Thursday, December 4, 2008

TỰ DO NGÔN LUẬN

Tự do Ngôn luận là một đòi hỏi thiết yếu của nền Dân chủ
Đoàn Thanh Liêm
Đăng ngày 4-12-2008
http://danchimviet.com/articles/654/1/T-do-Ngon-lun-la-mt-oi-hi-thit-yu-ca-nn-Dan-ch/TrangPage1.html

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam vừa mới quyết định sẽ trao Giải thưởng Nhân Quyền năm 2008 cho hai nhân vật, đó là Thượng Tọa Thích Thiện Minh và Nhà báo Điếu Cày Nguyễn văn Hải. Và Bán nguyệt san “Tự do Ngôn luận” của Khối 8406 xuất bản ở trong nước cũng đuợc trao Giải thưởng này nữa.

Lễ Trao Giải Thưởng Nhân Quyền 2008 này sẽ được diễn ra tại Westminster Civic Center, miền Nam California vào Ngày Chủ nhật 14 Tháng 12 năm 2008, lúc 2.00 giờ chiều. Và đây cũng là dịp kỷ niệm “60 năm Ngày Ban Hành Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền” (10/12/1948 - 2008).

Như vậy là hai trong ba Giải thưởng Nhân quyền năm nay đều liên quan đến vấn đề Tự do Ngôn luận; đó là Nhà báo Điếu Cày và Báo Tự do Ngôn luận. Bản tin ngày 29 Tháng 11 năm 2008 của Mạng Lưới Nhân Quyền VN đã ghi chi tiết được trích dẫn rút gọn như sau :

- Nhà báo tự do Nguyễn văn Hải, thường được biết đến qua bút hiệu Hoàng Hải và Điếu Cày, sinh năm 1953, nguyên quán Hải Phòng. Hòang Hải/Điếu Cày là một khuôn mặt can trường, nếu không nói là hàng đầu trong giới blogger và nhà báo tự do trong nước. Ông thành lập Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do… và hai trang mạng: một mang tên “Dân Báo”… và mạng thứ hai mang tên "Điếu Cày”… Ngoài ra ông đã tham gia các cuộc biểu tình tuần hành lên án chính sách ngoại giao gây hấn của Trung Cộng ở Hòang Sa và Trường Sa…Ông bị bắt và bị tuyên án 2 năm rưỡi tù giam vào ngày 10-9-2008 về tội danh ngụy tạo “trốn thuế”…

- Bán Nguyệt San Tự Do Ngôn Luận, công trình tập thể của nhiều thành viên Khối 8406 với Chủ nhiệm là Linh mục Chân Tín, Ban Biên tập gồm có Linh mục Nguyễn văn Lý, Linh mục Phan văn Lợi, Luật sư Nguyễn văn Đài, Ký giả Nguyễn khắc Toàn và một số cộng sự viên khác. Bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận là một bước đột phá… nhằm giành lại quyền tự do thông tin ngôn luận cho toàn dân qua việc phổ biến báo chí tư nhân trên giấy ngay trong nước…, đó là một thành tích chưa hề có, chứng tỏ được lòng quyết tâm, kiên trì, hy sinh và dũng cảm trong hoạt động tranh đấu cho quyền Tự do Ngôn luận là mũi nhọn hàng đầu của mặt trận Nhân Quyền và Dân Chủ tại Việt Nam…

Việc trao giải thưởng như vậy cũng lại trùng hợp với sự kiện Quốc hội Âu châu vừa đây đã thông qua Quyết nghị số 1636 năm 2008 ấn định “Những Chỉ dẫn cho ngành truyền thông trong một thể chế dân chủ.” Đây là một văn kiện rất quan trọng, vừa được đăng tải toàn văn trên bán nguyệt san Tự Do Ngôn Luận số 64 ngày 1/12/2008. Xin được trích lược mấy ý chính dưới đây :

…“1/ Sự tham gia của quần chúng trong quá trình đi đến quyết định dân chủ đòi hỏi quần chúng phải được thông tin đầy đủ và tự do thảo luận các quan điểm dị biệt.
2/ Quốc Hội Âu châu hoan nghênh các sự đánh giá đối chiếu về tình hình truyền thông, chẳng hạn như của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới ở Paris, Viện Báo Chí Quốc Tế ở Vienna, Tổ Chức Điều 19 ở Luân Đôn, và của các tổ chức khác.
3/ Nhà nước không được hạn chế việc tiếp cận sách báo thông tin ngoại quốc hay điện tử, kể cả internet.
4/ Ngành truyền thông ”tư nhân“ không được nằm dưới sự điều hành của các công ty thuộc nhà nước hay do nhà nước kiểm soát.“ …

