Tuesday, January 6, 2009

NƯỚC NHẬT CANH TÂN NHƯ THẾ NÀO ?

Nước Nhật canh tân như thế nào?
http://www.x-cafevn.org/node/1372
Lời Tòa soạn X-cafevn.org: Dưới đây là trích đoạn một bài viết trên blog Mao Mao về Minh Trị Thiên Hoàng và phần nào lịch sử cuộc duy tân tại Nhật Bản cuối thế kỷ 18. Tựa đề đoạn trích do Tòa soạn X-cafevn.org đặt, vì muốn giới thiệu tới độc giả quá trình thay đổi tư duy của người Nhật, cùng các điều kiện để cuộc canh tân tại Nhật thành công. Để đọc toàn bài viết gốc, xin bấm vào nguồn bài viết ở phía cuối trang.

Minh Trị (明治 = Meiji) (3/11/1852 - 30/7/1912) là niên hiệu khi lên ngôi Thiên Hoàng (天皇 = Tenno, Hoàng Đế Con Trời) năm 1868. Ông sinh tại Kyoto (京都 = Kinh Đô), tên thời thơ ấu là Sachimiya (有宮 = Hữu Cung), khi lên ngôi Thái Tử năm 1860 đã lấy tên là Mutsuhito (睦仁 = Mục Nhân). Vì có công lớn với đất nước, nên ông còn được gọi là Minh Trị Đại Đế (明治大帝 = Meiji Taitei), Minh Trị Thánh Đế (明治聖帝 = Meiji Seitei).

Minh Trị là vị Thiên Hoàng thứ 122, được kể là có công nhất trong lịch sử 125 đời Thiên Hoàng của cùng một dòng họ con cháu Thái Dương Thần Nữ theo truyền thuyết Shinto (神道 = Thần Đạo).

Ông là Hoàng Tử thứ hai của Thiên Hoàng Keio (Khánh Ứng), tên thật là Komei (Hiếu Minh) và bà Nakayama Yoshiko (Trung Sơn Khánh Tử). Kế vị năm 1867 lúc mới 15 tuổi và chính thức nắm quyền từ Sứ Quân Tokunawa cuối cùng trao lại vào tháng 8/1868 lúc 16 tuổi. Từ 9/1868, tức Khánh Ứng năm thứ 4, đổi thành niên hiệu Minh Trị nguyên niên (năm Minh Trị thứ nhất).

Được sự giúp đỡ đắc lực của các công thần, dẹp chế độ Tướng Quân Mạc Phủ (Shogun Bakufu), phục hồi uy quyền Thiên Hoàng ở trung ương và sự thống nhất đất nước sau nhiều năm loạn lạc trong tình trạng Sứ Quân (Shogun) tranh quyền.

Tháng 12/1868, tức lúc 16 tuổi, ông đã kết hôn với Haruko (Mỹ Tử, có cái cằm đặc biệt dài và nhọn) con của Tả Đại Thần Tadaka Ichijo (Nhất Điều Trọng Hương). Sau Hoàng Hậu lên ngôi Hoàng Thái Hậu hiệu là Shoken (Chiêu Hiến). Thời ông mới bắt đầu cải cách, nên ngoài vợ chính thức là Hoàng Hậu ra, ông còn có bốn Hoàng Phi.

THAY ĐỔI TƯ DUY

Từ phong kiến bước qua dân chủ là cả một sự thay đổi tư duy tức văn hóa của một dân tộc, nên cũng cần đòi hỏi những yếu tố hoàn cảnh hay ý thức của dân chúng đủ chín mùi và thời gian. Giới trí thức Nhật đã tích cực tiếp thu và phổ biến tư tưởng của Vương Dương Minh (Oyomei, vào thế kỷ thứ 15, đời nhà Minh, Trung Quốc) tức “Dương Minh Học” chủ trương “Tri hành hợp nhất, Vạn vật nhất thể, Chí lương tri...” và canh tân. Tất nhiên, trong giai đoạn chuyển tiếp thường diễn ra sự tranh chấp giữa hai phái bảo thủ và cấp tiến và đôi khi có lúc bị thoái trào.

