Sunday, February 22, 2009

"CUỘC CHIẾN" VIỆT - TRUNG TẠI BA LAN

“Cuộc chiến” Việt – Trung tại Ba Lan
Đàn Chim Việt
Đăng ngày 22-2-2009
http://danchimviet.com/articles/882/1/Cuc-chin-Vit--Trung-ti-Ba-Lan/Page1.html
VACSAVA, Ba Lan: Trong tuần qua, đã nổ ra hai cuộc biểu tình tại Trung tâm Thương mại GD, do những người Việt Nam khởi xướng chống lại chủ Tầu.

Cuộc biểu tình thứ nhất, mà đúng ra là một cuộc đình công, đã diễn ra ngay trong TTTM GD vào sáng thứ Hai, 16/2/2009. Ngay từ sáng sớm, những người buôn bán đồng loạt đóng cửa quầy hàng. Lần đầu tiên trong lịch sử thương mại tại vùng Wolka Kosowska, tất cả các quầy hàng tại 5 hala của trung tâm đều đồng loạt đóng cửa. Doanh nghiệp Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Lan v.v. nhất loạt bảo nhau tham gia. Đơn giản đây là cuộc đấu tranh kinh tế không kể sắc tộc, quốc gia. Điều này đã được nhấn mạnh trong bài báo ra ngày hôm sau trên nhật báo Gazeta Wyborcza. Đến trưa vì ban giám đốc TTTM GD không đồng ý nên các doanh nghiệp đã ra ngoài cổng để tập trung thực hiện chương trình truyền hình cho đài quốc gia TVP. Phóng sự đã được phát cùng ngày trên các kênh TVP2, TVP Info.

Ngày hôm sau, thứ Ba ngày 17 tháng hai, đúng dịp kỉ niệm 30 năm cuộc chiến biên giới Việt – Trung (17/2/1979 - 17/2/2009) trên truyền thông Ba Lan xuất hiện cụm từ “cuộc chiến tại trung tâm thương mại” (Bitwa w Centrum Handlowe). Số là, trưa hôm đó, đài truyền hình TVN 24 (tương tự CNN) vào TTTM GD để thực hiện chương trình với sự có mặt của hai bên xung đột, đại diện GD và đại diện các doanh nghiệp. Nữ kí giả Dagmara Kaczmarek đã nhận được sự đồng ý quay hình tại trung tâm cũng như sự tham gia của đại diện TTM GD. Tuy vậy đến khi thực hiện ghi hình thì đại diện TT GD từ chối; họ yêu cầu anh Ngô Văn Tưởng, một trong số những đại diện của các doanh nghiệp, phải đi ra ngoài. Nhân viên bảo vệ tại trung tâm định dùng vũ lực để đưa anh Tưởng ra khỏi khu vực quay TV. Khi đó bà con Việt Nam đã đứng ra bảo vệ và phản đối hành động vô lý này. Khi đó các nhân viên bảo vệ đã dùng hơi cay để tấn công. Bà con ta rất phẫn nộ, tuy vậy vẫn kiên nhẫn đứng xung quanh để ký giả Ba Lan thực hiện chương trình và trả lời phỏng vấn. Sau khi chương trình hoàn thành, nữ kí giả Ba Lan nói câu kết, mọi người hò nhau đến văn phòng GD để chất vấn về sự việc xảy ra. Tại đây, nhân viên bảo vệ đứng dàn hàng ngang để ngăn chặn. Một số người Việt Nam muốn đi qua và khi đó bảo vệ đã tấn công bằng hơi ngạt lần thứ hai. Tất cả những hình ảnh trên sau đó đều được truyền hình TVN, Polsat, Gazeta Wyborcza công bố. Người Việt chống trả bằng cách ném một số đồ vật vào những người bảo vệ. Từ sau sự kiện này chủ trung tâm không xuất hiện và từ chối trả lời phỏng vấn truyền thông Ba Lan như Gazeta Wyborcza, TVP, TVN và Polsat. Một câu hỏi về tính hợp pháp trong việc sử dụng hơi cay của lực lượng bảo vệ ở đây được đặt ra trong truyền thông Ba Lan và các doanh nghiệp.

Mặc dù sự kiện nổ ra đúng ngày 17 tháng 2, nhưng 2 anh Vũ Duy Hiển và Ngô Văn Tưởng - đại diện của những người Việt Nam - cho biết, họ không có ý đồ chính trị gì trong chuyện này. Đây đơn thuần là cuộc đấu tranh về kinh tế, một cuộc đấu tranh về quyền lợi của những doanh nghiệp đi thuê quầy.

Cuộc biểu tình ngày 20/2/2009 - Ảnh: Ngô Văn Tưởng
http://danchimviet.com/content_images/2/GD3.jpg

Cuộc biểu tình lần 2 diễn ra vào ngày 20/2/2009, lần này hàng trăm người đã mang theo những băng – rôn bằng tiếng Ba Lan và diễu hành ngoài đường. Đây là cuộc biểu tình hợp pháp. Chính quyền quận này trước đó đã 2 lần cấm biểu tình và hành động đó bị dư luận cho là có nhiều uẩn khúc. Lệnh cấm lần thứ hai đã bị tỉnh trưởng hủy bỏ. Cả hai lệnh cấm này đã được kiện lên Tòa án Hiến pháp (TK) và Tòa án nhân quyền Âu châu tại Strasburg.

