Tuesday, January 6, 2009

MỘT XÃ HỘI HỖN LOẠN

Một xã hội hỗn loạn
Nguyễn Hữu Vinh
Viết riêng cho BBCVietnamese.com

05 Tháng 1 2009 - Cập nhật 11h52 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2009/01/090105_society_comment.shtm

Mới bước vào đầu năm 2009 mà đã nghe những chuyện đau lòng và xấu hổ quanh cuộc sống đô thị.

Người Tràng An gì mà không thanh lịch, phá nát cả lễ hội hoa xuân ; còn người ngụ nơi "Hòn Ngọc Viễn Đông" thì tựa như sống giữa hầm chông bẫy đá, trẻ nghèo lại phải chết thảm vì nạn "lô cốt", cống rãnh đào bới, quản lý bừa bãi.
Ngược thời gian chút ít, ta lại biết được rằng người Tràng An còn sụp cống rãnh chết nhiều chưa từng thấy chỉ qua một trận mưa, và cảnh vặt hoa bẻ lá còn "ngoạn mục" hơn trong lễ hội hoa nước bạn xứ Anh Đào, hoặc cái "tình yêu" với hoa lá còn cao tới độ phải lao vào trộm cướp.

Tại dân?

Báo chí có thêm chuyện để mà sôi sục, tốn không biết bao nhiêu giấy mực, nào là những câu hỏi sao không nghiêm trị, sao ở những thành phố lớn, tiếng là văn minh nhất nước mà vậy, rồi đưa ra giải pháp muôn thuở là phải tăng cường giáo dục ý thức tự giác, tự trọng, v.v.. và v.v..
Dường như đã thành thói quen, thậm chí lây lan sang cả báo giới, những điều tiếng xấu thường dễ quy ngay cho ... DÂN (thiếu ý thức tự giác), tức là thuộc hàng Vi (mô), Hạ (cấp), chứ ít ai nói tới thứ Vĩ (mô), Thượng (tầng) là thủ phạm hàng đầu và ghê gớm đến thế nào cho những tai ương trong xã hội.
Và đương nhiên cái hay, cái thành tích thường được đổ lên "trên". Ví như mấy ngày ăn mừng chức vô địch của đội bóng quốc gia, báo chí khen, đại để như đã "không để xảy ra" nhiều nạn đua xe, mà tịnh không thấy ai khen dân nay có lẽ đã thay đổi lối chơi, hay do niềm tự hào mà ý thức hơn trong lối sống, nên không còn thích đua xe rầm rộ như những năm trước nữa.
Thử hình dung khi ta có một đàn gà đủ loại lớn bé, trống mái, giống, loại. Nếu thả ngoài vườn, hoặc quây mỗi loại một nơi tuỳ đặc tính, ít khi chúng phải tranh giành ăn, ở, trống, mái. Nhưng nếu nhốt cả vào một chuồng, thậm chí chật hẹp, thì không chỉ nảy sinh xung khắc lớn, thiệt hại nhiều, mà còn khiến chúng thay đổi dần tính nết. Khi đó, gia chủ rất dễ đổ tại lũ gà, mà không chịu thừa nhận rằng chính mình mới là thủ phạm lớn.
Trở lại thực tại cuộc sống đô thị. Thử hỏi liệu cô thanh nữ Tràng An có cố giữ được nếp thanh lịch của mình hay không khi ra đường đụng xe với gã buôn gà ngoại tỉnh lên sẵn sàng lăn xả vào cãi vã, thượng cẳng chân hạ cẳng tay với cô?
Hoặc khi cô đang mải ngắm hoa trong cái lễ hội đẹp đẽ kia, gã trai ấy lại sấn tới dẫm đạp, liệu cô có dám nhẹ nhàng nhắc nhở để rất dễ nhận được mấy lời chửi bới tục tĩu? Rồi cô còn có cả nỗi lo cho những đứa em đi học về nhỡ may sụp cống nữa, sẽ không biết kêu ai, kiện đâu, vì cô chưa bao giờ nghe nói dân kiện được chính quyền trong những vụ chết người kiểu này.
Dẫu có ai đó muốn giúp cô cũng lại tặc lưỡi: "Bao nhiêu vụ lớn gấp ngàn lần, chết tới dăm chục người mà nào có ai phải chịu trách nhiệm, mà còn chả dám kiện đâu nữa là ..."
Ngoài việc phát triển quá độ, quy hoạch bát nháo, thủ đô nay còn được đột ngột mở rộng lên gấp ba lần, với hàng triệu "người Hà Nội mới" nữa. Mà người thanh lịch thì thường hiền lành, chịu nín nhịn khi gặp xung khắc, và họ đang ngày càng ít đi, yếm thế thêm, khó mà gây ảnh hưởng để giáo hóa những ai chưa thanh lịch mà rất có thể còn có cả nhiều tiền, nhiều quyền. Thật dễ hình dung mọi sự sẽ ra sao.

Bộ mặt đô thị

Đó chính là bộ mặt thật đang đen đúa đi rất nhanh của lối sống đô thị Việt Nam ngày nay, điển hình là ngay tại thủ đô và thành phố giàu có phát triển nhất nước, và đỉnh cao là cả ngàn cái chết mỗi tháng vì tai nạn giao thông trên cả nước mà hai thành phố này luôn đi đầu cùng nạn ách tắc giao thông, ô nhiễm cao độ khiến báo chí, giới đầu tư nước ngoài phải lên tiếng lo ngại.
Không phải tự người dân không muốn, không thể sống một lối sống văn minh, mà chủ yếu do những người cầm quyền không có khả năng, coi thường, hay không muốn tạo ra một cấu trúc xã hội hợp lý và an toàn để họ được thể hiện cái văn minh tinh túy ngàn đời ông cha để lại.
Họ, dần dần, và rồi đa số, sẽ co thủ về lo cho riêng mình, cùng với lối sống bản năng hơn, khôn lỏi hơn, dữ tợn hơn, ... để hầu mong được an toàn hơn.
No dồn đói góp, từ thời bao cấp khốn khổ, điển hình của lối tổ chức xã hội phi lý làm nảy sinh những căn tính xấu nhất trong con người, đó là gian dối, ăn cắp vặt và lười biếng; tới khi đổi mới, nhưng chỉ thiên về "mới" cho miếng cơm manh áo thôi, nên xã hội lại đang rơi nhanh vào một thái cực khác, đồng thời phát triển gấp bội những tính xấu nảy nòi từ thời bao cấp.
Nên, dẫu có nhắc tới câu nói của người xưa Thượng bất chính, hạ tắc loạn, thì cũng không thể bao quát được đầy đủ thực trạng này. Quả tình, một khi tổ chức xã hội không hợp lý, chính đáng thì tất yếu sinh hỗn loạn.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Quý vị có đóng góp hay bình luận, xin gửi thư về vietnamese@bbc.co.uk hoặc sử dụng hộp tiện ích bên tay phải.

No comments:

Post a Comment