Monday, February 2, 2009

CÁI GIÁ PHẢI TRẢ CHO SỰ ỔN ĐỊNH

Ổn định chính trị và phát triển kinh tế: cái giá phải trả
Phan Kiến Quốc
Cập nhật ngày: 1/02/2009
http://viettan.org/spip.php?article8247
Trong những ngày đầu năm Kỷ Sửu, báo chí và các cơ quan truyền thông liên tục đưa tin về những chuyến viếng thăm của các lãnh đạo đảng và nhà nước, và hầu như trăm lần như một, là lập lại những “huấn từ” trong đó có các thành ngữ: “chính trị được ổn định, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, thành tích xóa đói giảm nghèo…”, bên cạnh đó là những hình ảnh khắp nơi vui mừng Xuân mới. Phải nói nếu cứ chỉ nghe những mỹ từ này và xem những hình ảnh này một cách bàng quan thì có lẽ ai cũng ngỡ mình đang sống trong thiên đàng hạ giới, đặc biệt là các du khách nước ngoài đến VN vào những ngày đầu Xuân.

Các con số ấn tượng mà nhà nước VN đưa ra là con số tăng trưởng liên tục ở mức 7 – 8.5%/năm, mức thu nhập bình quân đầu người vượt qua ngưỡng 1000 USD/năm.

Con số 8.5% thực ra không nói lên được gì nhiều, thậm chí nó còn tạo ra những ấn tượng sai lầm, chẳng hạn một nước có mức tăng trưởng 10% thì mạnh hơn một nước chỉ tăng trưởng 7%. Đừng quên rằng các nước trong khối G7 chỉ tăng trưởng tối đa 2% từ hàng chục năm nay, thậm chí còn có năm tăng trưởng âm. Vì để mức tăng trưởng có ý nghĩa, người ta còn phải tính đến mức lạm phát, mức sinh sản, tỉ số GINI, năng lực cạnh tranh…

Con số tăng trưởng được tính bằng cách lấy tổng sản lượng quốc gia (gọi tắt là GDP) đem chia cho tổng số dân (VN hiện nay là 86 triệu). Chỉ nội nói đến cách chia này là người ta phải nghĩ ngay đến tỉ lệ giầu nghèo trong cả nước. Và đây chính là một “ấn tượng ngược” của những con số mỹ miều nhà nước đưa ra: Theo Liên Hiệp Quốc, tỷ lệ này ở VN là 35! Theo cách tính này thì nhóm 20% những người giàu nhất hưởng 40% thành quả phát triển kinh tế, trong khi đó nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ được 7%. Một con số khủng khiếp, vượt xa những nước “tư bản bóc lột”.

Nếu bàn thêm về vấn đề phân bố thành quả kinh tế, ý nghĩa nhất là đi tìm nơi thành phần chiếm đa số trong xã hội. Ở VN tầng lớp này là dân số ở nông thôn (74% trên tổng dân số) [1], và tỷ lệ hộ nghèo chiếm đến 23%. Mà được định nghĩa là nghèo theo chuẩn năm 2005 là có thu nhập dưới 200 nghìn/hộ/tháng. Thử hỏi đến ngày hôm nay một gia đình 4 nhân khẩu ăn gì, sống gì với số tiền này? Đó là chưa kể giá đầu vào như vật tư nông nghiệp, phân bón, nhân công đã tăng hơn 60% từ đó đến nay!

Trong một là thư vô cùng xúc động mà ông Lê Văn Lam, một nông dân Đồng Tháp đã hơn 40 năm gắn bó với nghề nông đã gởi cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào tháng 5/2008 đã cho thấy những bất cập trong chính sách nông thôn:”Hiện nay giá gạo xuất khẩu 1.000 USD/tấn thì giá lúa chí ít cũng phải 8.000 đồng/kg, nhưng thực tế chỉ có 5.400 đồng/kg. Phần chênh lệch này đi vào túi ai? Việc Thủ tướng chỉ đạo ngừng xuất khẩu gạo đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhân cơ hội này tung tiền mua lúa vào với giá thấp để sau đó khi có lệnh xuất, họ sẽ xuất với giá cao. Họ làm ruộng, cấy lúa trên lưng người nông dân chúng tôi, nông dân mấy chục năm làm lúa cũng chỉ đủ ăn là mừng, trong khi các doanh nghiệp ngồi mát mà thu tiền tỉ.”. Đến ngày hôm nay tôi chưa nghe nói ông Dũng có trả lời cho ông Lam chưa, nhưng điều chắc chắn là trong cả nước không chỉ có một ông Lam và ngược lại những người “ngồi mát” cũng không phải là ít, thậm chí ông Dũng còn biết đó là những ai.

