Wednesday, March 4, 2009

CHÍNH TRỊ THẾ NÀO GIÁO DỤC THẾ ẤY

Hệ thống chính trị thế nào thì hệ thống giáo dục tương ứng như vậy
Dongsongxanh's Blog
Wednesday March 4, 2009 - 03:20am (CST)
http://blog.360.yahoo.com/blog-E3O5ezo8eqhJy1OJkhW0qjAxaCb4tHLU2Zo-?cq=1&p=429#comments
Giáo dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển của bất kỳ quốc gia nào, bởi vậy nó được coi là một quốc sách hàng đầu đối với những quốc gia văn minh, phát triển trên thế giới. Và chúng ta cũng biết rằng, nhờ một hệ thống giáo dục tiên tiến bậc nhất mà nước Mỹ đã thu hút và đào tạo được rất nhiều nhân tài góp phần cho sự phát triển kinh tế, xã hội vượt bậc của nước Mỹ với vẻn vẹn hơn 200 năm lịch sử.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà trong bài phát biểu dài 52 phút đầy thuyết phục của mình trước lưỡng viện Quốc hội ngày 24/2 mới đây, ông Barack Obama, vị tổng thống da đen đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa kỳ đã nhấn mạnh rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay chính là cơ hội để để tiến hành cải cách trong 3 lĩnh vực được coi là quan trọng nhất đối với sự phát triển của xã hội Mỹ: Y tế, Giáo dục và Năng lượng. “Về giáo dục, ông cam kết đưa nước Mỹ từ nay tới năm 2020 trở thành nước có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đại học lớn nhất thế giới. Theo ông, đầu tư cho giáo dục là đơn thuốc tốt nhất để khắc phục suy giảm kinh tế bởi các quốc gia có nền giáo dục mạnh hơn sẽ có sức cạnh tranh mạnh hơn ngày mai”.
(trích nguoidaibieu).

Có lẽ đây là điều mà có tới 99,99% những ai trong số chúng ta có chút hiểu biết đều tán thành và ủng hộ. Và thậm chí ngay cả ĐCS VN và nhà nước Việt Nam cũng đã nhận thức được điều này. Vấn đề ở đây là tại sao nhận thức được rồi nhưng lại không thể làm nổi? liệu có phải do thiếu kinh phí, thiếu nguồn lực, thiếu chính sách mà không làm nổi chăng? Trên thực tế nó chỉ đúng một phần, vấn đề quan trọng nhất lại nằm ở chỗ khác kia.

Nhân đọc bài
phỏng vấn Giáo sư Hồ Ngọc Đại trên Vietnamnet về tình hình giáo dục tại Việt Nam hiện nay và ý kiến của bạn Hoàng Tuấn về vấn đề này, DSX muốn nói rõ quan điểm cá nhân của mình về hệ thống giáo dục hiện nay của Việt Nam và mối liên hệ của nó với hệ thống chính trị hiện tại để khẳng định rằng hệ thống chính trị thế nào thì sẽ quyết định hệ thống giáo dục như vậy, hay nói khác là chính trị chi phối vào giáo dục sâu rộng thế nào.

Trước hết chúng ta hãy xem xét hệ thống chính trị hiện nay của Việt Nam ra sao.

Bất kỳ một quốc gia nào cũng đều xây dựng cho mình một hệ thống chính trị dựa trên một ý thức hệ nào đó. Đảng cộng sản Việt Nam cũng không ngoại lệ khi lựa chọn cho mình mô hình xã hội chủ nghĩa với phương châm chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp làm nền tảng cho hệ thống chính trị. Với đặc trưng như vậy thì thể chế chính trị do một đảng duy nhất nắm quyền là điều đương nhiên không phải bàn cãi. Bởi vì chế độ XHCN là một chế độ không thừa nhận đa đảng.

