Chọn bauxite-alumina hay cây công nghiệp?
Chủ Nhật, 11/1/2009, 10:59 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/14106/
(TBKTSG) - Đến nay, đa số các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá các dự án bauxite mà tập đoàn Than và Khoáng sản (TKV) đang triển khai ở Tây Nguyên không hiệu quả về mặt kinh tế - tài chính và xã hội.
Bài viết này tiếp tục góp ý kiến để các cơ quan quản lý nhà nước cũng như chủ đầu tư cân nhắc thêm giữa cái được và mất khi tiếp tục triển khai các dự án này.
Không cần thiết
Nhu cầu về nhôm của Việt Nam không lớn. Theo Bộ Công Thương, nhu cầu nhập hàng năm chỉ khoảng 100.000-150.000 tấn. Trên thị trường thế giới, nhôm kim loại chưa bao giờ xảy ra khan hiếm và có thể được thay thế bằng các sản phẩm khác như sắt, gỗ, nhựa, giấy. Ngành công nghiệp nhôm chỉ tồn tại ở một số ít nước thừa điện năng giá rẻ. Vì vậy, trong hoàn cảnh đang có nguy cơ thiếu điện cho các ngành công nghiệp, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm. Sẽ càng sai lầm hơn nếu chỉ khai thác bauxite, tuyển thành nguyên liệu thô alumina rồi xuất khẩu.
Phát triển một ngành sản xuất tiêu tốn nhiều nước ngay trên một địa bàn còn đang “khát nước” là một lựa chọn không phù hợp. Tài nguyên nước trong mùa khô là sự sống còn của kinh tế Tây Nguyên. Trong mùa khô, tổng lượng mưa ở Đắk Nông bình quân chỉ đạt 35 mi li mét, trong khi mực nước ngầm ngày càng hạ thấp đang là một thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế nói chung và đối với cây công nghiệp nói riêng.
Không có hiệu quả
Hầu như toàn bộ nguyên liệu thô alumina chỉ để xuất khẩu, dẫn đến sự phụ thuộc vào thị trường thế giới. Khách hàng duy nhất mua alumina của Việt Nam là Trung Quốc. Nguồn cung cấp alumina trên thế giới rất phong phú (kể cả alumina được chế biến từ các loại quặng không phải bauxite). Ngành bauxite của Việt Nam phát triển với quy mô càng lớn, thì giá bán càng giảm, hiệu quả kinh tế càng thấp và sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng cao.
Thực tế, việc xuất khẩu alumina không mang lại hiệu quả kinh tế cao vì giá trị của alumina chỉ bằng 10-12% giá trị của nhôm kim loại và chưa bằng 5% giá trị của các sản phẩm từ nhôm kim loại.
Kinh nghiệm từ chính TKV cho thấy, trên thị trường khoáng sản, các doanh nghiệp Việt Nam không có khả năng cạnh tranh cao so với các đối thủ trong khu vực. Xuất khẩu than của TKV hiện nay là một điển hình. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), giá xuất khẩu than của Việt Nam chỉ bằng hai phần ba của Úc. Tương lai đối với alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia và càng không thể cạnh tranh được với Úc, là những nước đã và đang xuất khẩu với quy mô lớn, có nhiều lợi thế về vận tải biển hơn hẳn Việt Nam.
Ngoài ra, yếu tố công nghệ lạc hậu và thị trường tiêu thụ bị phụ thuộc nước ngoài cũng sẽ không cho phép TKV thu được hiệu quả kinh tế trong việc xuất khẩu alumina. Trường hợp điển hình là dự án đồng Sinh Quyền của TKV. Việc xuất khẩu tinh quặng đồng hiện nay của dự án Sinh Quyền hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Nếu đưa tinh quặng đồng về nhà máy Tằng Lỏong để luyện thành đồng kim loại mới bán, thì hiệu quả càng thấp hơn do công nghệ luyện đồng lạc hậu (chỉ luyện ra được kim loại đồng “ba con chín” có độ tinh khiết chỉ đạt 99,95÷99,97%, trong khi tiêu chuẩn của thị trường thế giới phải cao hơn “bốn con chín” 99,995).
Ngoài ra, để xuất khẩu alumina cần xây dựng 270 ki lô mét đường sắt từ Bình Thuận lên Tây Nguyên với chi phí ước khoảng 20.800 tỉ đồng (tương đương với 1,3 tỉ đô la) và một cảng biển với chi phí 9.100 tỉ đồng (khoảng 535 triệu đô la). Theo báo cáo về “định hướng công nghệ” của TKV, tuyến đường sắt còn được dùng chở nước biển từ Bình Thuận lên Tây Nguyên để xử lý bùn đỏ? Cả hai hạng mục này cần phải được đầu tư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư và hạch toán vào alumina. Như vậy, chắc chắn các dự án bauxite và alumina trên Tây Nguyên lại càng không hiệu quả.
Trong khi chờ đường sắt, chủ đầu tư dự tính dùng đường bộ để chở than và các hóa chất độc hại khác từ biển lên Tây Nguyên và chở alumina từ Tây Nguyên ra biển. Rất tiếc, cả ba mặt hàng than, hóa chất và alumina lại không thể sử dụng cùng một loại xe tải để tận dụng hai chiều hàng đi-hàng về. Than có thể chở bằng xe thùng, xe ben, còn alumina và hóa chất phải chở bằng xe bồn chuyên dùng. Vì vậy, giá thành alumina sẽ tăng cao hơn nhiều và việc xuất khẩu khó có lãi.
