Monday, February 2, 2009

TANG LỄ NGUYỄN TỰ CƯỜNG

Tang Lễ Của Nhà Đấu Tranh Nhân Quyền Nguyễn Tự Cường
TUYẾT MAI
Việt Báo Thứ Hai, 2/2/2009, 12:00:00 AM
http://www.vietbao.com/?ppid=45&pid=4&nid=140370

Ảnh Nguyễn Tự Cường.
http://www.vietbao.com/Images/Upload/2009_1/NGUYEN-TU-CUONG_400.jpg

Virginia.- Nhà đấu tranh nhân quyền Nguyễn Tự Cường, 62 tuổi đã tử nạn ngày 13 Tháng 1, 2009 tại Bangkok, Thái Lan. Hài cốt được hỏa táng đem về Hoa Kỳ và tang lễ được trang trọng tổ chức vào lúc 6 chiều ngày 30 Tháng 1, 2009 tại Nhà quàn ở Fairfax, VA . Có nhiều nguồn tin về cái chết bí ẩn của Anh Cường, tin chính thức anh bị tử nạn trong lúc một chiếc ghe máy trên sông ở Thái Lan, ba ngày sau mới tìm thấy xác, có nhiều vết chém, có thể do chân vịt của tàu bè trên sông cắt. Tại tang lễ, quả phụ của Ông Nguyễn tự Cường cho biết Anh Cường nói với chị là anh sẽ đi Thái Lan ba tuần rồi trở về nhưng đến ngày thứ hai trong ba tuần thì chị được hung tin anh đã tử nạn. Một người bạn của Anh Cường có nhờ Văn Phòng Dân Biểu Frank Wolf liên lạc với Tòa Đại Sứ HK ở Thái Lan tìm hiểu chính xác về cái chết của anh Cường, vì những báo cáo của Cảnh Sát Thái Lan không giống nhau.

Có trên hai trăm người, hầu hết là những người hoạt động chính trị tích cực ở Hoa Thịnh Đốn tham dự tang lễ. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đã giới thiệu về Anh Nguyễn Tự Cường, rằng Anh bị kẹt lại VN bốn năm sau khi CS chiếm Miền Nam, bốn năm sống trong chế độ đó đã nung đúc Anh trở thành một chiến sĩ nhân quyền, tích cực tranh đấu trên ba mươi năm qua. Anh đã đối xử rất hài hòa với mọi người, dịch nhiều hồ sơ nhân quyền cho các tổ chức. Làm việc Anh chỉ nhắm làm sao cho hữu hiệu , có kết quả, chứ không thích ra ánh sáng sân khấu. Anh đã để lại những dấu ấn sâu xa trong tâm khảm của nhiều bạn bè khắp nơi. Anh ra đi, chúng ta mất đi một người bạn chí tình, một tâm hồn trong sáng, quảng đại.

Trong số người được mời lên chia buồn, có nhiều người ngoại quốc, đã hoặc đang làm việc với Anh Nguyễn Tự Cường ở Quận Fairfax. Nhiều người ngoại quốc đã xúc động, khóc nghẹn ngào. Tất cả đều ca ngợi Anh Cường là ngừơi có tinh thần phục vụ rất cao, đã đóng góp nhiều sáng kiến, cải thiện ngành giáo dục, giúp ích rất nhiều cho đồng bào di dân.

Ông Đỗ Hồng Anh, Chủ Tịch Cộng Đồng HTĐ, MD &VA phát biểu , chúng tôi đến viếng thăm anh lần cuối cùng không bằng những giọt nước mắt, nhưng trong lòng chứa chan nỗi xót xa. Chúng tôi đến tiễn đưa anh không bằng niềm hạnh phúc như anh mong muốn, mà chỉ có nỗi đau triền miên vì những năm tháng bên nhau không còn nữa. Hôm nay chúng tôi đến đây nói những lời tiễn biệt sau cùng với anh không phải để níu kéo anh lại với những dự tính còn dang dở của anh trên cõi trần gian tạm bợ này, nhưng để nguyện cầu cho anh được thanh thản ra đi và hương linh anh được siêu thoát về cõi vĩnh hằng.

