Sunday, February 15, 2009

PHẢN BIỆN XÃ HỘI LÀ CHUYỆN TỰ NHIÊN

GS-TSKH Phan Đình Diệu: Phản biện xã hội là chuyện tự nhiên
LÊ KIÊN
16-02-2009 03:57:37 GMT +7
http://www.phapluattp.vn/news/chinh-tri/view.aspx?news_id=242925
Nếu cần “luật hóa” phản biện xã hội thì phải quy định ở các đạo luật chuyên ngành chứ không phải ở một quy chế chung.

Sau một thời gian chuẩn bị, Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam đã trình Bộ Chính trị xin ý kiến nội dung đề án về quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TSKH Phan Đình Diệu (ảnh), Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn khoa học-giáo dục của MTTQ VN, nói: “Theo nghĩa thông thường thì phản biện xã hội là chuyện tự nhiên, không cần luật lệ gì cả. Trong xã hội, người quản lý đưa ra các luật lệ, chủ trương, chính sách và dân có quyền phản ánh ý kiến của mình về những chuyện ấy. Người dân tự do phát biểu ý kiến và nhà nước sàng lọc, phân tích, tiếp thu những ý kiến đúng để bổ sung hoặc sửa đổi những chủ trương, chính sách chưa hợp lý”.

Tiếp thu tốt thì đồng thuận cao
. Nói vậy thì chẳng lẽ ai muốn nói cứ nói, ai muốn nghe thì nghe, thưa GS?
+ Phản biện xã hội tức là xã hội có quyền phản biện, mọi người có quyền đưa ra ý kiến của mình, còn việc nghe hay không nghe thì đó là chuyện của chính quyền. Nếu chính quyền tổ chức tiếp thu, phân tích tốt thì sẽ xử lý các vấn đề tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.

. Nhưng nói đến một hoạt động xã hội thì phải nói đến tính hiệu quả, nếu đã có người nói thì phải có người nghe và phải có cơ chế để chọn lọc đúng, sai. Vì vậy cần có luật lệ chứ?

+ Nếu có quy định về phản biện xã hội thì là quy định ở những đạo luật chuyên ngành cụ thể, ở từng lĩnh vực cụ thể chứ không phải là một quy chế chung. Tôi được biết đã có những đạo luật quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc trả lời dư luận, với các tổ chức, cá nhân như Luật Khiếu nại, tố cáo. Nhưng cũng có những loại ý kiến không bắt buộc trả lời, nếu cơ quan nhà nước nhận thấy đó là những ý kiến tích cực, cần trao đổi thì tiến hành trao đổi, phản hồi.
Còn nếu hiểu rằng cần quy định phản biện xã hội phải nằm trong khuôn khổ nào đấy, không được đi chệch ra phạm vi nào đấy thì đây là điểm cần phải tranh luận. Vì những gì nhà nước bắt buộc xã hội phải tuân thủ thì đều đã quy định trong pháp luật. Nếu pháp luật chưa rõ thì cần quy định rõ những vấn đề gì, nội dung gì, lĩnh vực gì xã hội không được nói...

Khó trả lời từng ý kiến cá nhân
. Trong những năm qua, ngành giáo dục nhận được rất nhiều ý kiến phản biện của các nhà khoa học. Nhưng dư luận lại khó nhận biết được những ý kiến đó được tiếp thu, trả lời thế nào. Phải chăng mối tương tác này đang thiếu cái gì đó để đạt được hiệu quả, thưa GS?
+ Theo tôi nghĩ, kể cả có bắt buộc thì cơ quan nhà nước cũng khó mà phản hồi hết được các ý kiến phản biện. Còn những ý kiến được tiếp thu và được thể hiện trong việc sửa đổi cung cách quản lý hoặc sửa đổi quy định này kia trong các văn bản thì họ cứ tự làm thôi chứ không nhất thiết phải nói rõ là sửa theo ý kiến của ông nọ, ông kia. Bởi vì việc tiếp thu ý kiến cũng phải qua phân tích, tổng hợp.
Theo tôi, dư luận không thể đòi hỏi cơ quan nhà nước phải trả lời từng ý kiến một và nhà nước cũng không nên đưa ra những hạn chế, cấm đoán nào đó đối với người phê bình, góp ý. Còn nếu quy định cần trả lời thì nói rõ trong từng trường hợp nào, vấn đề nào, chẳng hạn như khi có ý kiến của tổ chức bằng công văn thì buộc cơ quan nhà nước phải trả lời.

Việc nào cần lấy ý kiến thì đưa vào luật
GS Phan Đình Diệu nói: Nếu hiểu phản biện xã hội là những ý kiến về những chủ trương, đường lối, chính sách của nhà nước từ xã hội đưa lên thì phản biện xã hội không đòi hỏi một định nghĩa có tính chất luật pháp. Trong xã hội không phải mọi thứ đều có thể trở thành luật lệ được cả. Có những hoạt động mang tính tự nhiên, dân sự, giữa con người với con người, thế thôi.

. Nhưng cũng nên quy định đối với những chính sách loại nào, công trình có tác động đến phạm vi nào thì khi thực hiện phải có sự tham gia của các tổ chức phản biện, thế mới buộc các cơ quan nhà nước không qua mặt được dư luận chứ, thưa GS?
+ Cái này tùy vào từng lĩnh vực, cần quy định ở những văn bản luật chuyên ngành và những văn bản dưới luật. Chẳng hạn như Quốc hội quy định khi xây dựng các dự án luật thì phải lấy ý kiến của những đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động. Quốc hội cũng quy định rõ là những công trình dự án cỡ bao nhiêu tiền, tác động đến bao nhiêu dân thì Quốc hội phải quyết định mà trước khi quyết định thì Quốc hội cũng hỏi cử tri.
Tôi lấy ví dụ như chuyện khai thác bô-xít ở Tây Nguyên chẳng hạn. Không có luật nào cấm Chính phủ cho khai thác cái đó cả, cũng không có luật nào cấm Chính phủ không được hợp tác với nước ngoài trong việc này. Thế thì Chính phủ hoàn toàn có quyền quyết định. Nhưng có những người cho rằng quyết định như vậy là không nên thì người ta có quyền phát biểu và tiếp thu đến đâu vẫn là quyền của Chính phủ. Nếu từ việc này nhà nước thấy rằng những công trình, dự án quy mô thế nào, tác động thế nào thì cần phải có ý kiến phản biện của những tổ chức nào, đối tượng nào thì có thể đưa nó vào quy định.

. Xin cảm ơn GS.



No comments:

Post a Comment