Thursday, January 8, 2009

30 NĂM SAU KHI VN "GIẢI PHÓNG CAM BỐT"

30 năm sau khi Việt Nam “Giải phóng Cambodia”
Việt Hùng, phóng viên RFA
2009-01-07
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/The-30-years-anniversary-of-Vietnamese-Army-invaded-Cambodia-01072009121758.html
Cách đây đúng 30 năm vào ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1979 trên danh nghĩa là để “giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi ách diệt chủng Pol Pot” đảng Cộng sản Việt Nam đã đưa quân đội Việt Nam tiến vào thủ đô Phnom Penh của cái gọi là những toan tính trong bàn cờ chính trị tại Đông Dương.

Kế hoạch cộng sản hóa Liên Bang Đông Dương

30 năm sau, hình ảnh những người lính Việt Nam trên xứ Chùa Tháp để lại điều gì? Những người từng tham gia trong cuộc chiến nghĩ gì sau 30 năm nhìn lại. Trong câu chuyện với Việt Hùng của Đài Á Châu Tự Do, nhà báo Trần Quang Thành, nguyên biên tập viên Ban tin tức Đài Truyền hình Việt Nam, người có mặt ngay trong ngày đầu tiên khi quân đội Việt Nam tiến vào Phnom Penh.

Nhà báo Trần Quang Thành: Ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1979 thì tôi đang ở thủ đô Phnom Penh với cương vị là phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam vào để đưa tin và tường thuật những sự kiện xảy ra trên đất nước Campuchia.

Việt Hùng: Vào thời điểm trước ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1979 hầu như có thể nói tất cả những người lính tham dự cuộc chiến theoo tiếng gọi “giúp” nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chúng Pol Pot?
Nhà báo Trần Quang Thành: Trước hết phải nói rằng bộ đội Việt Nam nhận thức đây là bọn sang gây tội ác ở biên giới Tây Nam cho nên họ cũng rất căm thù bọn tội ác này cho nên họ muốn tiêu diệt ngay. Cho nên với lời kêu gọi của Mặt trận cứu nước Campuchia mà mình dựng lên. Lòng căm thù vì đã bao nhiêu dân bị giết ở biên giới Tây Nam rồi, nén chịu suốt từ năm 75 – 78. Trong 3 năm chiến tranh ở đó đã làm cho nhiều dân Việt Nam chết cho nên cứ thấy tiếng gọi diệt Pol Pot là đi chứ cũng chẳng cần biết cuộc chiến tranh là như thế nào.

Việt Hùng: Vừa rồi anh có nói tới nhận thức ban đầu. Phải chăng anh muốn nói đến nhận thức thứ hai hay sao?
Nhà báo Trần Quang Thành: Vâng, khi mà chúng ta diệt họa được Pol Pot rồi thì chúng ta đưa lên một nhà nước gọi là Nhà nước Nhân dân Campuchia do đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia lãnh đạo. Theo ý kiến riêng của tôi nghĩ thì hình như những nhà lãnh đạo Việt Nam lúc đó nghĩ tới là sẽ có một Liên bang Đông Dương gồm Cộng hòa Nhân dân Lào - Cộng hòa Nhân dân Campuchia - Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thời kỳ đó là Việt Nam đang đối đầu với ASEAN, nhưng cuối cùng ngược lại hiện nay Việt Nam lại đi vào khối ASEAN và 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia cũng trở thành thành viên của ASEAN.

Hunsen đi ngược lại đường lối của Việt Nam?

Việt Hùng: Nhưng cho đến ngày nay không ít sử gia vẫn đặt lại vấn đề về sự đồn trú của quân đội Việt Nam trên đất Campuchia kể như kéo dài 10 năm?
Nhà báo Trầng Quang Thành: Cái đó là đúng, người ta nói là đúng. Phải ghi nhận mà nói chúng ta chỉ muốn có một đảng nhưng hiện nay Campuchia lại đa đảng. Người ta đa đảng và ông Hunsen đang làm ngược lại những gì mà chúng ta đã răn dạy ông ta, ông Hunsen bây giờ đâu có làm theo như ở Việt Nam.

Việt Hùng: Là một nhà báo từng có mặt ở chiến trường Campuchia, bối cảnh Campuchia hiện nay là một quốc gia có nền dân chủ mặc dù còn non yếu, trong khi nhìn về Việt Nam cá nhân anh có suy nghĩ nào hay không?
Nhà báo Trần Quang Thành: Có, có suy nghĩ chứ là vì tôi ở bên đó cũng hơn 2 năm, được tiếp xúc với các ông lãnh đạo Campuchia cũng nhiều. Trước hết phải nói rằng báo chí ở Campuchia cũng dân chủ hơn, họ có nhiều tờ báo đối lập, rồi là chế độ đa đảng, hiện nay tình hình gọi là ổn định đấy chứ. Bước đi của Campuchia vào WTO còn trước cả Việt Nam, thị trường của họ mở rộng, ngay cả lúa gạo của họ cũng đem sang bán ở Việt Nam rất nhiều.