Ông Trần Tử Thanh cùng với Nguyễn Tự Cường, và bạn bè thành lập Ủy Ban Nhân Quyền “Helsinki Committee” . Ông Thanh nói Anh Cường đã làm việc hết sức đắc lực đã tiếp xúc với nhiều nhân viên trong Chính Phủ HK, Hành Pháp cũng như Lập Pháp. Anh Cường mất đi, ông coi như mất một người anh em, mất một chiến hữu. Ông Thanh mong Anh Cường sẽ phù trợ cho các anh em đang đấu tranh cho tự do dân chủ ở VN.

Bà Jackie Bông đại diện cho Mạng Lưới Nhân Quyền phát biểu, Anh Cường là người của Cộng Đồng, tranh đấu không ngừng cho tự do, dân chủ cho hơn 80 triệu đồng bào trong nước. Anh là người có nhiều sáng kiến và là người sáng lập ra Mạng Lưới Nhân Quyền và rất nhiều hội đoàn khác nữa . Anh chấp nhận sự khác biệt chính kiến với người khác, với các anh chị em và luôn giữ thái độ hết sức nhã nhặn, không bao giờ lùi bước trước những trở ngại và can cường đi tới khắp Mỹ Châu, Âu Châu và Á Châu, thực hiện cho bằng được những kế hoạch với bạn bè cùng chí hướng. Anh Cường thật sự là một người bạn không biên giới. Mạng Lưới Nhân quyền xin chào vĩnh biệt với lòng đau đớn, tiếc thương.

Giáo sư Đặng Đình Khiết, nhân danh Hội Đồng Liên Tôn và Hội Thể Thao, nói Anh Cường là người rất trách nhiệm, giao công việc cho anh Cường người ta sẽ không lo ngại và thứ hai là tính đầm thắm, anh giúp đỡ rất nhiều người một cách thầm lặng, và có tính khôi hài để làm giảm bớt sự căng thẳng. Tiến Sĩ Đào thị Hợi đại diện cho NCVA (Nghị Hội Toàn Quốc) nhắc lại những kỷ niệm cùng làm việc với Anh Cường trong nhiều lãnh vực văn hóa, xã hội… Bà xin Anh Cường giúp cho các anh chị em đồng chí hướng sớm thành công trong công cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền cho toàn dân VN. Ông Lý Hiền Tài, đại diện cho các chính đảng phát biểu, Anh Cường ra đi , thật là một mất mát lớn lao cho công cuộc đấu tranh chung của chúng ta, anh là nhà đấu tranh không mệt mõi cho dân chủ và nhân quyền ở VN . Anh đã cùng chúng tôi hình thành một kế hoạch nhằm đem lại kết quả lớn lao sau này. Hôm nay anh Cường đã ra đi , chúng tôi rất đau sót vì đã mất một chiến hữu can cường trong cuộc đấu tranh cho đầt nước và dân tộc VN . Nay trước vong linh của anh Cường, chúng tôi nguyện tiếp tục sự nghiệp và lý tưởng cao cả của anh.

Cựu Đại sứ VNCH Bùi Diễm nói về Ông Nguyễn Tự Cường như sau, trong thời gian hai mươi năm qua ông có dịp làm việc với Ông Cường trong những việc chung. Anh Cường là một người hết sức khiêm tốn, không muốn ra mặt, nhưng nói đến việc thì lúc nào anh cũng sẳn sàng, cố gắng đạt đến kết quả hoàn hảo. Đ/s Bùi Diễm ghi nhận anh Cường hết sức chân thật, làm việc rất thận trọng và không có một đòi hỏi nào cho anh. Tinh thần làm việc của anh thật đáng kính. Sự ra đi của Anh Cường không chỉ là một sự mất mát lớn cho gia đình anh mà là một sự mất mát lớn cho tất cả hàng ngũ tranh đấu cho nhân quyền cho tự do, và ông xin nghiêng mình trước anh linh của Anh Nguyễn Tự Cường.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, đại diện cho một số thân hữu nói, ông muốn nhắc đến hai kỷ niệm với Anh Nguyễn Tự Cường. Từ năm 1998, trong tất cả mọi công việc, trong tất cả mọi liên hệ với các đoàn thể ở Hoa Kỳ, ở Âu Châu, ở khắp nơi trên thế giới, anh Cường luôn tích cực làm việc. Kỷ niệm gần đây, Ông Đoàn Viết Hoạt kể cách đây một tháng ông có gặp anh Cường cùng những nhà đấu tranh dân chủ, họp bàn về những việc làm dân chủ trong nước cũng như hải ngoại. Anh Cường nói anh sẽ đi chơi ở Thái Lan, vài ngày sau thì được điện thoại Anh Cường đã chết. Ông Hoạt nói ông không thể nào tin được. Sau đó ông đọc bài thơ để tưởng nhớ Anh Cường.

