Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [10]
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 28-2-2009
http://danchimviet.com/articles/897/1/Hi-c-v-nha-tu-cng-sn-Vit-Nam-10/Page1.html
Tôi gặp một người bác sĩ làm việc ở đây, anh ta người thấp đậm, nước da trắng, hiền lành. Sau khi vạch mắt tôi để nhìn (vì ở đây không có thiết bị soi đáy mắt cũng chẳng có thiết bị gì cả) vị Bs kia kết luận mắt tôi không bị gì cả, vẫn tốt. Mắt bị đau và thị lực giảm vì va chạm mạnh nhưng không bị tổn thương.
Tôi không biết ông ta nói có đúng không? Hay nói theo chỉ thị của cấp trên nhưng nhìn khuôn mặt nhân hậu của anh ta tôi tin anh ta nói thật và tôi yên tâm được một chút, rất may mắt tôi không có vẫn đề gì.
Khi anh Đăng từ bệnh xá nông trường về kể cho mọi người biết về tình trạng sức khoẻ của anh Long, ai cũng buồn vì họ biết rằng sẽ mất đi một người bạn, một chiến hữu đã từng chia xẻ những tháng ngày gian nguy (kể từ đó chúng tôi chẳng có tin tức gì về anh Long nữa.). Chúng tôi có kiến nghị lên BGT xin cho anh Long được chữa ở một bệnh viện tốt hơn, đầy đủ phương tiện và bác sĩ chuyên khoa, chứ ở cái bệnh xá đó thì làm sao chữa trị được. Họ trả lời để xin ý kiến cấp trên.
Mấy tháng sau đó chúng tôi mới biết là anh Long đã từ trần vào lúc 22 giờ ngày mồng 1 tháng tư âm lịch năm 1997, sau ngày anh Đăng ra thăm mấy hôm.
Như vậy là chế độ CSVN đã thành công mỹ mãn trong việc loại trừ anh Nguyễn Kim Long -một tù nhân chính trị kiên cường.
Chúng tôi biết mình như cái gai trong mắt của Đảng CS và họ cố làm mọi cách để triệt hạ, loại trừ chúng tôi, những anh em nào vẫn giữa lập trường, vẫn đứng ngay thẳng hiên ngang trong nhà tù như tôi, anh Đăng, anh Thành, anh Phương, anh Chinh, anh Long đều là mục tiêu ưu tiên để tiêu diệt. Những anh em hải ngoại thì được ưu tiên hơn một chút chứ không hoàn toàn”bất khả xâm phạm”
Mùa Đông năm 1997, tôi bị ốm mấy hôm liền không ăn uống gì được. Phía bên phải của bụng dưới đau dữ dội, đau từng cơn quặng cả người. Tôi xuống bệnh xá để khám, họ không nói gì, chỉ tiêm thuốc giảm đau rồi cho tôi về, cứ như vậy mấy ngày trời, tôi bị cơn đau hành hạ, mấy ngày sau đó không đi được nữa, anh em phải cõng tôi xuống trạm xá nhưng cán bộ Vỹ (lúc đó là Thượng uý trực trại đã nhiều lần xung đột với tôi vì thái độ nghiệt ngã và hống hách của y) trực tiếp chỉ đạo việc điều trị cho tôi. Gọi là “điều trị”, thực ra họ chỉ tiêm thuốc giảm đau rồi để tôi nằm đó. Rất may cho tôi là có một người tôi xin được giấu tên vì an ninh của anh ta báo cho tôi biết là y sĩ phụ trách trạm xá là Doãn Hồng Phong bảo rằng tôi bị viêm đường tiết niệu.
Tôi hỏi anh ta viêm đường tiết niệu thì dùng thuốc gì..anh ta bảo dùng Peniciline hoặc Amociline. Tôi về nói với anh em như vậy và đi hỏi anh em ai có thuốc đó không. Rất may Phạm Văn Thành có..hộp Amox của Pháp. Anh Thành đưa cho tôi mấy hộp. Tôi uống mỗi ngày 4 viên chia làm hai lần, thêm mấy chục viên Peniciline tôi mua của một người thường phạm giúp việc tại trạm xá của trại.
Một ngày sau cơn đau dứt hẳn, một hôm tôi đi tiểu thấy đau buốt, một mảnh sạn rơi ra cùng với một ít máu..vậy là hết hẳn.