Rất nhiều nhân vật thuộc phái cải lương xuất thân là các Nho Gia phái Dương Minh Học. Một số người mở các trường tư gọi là “Shigakko” (Tư Học Hiệu), có khi lên đến cả ngàn học trò. Thời ấy, các trường này có khi quy tụ nhiều võ sĩ, nên họ học chữ nghĩa và tập cả quân sự, sau trở thành nhóm theo hoặc chống lại quân của Thiên Hoàng.

Thời đó, nổi bật nhất là Bác Sĩ kiêm Học Giả Fukuzawa Yukichi (Phúc Trạch Dụ Cát, 1834-1901), nhà tư tưởng canh tân lừng danh, người đã mở đại học tư Keio Gijuku đầu tiên ở Nhật, hai tác phẩm tiêu biểu của ông là Văn Minh Luận Khái Lược năm 1875 và Khuyến Học. Hình của ông nay được in trên tiền giấy mệnh giá cao nhất 10.000 Yen.

Ông chủ trương mỗi người dân phải có tinh thần độc lập thì quốc gia mới độc lập được, nếu người dân ỷ lại vào lãnh đạo, chỉ thành phần lãnh đạo lo việc nước thôi không đủ. Ông định nghĩa tinh thần độc lập ấy như sau:

“- Biết tự mình lo toan cho chính mình mà không nhờ người khác.
- Biết phân biệt sự vật phải trái một cách đứng đắn mà không ỷ lại vào trí khôn của người khác.
- Biết tự mình dùng tâm lực lao động để nuôi lấy chính mình mà không cậy vào sức người khác.

Nếu mỗi người không có tinh thần độc lập và chỉ trông cậy người khác, vậy thì ai là người đứng ra gánh vác trách nhiệm trong nước đó”.

“Phương sách giữ gìn độc lập không thể tìm đâu ra ngoài văn minh.”.

Theo ông, cách giữ nước hay nhất là:

“Làm cho đất nước tràn đầy không khí tự do độc lập, không phân biệt sang hèn, trên dưới, mỗi người gánh vác trách nhiệm quốc gia, người tài kẻ ngu, người sáng kẻ mù, nhất nhất phải ráng sức gánh vác bổn phận của người dân nước đó”.

Đông - Tây có những giá trị đạo đức và quan niệm kinh tế khác nhau, đều có ưu và khuyết điểm riêng. Tuy nhiên, nếu đánh giá hai nền văn minh Đông -Tây trên tiêu chuẩn “phú quốc cường binh và hạnh phúc của tuyệt đại đa số”, ông cho rằng các nước Đông Phương đi sau các nước Tây Phương một bước. Sở dĩ đi sau, vì:

“Nền giáo dục Nho Giáo ở Đông Phương, về hữu hình không để ý tới việc bồi dưỡng lối suy nghĩ khoa học và về vô hình không chú trọng đến tinh thần độc lập của mỗi cá nhân”.

Ông coi sự suy yếu của Trung Quốc thời đó là một người thầy phản diện, tức lấy đó làm gương mà tránh. Trong cuộc đấu tranh để giữ gìn độc lập, ông coi việc ngoại giao là quan trọng nhất. Kẻ thù nguy hiểm nhêt của Nhật khi đối đầu với Tây Phương, “không phải là quân sự, mà là thương mại, không phải là vũ lực mà trí lực”. Nên ông chủ trương học để theo kịp Tây Phương. Theo ông giáo dục đứng đắn sẽ nâng cao dân trí, tiến tới văn minh là phương sách giữ gìn độc lập.

“Đưa đất nước tiến lên đài văn minh là một biện pháp, một chiến lược vừa giáo dục, vừa kinh tế, vừa quốc phòng.”

Muốn vậy phải khách quan đánh giá điểm mạnh và yếu của mình, mở rộng tầm mắt học hỏi, thu hóa cái hay của người. Ông là người đầu tiên diễn thuyết công khai về ý nghĩa của cuộc thương thuyết ngoại giao sau chiến tranh. Và ông chính là người đã dịch từ “speech” là “diễn thuyết (演説)”, lấy hai từ chữ Hán có sẵn ghép lại.

