Trung Quốc và Việt Nam đối diện với cạnh tranh căng thẳng
John Ruwitch – Phan Tường Vi chuyển ngữ
17-02-2009
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=6029
LẠNG SƠN - Những tấm bài vị đen, cao ở nghĩa trang Lạng Sơn ghi tên hằng trăm người lính Việt Nam đã tử trận. Bên cạnh một vài tên trong bài vị là hàng chữ “Chống Pháp” hay “Chống Mỹ” – cho thấy họ đã hy sinh qua cuộc chiến nào.
Còn lại đa số là hàng chữ “Bảo vệ tổ quốc”, ám chỉ bóng gío về cuộc chiến tranh kéo dài cả tháng trời bắt đầu khi Trung Quốc xâm lăng Việt Nam vào ngày 17 tháng Hai năm 1979 để trừng phạt Hà Nội đã lật đổ chính quyền Khmer Đỏ do Bắc Kinh ủng hộ ở Cam-bốt hai tháng trước đó.
Đã ba mươi năm trôi qua, cuộc chiến biên giới Việt-Trung mà qua đó đã lấy đi tối thiểu 60.000 sinh mạng của lính là một ký ức mà cả hai nhà nước cộng sản Trung Quốc và Việt Nam đều vui lòng ém nhẹm. Nhưng trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, Việt Nam và Trung Quốc có thể đối diện với những căng thẳng mới thêm vào cái lịch sử lâu dài và thường chua cay giữa hai nước.
Kể từ khi bình thường hóa trong năm 1991, Trung Quốc và Việt Nam đã có một tiến bộ đáng kể trong chuyện thiết lập những mối quan hệ tốt đẹp hơn, theo ông Brantly Womack, một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam ở đại học Virginia.
Chẳng hạn, mậu dịch song phương năm rồi đã lên tới 21 tỉ đô-la.
“Trung Quốc và Việt Nam đã không có lý do nào hơn nữa để thân hữu với nhau hơn Nga và Ba Lan, và Nga và Ba Lan… vẫn là kẻ thù tệ hại nhất đối với nhau,” ông nói.
“Với Việt Nam và Trung Quốc, họ không đúng là yêu thương gì nhau, nhưng họ chắc chắn đã tìm ra phương cách làm thế nào để hòa thuận với nhau. Đó là mối ích lợi cho cả hai.”
Sự việc hàng chữ khắc ở nghĩa trang Lạng Sơn không nói thẳng ra là những người lính này đã hy sinh vì “đánh Trung Quốc” cho thấy sự tiếp cận thận trọng của Hà Nội đối với Bắc Kinh.
Phần họ, giới lãnh đạo Trung Quốc bị ám ảnh cho một sự ổn định, đã có một nỗ lực được tính toán trong những năm vừa qua nhằm xây dựng những mối quan hệ xây dựng. Nhưng những tháng tới sẽ là thách đố.
Cả hai nền kinh tế nặng về xuất cảng, tùy thuộc vào sự phát triển ở tốc độ cao, đang đối diện với sự thử thách ngặt nghèo nhất kể từ khi cải cách kinh tế được tiến hành mấy thập niên trước và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu đã gia tăng cái tiềm năng xung đột vốn đã cao độ.
Ngay cả vào những lúc thuận thảo với nhau, những nỗ lực làm hòa dịu với nhau của những nhà hoạch định chính sách của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam có những hạn chế của nó. Cả hai nhà nước đều lên tiếng tuyên bố chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở vùng biển Nam Hải, được tin là những quần đảo này nằm trên những mỏ dầu và khí rất gía trị.
Hà Nội và Bắc Kinh đã đồng ý là không làm rối loạn cái nguyên trạng hiện nay, nhưng cả hai phía đều cứng rắn trong việc cho mình có chủ quyền lên hai quần đảo này.
Thêm vào đó, cả hai Đảng cộng sản cầm quyền đều đè nén trong lòng nỗi ám ảnh của sự bất ổn do lòng yêu nước gây nên nếu cả hai đảng trông mềm yếu trong vấn đề này. Năm 2007, hằng trăm sinh viên Việt Nam đã biểu tình phản đối ở tòa Đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội sau khi Trung Quốc được báo cáo đã thành lập đơn vị chính quyền cấp huyện phụ trách những quần đảo đang còn nằm trong vòng tranh chấp này.