Nhưng hoạ vô đơn chí, những căn bệnh như từ trên trời rơi xuống. Tôi bị thừa axit , ăn vào là đau bụng dữ dội, sau đó buồn nôn, thức ăn vẫn còn nguyên, tôi ói ra rau thịt cá, mặc dầu ăn rất ít nhưng từ sáng đến khuya vẫn không tiêu được. Anh Đăng có dự trữ mấy hộp thuốc đau bao tử, cả thuốc viên và thuốc dạng sữa..anh đưa cả cho tôi, toàn là thuốc Canada tôi uống vào vẫn không có tác dụng gì..vẫn đau và không ăn được.
Tôi uống sữa thì thấy khoẻ, anh Phan Văn Lợi mang cho tôi mấy muỗng thuốc của anh, thuốc trị dạ dày của Thanh Hoá, hình như là Binamon gì đó, một thứ thuốc gia truyền, hôi và mặn kinh khủng nhưng thật may, tôi uống vào mấy muỗng là hết ngay. Tôi ăn uống trở lại bình thường nhưng ông trời không thương tôi, chắc là cái nghiệp của tôi đến hồi phải trả. Một buổi chiều khi đi dạo ngoài sân, tôi cảm thấy choáng như bị sụt xuống, người mất thăng bằng, tôi đi vào nằm và có cảm giác như bị cảm cúm.
Một tháng sau cái bệnh cảm cúm này vẫn không hết, tôi thấy đau ở ngực từng cơn, phía sau lưng cũng đau một vài chỗ nhất định. Ban đêm thỉnh thoảng thức giấc, mồ hôi ướt áo, người lạnh toát. Tôi bị sốt buổi chiều và mệt lã cho đến 9 giờ tối người mới khoẻ lại. Tôi nghĩ đến bệnh lao phổi.
Tôi xuống bệnh xá để khám, y sĩ Doãn Hồng Phong nói tôi nhiễm lao phổi. Tôi yêu cầu được điều trị, anh ta đồng ý ngay và tiêm cho tôi mỗi ngày (đây là sai lầm của tôi) một lọ Streptomicin, 20 ngày sau tôi thấy người khoẻ hẳn, ăn rất ngon, mặt mày rạng rỡ, ai cũng khen. Doãn Hồng Phong bảo tôi, bệnh đã khỏi không cần tiêm Streptomicine nữa, tôi phản đối, tôi nói bệnh lao người ta chữa cả một năm, ít ra cũng 8 tháng, mới 20 ngày mà nghỉ sẽ dẫn đến kháng thuốc.
Đoàn Hồng Phong vẫn lạnh lùng nói:
- Tôi không lý luận với anh, ở đây tôi là người quyết định, tôi đã xin ý kiến của BGT rồi.
Một số anh em đi khám bệnh với tôi cũng phản đối. Anh Đăng nói:
- Thà cán bộ đừng chữa, còn chữa thì phải dứt khoát, nếu không con vi trùng lao sẽ kháng thuốc sau này không chữa được.
Doãn Hồng Phong vẫn như người điếc, không hề nghe thấy gì. Tôi nói:
- Đề nghị cán bộ tiêm cho tôi đúng 6 tháng, tiền thuốc tôi chịu trả.
Đoàn Hồng Phong trịch thượng:
- Ở đây chúng tôi thừa thuốc chữa cho anh, vẫn đề là bệnh của anh đã hết, trường hợp của anh tôi điều trị 20 ngày, người khác tôi điều trị 10-15 ngày là hết.
Nghe vậy anh Đăng nỗi nóng:
- Cán bộ nói như thần tiên: Trên thế giới này có quốc gia nào kể cả Mỹ chữa bệnh lao 15 ngày.
Hắn ngạo mạn:
- Ở đây chúng tôi chữa như thế đấy, không hài lòng các anh cứ đi kiện.
Hắn vừa nói vừa bỏ đi.
Trên đường về anh Đăng nói với tôi:
- Đây là kế hoạch họ dùng để loại trừ ông vì những việc ông làm, vẫn đề là mình chủ quan quá, không lường trước ý đồ của họ.
Tôi cảm thấy choáng váng. Tại sao tôi lại mắc sai lầm ấu trĩ như vậy?