Như vậy, một đảng cầm quyền thì không thể có tam quyền phân lập trong hệ thống chính trị giống như thể chế chính trị đa đảng của các nước phương tây. Kết quả là hệ thống chính trị gồm ba trụ cột là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp của Việt Nam được hiểu theo hiến pháp là sự “điều hòa, phối hợp” trong hoạt động chứ không hề được phân định tách bạch. Nhìn vào cơ cấu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XII thì thấy trong số 493 đại biểu, số đại biểu ngoài đảng chỉ chiếm chưa đến 10% trên tổng số. Hơn nữa những đại biểu này chỉ là những thành phần thuộc dạng “trăm hoa đua nở” làm phong phú thêm cái gọi thành “đại biểu cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội”. Còn trên thực tế những vị trí quan trọng có ảnh hưởng, có tiếng nói và quyền quyết định trong xã hội đều do các ĐBQH là đảng viên ĐCS đảm trách. Do đó, tiếng nói của các ĐBQH ngoài đảng không thể có trọng lượng và được để ý tới trên diễn đàn Quốc hội.

Chính vì không có đa đảng, không có tam quyền phân lập mà những vị ĐBQH đảng viên có thể một lúc diễn nhiều vai ở các vị trí khác nhau. Khi họp Quốc hội thì họ là ĐBQH, khi không họp họ lại trở về với vị trí của họ bên Chính phủ (tức Hành pháp) hoặc trở về với bên Tòa án, VKS (Tư pháp) hoặc các Ban, ngành của Đảng. Thậm chí ngay cả khi họp Quốc hội thì họ vẫn thực hiện vai diễn khác của mình bằng cách ra mệnh lệnh hành chính cho cấp dưới ngay tại phòng họp Quốc hội.

Bởi vậy không ngạc nhiên gì khi thấy Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ (đều là đảng viên và đương nhiên phải là đảng viên) cùng các vị quan chức hành pháp, tư pháp cũng được bầu làm ĐBQH. Và nó đã tạo nên hai kiểu ĐBQH là chuyên trách và kiêm nhiệm ở trung ương và tại địa phương. Nghĩa là một bộ phận ĐBQH dành nhiều thời gian hơn cho công việc của Quốc hội, còn những đại biểu kiêm nhiệm thì chủ yếu làm các công việc chính khác của mình, chỉ tới khi họp Quốc hội thì họ mới tham dự. Việc mang một lúc nhiều vai như vậy là một điều không được phép trong hệ thống chính trị dân chủ, đa đảng trên thế giới. Bởi vì nó sẽ dẫn đến một tình trạng là hệ thống chính trị sẽ bị chính những con người nắm quyền này lạm dụng quyền lực. Các nhánh quyền lực sẽ không kiểm soát được nhau. Và hẳn nhiên chúng ta đã được thấy rõ ràng tại các phiên chất vấn các Bộ trưởng tại Quốc hội. Tất cả đều là đồng chí của nhau, tất cả đều là quan chức một phía chung một lợi ích, chung một chiến tuyến thì ai dại gì đi bới móc nhau, dại gì đi chất vấn nhau cho ra ngô ra khoai để được lợi ích gì? Chả nhẽ mang lại lợi ích cho cử tri, cho nhân dân? Ai lại đi làm cái chuyện dại dột như vậy? Thế nên những màn diễn như vậy chỉ mang tính hình thức trước ống kính truyền hình, còn thực tế mọi chuyện vẫn “nguyễn y vân” cả mà thôi. Nhân dân cứ đứng đó mà làm chủ, còn mọi thứ hãy để Nhà nước quản lý và ở trên cao nhất đã có Đảng lãnh đạo rồi. Nếu ai còn thắc mắc thì xem lại điều 4 Hiến pháp 1992 là sáng tỏ ngay.

Với việc 1 đảng lãnh đạo thì không ngạc nhiên khi thấy những người nắm quyền lực tuyệt đại đều là các đảng viên cao cấp của đảng cộng sản. Điều này rất dễ hiểu cho dù trong số chúng ta có ai đã từng làm hoặc không làm việc trong guồng máy nhà nước này. Bởi vì, hệ thống bình bầu, xét duyệt chức danh trong bộ máy nhà nước, ngoài vấn đề bằng cấp, chuyên môn, năng lực thì luôn đòi hỏi phải có phẩm chất “chính trị”. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc tham gia các khóa học tập ngắn và dài hạn tại các trường đào tạo cán bộ, Học viện hành chính quốc gia nhằm đạt được cái gọi là tấm bằng “lý luận chính trị” sơ, trung và cao cấp để tuần tự leo dần từng bước từ chuyên viên thường tới chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp đúng như thủ tục hành chính qui định.