Cảnh sát được huy động tới để giữ gìn trật tự. Cánh báo chí được Ban tổ chức thông báo cũng có mặt từ sớm. Dưới cái lạnh -5 độ C, hàng trăm người đã sát cánh bên nhau và hô vang các khẩu hiệu. Một số đi phân phát mũ len, găng tay, nước trà cho những người biểu tình và cả các nhà báo, cảnh sát. Nhiều người mang khẩu trang nhằm nhắc lại sự tấn công bằng khí cay của các nhân viên bảo vệ.

Ngoài người Việt Nam còn có những người Hindus, Ba Lan, Thổ Nhỹ Kì và cả người Trung Quốc thuê quầy ở đây tham gia biểu tình. Chủ 2 doanh nghiệp Trung Quốc sau khi do dự đã phát biểu trước ống kính đài TVP.

Những người thuê quầy đòi hỏi giảm giá tiền thuê và một hợp đồng công bằng hơn cho họ. Năm ngoái, sau khi kết thúc hợp đồng cũ, công ty GD đã ép người thuê ký vào một bản hợp đồng mới, tăng giá thuê lên cao, từ 6 Euro/ m vuông lên 18 Euro. Đây là giá quá cao ngay cả nếu đem so sánh với các khu buôn bán trong trung tâm thành phố Vacsava.

Trong vài tháng trở lại đây, khủng hoảng kinh tế làm cho tình hình càng trở nên tồi tệ. Đồng tiền Ba Lan bị mất giá tới 40% so với nửa năm trước đây đã đẩy nhiều người thuê quầy tới bờ vực của sự phá sản. Tiền thuê (tính theo Euros) ngày càng cao, tháng 2/2009 cao hơn tháng 1/2009 tới 7000 złoty. Hàng hóa buôn bán tại đây cũng chủ yếu là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam…; giá hàng tính theo trị giá đô la, tăng 30, 40 % so với năm ngoái. Ngoài những chi phí trên, mỗi quầy thường phải thuê thêm vài nhân viên phụ việc, vài kho chứa hàng… Phát biểu trong cuộc biểu tình, không chỉ có người Việt mà nhiều người Ba Lan buôn bán hay làm thuê ở đây cũng bày tỏ sự lo lắng, sợ phá sản, sợ mất việc...

Hợp đồng hiện nay được cho là chỉ bảo vệ quyền lợi cho người chủ và hoàn toàn vô lý, bất lợi cho người thuê. Luật sư đại diện cho những người thuê quầy ở đây cho biết, có tới 20 chi tiết trong hợp đồng không phù hợp với luật pháp Ba Lan. "Đây là Ba Lan, không phải Trung Quốc” là khẩu hiệu mà những người biểu tình đưa ra, đòi hỏi công ty GD phải hành xử theo đúng pháp luật Ba Lan, bỏ thói nước lớn, bỏ kiểu độc tài, xử ép nhau trong quan hệ với cộng đồng những người buôn bán tại đây.

Anh B, một người buôn bán lâu năm ở trung tâm này nói, một quầy tại Hala 1, nơi anh thuê, có diện tích sử dụng là 91m vuông, chủ bắt anh ký hợp đồng thuê 123m! Họ tính thêm cả diện tích đường đi lối lại, và chỗ đỗ xe ô tô vào đó. "Có nơi nào, ở Ba Lan, giá đỗ xe ô tô là 18 Euros/ m vuông?” – Anh bức xúc nói.

GD là trung tâm buôn bán đầu tiên do người nước ngoài xây dựng tại Wólka, cách Vacsava 25 km về phía Nam. Hiện nay, trung tâm có 5 khu (hala) với 650 quầy. Sau đó, người Việt Nam, người Thổ Nhĩ Kỳ cũng mua đất và xây bên cạnh đó nhiều trung tâm buôn bán khác như ASG, EACC, ASEAN.PL, ASEAN.EU, ASH. Cách đó vài km là trung tâm MAXIMUS của một chủ Do Thái. Tất cả các trung tâm này tạo nên một quần thể buôn bán lớn nhất hiện nay tại châu Âu. Với phương thức buôn bán linh hoạt, chủ yếu là bán buôn, khách hàng của các trung tâm này không chỉ có người Ba Lan mà cả châu Âu như Nga, Ucraina, Latvi, Litva, Czech, Slovakia, Đức, Hungaria, Bungaria, Rumani…

Những người biểu tình cho biết, họ sẽ "đi đến cùng”, sẽ tiếp tục biểu tình cho tới khi có kết quả. Biểu tình là một hành động khá hiếm hoi nhất là với một cộng đồng "thuần” chủ yếu ra đi từ miền Bắc như ở đây. Ba Lan hiện là nơi sinh sống của khoảng 50 ngàn người Việt. Trước đây, vài cuộc biểu tình lẻ tẻ do những người hoạt động cho dân chủ ở đây khởi xướng mang nội dung chính trị đã không được sự ủng hộ (công khai) của cộng đồng.

Các bản tin từ trang Gazeta.pl:

-
Kryzysowy bunt kupców w Wólce Kosowskiej
-
Chinczycy spacyfikowali strajkujących kupców
- Handlarze_protestuja_i_walcza_na_kielbasy

© 2009 Đàn Chim Việt


No comments:

Post a Comment