Làm gì có chuyện người ta chữa bệnh cho tôi. Họ sẽ dùng căn bệnh quái ác này để tiêu diệt tôi.
Đây là một tội ác..nhưng nói đến tội ác làm gì..ở cái chế độ CS này, tôi ác của chúng cao hơn núi. Có thể nói: “Trúc Lam sơn không ghi hết tội -Nước Nam hải không rửa sạch mùi”. Tay chúng đã nhúng vào máu để xây dựng chế độ này và chúng tiếp tục nhúng tay vào máu để giữ chế độ CSVN, nhận thức được một việc: Tội ác của chúng trời không dung-đất không tha. Chúng không còn đường lui..Tội ác nối tiếp tội ác, dùng tội ác để bảo vệ tội ác.
Tôi ở nhà không còn đi làm nữa, họ biết tôi bị bệnh nên không nói gì (anh em vẫn đi làm), ở nhà với những người bệnh..Sulayman cũng bị lao như tôi..anh Trần Minh Tuấn cũng vậy: hai người này thể trạng khoẻ hơn tôi. Anh Tuấn vẫn còn chơi đàn ghi ta và làm công việc trồng trọt mà anh ưa thích.
Sulayman và tôi thì đánh cờ cho đở buồn, Sulayman cùng tuổi với tôi. Anh không vợ không con nên cuộc sống thanh thản nói cười suốt ngày. Còn tôi tuy được ở nhà dưỡng bệnh nhưng trong đầu lúc nào cũng nặng nề. Các con tôi còn bé, việc học hành tốn kém..không biết các cháu có được ăn uống đầy đủ không, đường đi học lại xa, vừa đi vừa về hơn 10km, con đường lầy lội không đi xe đạp được nên các cháu phải đi bộ. Hình dung các cháu co ro trong chiếc áo mưa trên con đường heo hút như thế lòng tôi đau quặn. Tôi không hiểu CS họ làm gì với cái đỉnh cao trí tuệ của họ mà sao sau 20 năm “giải phóng” họ vẫn chưa làm nỗi một con đường cho dù đơn sơ nhất cho học sinh đi học. (Cho đến khi ngồi viết những dòng này vào mùa Đông 2008, con đường đó vẫn còn lầy lội như xưa).
Tôi suy nghĩ nhiều về cuộc đời, về thân phận con người. Anh Lê Hoàng Sơn vẫn động viên tôi, không bao giờ quên được những gì anh dành cho tôi, tôi thấy mình không xứng đáng với tình cảm đó. Tôi vẫn chưa hiểu anh, một con người nhân hậu, cuộc sống của anh đôi lúc dễ dãi ham vui. Tôi thấy mình đòi hỏi ở anh quá nhiều (tuy không phải là quá đáng). Con người không ai toàn bích cả. Tất nhiên với điều kiện của anh anh có thể làm được nhiều hơn thế và có một vị trí cao hơn thế trong anh em tù chính trị..Có thể anh có những thiếu sót nhưng với tôi anh là một người anh tốt.
Có một lần tôi bị bại liệt một bên vai trái với những cơn đau dữ dội...cả người.
Tôi đã kiệt sức vì nhiều căn bệnh..bây giờ lại thêm căn bệnh quái ác này, tôi như người sắp chết.
Anh hỏi tôi đau như thế nào, tôi nói những triệu chứng cho anh biết, anh bảo không sao..anh nói là bị nhiễm gió gì đó. Chỉ cần xoa bóp và bấm huyệt là khỏi.
Anh mang qua một lọ cao xoa bóp và bấm huyệt cho tôi, thật lạ lùng, lần thứ nhất tôi đỡ đau 50% qua ngày hôm sau, ngày hôm sau nữa thì hết hẳn. Nếu không có anh tôi không biết phải làm sao. Khi viết những dòng này, hồi tưởng lại những gì anh dành cho tôi tôi thấy xấu hổ vì đã không hiểu anh không biết trân trọng những gì anh dành cho tôi.
Cuộc sống trong tù thật nghiệt ngã, thật căng thẳng, giữ được sự bình tĩnh sự sáng suốt để nhận định về một con người thật khó.
Mong anh thông cảm cho tôi. Xin anh nhận nơi đây lời cảm ơn và xin lỗi của tôi.