Và hiển nhiên nếu một người nào đó làm việc trong cơ quan nhà nước với mong muốn tiến thân phát triển thì không thể không đứng vào hàng ngũ đảng viên ĐCS được. Hay nói cách khác đã làm việc trong các cơ quan nhà nước muốn tiến thân thì phải vào đảng, còn không muốn vào đảng thì chỉ làm nhân viên hoặc chuyên viên quèn mà thôi. Và giỏi lắm thì cũng chỉ phấn đấu tới cái chức trưởng phòng trong một Vụ nào đó là cùng, nếu muốn cao hơn là không thể.

Đấy là đối với những người làm việc trong các cơ quan của hệ thống chính quyền từ địa phương tới trung ương. Thế còn đối với những người không thuộc diện đó, nghĩa là các tổ chức, thành phần khác trong xã hội hoặc cá nhân muốn tiến thân trên con đường chính trị để tham gia nắm quyền lực trong bộ máy nhà nước thì sao. Rất may mắn cho hệ thống chính trị này là họ đã kịp thời thiết lập được cái gọi là “Mặt trận tổ quốc”. Cái mặt trận tổ quốc này ta vẫn thường nghe dân gian nói rằng đó là “cánh tay nối dài của Đảng”. Trên thực tế quả là như vậy.

Mặt trận tổ quốc các cấp do nhà nước lập lên, các ông Chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam đều là các Ủy viên Trung ương Đảng, thậm chí là Ủy viên bộ chính trị (như ông Phạm Thế Duyệt 2 khóa trước đây). Kinh phí để duy trì cho Mặt trận này hoạt động cũng lấy từ ngân sách nhà nước do nhân dân đóng thuế. Lương bổng, phụ cấp, nhà cửa, xe cộ đi lại cho các quan chức này cũng đều từ nhà nước mà ra, thế nên nhất cử nhất động của tổ chức này đều dưới sự “chỉ đạo” của Đảng từ trên xuống. Các tổ chức trong xã hội như Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, hội cựu chiến binh, hội chữ thập đỏ (
trong tổng số 44 tổ chức) v..v…tham gia vào đây xét cho cùng cũng mang tính chất “vui cửa vui nhà” là chính, còn hiệu quả mang lại cho xã hội thông qua nhiệm vụ chủ yếu là cất lên tiếng nói phản biện xã hội thì vô cùng yếu ớt, mà cũng hầu như rơi vào quên lãng, ít khi được ĐCS chú ý. Thế nhưng, nó lại vô cùng nhanh nhạy trong việc “chấp hành” các chủ trương của ĐCS.

Đơn cử như việc bầu cử ĐBQH khóa XII năm 2007, khi có tới 99.64% (đây là một con số lý tưởng mà các nước phương tây văn minh hằng mơ ước và họ cũng chỉ dám mơ đạt được ½ số này đã là hài lòng lắm) cử tri trong độ tuổi trên cả nước “nô nức” đi bầu vừa rồi là thấy rõ. Qui trình giới thiệu ứng viên ra ứng cử chức danh ĐBQH sẽ phải trải qua quá trình hiệp thương 3 vòng để lựa chọn ra các đại biểu “xứng đáng” của nhân dân. Hãy nhìn vào kết quả thì thấy rõ: chốt gọn con số từ 876 người ứng cử đại biểu Quốc hội được phân bổ về 182 đơn vị bầu cử ở 64 tỉnh thành phố để từ đó bầu ra tối đa 500 đại biểu Quốc hội khoá XII. Trong số 493 Đại biểu trúng cử thì số Đại biểu do Trung ương giới thiệu là 153 người, Đại biểu do địa phương giới thiệu là 340 người. Chỉ có 43 người ngoài đảng trúng cử (chiếm 8,72% tổng số ĐBQH) và duy nhất 1 người tự ứng cử được trúng cử (chiếm 0.02%).
(theo www.baucukhoa12.quochoi.vn).

