Friday, January 16, 2009

ĂN MÀY - BÍ MẬT QUỐC GIA

Bí mật quốc gia”
Nguyễn Dư
http://www.doi-thoai.com/baimoi0109_205.html
Sau buổi ăn trưa, những thằng mắt xanh mũi lõ thường hay tụ tập đến phòng tôi uống cà phê, tán dóc toàn những chuyện… trên trời; hết đề tài rồi lại xoay qua chuyện thế sự. Trong nhóm khoảng chừng chục thằng hội tụ từ ba bốn quốc gia khác nhau! Có những lúc tụi nó tò mò hỏi về lối sống của người Việt, rồi chuyện Việt Nam đã từng đánh thắng hai cường quốc...(!?). Những lúc này tôi thường đem chuyện “Việt Nam, những vẻ đẹp tiềm ẩn” ra kể. Mặc dầu không góp phần làm cho đất nước tang thương, nhưng có những chuyện tôi không dám kể bởi vì nó thuộc về “bí mật quôc gia”; chỉ đào sâu thêm nỗi đau của dân tộc, nhục nhã lắm! Đó là chuyện ăn mày.
Cách nay mấy tháng, tôi đọc một bài báo thấy có một cái “nghề” hoàn toàn mới xuất hiện trên đất nước Việt Nam: “Cai ăn mày”, hay với một tựa đề khác: “Chăn dắt ăn mày”. Người phóng viên kể rằng anh ta trực tiếp, vào đến tận nơi, theo dõi thấy một số người ăn mày sống trong căn nhà trọ tồi tàn. Sáng ra, người “cai” có bổn phận phải chở những người ăn mày thả xuống những nơi “đắt địa” để xin tiền, chiều chở về nhà trọ…Người phóng viên nói rằng trước đây chỉ thấy ở vùng ngoài; “nghề” này bây giờ lại xuất hiện ở đàng trong, hình như ở quận mười hai Sài Gòn thì phải.
Đã lâu lắm rồi, tôi có đọc, cũng là do báo trong nước viết nhưng tôi không tin và cũng không dám tin, chuyện khủng khiếp quá! Tại vì người phóng viên viết rằng “nghe nói” có những người bắt cóc trẻ con rồi đem về làm cho mù mắt hoặc cắt gân chân tay để đi ăn xin. Cũng có những người cho trẻ uống thuốc ngủ, mê man để nằm bên đường, tạo ra vẻ nghèo khó, khốn khổ thương tâm để động lòng khách thập phương…
Một gia cảnh khác, cách nay hơn ba mươi năm, tôi chứng kiến một gia đình hai vợ chồng có năm người con sống không nổi ở vùng kinh tế mới, về thành phố, ra bến xe dựng một cái chòi tạm bợ bên góc đường. Buổi sáng, hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ chia làm hai nhóm ăn xin: Đứa bé chừng bốn tuổi, mặt mày lem luốc, rách rưới cầm cái ca; người đàn bà theo sau, bồng đứa con nhỏ ngủ mê man trên tay, đi vào những quán ăn xin tiền. Còn người chồng thì nằm trên miếng ván có bánh xe, đứa con chừng chín tuổi kéo lê trong chợ cá (đi hướng khác), cũng xin tiền. Hai thằng con khoảng hơn mười hai tuổi ra bến xe phụ với những người buôn chuyến, xách hàng hóa cho họ rồi người ta cho tiền. Đôi lúc gặp họ đi ngang qua quán, đang ngồi ăn tôi quay đi chỗ khác, không phải tiếc tiền, nhưng sợ thấy mặt quen làm cho họ ngượng, tội nghiệp! Chính họ cũng bẽn lẽn, lảng tránh khi gặp tôi.
Thời gian cách nay hơn ba mươi năm, lúc đó ở bến rất ít xe đò. Buổi chiều bến xe vắng vẻ, yên lặng, gia đình hai vợ chồng và năm người con tụ tập về “nhà”. Người chồng chân có tật vẫn còn đi được bằng nạng gỗ, không có vẻ thương tâm như lúc đi ăn xin. Mỗi ngày người chồng đều uống rượu say, chửi vợ, đánh con; gia đình có mấy người mà như ông vỡ tổ trong cả một khu bến xe yên tĩnh lúc về chiều. Thấy vẻ bất nhân, bạc ác của người chồng đối với gia đình, hàng xóm có khi can ngăn. Càng can ngăn thì ông càng thô lỗ kiểu chợ búa, vỗ ngực: Tôi là chủ gia đình! Gia đình này là của tôi, không ai có quyền xía vào chuyện riêng, nội bộ của người khác. Đừng nhiều chuyện!. Hoặc là: Gia đình tôi có kỷ cương, có “chủ quyền”, có “luật pháp”; con cái của tôi, tôi dạy, không ai có quyền can thiệp… Những khốn khổ của mấy đứa nhỏ, người sống chung quanh không ai khỏi động lòng nhưng vì lời lẽ hạ cấp của người chồng đổ trúc lên đầu nên họ đành chịu.