Không an toàn về môi trường
Mức độ chiếm dụng đất của các dự án bauxite trên Tây Nguyên rất lớn. Diện tích rừng và thảm thực vật bị phá hủy trong khâu khai thác bình quân là 30-50 héc ta/triệu tấn bauxite; diện tích mặt bằng bị chiếm dụng để xây dựng nhà máy tuyển bauxite bình quân 150 héc ta/triệu tấn công suất và để tuyển alumina là 450 héc ta/triệu tấn công suất.
Một nguy cơ khác là chất thải bùn đỏ sẽ phải tồn trữ vĩnh viễn trên cao nguyên, dễ có nguy cơ bị trôi lấp, gây thảm họa về môi trường cho các tỉnh phía dưới. Bùn đỏ gồm các thành phần không thể hòa tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như hematit, natrisilico-aluminate, canxi-titanat, mono-hydrate nhôm, tri-hydrate nhôm... là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bauxite. Trên thế giới, chưa có nước nào xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả.
Úc là nước có lợi thế về địa hình (bằng phằng, có lớp đá gốc), khí hậu rất ít mưa và dân cư thưa, thuận lợi cho việc chế biến bauxite và chôn bùn đỏ tại chỗ. Ở Việt Nam, nếu chế biến bauxite thành alumina trên Tây Nguyên, buộc phải tạo ra các hồ chứa bùn đỏ, tạo ra mối đe dọa thường xuyên về môi trường. Ngoài ra, còn phải thường xuyên tồn chứa một lượng lớn hóa chất độc hại (để chế biến bauxite thành alumina) trong các kho hóa chất trên Tây Nguyên.
Chỉ riêng dự án của Công ty cổ phần Nhân Cơ, một dự án không lớn, phần đuôi quặng nước thải và bùn thải có khối lượng hơn 11 triệu mét khối/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới 8,7 triệu mét khối. Với quy mô như vậy, nguy cơ vỡ đập và thiệt hại do nó gây ra không thể lường trước được.
Cả hai khâu tuyển bauxite và tuyển alumina trên Tây Nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước (cần khoảng 60 mét khối nước cho một tấn alumina). Chỉ riêng hai dự án Nhân Cơ và Tân Rai đã cần hơn 33 triệu mét khối/năm. Lượng nước ngọt này chủ yếu dùng để tuyển quặng bauxite, vì vậy không thể tuần hoàn, hay lọc để tái sử dụng cho các mục đích khác.
Hiện nay, các dự án bauxite đều nằm trong vùng thượng nguồn của sông Đồng Nai và Sêrêpốc, vì vậy việc khai thác sẽ làm cạn kiệt nguồn nước của các con sông này, trong đó, sông Đồng Nai có vai trò rất quan trọng về kinh tế, xã hội đối với TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương.
Lựa chọn của Tây Nguyên: bauxite-alumina hay cây công nghiệp?
Các dự án bauxite không mang lại nhiều cơ hội việc làm. Dự án Tân Rai có diện tích đất tới 4.200 héc ta, nhưng chỉ tuyển dụng 1.668 lao động.
Thế mạnh của Tây Nguyên là đất đỏ bazan, rất phù hợp trồng cao su, cà phê, tiêu, điều, chè. Trong đó, tại các khu vực có mỏ bauxite các cây trồng chủ lực là cà phê, điều, tiêu và cao su có năng suất bình quân tương đối cao. Đây là thế mạnh cạnh tranh cốt lõi. Điểm yếu của Tây Nguyên là hạ tầng cơ sở kém phát triển (đặc biệt là đường giao thông, nước ngọt và nguồn cung cấp điện) và trình độ của người lao động hạn chế. Cơ hội phát triển kinh tế của Tây Nguyên là thị trường xuất khẩu cà phê, chè, điều, tiêu, cao su ngày càng phát triển.
Các dự án bauxite-alumina hoàn toàn không phát huy được thế mạnh (thậm chí còn triệt tiêu các thế mạnh), nhưng lại khơi sâu điểm yếu, làm căng thẳng hơn những mất cân đối về giao thông, nước ngọt và điện năng; không tận dụng được cơ hội mà thậm chí còn làm giảm cơ hội xuất khẩu, lại phải đối phó với các thách thức về môi trường và sinh thái.
Phát triển cây công nghiệp là định hướng đã được Chính phủ lựa chọn từ trước đến nay và đang được thực tế của Tây Nguyên chứng minh là hoàn toàn đúng. Phát triển cây công nghiệp là phát triển xanh và sạch. Cây công nghiệp không chỉ có tác dụng lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên mà còn có tác dụng giữ độ ẩm, hạn chế các thảm họa thiên tai như lũ quét, lũ ống, chống khả năng khô hạn, điều hòa nguồn cung cấp nước cho các tỉnh hạ lưu. Ngược lại, phát triển bauxite là phát triển hủy diệt màu xanh, xâm hại đến thảm thực vật và thảm sinh vật và làm ô nhiễm không chỉ Tây Nguyên mà cả các tỉnh dưới vùng thấp.
TS. NGUYỄN THÀNH SƠN
No comments:
Post a Comment