Thành phần thứ hai trong xã hội là công nhân. Mà bây giờ nói đến công nhân là người ta nghĩ ngay đến các khu công nghiệp, khu chế xuất. Trong lúc này nhắc đến họ là nhắc đến các cuộc đình công liên tục. Trong nửa năm đầu đã có hơn 600 vụ trong đó chỉ riêng Sàigòn đã lên đến 160 vụ. Nơi ít thì vài trăm công nhân, nơi nhiều lên cả ngàn, trong đó phải kể đến trường hợp của công ty Ching Luh Shoe (Long An) với 17.000 người. Nguyên nhân khủng hoảng kinh tế toàn cầu chỉ là một, nhưng đại đa số các cuộc đình công đều xuất phát từ thu nhập, từ điều kiện làm việc và phần lớn là tại các công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhắc đến các công ty này (ta hay gọi là vốn FDI), người ta nghĩ ngay đến lợi thế của VN là đồng lương rẻ. Vì đó là lý do độc nhất ngoại quốc đầu tư vào VN, cộng thêm với những nhân nhượng thái quá của nhà nước VN trong mục đích hút đầu tư “bằng mọi giá” đã làm cho người lao động VN cũng vốn là những người cần việc “bằng mọi giá” trở nên những nạn nhân mà chẳng có luật lệ nào có thể bênh vực cho họ, đơn thuần là chủ đầu tư đâu có sai luật, mà tỷ như có vi phạm thì lại không có những biện pháp xử lý cụ thể.

Trong một thời gian dài, VN là nơi có giá nhân công thuộc hàng rẻ nhất thế giới. Điều này đã hấp dẫn các nhà đầu tư, chủ yếu là các ngành thâm dụng lao động. Đến nay, VN đã trở thành nơi gia công lớn trong khu vực. Hệ quả của giá nhân công rẻ là đời sống công nhân ngày càng tồi tệ. Từ đó làm nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, ngừng việc tập thể. Nhiều nhà nghiên cứu về quan hệ lao động cho rằng tranh chấp lao động là hệ quả tất yếu của chính sách nhân công giá rẻ. Trong những cuộc ngừng việc tại KCX Linh Trung –TPHCM tháng 6/08, nhiều công nhân đã bật khóc khi tính toán: Thu nhập bình quân 1,4 triệu đồng/tháng. Trừ chi phí thuê nhà, ăn uống... họ chẳng còn gì, thậm chí phải vay nợ. Đây là mức lương cách đây 10 năm, khi mà gạo 4.000 đồng/kg (nay đã 13.000 đồng/kg). Thế mà, để có mức lương đó, CN phải làm quần quật từ 10-12 giờ mỗi ngày.

Nếu nhà nước không có những cơ chế bảo vệ người lao động mà mãi chạy theo con số tăng trưởng thì những xung đột này sẽ chẳng bao giờ chấm dứt và VN sẽ mãi mãi chẳng bao giờ thoát khỏi kiếp gia công với những rủi ro, những bất trắc, những lệ thuộc mà chúng ta vẫn thường thấy.

Để trả giá cho việc ổn định chính trị và tăng trưởng kinh tế, nông dân và công nhân là nạn nhân đã đành, nhưng còn một tác hại vô cùng quan trọng là vấn đề ô nhiễm môi trường đã đang và sẽ hủy hoại sức khỏe của hàng triệu người trong những năm tháng tới.