( Xin ghi chú về Tổ chức Điều 19 : Đây là một tổ chức Nhân quyền được thành lập năm 1987, có trụ sở tại Luân Đôn với nhiệm vụ riêng biệt nhằm bảo vệ và phát huy quyền tự do ngôn luận và thông tin trên phạm vi toàn cầu. Điều 19 đó là quy định về Quyền Tự do Ngôn luận như được ghi trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã được Liên Hiệp Quốc công bố tại Paris từ năm 1948. Xin đọc nguyên văn Điều 19 trong Phần Phụ lục ở cuối bài này.)

Cũng liên quan đến quyền Tự do ngôn luận, xin được ghi lại quan điểm bất hủ cách nay đã trên 200 năm của Thomas Jefferson là một trong những vị Cha Lập Quốc của nước Mỹ (Founding Father):
…"Nếu mà tôi phải quyết định có nên duy trì “một chính quyền mà không có báo chí” (a government without newspapers) hay “có báo chí mà không có chính quyền” (newspapers without a government), thì tôi sẽ không ngần ngại gì mà ưa thích phương thức sau hơn..." (tức là “có báo chí mà không có chính quyền”). Xin coi nguyên văn tiếng Anh ở Phần Phụ Lục.

Vào đầu thế kỷ XXI này, dân tộc Việt nam chúng ta đã quá đủ trưởng thành chững chạc để có thể “tự làm chủ lấy vận mệnh của mình” được rồi. Vì thế, chúng ta không thể chấp nhận cứ để cho chính quyền độc tài chuyên chế cộng sản “bịt mắt, bịt miệng, bịt tai và trói chân, trói tay” chúng ta mãi mãi được nữa. Dựa vào truyền thống nhân bản, nhân ái từ ngàn xưa của cha ông truyền lại, chúng ta phải đòi hỏi người cộng sản không được ngăn cản ”việc phục hồi nhân phẩm và nhân quyền của mọi người dân Việt nam”. Chúng ta phải có can đảm nói thẳng cho chính quyền hiện nay ở Hanoi biết rằng : “Cái sự dối trá lừa lọc, bất trung bất nghiã và sự đàn áp tàn bạo của đảng cộng sản đối với dân tộc từ bao nhiêu năm nay, thì đã đến lúc phải chấm dứt rồi. Không một công dân Việt nam nào còn có thể chấp nhận cái thân phận tôi đòi, đen tối tủi nhục lầm than, bởi vì nhân phẩm bị dày xéo, nhân quyền bị chà đạp thêm một ngày nào nữa…” (Enough is enough!)

Và nhân kỷ niệm “60 năm Ngày Ban Hành Bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền” (10/12/1948 – 2008), chúng ta hãy đồng loạt bắt tay vào việc “thực hiện quyền làm chủ của mình”, bằng cách xây dựng xã hội dân sự cho riêng mình, không để cho đảng cộng sản cứ tiếp tục khống chế, kềm kẹp người dân như họ đã làm từ trên 60 năm qua được nữa. Một lần nữa, chúng ta xác nhận: “Tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn, tự do tôn giáo… Đó là Nhân quyền, đó là Nhân phẩm của mỗi một thành viên trong cộng đồng dân tộc này“. Chứ không phải là thứ ân huệ mà nhà nước cộng sản tùy tiện “ban phát nhiều ít cho thần dân” như dưới chế độ phong kiến hủ lậu xa xưa ngày trước.


California, Tháng 12 năm 2008

------------------------------------
Phụ Lục

1/ Nguyên văn tiếng Anh Điều 19 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền :
“Article 19 - Everyone has the right to freedom of opinion and expression; this right includes freedom to hold opinions without interference and to seek, receive and impart information and ideas through any media and regardless of frontiers.“

2/ Nguyên văn tiếng Anh của Thomas Jefferson về sự cần thiết của Tự do Báo chí (Thomas Jefferson on the Necessity of a Free Press):
“ The basis of our government being the opinion of the people, the very first object should be to kêp that right; and were it left to me to decide whether we shoud have a government without newspapers, or newspapers without a government, I should not hesitate a moment to prefer the latter.”

No comments:

Post a Comment