Saturday, February 28, 2009

HOA KỲ VẪN LÀ No. ONE

Hoa Kỳ vẫn là No. One
Lê Phan
Thursday, February 26, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=91406&z=97
Chỉ khoảng hai năm trước, đã có lúc một số nhà bình luận nói là thăng bằng kinh tế thế giới đã đi đến chỗ là ngay cả nếu Hoa Kỳ có đi vào suy thoái thì Á Châu, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản có thể đứng ra thay thế làm động cơ cho kinh tế thế giới. Ngay đầu năm ngoái, ở Âu Châu vẫn còn những người nói là chính khối đồng Euro và Liên Hiệp Âu Châu sẽ tách rời khỏi những vấn đề kinh tế của Hoa Kỳ và sẽ giúp duy trì ổn định cho nền kinh tế thế giới. Nhưng nay thì không thấy ai nói đến điều đó nữa.

Một nhà bình luận đã dí dỏm nhận xét: Muốn thấy nền kinh tế Hoa Kỳ thực sự bệnh hoạn đến mức nào chúng ta phải nhìn ra ngoại quốc. Sự việc đột nhiên người dân Mỹ từ chối chi tiêu đang gây khủng hoảng từ Nhật Bản đến Trung Quốc ở Á Châu đến Ðức ở Âu Châu. Và đột nhiên những biểu đồ khác biệt nhau giữa mức tiêu thụ của người dân Hoa Kỳ và mức xuất cảng của Nhật Bản, Trung Quốc và Ðức Quốc đều bất ngờ giống nhau, đi xuống ở một mức độ chóng mặt. Xuất cảng ở Nhật giảm đến một mức kỷ lục 46% tính toàn năm. Một nhà phân tích của Societé Générale đã bật cười khi những thống kê từ Trung Quốc được đưa ra, bởi theo ông ta, hẳn là con số sụt giảm của Bắc Kinh cũng tệ bằng hay hơn Nhật Bản nữa. Ðức, quốc gia đầu tầu của khối Euro, lại cũng là một quốc gia lệ thuộc vào xuất cảng. Xuất cảng chiếm đến một nửa GDP của Ðức, thành ra khi xuất cảng giảm 7.3% trong riêng Tháng Giêng vừa qua, nền kinh tế giàu có nhất Âu Châu đang lâm nguy.

Ðiều những nhà bình luận và những chính trị gia của nhiều quốc gia trên thế giới nay đột nhiên mới lại khám phá ra là ít nhất trong tương lai gần Hoa Kỳ vẫn là No. One. Tất cả những lời nói là Hoa Kỳ đã đến ngày mất vị trí độc tôn nay không nghe thấy nữa. Hiện nay tất cả con mắt thế giới không đổ dồn vào Tokyo, Bắc Kinh, Brussels, Berlin hay Moscow, mà đang chú mục vào Hoa Kỳ. Mọi người đều trông đợi vào Hoa Kỳ để đưa thế giới ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay.

Một nhà bình luận trên tờ New York Times nhận xét: Trong vòng 50 năm nay chưa bao giờ chúng ta (người Mỹ) cảm thấy mình yếu đến thế, ấy vậy mà chưa bao giờ trong vòng 50 năm nay, thế giới lại cảm thấy Hoa Kỳ quan trọng đến thế.

Trong khi quả đúng là từ sau Chiến Tranh Lanh kết thúc đến nay, những nhà trí thức, những nhà bình luận, nhất là ở Âu Châu, than phiền là Hoa Kỳ hùng mạnh quá. Nhưng bây giờ đột nhiên không thấy ai than phiền cả. Có lẽ là vì hầu hết mọi người công nhận chỉ có Hoa Kỳ hồi phục lại nền kinh tế thì mới có khả năng kéo được nền kinh tế toàn cầu ra khỏi một cuộc khủng hoảng trầm trọng, có thể dẫn đến biến động chính trị. Thật dễ nói đến Hoa Kỳ quá hùng mạnh khi không phải sống trong một thế giới mà Hoa Kỳ quá yếu. Và vào lúc này, điều mà mọi người đang sợ là Hoa Kỳ không đủ mạnh chứ không phải là Hoa Kỳ quá mạnh.