NHỮNG QUẦN ĐẢO ĐANG TRANH CHẤP
Đằng sau những cuộc biểu tình và những lời tuyên bố hoa mỹ mà rỗng tuyếch, sự tranh chấp lãnh hải là một sự nguy hiểm chính trị hiển nhiên.
Tháng Bảy năm rồi, Trung Quốc đã áp lực hãng dầu Exxon Mobil Corp của Hoa Kỳ phải rút lại hợp đồng với Việt Nam, mà Trung Quốc cho rằng đó là một sự vi phạm chủ quyền của họ. Hôm tháng Năm, hãng dầu của Anh BP đã ngưng kế hoạch thăm dò dầu khí ngoài khơi bờ biển nam Việt Nam, với lý do căng thẳng giữa hai bên vì tranh chấp lãnh hải.
“Vấn đề lớn nhất là những quần đảo này,” ông Dương Danh Dy nói, là một nhà ngoại giao Việt Nam nay đã về hưu và đã phục vụ ba nhiệm kỳ cho Bộ Ngoại giao ở Trung Quốc từ thập niên 1960 cho đến 1990.
“Nếu vị thế hàng đầu trên thế giới của Hoa Kỳ sụp đổ, nếu nền kinh tế Nhật Bản yếu hơn nữa, tôi sợ rằng vai trò của Trung Quốc ở vùng biển Nam Hải sẽ cứng rắn hơn,” ông nói. “Nếu mọi cái tiếp tục như hiện nay, thì mối quan hệ song phương sẽ tốt đẹp.”
Một điều lấy làm lo lắng nữa, đặc biệt là cho Hà Nội, là mậu dịch.
Việt Nam đi từ 70 triệu đô-la thặng dư mậu dịch với Trung Quốc năm 1997 đến chỗ thâm thủng 9.1 tỉ đô-la trong năm 2007, theo con số thống kê của Việt Nam. Mậu dịch song phương đạt đến 15.9 tỉ đô-la trong năm 2007 trước khi nhảy vọt lên tới 21 tỉ đô-la năm rồi.
“Có một vấn đề lớn bởi vì những gì Việt Nam đã và đang làm trong hai năm qua là có một sự thặng dư với các nước phát triển tương đương với sự thâm thủng mậu dịch đối với Trung Quốc,” ông Womack nói.
“Và nó sẽ không có sự thặng dư như thế nữa (với các nước phát triển)”
Thêm vào đó, khi thị trường xuất cảng của Trung Quốc bỗng bay hơi, những nhà máy sản xuất của họ đang ở trong tình trạng tuyệt vọng sẽ đi tìm kiếm thị trường tiêu thụ và Việt Nam có thể là một sự chọn lựa hấp dẫn so với nhiều nước láng giềng khác của Trung Quốc.
Viên chức thương mãi tỉnh Lạng Sơn ông Nguyễn Quốc Hải nói nhà nước Việt Nam muốn gia tăng hàng xuất cảng hơn là cố gắng ngăn chận hàng hóa Trung Quốc đổ vào.
Nhưng ở thị trấn Tân Thanh của Việt Nam, nằm sát biên giới Trung Quốc, ba nhà buôn Trung Quốc làm tràn ngập thị trường tiêu thụ ở đây với những lò cơm điện, máy xem DCV và quần áo làm từ Trung Quốc, họ nói rằng đưa hàng qua những trạm kiểm soát đã có khó khăn hơn.
Thế nhưng, những xe tải Việt Nam rỗng ruột vẫn nối đuôi nhau qua biên giới và để nhận hàng hóa Trung Quốc chở về.
“Mậu dịch ở vùng biên giới rõ ràng là đang gia tăng,” một con buôn nói.
© DCVOnline
---------------------------------
Nguồn:
(1) China and Vietnam face strains as war memory fades. Reuters, 15 February bài do ký gỉa John Ruwitch viết. (Với sự đóng góp của Nguyễn Nhật Lâm ở Hà Nội và Ben Blanchard ở Bắc Kinh, nhuận bút bởi Deab Yates.)
No comments:
Post a Comment