Người “lãnh đạo” gia đình khôn khéo, nếu biết học hỏi, biết cầu tiến thì phải biết lắng nghe. Đối với họ, điều đó không có nên cả gia đình mới đi ăn mày! Nếu sống trong xứ văn minh, có luật pháp hẳn hoi, người ta sẽ vì lòng nhân đạo, vì trách nhiệm và bổn phận đối với giữa con người và con người, sẽ gọi cảnh sát tới liền. Những người cha vô lương tâm như thế, họ không thể biện luận là chuyện của họ, không ai được xen vào.
Ăn mày thì có nhiều cách, nhiều kiểu. Nói chung, đi xin sự bố thí, lòng hảo tâm của người khác bằng hình thức nào thì cũng gọi là ăn mày. Những hành động cầu cạnh, chầu chực cũng có thể bị gọi miệt thị, xách mé là ăn mày.
Việc làm nhân đạo của cô Tim thời gian qua cũng có thể gọi là ăn mày, nhưng “hóa trang” quá tệ, không đủ khôn khéo nên để cho người Việt hải ngoại nhận ra rằng làm nhân đạo mà cái tâm không lương thiện. Nhìn trong hình thấy cô đứng dưới cờ đỏ sao vàng; cờ vàng ba sọc đỏ thì cô…chê! Thế thì vấn đề được đặt ra: Đi xin tiền những người mình không tôn trọng, đó là một kiểu cách trịch thượng, đáng trách, đáng bị ăn…đòn. Quyên góp tiền để làm nhân đạo không thể đứng vào phe phái nào, và nên nhớ rằng ai đứng ra giúp đỡ cũng được, mục đích chủ yếu chỉ là vì người nghèo. Làm nhân đạo chánh tâm khác với tà tâm là ở chỗ đó!
Trong những năm gần đây, chính quyền Việt Nam có tổ chức những trại hè cho thiếu niên hải ngoại về thăm quê hương. Trong dịp này các em được tiếp xúc, sinh hoạt với các em trong nước, đồng thời đi thăm, tham gia giúp đỡ những người nghèo. Một số em về Việt Nam, khi trở lại quốc gia Tiệp Khắc nơi các em sinh sống, cầm cái lon đi xin tiền người dân bản địa để gởi về Việt Nam giúp trẻ em nghèo, mổ tim. Một nghĩa cử làm từ thiện, nhân đạo đáng khuyến khích, không đáng trách. Nên giáo dục, khích lệ, hướng cho các em có từ tâm, biết thương người và nên làm việc thiện. Chuyện đáng trách là đã hơn ba mươi năm xây dựng đất nước, vấn đề y tế, chính quyền không có đủ một khả năng tối thiểu để cáng đáng.
Cũng như những chuyện vừa kể ở trên, người ta không trách, ngược lại còn thương hại những đứa con ngây thơ, khốn khổ đi kiếm tiền về cho gia đình. Nhưng người ta sẽ nguyền rủa những người làm cha làm mẹ thiếu trách nhiệm. Người ta sẽ khinh bỉ những người núp bóng, đứng sau lưng những trẻ em ngây thơ, người già tàn tật, mất sức lao động. Người ta sẽ khinh bỉ một chính quyền tham nhũng, cố chấp, đàn áp, bỏ ngoài tai những lời phản biện “khó nghe” từ mọi phía; để cho đất nước tang thương, tệ nạn xã hội, ăn mày tràn lan. Đó là một nỗi nhục chung cho quốc gia, dân tộc.
Chính quyền của những nước văn minh, sẽ để cho mọi người lấy những tệ nạn của quốc gia, của xã hội ra làm đề tài chỉ trích, phổ biến sâu rộng trên các phương tiện truyền thông cho mọi từng lớp để được đóng góp, học hỏi, sửa đổi; làm cho những người phạm tội hay sắp phạm tội phải rung sợ; làm cho những người có trách nhiệm phải chịu trách nhiệm. Chỉ có một chính quyền thối nát mới viện lẽ là trình độ dân trí còn thấp, đất nước còn nghèo, trước tiên phải lo cái ăn trước đã (Ai ăn? Dân đen, chính quyền hay những người có điều kiện ăn?). Những tệ nạn xã hội thì che đậy, bưng bít, tránh né.
Không bắt đầu “khai dân trí” từ ngay bây giờ thì chờ đến lúc nào trình độ người dân mới được cao?! Cho học sinh, sinh viên đi du học, học hỏi những khoa học kỹ thuật tiến bộ, nếp sống văn minh nước ngoài; khi trở về nước, điều kiện, hoàn cảnh xã hội hoàn toàn khác mà lại không có tự do ngôn luận nữa thì giống như người đi cày mà không có trâu! Bắt tay vào việc thì lúc đó chỉ “đánh bùn sang ao”, cái nghèo đói mãi miết cứ nằm trong vòng lẩn quẩn.
Những chuyện ở trên, đem ra kể cho mấy thằng mắt xanh mũi lõ nghe là sẽ mắc tội với lương tâm: “tiết lộ bí mật quốc gia”. Xót lắm!
Nguyễn Dư

No comments:

Post a Comment