Về nước Nhật, ông chủ trương thoát khỏi Châu Á, theo Châu Âu, được coi là người thúc đẩy nước Nhật tiến bộ. Nhà tư tưởng Nhật, theo chủ thuyết Darwin Xã Hội, sinh tồn tự nhiên giữa các quốc gia, tức cá lớn nuốt cá bé là điều tự nhiên, chứ không câu nệ đồng văn, đồng chủng, đồng châu.

Cho rằng Nhật Bản có đủ tầm vóc, nên thoát khỏi Châu Á, theo Châu Âu, bành trướng mở rộng quốc quyền, ủng hộ chiến tranh Nhật-Thanh (nhà Thanh của Trung Hoa). Ông rất được người Nhật kính trọng vì công lao về mặt giáo dục, nên được in hình trên tiền giấy mệnh giá cao nhất 10.000 Yen từ thập niên 80...

Cụ Phan Bội Châu cũng phần nào chịu ảnh hưởng tư tưởng về sự cầu tiến của ông.

CẢI CÁCH CHÍNH TRỊ

Năm Minh Trị thứ 2 (1869), ông chọn thành Edo (Giang Hộ) làm hoàng cung, thiên đô từ Kyoto ở phía nam lên và đổi thành Tokyo (Đông Kinh, bình nguyên lớn nhất, dân cư đông nhất, kinh tế phát triển nhất). Từ năm thứ 5 tới năm thứ 18, ông đi vòng khắp nước tổng cộng sáu lần để nắm biết tình hình dân chúng.

Thiên Hoàng Minh Trị ra lệnh cho ông Ito Hirobumi (Y Đằng Bắc Văn, sau làmThủ Tướng và bị một người Triều Tiên ám sát để trả thù việc Nhật Bán sát nhập Triều Tiên 1910-1945)... soạn thảo hiến pháp, chính ông cũng tích cực tham gia các buổi thảo luận. Công bố chế độ Quân Chủ Lập Hiến (bãi bỏ chế độ phong kiến và chế độ đặc quyền của các lãnh chúa) năm Minh Trị thứ 23 (1890), nhân lễ khai mạc Quốc Nghị Hội lần thứ nhất. Khi đó, ở Âu Châu mới chỉ có vài nước theo chế độ nàỵ Thực ra, năm 604, thời Thánh Đức Thái Tử (Seitoku Taishi), đã từng công bố Hiến Pháp 17 Điều (Kenpo Junanajo).

Thực ra, khi lên ngôi năm 1868, Thiên Hoàng Minh Trị đã hứa xây dựng thể chế nghị viện, nhưng rồi mặt khác ông lại được tôn sùng quá mức nên có lúc các tư tưởng dân chủ bị nhận chìm. Đầu thập niên 1870, phong trào đòi dân quyền bùng lên, đảng chính trị đầu tiên là “Ái Quốc Đảng” (Aikokuto) được thành lập năm 1874, rồi “Tự Do Đảng” (Jiyuto) thành lập năm 1881...

Nhiều cuộc vận động dân quyền như Phong Trào Tự Do Dân Quyền (Jiyu Minken Undo) khởi đầu năm 1874 và ngày 5/4/ 1880 bị đàn áp nặng nề vì lý do tập hợp không có phép trong khi đang tranh chấp về việc soạn luật cho phép cảnh sát đàn áp hay không, khoảng 400 người bị bắt một số bị tù.

Vụ Chichibu (Trật Phu) nổi dậy với hàng ngàn dân chúng mà trọng tâm là 300 đảng viên Tự Do Đảng, họ đã vũ trang đòi giảm thuế và hoãn nợ kéo dài từ ngày 31/10 đến 9/11/1884 và lan rộng các tỉnh Nagano (Trường Dã), Saitama (Kỳ Ngọc), Gunma (Quần Mã). Họ bị cảnh sát, hiến binh triều đình... đàn áp, khiến có khoảng 25 người bị tử thương, hơn 4.000 người bị bắt và bị kết án, trong số đó có 7 người bị tử hình...

