Thursday, January 29, 2009

VẤN NẠN TÂY NGUYÊN

Một vài ghi chép nhân một chuyến du hành Nha Trang - Đà Lạt
Vĩnh Thanh
Cập nhật : 28/01/2009 01:00
http://www.diendan.org/BanDocVaZD/chuyen-nghe-nhan-mot-chuyen-111i-nha-trang-111a-lat/
Trong thời gian về thăm đất nước vào cuối tháng 12.2008, tôi có dịp đi chơi một vài nơi như Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu v.v. Trên đường từ Nha Trang lên Đà Lạt, do sự cố kỹ thuật, chiếc xe đò tốc hành 16 chỗ ngồi phải "nằm đường" mất mấy tiếng đồng hồ giữa một khung cảnh núi đồi hùng vĩ của phía nam cao nguyên trung phần. Tuy đã vào cuối tháng 12, nhưng năm nay cả miền trung lẫn miền nam vẫn bị mưa liên tục. Chiếc xe nằm ở lưng chừng đèo, bốn bề mây vờn xám ngắt không gian, gió mưa tơi tả núi rừng khiến ai ai cũng thấy lạnh lùng ái ngại, không biết liệu có đến được Đà Lạt hay phải chịu trận một đêm ở nơi đèo heo hút gió này...

Trong nhóm hành khách đa số là thanh niên, đàn ông, đứng ngắm đất trời và phì phèo thuốc lá cho đỡ lạnh. Tuy chẳng ai quen ai, nhưng cũng chuyện trò rôm rả, đủ mọi đề tài... Dần dần câu chuyện xoay quanh vấn đề xây dựng, bạt núi mở đường (con đường chúng tôi đi từ Nha Trang lên Đà Lạt là con đường mới mở, thâu ngắn khoảng cách NT-ĐL chỉ còn không tới 150 km), câu chuyện cuối cùng lan sang vấn đề số phận đồng bào các dân tộc thiểu số và vấn đề an ninh ở khu vực Tây Nguyên… Trong số hành khách, có một sĩ quan Quân đội Nhân Dân Việt Nam, anh vào trạc xấp xỉ 50, dáng khoẻ mạnh, chắc nịch nhưng thanh tú, hiểu biết uyên bác và ăn nói lưu loát. Anh cho biết đã và đang sống ở Tây Nguyên từ hơn 25 năm nay và cho rằng tình hình an ninh của Tây Nguyên là đáng lo, chủ yếu cũng chỉ vì người Kinh phá rừng, phá hoại thiên nhiên quá sức khiến nhiều bộ lạc dân tộc ít người rất bất bình và tìm cách chống lại người Kinh. Anh bảo rằng, đối với người dân tộc thì rừng là một cái gì đó rất thiêng liêng, họ sinh và sống cả cuộc đời họ ở rừng ... chết cũng ở rừng. Nay bị người Kinh phá tan hoang, họ không còn môi trường sống. Sự oán hận phát sinh từ đó. Anh cũng nêu đích danh tên một ngiười hiện nay thuộc hạng giàu nhất Việt nam: "thằng Hoàng Anh Gia Lai". Vâng, anh gọi bằng "thằng". Anh cho biết rằng nhóm Hoàng Anh Gia Lai này phá rừng với một quy mô lớn không thể tưởng... mà cũng rất tinh vi. Họ không phá từ ngoài đường lộ mà cách đường khoảng vài chục đến một trăm mét. Xe chạy trên đường, không thể nào biết rằng chỉ cách 100 mét thôi, rừng già tan nát cả !

Người dân tộc bất mãn và oán hận, thế nhưng chính phủ cũng chẳng có chính sách gì dàn xếp, giải quyết cho tốt đẹp. Thực tế chỉ còn bộ đội là có thể tiếp xúc và nói chuyện với người dân tộc Tây Nguyên, bởi vì trong tâm tư của họ vẫn còn hình ảnh anh "bộ đội Cụ Hồ" đã từng "ba cùng" với họ vào cái thời xa xưa nên họ còn tin (Ba cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm. Thậm chí có cán bộ còn cà răng căng tai, sống suốt bao năm trời với người dân tộc). Thế nhưng tình hình an ninh rất là đáng ngại.

Đến đây tôi bèn nêu một câu hỏi, thế thì anh nghĩ sao về việc nhà nước Việt Nam ký kết cho Trung Quốc vào đầu tư khai thác quặng Bâu-xít ở khu vực Tây Nguyên. Và theo tin tức báo chí trên mạng thì họ đã bắt đầu thi công, cho xe ủi đất phá nát, san phẳng cây cối, nhà cửa cả những nơi dân cư đang sinh sống, đang canh tác, trồng trọt ?

Anh trả lời rằng, về chuyện này thì những người quân đội không đồng ý, vì theo anh thì một khi TQ đã vào thì khả năng đối kháng của dân tộc Tây Nguyên sẽ mạnh mẽ hơn. Tây Nguyên giáp với phía bắc Campuchia. Nếu từ đó có một giải đất « Tây Nguyên tự trị », nó sẽ cắt Việt Nam ra làm 2.

Anh kết luận: "Nếu mất Tây Nguyên là có nguy cơ mất nước !"

Tôi đứng nghe mà bỗng thấy điếng người !

Từ đó tới nay tôi cứ bâng khuâng lo lắng, ngẩm nghĩ mãi về chuyện Bâu-xít ở Tây Nguyên. Khi sang trở lại Đức, đọc được lá thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gởi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi lại càng đinh ninh chuyện này là rất nghiêm trọng. Những điều anh sĩ quan nói với chúng tôi ở Cao nguyên Đà Lạt chắc chắn không phải nói chơi, không phải chuyện trà dư tửu hậu. Chuyện rất nghiêm trọng nên cụ Giáp mới phải lên tiếng, tuy nhiên chắc ở vị trí của mình, Cụ chỉ có thể nêu những lý do kinh tế mà thôi.

Đọc lại bài về Bâu-xít ở Tây Nguyên của ông Nguyễn Trung, tôi lại càng tin rằng việc khai thác bâu-xít ở Tây Nguyên chẳng có lợi kinh tế gì cho Việt nam, và thậm chí cũng chẳng có lợi về kinh tế cho Trung Quốc. Thế sao họ vẫn muốn vào ? Mà lại vào với một quy mô rất lớn ?

Một điều khiến tôi thắc mắc rất nhiều là tại sao một dự án cực kỳ quan trọng như vậy mà lại chỉ do Tổng công ty than - khoáng ký với đối tác TQ, thay vì hai nhà nước ký với nhau. Chẳng lẽ có một bộ phận nào đó của Ta đang "đi đêm" với Bạn ?

Nỗi niềm biết ngỏ cùng ai ?
Thôi thì ngỏ cùng các bạn báo Diễn Đàn để mọi người cùng suy gẫm !
Chúc các anh chị năm mới sức khoẻ và mọi điều tốt lành.
Cầu mong bánh xe lịch sử không quay trở lại!

Vĩnh Thanh

No comments:

Post a Comment