Ông Đoàn Hữu Định, Chủ Tịch Liên Hội Cựu Chiến sĩ VNCH nói, ông biết Anh Cường từ năm 1970, cùng làm việc với nhau ở Phủ Dân Vận, Anh Cường đã làm việc rất hăng say trong chức vụ và trách nhiệm giao phó, anh đã xuất sắc tranh thủ cho quyền lợi của VNCH trước mắt báo chí và truyền thông ngoại quốc. Ra hải ngoại anh tiếp tục tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, đóng góp vào những công tác xã hội, giáo dục, thể thao, đấu tranh cho nhân quyền, cho đất nưóc VN. Anh Cường chấp nhận hy sinh vì chính nghĩa quốc gia, vì dân tộc. Trước sự mất mát to lớn này, Ông Đoàn Hữu Định đại diện cho Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH/HTĐ , đại diện cho Tập Thể Cựu Quân Cán Chính ông chia buồn cùng tang quyến và cầu nguyện Tam Bảo tiếp độ hương linh anh về miền Cực Lạc. Cầu xin anh phù trợ cho tất cả những người cùng lý tưởng với anh sớm thành đạt được ước nguyện cho đầt nước sớm thoát khỏi ách CS, VN có tự do, dân chủ , nhân quyền.

Sau đó Cô Ngọc Giao đại diện cho những ngừơi trẻ phát biểu những cảm tình tốt đẹp của giới trẻ đối với cách làm việc của Anh Cường. Luật sư Phạm đức Tiến đại diện cho các bạn học ở Chu Văn An đọc thư của các bạn từ CA gởi về, bày tỏ sự mến phục một người bạn đã ra đi và rất nhiều người nữa lên phát biểu nỗi đau mất mát một ngừơi bạn đã ra đi. Sau cùng là Bà Phùng Anh, hiền thê của Anh Cường và cô con gái Lệ Cơ có lời cảm tạ quan khách đến chia buồn, đã làm cho mọi người trong phòng vô cùng cảm động. Bà Phùng Anh nói Anh Cường nói với bà sẽ đi Thái Lan ba tuần, bà khóc lóc xin Anh Cường đừng đi, anh khuyên bà an tâm rằng anh sẽ trở về ăn Tết.

Tưởng cũng nên nhắc qua một vài hoạt động đặc biệt của Anh Nguyễn Tự Cường. Trước năm 1975 anh là Bí Thư của Tổng Giám Đốc Việt Tấn Xã. Anh đến Hoa Kỳ Tháng 4, 1979, làm việc trong ngành giáo dục Quận Fairfax,VA. Anh rất quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở VN, năm 1984 đã cùng Ông Trần Tử Thanh, Ông Ngô Vương Toại…thành lập “the Helsinki Committee” để theo dõi những vi phạm nhân quyền ở VN. Anh đã trở thành một khuôn mặt quen thuộc với văn phòng của các Dân Biểu HK như DB Frank Wolf, DB Chris Smith… Năm 1984 anh đã vận động để giảm án tử hình cho hai nhà sư ở VN còn 20 năm. Năm 1987 Anh Cường giúp tổ chức Vietnam Olympic in North America ở University of Maryland, với 1000 lực sĩ khắp nuớc Mỹ và Canada tham dự và khoảng 20 ngàn người đến xem. Gần đây Anh Cường đã giúp nhiều cho chương trình của SBTN-DC. Anh đã tử nạn trong chuyến đi Thái Lan, để lại vợ là Bà Phùng Anh Nguyễn và một con gái là Lệ Cơ Nguyễn.


No comments:

Post a Comment