Tuy bị đàn áp, nhưng các phong trào này cũng đã góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy sớm thưc thi dân chủ, nên năm 1889 luật bầu cử quốc hội gần tương tự như bên Anh được ban hành. Lúc đầu luật bầu cử hạn chế, chỉ dành cho phái nam trên 25 tuổi và phải là người đóng một mức thuế nào đó, nên cử tri thường là giới trí thức và thương gia thành thị. Kết quả là chỉ có khoảng 450.000 cử tri trên tổng số 40 triệu dân thời đó, dần dần càng sau này mới mở rộng hoàn toàn cho mọi người. Số Dân Biểu cũng vậy, từ 300 người năm 1890, sau này tăng thành khoảng 500.

Cuộc tổng tuyển cử Hạ Viện đầu tiên được tổ chức năm 1890, tuy nhiên trong giai đoạn đầu quyền hạn của cơ quan này vẫn còn giới hạn vì phải chia sẻ quyền lập pháp với Thượng Viện tức Viện Quý Tộc là các thành viên của Hoàng Tộc do Thiên Hoàng bổ nhiệm cũng như chia sẻ với chính Thiên Hoàng. Thiên Hoàng có quyền triệu tập cũng hư giải tán Hạ Viện. Hạ Viện có quyền lập pháp nhưng phải được Thiên Hoàng ban hành... chưa kể Thủ Tướng và nội các đã được lập ra trước đó, từ năm 1885. Hạ Viện chỉ họp khoảng 60 ngày trong một năm, thời gian không họp, Thiên Hoàng có thể ra các sắc lệnh...

Qua thời Thiên Hoàng Đại Chính (大正, Taisho, 1912-1926) và Chiêu Hòa (昭和, Showa, 1926-1989), dân quyền càng lúc càng được mở rộng hơn, nhưng cũng có khi vì chiến tranh như thời Thiên Hoàng Chiêu Hòa, thì giới quân phiệt lấn áp chính giới và giới hạn quyền tự do của người dân, đàn áp các đảng đối lập như Xã Hội và cấm đoán chủ nghĩa Cộng Sản... Tuy vậy, nhìn chung thể chế dân chủ ở Nhật vẫn là tiến bộ nhất so với các quốc gia Đông Á hay nhiều nơi khác trên thế giới, khi đó vẫn còn u mê với triều đại phong kiến.

MINH TRỊ DUY TÂN

Duy Tân (維新 = Ishin) với duy là “liên kết”, nên duy tân là cải cách, sửa theo mới (tiếng Anh là reform, tiếng Pháp là réformer). Duy không phải là “chỉ” như trong duy tâm (唯心), duy vật (唯物)... Tuy rằng đôi khi bị dùng lẫn lộn.

Công lao lớn nhất của Thiên Hoàng Minh Trị là chủ trương cách mạng Duy Tân (Ishin), thường được gọi là Minh Trị Duy Tân (Meiji Ishin) đưa ra năm 1868, đã nhanh chóng đưa nước Nhật Bản từ lạc hậu tiến ngang hàng với các cường quốc.

Trong công cuộc vận động Duy Tân có “Bunmei Kaika” (Văn Minh Khai Hóa, kêu gọi cận đại hóa, Tây Dương hóa... với chủ trương “Wakon Yosai” (和魂洋才, Hòa Hồn Dương Tài, tức Hồn Nhật Bản với phương thức Tây Dương). Một chủ trương táo bạo khác nữa là “Seiyo o manabi, Seiyo nioitsuki, Seiyo o oinuku” (Học hỏi Tây Phương, bắt kịp Tây Phương, đi vượt Tây Phương.). Họ dám nghĩ như thế và thực tế là họ đã làm được như thế trên rất nhiều lãnh vực.