Tôi vẫn nhận được thư và hình của các con..năm nay cu Hiếu lên 9 tuổi, đã viết thư được cho ba, chỉ có hai dòng ngắn ngủi với vài nét vụng về “con là cu Hiếu của Ba đây -Con rất nhớ ba rất thương ba” cầm tấm hình trên tay, tôi thấy cu Hiếu thật đẹp trai, thật dễ thương. Tôi không sao cầm được nước mắt.
Tôi chỉ có một ước mơ là được về với các con, chỉ có thế thôi. Tôi đã làm gì, chỉ viết một tập truyện mà phải đi tù sao? Thử hỏi trên thế giới này có luật pháp nào như thế, nỗi bất hạnh và đau đớn này của ba con chúng tôi ai chịu trách nhiệm đây?
Tôi tự bảo mình. Không được. Mình phải cứng rắn lên, cố giữ gìn sức khoẻ để trở về với các con, để tiếp tục đấu tranh, để cho công lý được thực thi, để người dân làm chủ được vận mệnh của mình, làm chủ đất nước mình, để Tự do Nhân quyền trở thành những giá trị tối thượng..và cái ác phải bị trừng trị. Tôi phải cố gắng sống cho đến cái ngày ấy, cái ngày gông cùm xiềng xích của chế độ CS đang trói buộc dân tộc tan ra từng mảnh vụn và cái lâu đài tội ác kia sụp đổ trước sức mạnh của giá trị tự do và sức mạnh quần chúng và tôi tin rằng ngày đó sẽ đến ..không quá lâu xa.
Mùa Đông năm 1997 đã qua, Tết đã gần kề, hằng ngày tôi vẫn đi dạo quanh vườn (khu giam giữ chúng tôi đã trở thành một mảnh vườn nhỏ với đủ loại hoa trái do anh em trồng,ngoài mấy chậu hoa của trại mang vào như tùng, cúc, hồng, quỳnh, và mấy chậu phong lan nhỏ không hoa, anh em đã trồng rất nhiều rau xanh, bí đao, mướp, đu đủ, chuối, khổ qua, cúc tần). Trời càng lạnh mấy luống cải xà lách càng xanh, càng ngon.
Một ngày, anh Đăng nói nhỏ với tôi là gia đình thông báo cho anh biết đã có sự tiến bộ trong đòi hỏi của các nước về số phận những công dân của họ. Phía VN cũng đã có sự tương nhượng, anh hy vọng sẽ được trở lại Canada trong năm 1998. Tôi không dám tin vào những gì anh nói vì từ trước đến nay CS vẫn hay nói một đằng làm một nẽo, không thể biết chắc đuợc điều gì nơi họ, cũng có thể họ thay đổi vào phút chót thì sao? Đã có bao nhiêu những hiệp ước công ước họ đã ký kết, ký xong là vứt vào thùng rác luôn. Không ai có thể buộc họ phải thực hiện cả. Tôi không nói ra những gì tôi nghĩ sợ anh buồn nhưng trong lòng tôi không tin.
Tôi không biết anh Đăng có đuợc thông tin gì hay anh có một trực giác nhạy bén mà anh chuẩn bị ăn Tết rất to...anh nói:
- Ăn cái Tết cuối cùng với anh em ở đây.
Anh có tài nấu ăn, anh nấu rất ngon rất khéo, làm gì cũng khéo léo cẩn thận.
Anh mua mấy con gà mái to nhốt trong chuồng ở gần nhà bếp (chuồng gà Cường và anh Đăng tự làm) bằng những vật liệu thô sơ, để cho gà không chạy mất, anh đánh một cái vòng sắt nhỏ vào chân với một sợi dây cột hờ.
Anh tự tay nấu xôi để làm rượu ngâm trước Tết một tuần, mùi rượu thơm lừng. Những ngày cuối năm thật là vui, anh rất siêng đi căng tin, mỗi lần ở căng tin về anh mang theo đủ thứ. Tôi thấy chúng tôi đầy đủ quá, tôi giật mình nhìn lại một số anh em không có gì, họ buồn xo với bữa cơm rau muối hằng ngày..tôi nói với anh Đăng khi anh vừa gặp gia đình ra thăm nuôi với rất nhiều quà:
- Anh nên chia xẻ với anh em, mình đầy đủ quá, tôi sợ anh em buồn, họ chẳng có gì.