Qua đây có thể thấy “vai trò” của Mặt trận tổ quốc các cấp trong quá trình bầu cử này đã trở thành “bộ lọc” để loại bỏ bớt những ứng viên mà Mặt trận xét thấy có những “tiêu chí” không phù hợp với chủ trương và đường lối của Đảng ta. Tại sao không để các ứng viên tự đứng ra tranh cử với cương lĩnh hành động của mình mà bắt buộc phải qua cái “bộ lọc” kia để rồi những người mà nhân dân thấy tin tưởng và có khả năng đã tự động bị “rơi rụng” hết, cuối cùng chỉ còn lại những người do Trung ương và địa phương “giới thiệu”? có lẽ câu hỏi này thì Giáo sư Hồ Ngọc Đại cũng không thể trả lời nổi đâu.

Đây là những minh chứng rất rõ ràng cho câu nói “đảng cử dân bầu” và “Quốc hội là nơi nghị gật” đó.

Tóm lại, một hệ thống chính trị kiểu Việt Nam không có sự tồn tại và cạnh tranh giữa các đảng phái đối lập, như vậy đã biến Quốc hội thành nơi thể chế hóa các đường lối, nghị quyết của Đảng (thực ra chủ yếu do 15 vị trong Bộ Chính trị quyết). Chính phủ sẽ là nơi thực hiện, còn Quốc hội chỉ thỉnh thoảng thành lập một đoàn giám sát dưới sự chỉ đạo của một Ủy ban nào đó của Quốc hội để “xem” Chính phủ hoạt động ra sao mà thôi.

Với một hệ thống chính trị như vậy, rõ ràng mọi hoạt động của nhà nước đều bị ĐCS hoạch định và chỉ đạo thực hiện, tính tự chủ trong các quyết định của Quốc hội Chính phủ, Tòa án, VKS đối với vấn đề lớn là điều khó thực hiện. Chỉ sau khi xin ý kiến chỉ đạo từ Bộ Chính trị thì mới có thể triển khai thực hiện. Đây là thực là hiện trạng bi đát của một xã hội muốn minh bạch trong mọi hoạt động.

Một hệ thống chính trị như vậy không tạo ra được sự cạnh tranh cần thiết để thúc đẩy quá trình phát triển tự tại của bản thân cũng như của xã hội. Chính vì lựa chọn mô hình thể chế xã hội chủ nghĩa này đã làm thui chột mọi tài năng trong xã hội, và khiến đất nước tụt hậu hàng trăm năm so với thế giới. Chúng ta sẽ không bàn tiếp về những yếu kém của hệ thống này mà thực tiễn đã chứng minh từ khi nó sinh ra và đã bị thế giới đào thải ra sao.

Trên đây là qui trình để hình hành nên một bộ khung của hệ thống chính trị này, thế còn linh hồn của bộ khung này ra sao? Như chúng ta đã biết, ĐCS chủ trương theo đuổi hình thái CNXH với chủ thuyết của Mark Lênin và bổ sung thêm tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam để dẫn dắt dân tộc này vượt qua “hết thắng lợi này đến thắng lợi khác”. Và ĐCS quán triệt tư tưởng này tới toàn đảng, toàn dân và toàn quân. Kênh thực hiện điều này thông qua giáo dục từ các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, tuyên truyền xã hội và cuối cùng là giáo dục học đường .

Có lúc nào chúng ta tự hỏi mình rằng, một người thợ không có trình độ cao và những kỹ năng khéo léo có thể cho ra đời những sản phẩm tốt được hay không?