Tích cực cho sinh viên du học và du nhập văn minh Âu Châu, đồng thời bảo tồn đức dục dân tộc để phát triển đất nước. Khi đó, các nhà lãnh đạo ý thức rõ mục đích, tập trung năng lực vào làm. Phân biệt rõ điều có thể và không thể làm. Phán đoán có tính cách hiện thực. Có thể tóm lược đường hướng duy tân vào ba điểm chính:

1- Coi trọng giáo dục.
2- Độc lập văn hóa.
3- Trọng dụng nhân tài.

Năm thứ 15, đã ra sắc lệnh lập chế độ trưng binh và ghi rõ Thiên Hoàng là “Đại Nguyên Suý” (大元帥 = Daigensui). Tuy với hiến pháp quân chủ và đường lối cai trị đã cởi mở rất nhiều so với các nước Á Châu thời đó, nhưng thành công của cuộc Duy Tân cũng mở đường cho chính sách giáo dục sùng bái Thiên Hoàng. Sau này, lòng yêu nước và sẵn sàng chết vì Thiên Hoàng bị chính giới và quân phiệt lợi dụng trong chiến tranh và nhất là Thế Chiến Thứ 2, để rồi thất bại ê chề và làm tan nát đất nước. Sau Thế Chiến Thứ 2, Nhật Bản đã bãi bỏ lối giáo dục sùng bái Thiên Hoàng và lòng người hướng tới các Thiên Hoàng không còn quá sùng tín như xưa nữa. Người Nhật vốn trọng văn hóa và truyền thống, nên ban đầu cuộc cách mạng Duy Tân thực ra cũng bị dân chúng âm thầm chống đối ở mức độ nào đó vì họ không quen với sự thay đổi quá lớn và toàn diện như vậy. Sự lấn át của văn minh và văn hóa Tây Phương khiến văn minh và văn hóa đặc thù của Nhật như bị đẩy đến chỗ phá sản.

Như việc kêu gọi cắt búi tóc kiểu Nhật thường thấy ở các võ sĩ đạo hay võ sĩ Sumo gọi là “chonmake”. Giới võ sĩ cho rằng búi tóc đó tượng trưng cho linh hồn của người Nhật, nếu cắt đi thì không còn là Nhật nữa. Đã có những cuộc nổi loạn lên tới 8.000 người, và 6 người bị kết án tử hình...

Ông Tomomi Iwakura (Nham Thương Cụ Thị) là Công Khanh được cử làm Đại Sứ Đặc Mệnh Toàn Quyền đi Hoa Kỳ thương thảo yêu cầu xóa bỏ hiệp ước bất bình đẳng trước đó (mãi tới năm 1911, khi Nhật hùng mạnh lên các đế quốc cũ mới chịu bỏ những hiệp ước này), khi qua tới thủ đô Washington ngày 21/1/1872, thấy đi giầy Tây nhưng vẫn mặc áo Kimono đàn ông và búi tóc thì không hợp nên cũng đã quyết định cắt tóc, vì theo ông phải dứt khoát cải cách theo kịp đà văn minh, điều này đã gây chấn động lớn trong dư luận Nhật. Từ đó, các quan lại thi nhau cắt tóc. Chính nhiều bà cũng phản đối việc các ông cắt tóc, có ông đi cắt tóc, về bị vợ bỏ! Các bà chung quanh Minh Trị Thiên Hoàng cũng phản đối, khiến các hạ thần rất khó khăn trong việc thuyết phục, nhưng rồi ngày 20/3/1873, vua Minh Trị quyết định cắt tóc làm gương, thế là dân chúng rủ nhau đi cắt tóc.

Rất nhiều võ sĩ đạo từng ủng hộ Minh Trị Thiên Hoàng dẹp các Sứ Quân, sau đó đã quay ra chống lại để bảo vệ truyền thống dân tộc, nhất là khi nhà cầm quyền đưa ra luật cấm mang kiếm.

