Sunday, December 14, 2008

TRỒNG CÂY hay TRỤC LỢI ĐẤT

Trồng cây Jatropha: Lấy dầu hay trục lợi đất?
06:40' 14/12/2008 (GMT+7)
http://vietnamnet.vn/khoahoc/2008/12/818483/
Giới kinh doanh nói “Thế giới đang sốt Jatropha" (?!). Chưa rõ thực, hư nhưng nhiều công ty, viện, trường ở Việt Nam đang đổ xô nghiên cứu hoặc trồng Jatropha. Đã có cảnh báo, đây là chiêu bài trục lợi đất đai.
Gần đây, nhiều đơn vị đã nghiên cứu trên diện rộng và cũng đã có nhiều hội thảo về phát triển cây Jatropha (còn gọi là cây cọc rào, hay cây dầu mè, tên khoa học là Jatropha curcas L.).
Có nhiều triển vọng cho thấy, đây là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ích lợi nhiều, có thể chiết dầu làm nhiên liệu sinh học, là xu hướng phù hợp với tương lai. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học đã cảnh báo về một nguy cơ "phong trào" trồng cây dầu mè có thể đi chệch hướng...

Ồ ạt "nhập cuộc"

TS. Ngô Thị Lam Giang (Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu) cho biết, nhiều công ty tham gia đầu tư trồng Jatropha, như Green Energy Vietnam, VM-Agrotech của Malaysia, Tập đoàn Pan Asia của Canada…
Các viện, trường cũng vào cuộc như nhiều công trình nghiên cứu Jatropha đang được triển khai mấy năm gần đây tại Phân viện Hoá học các hợp chất thiên nhiên TP.HCM, Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu… Trường ĐH Thành Tây (Hà Tây), ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM).
Việc các công ty, viện nghiên cứu, trường đại học cùng tham gia lĩnh vực trồng, nghiên cứu cây Jatropha, nhiều đơn vị đã nghiên cứu trên diện rộng, cho thấy triển vọng phát triển cây dầu mè ở VN là có thật.
Ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH Trường Thịnh cho rằng “Thế giới đang sốt Jatropha”, ông chỉ ra những tính năng dễ trồng, thân thiện môi trường, nhiều lợi ích và đặc biệt giải quyết việc làm, đưa lại thu nhập cao, ổn định cho bà con nông dân.
Đặc biệt, trong khi cây cà phê, cao su, điều giá cả trồi sụt bấp bênh thì theo ông Thịnh, Jatropha là đột phá mới hứa hẹn sự thay đổi.
Công ty Trường Thịnh sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm cho dân với giá cao, đồng thời cung cấp giống, hỗ trợ kỹ thuật ngay từ đầu để dân trồng. Dân không lo không có đầu ra vì công ty có hợp tác 3 nhà máy thu mua nguyên liệu dài hạn (của các Công ty Eco-carbone và Hoàng cung Thái Lan đặt hàng Trường Thịnh).
Tuy nhiên, theo một nhà khoa học có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu biodiesel, hợp tác giữa công ty nói trên và các đối tác chỉ là “ký bản ghi nhớ” chứ chưa phải là hợp đồng. Đặc biệt, Công ty Trường Thịnh hô hào sẽ trồng 15.000 ha ở Gia Lai, 100.000ha ở Kon Tum, Đăk Lăk nhưng lại đang phải xin các địa phương trên tạo điều kiện hỗ trợ về... quỹ đất.