Lại quay về hệ thống giáo dục. Giáo dục không thể nằm ngoài ý chí chỉ đạo của hệ thống chính trị. Bởi vì, ý thức hệ chính trị sẽ được thông qua hệ thống giáo dục truyền tải tới thế hệ trẻ nhằm biến lớp người tương lai của đất nước phải tiếp tục đi theo con đường mà đảng cầm quyền đã lựa chọn. Một sự lý giải đơn giản và dễ hiểu cho những ai đang sống tại Việt Nam là sống dưới chế độ nào thì phải theo chế độ ấy, chế độ ấy theo chủ nghĩa gì thì toàn thể dân tộc phải theo chủ nghĩa ấy. Có nghĩa là Đảng đã lựa chọn Chủ nghĩa Mark Lênin rồi thì rõ ràng hệ thống giáo dục từ bậc tiểu học tới đại học, sau đại học cũng phải dạy dỗ cho học sinh thấm nhuần những tư tưởng đó. Và không thể hướng cho học sinh theo đuổi chủ nghĩa tư bản với các giá trị như tự do, dân chủ, đa nguyên, đa đảng. Đây chính là mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ giữa chính trị và giáo dục tại nước CHXHCN Việt Nam.

Một hệ thống giáo dục giáo điều, cổ hủ suốt mấy chục năm trời như vậy đã bị rất nhiều học giả, thầy giáo, học sinh, phụ huynh lên tiếng đòi thay đổi, nhưng cho tới nay nó đâu vẫn hoàn đấy. Trên báo chí, các phương tiện truyền thông đại chúng, người ta chỉ dám bày tỏ phê phán tới những khía bên ngoài của giáo dục như giáo trình giảng dạy, phương pháp đào tạo, nội dung mà không dám đề cập tới cái nguyên nhân của mọi nguyên nhân xã hội trong đó có giáo dục, đó chính là cái thể chế chính trị này.

Người ta nói giáo dục của Việt Nam lạc hậu không theo kịp thế giới và đòi thay đổi nó, nhưng người ta thay đổi có được đâu khi mà hệ thống chính trị này không cho phép được đề cập tới những cái tiến bộ văn minh của thế giới, những giá trị tự do sáng tạo của con người, những sự thật lịch sử cần được tôn trọng. Thay vào đó nó chỉ biết dạy theo sự chỉ đạo từ trên ép xuống, có nghĩa là đào tạo một lớp người chỉ biết nghe người ta nói mà không được phép phản biện lại thầy cô và xã hội, người ta chỉ được phép biết tới những sự kiện đã qua mà không được phép so sánh đối chiếu với nhiều nguồn thông tin khác nhau, căn bệnh thành tích của cả xã hội đã thể hiện cực kỳ thành công ngay chính trong môi trường giáo dục nhân cách con người.

Có ai làm hiệu trưởng mà dám tuyên bố rằng, tôi thấy có những điều được viết trong sách giáo khoa của Việt Nam là nhảm nhí và tôi không muốn các em học sinh của mình phải tiếp cận đống rác tri thức đó hay không?

Không riêng gì hệ thống giáo dục bất cập, mà động chạm tới ngành nào trong xã hội cũng thấy quá nhiều tiêu cực và chậm tiến. Dường như muốn giải quyết triệt để thì chỉ còn nước là phá đi mà làm lại thì mới có hiệu quả.

Giáo dục là cái gốc của con người và con người lại là hạt nhân của xã hội. Khi con người đã bị đem nhồi sọ những tư tưởng huyễn hoặc, ảo tưởng xa rời thực tiễn thì liệu con người đó có phát triển hoàn thiện về nhân cách và văn hóa được hay không. Và rộng hơn nữa là một quốc gia có đi tới con đường phát triển thịnh vượng được hay không. Câu hỏi này không khó trả lời.

-------------------------------
Một số hình ảnh về đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục của nhà nước CHXHCN VN. Ảnh được chụp tại miền núi Lai Châu, Điện Biên trong những ngày cuối tháng 12/2008 :
http://blog.360.yahoo.com/blog-E3O5ezo8eqhJy1OJkhW0qjAxaCb4tHLU2Zo-?cq=1&p=429#comments


No comments:

Post a Comment