Phim “The Last Samurai” thực hiện bởi Hoa Kỳ và trình chiếu năm 2004 với chi phí khoảng 140 triệu Mỹ Kim, do nam tài tử Nhật là Ken Watanabe (Độ Biên Khiêm) đóng vai người võ sĩ đạo cầm đầu hàng ngàn quân nổi loạn cùng với nữ tài tử Sanada Hiroyuki (Chân Điền Quảng Chi) vai vợ Đại Úy Nathan Algren tức nam tài tử Tom Cruise bị bắt khi giúp triều đình chống Samurai, nhưng cũng vì kính phuc tinh thần Samurai mà đã tự biến thành Samurai.

Phim đã nói lên sự tranh chấp kịch liệt giữa cũ và mới trong giai đoạn này và như vậy cuộc cải cách cũng đã phải trả bằng giá sinh mạng nhiều ngườị Cuối cùng phe chống đối được coi là nổi loạn, hầu hết vẫn dùng kiếm và súng trường cổ điển, đã chiến đấu đến người cuối cùng “The Tast Samurai”. Họ bị dẹp tan, lòng dũng cảm và yêu nước đã không thắng được những vũ khí tối tân của triều đình do Hoa Kỳ cung cấp.


Thắng lợi trong cuộc dẹp nội loạn ở Tây-Nam và hai cuộc chiến tranh với nhà Thanh (清朝, Thanh Triều) của Trung Hoa năm 1984 và 1895, với Nga năm 1904 (tiêu diệt hạm đội Nga tại biển Lữ Thuận đông-bắc TrungHoa) và năm 1905 (tiêu diệt hạm đội Nga tại biển Đối Mã ở giữa Nhật Bản và Triều Tiên). Ngay sau đó, năm 1905, cụ Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ và Đặng Tử Kính lên đuờng sang Nhật Bản. Năm 1910, Nhật Bản còn tham gia Bát Quốc Liên Quân tấn công Bắc Kinh, khiến cả triều đình Từ Hy Thái Hậu phải bỏ kinh thành mà chạy.

Minh Trị Thiên Hoàng tại vị được 45 năm, mất ngày 30/7/1912. Lễ đại táng cử hành ngày 13/9, tới tối đó thì vợ chồng Đại Tướng Lục Quân Maresuke Nogi (Nãi Mộc Kỳ Điển)... đã tự sát bằng dao để chết theo.

Phần lớn người Nhật và Việt... đều nghĩ “Minh Trị Thiên Hoàng một đấng minh quân ai bì!”. Ông lên ngôi lúc 15 tuổi, lại sớm lấy vợ, tổng cộng có tới 5 bà... thì ít nhất trong giai đoạn đầu chưa thực sự hiểu việc triều chính, vận hành quốc gia. Triều đại phong kiến lúc đó, sau khi thu hồi quyền hành từ tay Sứ Quân cuối cùng của dòng họ Tokugawa (Đức Xuyên) đã cố gắng đề cao Thiên Hoàng để phục hồi uy tín và tập trung lòng dân.

Thực ra công lao trong cuộc Minh Trị Duy Tân chính là các quần thần, mà đa số là đệ tử của ông Yoshida Shoin (Cát Điền Tùng Âm), một Thầy Đại Nho theo chủ trương của Vương Dương Minh. Thêm nữa, tư tưởng Vương Dương Minh đã vào và được truyền bá khá rộng rãi ở Nhật khoảng 400 năm, là nền tảng không thể thiếu cho cuộc cải cách.

Thật vậy, từ trước cuộc Minh Trị Duy Tân, vào đầu thời Giang Hộ (Edo, 1603-1868, người Nhật đã có trình độ khoa học kỹ thuật khá hơn các nước chung quanh trên một số lãnh vực. Suốt thời Giang Hộ, động lực phát triển chính là tầng lớp người chịu ảnh hưởng Nho Học giữ vai trò chỉ đạo và Võ Sĩ Đạo giữ vai trò tạo tác.

Đặc biệt là từ thời này, họ đã biết từ bỏ việc phân chia gia cấp, tất nhiên không thể triệt để như thời hiện tại. Chính sự từ bỏ phân chia gia cấp này làm người dân bình thường được tiếp cận nhiều tin tức hơn, kích động thần học hỏi của họ và làm nâng cao dân trí.

