Friday, December 19, 2008

TRUNG QUỐC ĐỔI MỚI : NƯỚC MẠNH DÂN NGHÈO

Trung Quốc 30 năm đổi mới : Nước mạnh dân nghèo
Tú Anh
Bài đăng ngày 18/12/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 18/12/2008 19:47 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/108/article_1944.asp
Cách nay đúng 30 năm, vào tuổi gần đất xa trời, lãnh đạo Trung quốc Đặng Tiểu Bình đề ra một chính sách cải cách kinh tế táo bạo, quay lưng lại với chế độ bao cấp. Nhiều đặc khu kinh tế được mở ra như Thâm Quyến, Hạ Môn,Chu Hải để thu hút đầu tư nước ngoài, với lực lượng lao động là nông dân thất nghiệp. Từ một nước lạc hậu, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế. Thế nhưng phần lớn tài sản quốc gia nằm trong tay nhà nước.

Khi tung ra chính sách đổi mới, người kế nghiệp Mao Trạch Đông đã có hành động ngoạn mục, dẹp qua một bên giáo điều chính thống « hồng hơn chuyên » và « lao động là vinh quang ». Thay vào đó là những khẩu hiệu « bất chấp mèo trắng hay mèo đen, chỉ cần nó biết bắt chuột », « làm giàu là vinh quang », hoặc « kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ».

Ba thập niên sau, từ một nước lạc hậu, Trung Quốc trở thành một cường quốc kinh tế với mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa GDP trên 10 %, tổ chức thành công Thế Vận Hội mùa hè 2008.
Nhưng vào thời điểm mà đảng Cộng sản Trung Quốc chuẩn bị kỷ niệm « chặng đường 30 năm quang vinh » thì kinh tế Trung quốc rơi vào vòng khủng hoảng, tỷ lệ GDP được dự báo còn 5%, xí nghiệp đóng cửa hàng loạt, nhân công bị sa thải tập thể và giới trẻ đứng trước một thị trường lao động bế tắc.
Thật ra thì « mô hình phát triển theo kiểu Trung Quốc » đã có vấn đề, chứ không phải chờ đến lúc kinh tế thế giới bị khủng hoảng tác động đến. Giới phân tích Trung Quốc và ban lãnh đạo đã nhìn ra các hệ quả tiêu cực. Khi nhà nước áp đặt đường hướng phát triển, cho phép một thành phần có ưu quyền đặc lợi được làm giàu trước thành phần khác, thì phân cách giàu nghèo càng ngày càng lớn.
Nhà kinh tế Trần Trí Vũ, trên tuần báo Trung Quốc Tân Văn, phát hành tại Bắc Kinh, than phiền là nhà nước tóm thu hết tài sản quốc gia. Ông đòi phải cải cách chế độ mà ông gọi một cách khéo léo là phải có « kiểm soát dân chủ ». Giáo sư kinh tế Trần Trí Vũ đơn cử một thí dụ cụ thể : Trong vòng 12 năm, từ 1995 đến 2007, tiền thuế nhà nước thu vào nhân lên 6 lần. Trong khi thu nhập của người dân thành thị tăng có 1,6 và dân nông thôn tăng có 1,2.
Là một nước xã hội chủ nghĩa mà không có chính sách bảo hiểm ốm đau cho toàn dân, công nhân bị sa thải không được bồi thường, bị thất nghiệp không được trợ cấp, học sinh đi học phải trả học phí. Y tế cũng biến thành thị trường.

228 triệu nông dân lao động tại thành phố để nuôi sống 728 triệu thân nhân

Về nạn nông dân không có ruộng cày phải bỏ làng lên tỉnh nay bị thất nghiệp, báo Châu Giang Buổi Chiều cảnh báo, chỉ cần 10% trong thành phần này bị thất nghiệp thì nguy cơ bất ổn xã hội lẫn chính trị không biết đâu mà lường.

Lao động từ nông thôn lên thành thị vẫn bị gạt ra bên lề của phát triển . Ảnh: Reuters
http://www.rfi.fr/actuvi/images/108/P_20081218_CHINA_200.jpg

Tuần báo thành phố Chu Hải làm bài toán : 10%, tức 23 triệu người, mà mỗi người là cột trụ của một gia đình, tức là đời sống của ít nhất 70 triệu người bị đe dọa. Nếu khủng hoảng kéo dài, hậu quả sẽ ra sao ? Tại Trung Quốc, 228 triệu nông dân lao động ở thành phố nuối sống 728 triệu thân nhân ở nông thôn.
Chính sách mới về quyền khai thác đất canh tác công bố hồi tháng 10 năm 2008 chỉ giúp cho thành phần nông dân ở gần thành phố mặc cả tiền bồi thường trong khuôn khổ đô thị hóa. Tuyệt nhiên đại đa số ở vùng xa không được một lợi ích nào.
Uống thuốc trừ sâu là con đường giải thoát. Thống kê ghi nhận 300 000 vụ tự tử mỗi năm, trung bình cứ hai phút lại có một người tự tửt. Hiện tượng độc nhất vô nhị là tỷ lệ phụ nữ tự tử nhiều hơn nam giới, nông dân quyên sinh nhiều hơn người thành thị. Trong thành phần ưu tú, gần 25% sinh viên bị bệnh tâm lý. Tự tử là nguyên nhân chính gây cái chết trong giới thanh niên từ 15 đến 34 tuổi.

Chủ tịch Hồ Cẩm Đào (trái), cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (giữa) và thủ tướng Ôn Gia Bảo trong lễ kỷ niệm 30 năm khởi động cải cách kinh tế, Bắc Kinh, ngày 18/12/2008 . Ảnh : Reuters
http://www.rfi.fr/actuvi/images/108/M_20081218_CHINA_200.jpg

Thực trạng của Trung Quốc sau 30 năm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được Giáo sư tâm lý Chu Vạn Lý ở Trùng Khánh đúc kết như sau : Khác với người dân Tây phương, dân Trung Quốc chịu ba áp lực, cộng sản, Khổng giáo và tư bản, cùng một lúc nên không biét đường nào mà đi.
Để tìm hiểu thêm về « chặng đường 30 năm quang vinh », mời quý thính giả theo dõi phân tích của Giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc, đại học Maine, Hoa Kỳ.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long_Tạp Chí Tiêu Điểm_20081218
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/108/article_1944.asp

No comments:

Post a Comment