Nhắc đến vấn đề này có lẽ mọi người nghĩ ngay đến Vedan với 100 ngàn thước khối nước thải đổ ra Thị Vải làm chết hẳn một khúc sông. Tuy nhiên cũng như mọi vấn nạn khác như giao thông, y tế, giáo dục... thì Vedan cũng chỉ “là phần nổi của tảng băng”. Ngày nay những làng ung thư như Thạch Thất (Phú Thọ), Vạn Phúc (Hà Tây) nhan nhản khắp nơi. Số người mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, viêm xoang, ung thư trực tràng, ngộ độc hóa chất tăng nhanh trong 3 năm trở lại đây.

Theo ông Matsuzawa, chuyên gia Cơ Quan hợp tác quốc tế Nhật tại VN thì “Vấn đề ô nhiễm môi trường hiện tại đã ở mức rất nghiêm trọng, và nếu VN không thực thi được các giải pháp môi trường phù hợp, các dòng sông tại VN hầu như sẽ chết trong vài năm tới (…)Thành thật mà nói, thật khó có thể tìm ra ví dụ về một nước nào đó, có cùng trình độ phát triển kinh tế mà lại ô nhiễm đến như VN. Tôi cho rằng, VN là trường hợp đầu tiên trên thế giới có mức độ ô nhiễm nặng nề và nhanh đến vậy. VN đạt được tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh trong thời gian qua, nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với vấn nạn ô nhiễm môi trường trong thời gian rất ngắn, rất sớm. Vì thế, VN phải có những hành động cấp thiết và phù hợp để bảo vệ môi trường, vì tương lai con em. Còn nếu chỉ vì những lợi ích kinh tế trước mắt, mà lờ đi tác hại môi trường, đó sẽ là hành động bất công đối với thế hệ tương lai”.

Để trả lời cho lời cảnh báo này, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phát biểu trước Quốc Hội trong tháng 11/2008, đã xác định là cần phải bảo vệ môi trường, nhưng trong trường hợp Vedan thì cũng cần bảo vệ công ăn việc làm của hàng ngàn công nhân làm việc tại nhà máy của tập đoàn này. Hết ý!

Những biến động tại Trung Đông, xáo trộn xã hội tại Thái Lan những tưởng như lý luận của nhà nước VN là “Bảo đảm ổn định chính trị, duy trì tăng trưởng kinh tế” là đúng đắn! Nhưng thử nghĩ lại, chúng ta gọi một cuộc đánh bom liều chết trong một ngôi chợ tại Irak làm 20 người chết là một ngày đẫm máu, thế thì chúng ta phải gọi 50, 60 ca tử vong vì tai nạn giao thông mỗi ngày tại VN là gì? Du khách cảm thấy an bình, sung sướng vì họ có điều kiện ăn uống và chỉ lưu lại ít ngày, nhưng hàng triệu người VN đang “ăn mầm ung thư”, hàng trăm khu phố, ngôi làng đang sống chung với tật bệnh phát sinh từ hàng chục ngàn tấn thuốc trừ sâu, thuốc bảo quản, bên cạnh những dòng sông đang bị bức tử. Phải nói rằng bây giờ nỗi lo rất lớn của các bà nội trợ là chọn mua được những loại thức ăn sạch, không có nguy cơ tật bệnh và vừa túi tiền.

Với một công việc nặng nhọc, đời sống chật vật vì đồng lương. Tính mạng thường xuyên bị đe dọa bởi các nguy cơ đến từ giao thông, bệnh tật. Các thế hệ tương lai bị đe dọa trầm trọng bởi ô nhiễm và tàn phá môi trường sống…chúng ta vẫn ổn định chính trị và kinh tế tăng trưởng đều đặn.

Cám ơn đảng, cám ơn nhà nước. Ơn này trả bao giờ cho hết.

Sàigòn, 29/1/09
Phan-Kiến-Quốc

[1] Nếu tính trên nông dân thì con số này còn nhiều hơn, vì những người sống bằng nghề nông cũng có thể sống ở thành thị.

No comments:

Post a Comment