Tuy vẫn con hạn chế, nhưng người dân đã bắt đầu có hiểu biết và tiếng nói, thay vì chỉ biết tự bế và vâng lời giai cấp thống trị như từ trước. Người dân thường đã biết đóng những chiếc thuyền thật tốt và tuy thường theo chính sách bế môn tỏa cảng nhưng sau đó họ cũng đã học hỏi kỹ thuật mới và có những nhà máy nhỏ.

Thế nên, nếu người Việt trách triều đình nhà Nguyễn và quần thần thời bấy giờ quá u mê thì cũng không công bình lắm. Vì ở Việt Nam đã không có được yếu tố chuẩn bị tư duy quan trọng và tối cần thiết cho một cuộc canh tân. Và phải chăng, ngay cả bây giờ, đã cả trăm năm qua, đã bước vào đầu thế kỷ thứ 21 rồi mà tình hình cũng vẫn vậy!?

BÀNH TRƯỚNG THẾ LỰC

Từ đó Nhật Bản được xếp vào hàng liệt cường, tự xưng là “Đại Đế Quốc Nhật Bản” (Dainippon Teikoku, thời đó xưng đại đế quốc mới oai, giống như siêu cường bây giờ, chứ không mang nghĩa xâm lược xấu như sau này). Sát nhập Lưu Cầu, thống trị Đài Loan và Triều Tiên, chi phối vùng đông bắc Trung Hoa, Mãn Châu... đó là nguyên nhân xa dẫn đến Thế Chiến Thứ 2 (Dainiji Sekai Taisen).

Chủ trương tăng dân số, coi đó là sức mạnh quốc gia, giúp đỡ gia đình đông con. Tổ chức quân đội theo Âu-Mỹ và thành lập hạm đội hùng ma.nh. Xé các hiệp ước bất bình đẳng đã ký với Âu-Mỹ trước đó. Buộc Nga nhường hải cảng Lữ Thuận thuộc Liêu Đông và đường xe lửa Mãn Châu, thừa nhận quyền bảo hộ của Nhật Bản đối với Triều Tiên...

TƯỞNG NIỆM

Ông rất thích Hòa Ca (Waka) là loại thơ Nhật thường có 31 âm... Sinh thời ông đã ngâm khoảng 10.000 bài. Theo di chúc, khi mất ông được mai táng tại Fushimi Momoyama (Phục Kiến Đào Sơn) thuộc Kyoto.

Để tưởng nhớ công ơn của Minh Trị Thiên Hoàng, người Nhật đã xây đền Minh Trị (Meiji Jingu) ngày 1/10/1920 tức Đại Chính (Taisho) năm thứ 9, rộng tới 252 mẫu Anh (1 mẫu Anh = 1 acre = 4.050 mét vuông) tại quận Shibuya (渋谷, Sáp Cốc), ngay trung tâm Đông Kinh, cạnh ga Harajuku (Nguyên Túc) và Yoyogi (Đại Đại Mộc).

Cổng chính phía ga Harajuku, làm theo kiểu Thần Đạo, gồm hai cột đứng (là nguyên một thân cây tròn, đường kính khoảng 1,5 mét) cao 12 mét và hai thanh ngang, thanh trên dài 17 mét. Nửa đường vào trong đền lại gặp một cổng tương tự rồi mới đến bản điện tức đền thờ chính và các dẫy nhà phụ thuộc ở chung quanh. Điện thờ làm theo kiểu Thần Đạo, có hai trống lớn để hai bên, một vẽ dấu hiệu lưỡng nghi và một vẽ dấu hiệu tam tài.

Quẹo trái, đi sâu vòng ra phía sau điện chính khoảng năm, sáu phút có “Bảo Vật Điện”. (Homotsuden) còn gọi là Kinenkan (Kỷ Niệm Quán) thành lập từ tháng 10/1921. Nơi đây triển lãm di tích của Minh Trị Thiên Hoàng và Hoàng Hậu như quần áo, kiếm, sách vở, xe lục mã ông đã dùng trong lễ công bố hiến pháp năm 1889, cùng với hình vẽ và ảnh chụp 124 đời Thiên Hoàng đã qua.