Anh Đăng là một người vui vẻ, đôi lúc anh vui quá quên mất những gì đang diễn ra chung quanh anh.
Nghe tôi nói anh giật mình:
- Ông không nhắc, tôi quên mất, không khéo thành ra vô tình. Tôi nhờ ông lên danh sách những anh em nào thiếu, họ cần gì để tôi mua cho họ, như vậy thiết thực hơn.
Vậy là tôi đi nói chuyện với một số anh em để biết họ cần gì. Sau đó anh Đăng xuống Căng tin mua rất nhiều hàng, tôi và Cường đi cùng anh để mang về..tay cán bộ bán căng tin hỏi.
- Anh Đăng mua làm gì nhiều thế, mới thăm nuôi mà.
Anh Đăng nửa đùa nửa thật, nhưng xét kỹ đây là câu trả lời khôn ngoan nhất:
- Tôi sắp về Canada rồi, đây là cái Tết cuối cùng ở VN tôi phải ăn thật lớn chứ, phải không cán bộ?
Tay cán bộ hằng ngày vẫn cau có, cười rất tươi, nhưng hắn vẫn không quên tính với giá cắt cổ.
Tôi phục anh Đăng, bình thường anh ăn nói dễ sơ suất nhưng khi cần anh lại có những câu trả lời rất khôn khéo, nếu là tôi, tôi không biết trả lời sao trong tình huống như vậy.
Chúng tôi đã ăn một cái Tết thịnh soạn nhất trong những năm tháng ở tù.
Rồi những ngày Tết cũng đi qua nhưng cái lạnh vẫn còn. Những ngày này tôi rất buồn, ở trong tù tôi có hai người thân thiết là anh Nguyễn Kim Long và anh Nguyễn Ngọc Đăng. Một người thì đã ra đi vĩnh viễn để lại hai cô con gái tuổi mới đôi mươi...Tôi và anh Long có nhiều kỷ niệm, có một lần tôi thấy anh Long khóc khi đọc thư, tôi không biết là có việc gì, muốn hỏi anh nhưng ngại. Anh hiểu ý tôi..anh vẫy tôi lại..giọng anh vẫn còn xúc động:
-Mình làm một ly cà phê chứ anh bạn?
Tôi mang bình nước và bộ ấm chén ra, tôi và anh nằm gần nhau sát chiếu nên không cần phải di chuyển, ai ngồi chổ người ấy. Anh Long lấy ra 3 gói cà phê, 2 cho anh và 1 cho tôi. Anh nghiện cà phê, mỗi lần chế hai gói, tôi không thích cà phê lắm, chỉ thích uống trà.
Anh nhấp một ngụm cà phê nói: Ngon quá và cười để lộ hàm răng thưa thớt vì đã rụng nhiều, nụ cười vẫn không giấu được nỗi buồn. Anh nói quan hệ giữa anh và vợ có trục trặc, đây cũng là điều mà rất nhiều anh em chúng tôi gặp phải khi họ đi tù. Người vợ ở nhà cô đơn trong một thời gian quá dài..cuộc sống thì nghiệt ngã, cũng đành vậy thôi. Anh đưa lá thư của con gái anh cho tôi xem. Chúng tôi vẫn hay trao đổi thư từ của gia đình cho nhau đọc..tôi không đọc hết thư, chỉ đọc mấy dòng: Cô con gái tâm sự với ba..là cô có bạn trai và người ấy đã bỏ cô. Cô buồn và viết thư chia xẻ với ba những lời thật thắm thiết. Tôi nhận ra cái tình cảm cha con thật thiêng liêng làm sao! Khoảng cách của không gian và thời gian có thể làm thay đổi nhiều mối quan hệ, nhưng với tình cha con thì khoảng cách đó càng làm cho họ gần nhau hơn.
Tôi có 3 con nhỏ, Thục Vy lúc đó (1997) 12 tuổi, Khánh Vy 10 tuổi, Trọng Hiếu 8 tuổi cho nên tôi rất hiểu anh, đồng cảm với anh và tôi đã khóc, anh cũng khóc. Bây giờ bên cạnh tôi chỉ có anh Đăng là tri kỷ.
(còn tiếp)
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [1]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [2]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [3]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [4]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [5]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [6]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [7]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [8]
Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam [9]
No comments:
Post a Comment