Cảnh báo mượn cớ trồng Jatropha để trục lợi đất đai

Nhìn từ góc độ “khả năng trục lợi đất đai của các doanh nghiệp”, PGS-TS. Hồ Sơn Lâm (Viện Hoá học) cảnh báo : “Một khi đất trở thành hàng hoá, đừng cấp không, những kẻ cơ hội sẽ không thể dùng danh nghĩa phát triển nhiên liệu sinh học để chiếm dụng hàng ngàn ha đất trong vài chục năm mà không biết có sản xuất được một lít dầu thực vật nào không!”.
Phản biện lại ý kiến của nhiều công ty đang đổ xô trồng Jatropha, cho rằng "cây Jatropha dễ trồng, phù hợp cả những vùng hoang hoá, hạn hán", nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực này cảnh báo: Coi chừng nhầm!
Các nhà khoa học cho rằng: Hướng phát triển nhiên liệu sinh học là đáng quan tâm, nhưng cần tính tới khả năng cạnh tranh của cây Jatropha với các loại cây lương thực khác; chưa kể đến vấn đề an ninh lương thực có thể bị ảnh hưởng, nếu quá "vỗ tay" cho cây Jatropha.
Đặc biệt, theo một số nhà khoa học, chưa tính toán kỹ đã ào ào trồng là sự nguy hại cần báo động, cần lường trước tình trạng đi ngược quy trình.
Theo TS. Trương Vĩnh, ĐH Nông Lâm TP.HCM, cây Jatropha mọc hoang, dễ sống, cả vùng hạn hán cũng sống là đúng. Nhưng để triển khai trồng lấy dầu thì phải tính tới hiệu quả kinh tế, phải có hướng thâm canh. Không thể trồng lên vùng đất cằn, đất thừa mà đòi hỏi hiệu suất cao.
Ở Thái Lan, Trung Quốc, những nước châu Á, cây Jatropha còn được tưới nước, chăm sóc cẩn thận. Dù không có tình trạng cây bị súc vật ăn hại nhưng những cây Jatropha khi còn non hoàn toàn có khả năng bị phá hại, cắn nát.
Ông Vĩnh cho rằng, định hướng cho dân trồng cây Jatropha chỉ nói tới tiện ích thì chưa đủ. Đặc biệt, khi dân ồ ạt triển khai trồng Jatropha thì những vấn đề bấp bênh về giá cả như cây cao su, cây điều hoàn toàn có thể xảy ra. Lúc đó ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Chậm để chắc

TS. Ngô Thị Lam Giang (Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu) góp ý, hiện có hàng chục công ty trong và ngoài nước tham gia vào việc phát triển cây dầu nhưng mỗi nơi phát triển độc lập, rất đáng lo ngại khi không có chương trình nghiên cứu đồng bộ. TS. Giang cho rằng cần có đường hướng phát triển đồng bộ, đặc biệt chú ý quy hoạch các vùng, quỹ đất trồng, tuyển chọn giống tốt. Nếu không, sẽ ảnh hưởng tới cả đời cây Jatropha, dài hàng chục năm chứ không chỉ 1 năm như cây lúa, cây ngô.
TS. Giang cũng cảnh báo, nếu trồng quảng canh ở những vùng đất xấu, vốn đầu tư ít thì phải chấp nhận thực tế là năng suất sẽ thấp. Dù Jatropha mọc khắp nơi nhưng không phải nơi nào cũng có hiệu quả kinh tế, nên đặc biệt chú ý vấn đề quy hoạch các vùng đất trồng phù hợp. Cần chú ý đất đai, nhiệt độ, lượng mưa, độ cao, độ dốc, gió...
Về các biện pháp kỹ thuật cần tính kỹ việc chọn giống tốt, mật độ trồng phù hợp, kỹ thuật tạo tán tốt, phòng sâu bệnh, nuôi ong thụ phấn, tưới nước bổ sung... ; thà chậm mà chắc.
Trong khi đó, giới kinh doanh cũng phàn nàn: "Các giải pháp và chính sách liên quan Jatropha đến nay vẫn chưa được cụ thể hoá, khiến việc phát triển cây trồng này còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, do VN chưa có quy hoạch đồng bộ ở cấp vĩ mô với cây Jatropha, dẫn đến tâm lý thiếu tự tin trong các nhà đầu tư", ông Nguyễn Văn Định, Giám đốc Công ty TNHH Trường Thịnh, nói .

-------------------------

Bộ NN và PTNT đồng ý trồng thử nghiệm bước đầu 30.000ha cây Jatropha
Tháng 6/2008, Bộ trưởng Bộ NN và PTNT phê duyệt đề án “Nghiên cứu, phát triển và sử dụng sản phẩm cây cọc rào ở VN giai đoạn 2008-2015 và tầm nhìn đến 2025”, đặt mục tiêu trong giai đoạn 2008-2010 trồng thử nghiệm, khảo nghiệm và sản xuất ở các vùng sinh thái khác nhau. Dự tính quy mô diện tích Jatropha khoảng 30.000ha, năm 2015 mở rộng khoảng 300.000ha và năm 2025 đạt tới 500.000ha.

Vinh Giang

TIN LIÊN QUAN
Trồng cây Jatropha: Dân nghe thương lái hơn nhà khoa học
Bàn cách đẩy mạnh trồng cây Jatropha lấy nhiên liệu "xanh"
Trồng dầu mè: Không nên chạy theo phong trào
Trồng cây dầu mè để thu nhiên liệu sinh học

No comments:

Post a Comment