Việt Hùng: Bây giờ để nhìn lại sau 30 năm, ngày mùng 7 tháng Giêng 2009 anh nghĩ gì về cuộc chiến đó?
Nhà báo Trần Quang Thành: Tôi nghĩ nếu cuộc chiến này đặt mục đích là diệt họa diệt chủng thì là một thắng lợi to lớn, nhưng đổi lại là hàng trăm ngàn sinh mạng của thanh niên Việt Nam đã ngã xuống và để lại một cuộc sống mới cho nhân dân Campuchia thì đó là một niềm vui lớn, niềm tự hào của những người những ngày đầu tham gia cuộc chiến.
Nhưng nếu nghĩ tới mục đích đầu tiên mà có những người mơ ước tới về một nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa thì chắc cái đó không thành công rồi và ngược lại, lại trở thành chế độ dân chủ.
Nếu mà tính như thế thì nhiều người người ta lại nói sự ngã xuống của bao thanh niên Việt Nam lại trở về con số 0.
Điều Việt Nam không bao giờ muốn Campuchia có đa đảng thì thực chất hiện nay Campuchia lại đa đảng. Điều Việt Nam không muốn có báo chí đối lập thì Campuchia lại có báo chí đối lập, những điều gì mà Việt Nam giúp cho Campuchia trước kia thì hiện nay Campuchia lại có ngược lại.
Đấy các bạn thử xem ở Việt Nam báo chí một chiều thì ở bên Campuchia là đa chiều, có báo chí đối lập, kể cả Đài Truyền hình, rồi lực lượng chính trị ở Campuchia giờ cũng đa đảng, thế thì chúng ta phải hiểu sao? chúng ta là như thế nào? Điều này chúng tôi suy nghĩ rất nhiều nhất là đặt lại vấn đề sau 30 năm đặt lại những gì được - những gì mất của cuộc chiến ở Campuchia, giờ đúng là nhiều cái phải bàn thảo.
Và rồi sau này có lẽ lịch sử cũng phải xem lại xem cái gì mất, cái gì được, cái gì thành công , cái gì thất bại trong cuộc chiến này đến lúc cũng phải đưa ra minh bạch.

Trong chiến tranh người dân lúc nào cũng là kẻ bại trận

Đó là với nhà báo Trần Quang Thành với những hồi tưởng lại sau 30 năm nhìn lại.
Cũng vẫn là tâm trạng của một người lính, một nhà báo, nhà thơ Nguyễn Duy, người từng chứng kiến nhiều nghịch cảnh của người dân Campuchia trong thời gian khi quân đội Việt Nam đồn trú tại xứ Chùa Tháp đã tức cảnh thốt lên qua bài thơ

Đá Ơi !
Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình
nghĩ cho cùng
mọi cuộc chiến tranh
phe nào thắng thì nhân dân đều bại


Nhà thơ Nguyễn Duy: Ý của bài thơ Đá Ơi đã hình thành trong tôi từ hồi còn chiến tranh ở trong nước nhưng chưa viết ra được. Có một cái cớ cụ thể là tôi được dự buổi Lễ rút quân khỏi Campuchia đợt cuối cùng vào ngày 29 tháng 8 năm 1989 ở Siem Riep. Lúc đó tôi với tư cách là một nhà báo dự lễ rút quân của quân đội Việt Nam đóng ở cách Angkor Wat độ 2 cây số. Trước đó thì tôi có đi thăm làng mạc của người dân Campuchia thì tôi thấy họ khổ quá…
Lúc khi chiến tranh ở Việt Nam mình cũng chịu đựng cái khổ ở trong nước mình, nhưng lúc đó mình là người trong cuộc nên nhìn không thấy hết…và khi mà nhìn thấy cái khổ của người dân Campuchia với tư cách là một người “đứng xa” một chút thì thấy rõ, thật sự là mất mát, chết chóc và đói khổ quá lớn.
Lúc đó tôi nghĩ đến thân phận của người dân Campuchia rồi nhìn lại số phận người dân ở nước mình cũng chả có hơn gì… và cũng như những người lính Mỹ mà chết ở Việt Nam thì thân nhân của họ cũng đau khổ chẳng khác gì mình…
và nhìn lại cả nước Việt Nam thì thấy mất mát của người dân là quá lớn.
Ý thì có từ rất lâu rồi, nhưng để viết ra được 6 dòng thơ đó thì rất nhanh và lúc đó tôi dùng một viên đá mềm tôi viết lên tường của Angkor Wat vì hồi đó còn rất vắng người chứ không đông như bây giờ. Bài thơ đó từ lúc đầu cho đến bây giờ là nguyên vẹn chứ không có sửa chữa gì.

Việt Hùng: Thưa nhà thơ Nguyễn Duy, bài thơ Đá Ơi phải chăng là “tiếng máu” của chính sự trải nhiệm trong cuộc đời của nhà thơ chăng?
Nhà thơ Nguyễn Duy: Đúng như vậy, bởi vì tôi là người lính trong chiến tranh, cái khát vọng của người lính là khát vọng thanh bình, lúc nào cũng chỉ nghĩ đến việc trở về thôi và chính những người lính là ở gần với cái chết nhất.
Tất cả những người lính đều chỉ mong là được trở về làng quê thanh bình của mình, vì cái thua-được ở trong chiến tranh là của những lực lượng chống đối nhau, chứ còn đối với người dân thì bên nào cũng thua cả. Cái ý nghĩ đó đã có từ lâu lắm nhưng mãi đến khi ở Angkor Wat thì tôi mới viết được.

“Nghĩ cho cùng mọi cuộc chiến tranh, phe nào thắng thì nhân dân đều bại”, xin mượn những vần thơ của nhà thơ Nguyễn Duy để thay cho lời kết nhân sự kiện ngày mùng 7 tháng Giêng năm 1979 sau 30 năm nhìn lại.


No comments:

Post a Comment