Cũng có thể trong thâm tâm mọi người trên thế giới bây giờ đã ý thức rằng một thế giới không có Hoa Kỳ chế ngự không có nghĩa là một thế giới không có ai chế ngự hay đúng hơn không có ai khác tốt hơn chế ngự. Ðó sẽ là một thế giới không có lãnh đạo. Cả Nga lẫn Trung Quốc đều không có đủ ý chí cũng như phương tiện để trông nom cho lợi ích của toàn thế giới như Hoa Kỳ vẫn bình thường cung cấp. Cái gọi là Liên Hiệp Âu Châu ngày càng lộ diện là một tập hợp của các quốc gia mà quyền lợi quốc gia vẫn được đặt cao hơn quyền lợi của Liên Hiệp.

Ở một khía cạnh nào đó, thế giới đã vừa trải qua khoảng một tháng trời như vậy khi Tổng Thống Bush sắp mãn nhiệm mà Tổng Thống Obama chưa cầm quyền. Trong giai đoạn đó, thế giới quả là cảm thấy thiếu lãnh đạo. Khi Mumbai bị khủng bố tấn công, khi Israel tấn công vào giải Gaza, ai nấy đều ngóng về Hoa Kỳ chờ đợi.

Và có lẽ cũng vì ý thức được điều đó, nên mặc dầu Hoa Kỳ đang gặp khủng hoảng kinh tế, một sự khủng hoảng do chính nợ nần xấu của Hoa Kỳ tạo nên, nhưng cả thế giới nay lại quay trở lại sự an toàn của đồng đô la.

Một viên chức Nam Hàn, trong lúc tâm sự với một nhà báo tháp tùng phái đoàn của bà Clinton, đã khẳng định “Không có quốc gia nào trên thế giới có thể thay thế Hoa Kỳ. Hoa Kỳ vẫn là số 1 về quân sự, số 1 về kinh tế, số 1 về thúc đẩy nhân quyền và số 1 về lý tưởng. Chỉ có Hoa Kỳ mới có thể lãnh đạo thế giới. Không có quốc gia nào có thể thay thế. Trung quốc không thể làm được điều đó. Âu Châu thì quá chia rẽ, vả lại khả năng quân sự của Âu Châu quá yếu kém. Thành ra chỉ có Hoa Kỳ. Chúng ta chưa bao giờ sống ở một thế giới đơn cực bằng giai đoạn hiện nay.”

Người Á Châu có thể bực mình vì đã từng bị Hoa Kỳ “dạy dỗ” khi họ trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế hồi cuối thập niên 1990. Âu Châu có thể khó chịu khi Hoa Kỳ vung vít vay tiền cứu nguy kinh tế. Nhưng tất cả mọi người đều cầu mong sao Hoa Kỳ thành công trong việc phục hồi lại nền kinh tế.

Nhà bình luận của tờ New York Times kể lại là trong những câu chuyên ở Seoul, nhiều người, từ các nhà kinh doanh đến các nhà báo, đều tỏ ra rất lo lắng. Họ hỏi ông ta là có quả thật là Hoa Kỳ không biết đối phó ra sao với tình hình, hay là tệ hơn nữa, họ biết nhưng vấn đề lớn hơn là họ tưởng.

Và dĩ nhiên tất cả mọi người đều lo là Hoa Kỳ sẽ theo đuổi con đường bảo vệ mậu dịch, bởi nếu chuyện đó xảy ra thì hệ thống mậu dịch toàn cầu sẽ sụp đổ. Ông Lee Hong-koo, một cựu đại sứ Nam Hàn tại Hoa Kỳ, giải thích “Không ai có thể thay thế Hoa Kỳ. Không có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ là không có lãnh đạo. Ðiều đó đặt một gánh nặng rất lớn lên người dân Hoa Kỳ phải có hành động tích cực. Quí vị không thể bị lôi cuốn vào con đường quốc gia quá khích. Vẫn biết khi mọi sự khó khăn, người ta thường rất dễ bị lôi cuốn trở thành quốc gia quá khích. Và trong thế giới kinh tế, quốc gia quá khích sẽ trở thành bảo hộ mậu dịch. Chúng tôi rất mừng khi Tổng thống Obama không theo con đường đó. Người dân Mỹ, dân tộc Mỹ, phải hiểu là niềm hy vọng và sự trông đợi của tất cả các dân tộc khác nay đặt trên vai họ.”

Dĩ nhiên làm lãnh đạo mệt lắm, nhưng đó là thân phận cường quốc độc tôn.

Lê Phan


No comments:

Post a Comment