Thursday, January 8, 2009

NÔNG DÂN HƯNG YÊN BIỂU TÌNH

'Hàng nghìn' nông dân Hưng Yên biểu tình
Quốc Phương
www.bbcvietnamese.com

07 Tháng 1 2009 - Cập nhật 18h08 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2009/01/090107_hung_yen_dispute.shtml
Tin cho hay 'khoảng 2.000' nông dân ở các xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên trong địa bàn dự án 500 ha Khu đô thị, thương mại và du lịch Văn Giang, đã phản đối chính quyền cưỡng chế thu hồi ruộng đất của họ.
Các nhân chứng cho BBC biết, rạng sáng ngày thứ Tư, 07/01, trong một động thái bất ngờ, chính quyền địa phương huyện Văn Giang và tỉnh Hưng Yên đã huy động nhiều xe cơ giới, trong đó có các xe ủi, máy xúc v.v... san lấp ruộng đất và phủ cát ở khu vực đất tranh chấp thuộc ba xã.
Hàng trăm cảnh sát, an ninh đã hộ tống các xe cơ giới trên phần đất nông nghiệp của các hộ dân ở ba xã với lý do làm đường phục vụ dự án.

Nghe tường thuật sự việc

Người dân cho hay, nhiều nông dân địa phương sau khi biết tin đã kéo tới cánh đồng và các địa điểm bị san ủi, nhiều người trong số đó mang theo cuốc, xẻng, gây gộc.
"Nhiều người đã xông vào cản đường không cho máy xúc làm việc tiếp và phản đối cảnh sát. Họ hô to các khẩu hiệu, gọi cảnh sát và chính quyền là những kẻ cướp ngày", một người dân nói với BBC.
Trong lúc phản đối, có tin nói, một phụ nữ thuộc xã Phụng Công đã bị hành hung và bị thương nặng, buộc phải vào bệnh viện cấp cứu.
Thế nhưng, đại diện cho Chính quyền địa phương, ông Lê Văn Chắt, chủ tịch UBND xã Cửu Cao, một trong ba xã 'điểm nóng', không cho rằng có bất cứ sự việc nghiêm trọng nào xảy ra. Ông nói với BBC:
"Không xảy ra vấn đề gì cả. Đương nhiên cưỡng chế phải có công an, an ninh và bảo vệ. Phải cưỡng chế vì tuyên truyền vận động mãi rồi, người ta vẫn không thực hiện, thì theo quy định của pháp luật, từng bước phải cưỡng chế."

'Phải hỏi dân'

Ông Chắt cho biết thêm: "Đây là cưỡng chế đường, không phải cưỡng chế đất đô thị. Quy định của Thủ tướng ra 4 năm nay rồi. Người ta không bàn giao, nên bây giờ buộc phải cưỡng chế. Còn vì sao người ta không đồng ý thì cái đó phải hỏi dân."

Người dân các xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao cho hay nông dân không đồng ý với mức đền bù và cách thức trưng dụng đất của Chính quyền để xây khu đô thị, thương mại, du lịch.
Theo họ, mức đền bù 150.000 đồng/m2 đất (hay khoảng 50 triệu đồng/sào đất) cho đất nông nghiệp đang canh tác của họ để chuyển sang phục vụ dự án đô thị, thương mại, du lịch, là không thoả đáng.
Một người dân địa phương nói: "Nhiều hộ dân hiện tại chưa ai đồng ý cả, chỉ có một số người. Đất là máu thịt của người dân. Bây giờ bán đi, người ta sống bằng gì? Bây giờ họ đang đổ lấp đất. Họ ăn cắp trắng trợn."
"Họ làm từ tối, tất cả dân không ai biết gì cả," nhân chứng này cho biết, "Sáng dân làng biết kéo lên thì họ đã đổ xong, sau họ rút về hết. Họ ủi bằng phẳng hết cả ruộng. Hiện tại dân làng đang cắm lều trại trên đó. Tối phải canh ở đó suốt cả đêm, ăn ngủ trên đó suốt. Hôm nay lên đó tầm mấy nghìn người ở mấy xã liền."

Một người dân khác ở xã Cửu Cao cho BBC Việt ngữ biết người dân bức xúc vì thiệt thòi, lo lắng mất ruộng và mất kế sinh nhai nhưng ý kiến của họ không được nhà nước lắng nghe. Bà nói:
"Lấy thì phải lấy vừa phải thôi, lấy hết thì phải đảm bảo quyền lợi, đời sống cho nhân dân. Chứ bây giờ, như nhà tôi chẳng hạn, hai cháu nhỏ không có ruộng, hai vợ chồng mỗi người được một suất. Bây giờ lấy hết, chúng tôi lấy gì mà ăn?"
"Dự án này chúng tôi nghe nói từ năm 2004. Cho đến tận năm nay mới có những giấy nọ giấy kia, đưa ra xã để họp," nữ nông dân này thuật lại, "Giấy ghi là mời ra 'nghe', thế nhưng khi chúng tôi phát biểu, Chủ tịch xã quát không cho phát biểu. Thế thì làm gì có sự họp bàn để có đồng thuận của nhân dân được."