Mỗi năm, vào dịp Tết Tây, có khoảng 3,5 triệu người Nhật Bản đến viếng đền này. Nhiều người ngoại quốc có dịp cũng ghé thăm, một số người cũng bắt chước người Nhật viết lời cầu nguyện bằng đủ thứ tiếng trên các tấm gỗ hình ngũ giác gọi là “Ema” (絵馬, Hội Mã) do đền bán ra, rồi để lại đền nhờ thần phù hộ...

Nơi đây cũng là chỗ bán lá sâm vận mạng, làm lễ cầu an, cầu thọ, tổ chức lễ lên chức cao nhất là “Yokozuna” (Hoành Cương) của võ sĩ “Sumo” (Tương Bộc), cũng như quan hôn tang tế theo Thần Đạo (Shinto)... (Đầu thập niên 1970, có cặp sinh viên Việt Nam là anh Trần Triệu Tuấn - chị Nguyễn Thị Lâm đã xin làm lễ cưới ở đây).

Thời đại Minh Trị (Meiji, 1868-1912) được coi là thời Cận Đại và từ 1912 tới nay được coi là thời Hiện Đại gồm: Đại Chính (Taisho 1912-1926, ông này sau bị bịnh tâm thần mêt sớm nên không để lại công trạng gì), Chiêu Hòa (Showa, 1926-1989, một trong những triều đại dài nhất và trực tiếp quan hệ đến Thế Chiến Thứ 2), rồi tới Bình Thành (Heisei, 1989-).

Cũng xin nói qua về “Chiêu Hòa Duy Tân Đoạn Hành” (Showa Ishin No Danko), tức “Kiên Quyết Thực Hiện Chiêu Hòa Duy Tân”. Đúng ra đây là cuộc nổi dậy của một số sĩ quan trẻ quá khích, họ đã huy động khoảng 1.400 binh sĩ đứng lên làm cuộc đảo chính ngày 26/2/1936, giết hại Bộ Trưởng Tài Chính, Bộ Trưởng Nội Vụ và Tổng Đốc Giáo Dục...

Họ nêu cao việc phò Thiên Hoàng Chiêu Hòa nhưng không được Thiên Hoàng chấp nhận vì hành vi giết hại... Ba ngày sau nhóm quân nhân này bị trấn áp, nhiều người bị đưa ra tòa án quân sự, trong số đó có 19 người bị xử tử hình.

Trong lần tham dự một buổi họp tham vấn ý kiến tại Tòa Đô Sảnh Đông Kinh ngày 30/10/1996, tôi có nêu lên vên đề nên dời Bảo Vật Điện lùi ra phía cổng ga Harajuku cho mọi người dễ viếng thăm. Vì hàng ngày, có cả trăm người đến viếng đền, nhưng chỉ có vài người biết mà đến viếng Bảo Vật Điện.

Có dịp gặp vài người Nhật, chúng tôi cũng nêu lên vấn đề này, nhưng họ cho rằng tuy người Nhật tôn sùng Minh Trị Thiên Hoàng nhưng chính phủ không muốn quảng cáo rầm rộ, sợ dư luận cho là có chủ trương quân phiệt.

Ngay cả mộ Minh Trị Thiên Hoàng ở đâu cũng ít người Nhật quan tâm và biết tới. Kỷ Niệm Quán xây cất sau Thế Chiến Thứ 2, thời bị Hoa Kỳ thống trị nên người Nhật không muốn đề cao tinh thần dân tộc sợ đụng chạm. Tuy thời Minh Trị đã qua gần trăm năm, nhưng nếu có hành động nào đề cao, dễ bị các nước chung quanh hiểu lầm, chỉ trích...

Nguồn:
Blog Mao Mao
http://japanest.com/forum/showthread.php?s=ed51cffd11fc57316415e005ddda263e&t=16555

No comments:

Post a Comment