi Việt Nam. Sống trốn lánh ở Thái Lan họ phải chấp nhận rủi ro bị bắt lại và trao trả về nước, đồng thời chịu đựng cảnh túng đói.
Một số tín đồ đạo Tin Lành đang ở Thái sau khi trốn khỏi trại tỵ nạn của UNCHR ở thủ đô Phnom Penh. Người cầm đầu một nhóm 12 đồng bào xin được dùng tên tạm là Zamen. Anh Zamen cho biết đã rời Việt Nam sau khi bị chính quyền bắt giam 2 lần vì hành động bị lên án là chống đối nhà nước:

Anh Zamen: Tôi rời Việt Nam vào năm 2007. Lý do là bị chính quyền truy bắt vì tôi liên can đến vụ biểu tình đòi phần đất bị chính quyền tịch thu. Tại trại tỵ nạn Campuchia họ muốn trục xuất tất cả người Thượng về Việt Nam. Tôi không thể trở về Việt Nam vì lý do đó, nên phải chạy sang Thái Lan để xin tỵ nạn tiếp.
Nhã Trân: Và sau đó anh đã nộp đơn lên Cao Uỷ Tỵ nạn ở Thái Lan để xin đi định cư ở một nước thứ ba?

Anh Zamen: Dạ đúng thế ạ. Bên Campuchia đã phỏng vấn rồi, nhưng kết quả phỏng vấn thì họ không gửi cho tôi.
Nhã Trân: Các anh có biết lý do vì sao bị từ chối cấp quy chế tỵ nạn?

Anh Zamen: Dạ họ không nói lý do nhưng mà ngày nào họ cũng tuyên bố là họ không cho biết cái kết quả.
Nhã Trân: Đây chỉ là trường hợp riêng của anh hay là tất cả những người khác cũng bị từ chối, không được cho biết kết quả phỏng vấn và cũng không được lý do tại sao bị từ chối?

LHQ không nhận đơn xin tỵ nạn

Anh Zamen: Những người khác được nói rằng là bây giờ Liên Hiệp Quốc không tin họ, và ở Việt Nam bây giờ đã có tự do tôn giáo và đã có nhân quyền. Đi lại cũng rất thoải mái, không có việc gì, tình hình ở Tây Nguyên rất êm dịu, không có việc gì, cho nên LHQ không nhận những người Thượng nữa.
Hiện nay tôi ở Thái Lan. Khi tới Thái Lan tôi cũng đã tới văn phòng của LHQ xin được đi tỵ nạn. Nhưng mà văn phòng LHQ ở Thái Lan họ tuyệt đối không nhận nữa. Họ không cho phép tôi nộp đơn. Tôi đã viết đơn rồi; họ cũng không nhận đơn. Rồi họ từ chối và họ bắt chúng tôi phải quay về Campuchia.

Nhã Trân: Họ có nói lý do vì sao không nhận đơn, và buộc các anh phải trở về Campuchia?
Anh Zamen: Họ nói rằng không thể nhận bởi vì các anh là người của UN Campuchia, không phải là người đến từ Việt Nam

Nhã Trân: Xin hỏi anh câu cuối là vì sao anh không muốn bị trả về Việt Nam?
Anh Zamen: Lý do tôi không muốn về Việt Nam bởi vì tôi sợ bị Việt Nam trả thù. Điều đó tôi khẳng định, bởi vì những người bạn của tôi trước đây trở về đã bị rồi, bị xử lý theo pháp luật. Có người chết và có người đang ở trong tù. Điều đó tôi đã chứng kiến tận mắt rồi. Nếu mà tôi trở về thì có lẽ tôi cũng bị tương tự, như những người bạn của tôi trưóc đây.

Không dám trở về Việt Nam

Nhã Trân: Ngoài người cầm đầu một nhóm tín đồ Tin Lành Montagnard, một phụ nữ trẻ cũng thuộc sắc tộc Ê Đê lấy tên tạm là H’Ly Bya cũng xin được trình bày trường hợp của cô.
Cô H’ly Bya: Đây là tên tạm của em. Em phải giấu tên thật của em vì em sợ là chính quyền Việt Nam sẽ tới nhà em bắt anh chị em của em. Em sợ tại vì sau khi em rời khỏi Việt Nam thì công an đã tới nhà và bắt anh chị của em và gia đình của em.Bây giờ nhóm của em gồm 12 người vẫn ẩn núp ở đất nước Thái Lan này. Em rời Việt Nam năm 2007 vì bị chính quyền Việt Nam đàn áp.

Nhã Trân: Họ đàn áp như thế nào, và vì sao em bị chính quyền Việt Nam đàn áp?
Cô H’ly Bya: Dạ em bị Việt Nam đàn áp tại vì gia đình của em theo đạo Tin Lành, và thời ông nội em thì [ông] là sĩ quan Pháp, và tới đời bố của em thì bố em là sĩ quan Mỹ.

Nhã Trân: Em không được Cao uỷ Tỵ nạn nhận cho đi định cư vì lý do gì em có được biết không?
Cô H’ly Bya: UNHCR tại Campuchia nói là em không đủ tiêu chuẩn tỵ nạn.

Nhã Trân: Em có được nghe tiêu chuẩn tỵ nạn là như thế nào không?
Cô H’ly Bya: Họ nói rằng tụi em ở Việt Nam bây giờ… là Việt Nam đã có tự do tôn giáo, và vấn đề đã được dàn xếp êm dịu.

Nhã Trân: Theo như em đã cho biết thì thực tế không phải là như vậy, tức là vẫn có vấn đề về tự do tôn giáo ở Tây Nguyên?
Cô H’ly Bya: Hiện tại bây giờ Việt Nam nói với quốc tế thì họ nói là Việt Nam đã cho quyền tự do tôn giáo và các quyền tại vùng Tây Nguyên của chúng em , nhưng Tây Nguyên vẫn chưa có tự do tôn giáo. Họ đã bắt các vị thầy truyền đạo và các tín đồ, không cho tụi em sinh hoạt đạo; họ đã tịch thu quyển kinh thánh, sách thánh ca và các vị truyền đạo, và họ luôn tới nhà để điều tra, hù dọa, không cho tụi em tụ tập sinh hoạt đạo.

Nhã Trân: Em không muốn bị trả về Việt Nam lý do vì sao?
Cô H’ly Bya: Nếu em trở về Việt Nam có lẽ chính quyền Việt Nam sẽ không tha thứ cho em, và sẽ xử lý theo pháp luật của Việt Nam.
Những người này sống trong lo âu và túng thiếu, có thể bị bắt và xét xử bất cứ lúc nào về tội nhập cư bất hợp pháp, và phải đối diện với đói kém thường xuyên.
Ước nguyện tha thiết của những người Thượng Tây Nguyên hiện nay là được đi định cư. Các tín đồ Tin Lành Montagnard này cũng tâm sự là cuộc sống hiện tại vô cùng khó khăn nhưng họ đành chấp nhận tha hương nơi xứ người chứ không trở về Việt Nam.


No comments:

Post a Comment