Động thái bất thường

Trên thực tế, sự việc vụ cưỡng chế đất ruộng, dẫn tới phản đối và tranh chấp giữ đất của người dân 3 xã Xuân Quan, Phụng Công và Cửu Cao, huyện Văn Giang với Chính quyền đã kéo dài từ năm 2006.
Cách đây một năm, vào tháng 1/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn yêu cầu tiếp tục dự án sau nhiều tháng tiến độ bị chậm trễ do khâu đền bù không được người dân nhất trí.
Ngày 30/12, vừa qua, hai ông Lê Thanh Hậu và Nguyễn Văn Triệu, trưởng và phó thôn Hạ, xã Cửu Cao, đã bị Toà án Tỉnh Hưng Yên xử tù 1 năm vì tội 'gây rối trật tự' dù dư luận của người dân địa phương cho rằng hai ông chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của dân.

Theo giới quan sát trong nước, năm 2008, đã diễn ra hàng nghìn vụ phản đối, đấu tranh, khiếu nại và biểu tình lớn nhỏ của người dân ở nhiều khu vực nông thôn và đô thị trong cả nước, phản đối các chính sách và cách thức thu hồi, trưng dụng, trưng mua ruộng, đất của nhà nước.
Vài năm gần đây, nhiều chuyên gia về chính sách nông nghiệp cũng như xã hội học trong nước đã lưu ý rằng nhà nước cần xem lại cách thức trưng dụng ruộng đất nông nghiệp, canh tác của người dân nhằm tránh các nguy cơ về an ninh lương thực và bất ổn xã hội.
Vụ việc mới diễn ra tại khu đô thị Văn Giang nổ ra đúng vào thời điểm tại Hà Nội đang diễn ra Hội nghị lần thứ 9 của Trung ương Đảng Khoá X, cho thấy bước sang năm 2009, mâu thuẫn lợi ích giữa chính quyền và người dân về các vấn đề đất đang tiếp tục tạo nên các điểm nóng ở Việt Nam.
Dư luận cũng đặt giấu hỏi về sự bất thường của động thái cưỡng chế này của chính quyền tỉnh Hưng Yên ở một địa điểm chỉ cách trung tâm Hà Nội 13 km.
Vì thông thường, trong thời điểm diễn ra các phiên họp quan trọng của Đảng và Nhà nước, chính quyền thường tránh không để xảy ra các vụ việc gây xôn xao dư luận, bất lợi cho Đảng.


Nông dân tỉnh Hưng Yên biểu tình phản đối việc tịch thu đất đai
Ánh Nguyệt

Bài đăng ngày 08/01/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 08/01/2009 15:21 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/109/article_2148.asp
Những vụ tranh chấp đất đai và bồi thường không thoả đáng trong thời gian gần đây hầu hết là nguyên nhân chính trong những vụ biểu tình của nông dân trong nước. Trong vụ Cửu Cao, nông dân được đề nghị bồi thường khoảng 20 triệu đồng (1120 đôla) cho 360 mét vuông đất, vào năm 2004

Theo hãng tin AFP, hôm qua hàng ngàn nông dân huyện Cửu Cao, tỉnh Hưng Yên đã chống đối dữ dội khi xe ủi đất được công an yểm trợ bắt đầu san bằng các khu đất nông nghiệp của họ. Vùng đất này nằm trong chương trình xây dựng khu đô thị thương mại du lịch Vân Giang, còn được gọi là Eco Park, rộng 500 hecta thuộc tỉnh Hưng Yên, cách thủ đô Hà Nội chừng 15km về hướng Đông Nam.
Eco Park do công ty Vihajico trúng thầu khai thác có kế hoạch xây dựng trên địa bàn ba xã Xuân Quang, Phụng Công, Cửu Cao thuộc huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên một khu đô thị và du lịch mới, có sân đánh gôn.

Do việc bồi thường thiệt hại đất trưng dụng không rõ ràng, vào tháng 8/2006, mấy trăm nông dân đã kéo tới bên ngoài trụ sở Quốc hội biểu tình ôn hòa. Tháng 12 năm ngoái, hai trong số những ngưòi này đã bị tuyên xử mỗi người một năm tù giam với lý do gây rối trật tự công cộng.

Về cuộc chống đối hôm qua của dân làng xã Cửu Cao, một phụ nữ yêu cầu không đưa tên nói với AFP là hơn 1.000 dân trong đó có người còn mang theo cả nông cụ đã giận dữ chống lại việc cưỡng chế đất đai của họ.
Những vụ tranh chấp đất đai và bồi thường không thoả đáng trong những năm gần đây hầu hết là nguyên nhân chính trong những vụ biểu tình của nông dân trong nước.
Trong vụ nông dân Cửu Cao, tỉnh Hưng Yên phản kháng hôm thứ Tư, chính quyền địa phương biện minh, 70% cư dân đã chấp thuận tiền bồi thường nhưng 30% còn lại chưa chấp nhận mức đền bù. Cán bộ Nhà nước đã nhiều lần thương thuyết với họ nhưng không đạt được kết quả.
Người phụ nữ Cửu Cao mà AFP tiếp xúc cho biết, nông dân được đề nghị bồi thường 19 triệu đồng Việt Nam tức khoảng 1.120 đôla cho 360 mét vuông đất, vào năm 2004. Do sự phản đối của nông dân nay mức bồi thưòng cho đất đai cưỡng chế đã được nâng lên thành 48 triệu đồng. Một số hộ nông dân do khó khăn tài chính đã chấp nhận khoản bồi thưòng này nhưng nhiều người vẫn tiếp tục đòi thương thuyết với chính quyền.


No comments:

Post a Comment