Thursday, December 4, 2008

NƯỚC MỸ VĨ ĐẠI

Nước Mỹ vĩ đại
Hoàng Long Hải
http://www.vietnamexodus.org/vne0508/vnenews/bandocviet/tuechuong/nuocmyvidai.htm
Dù ưa hay không ưa Obama, dù có ủng hộ ông ta hay không, việc Obama đắc cử tổng thống Mỹ chứng tỏ dân tộc Mỹ là một dân tộc vĩ đại.
Tại sao?
Tại vì, nếu so sánh với các nước khác trên thế giới, những nước phát triển, tiên tiến như Pháp chẳng hạn, hai ba chục năm nữa, chưa hẵn sẽ có một tổng thống người Pháp gốc Marốc hay Algeri, v. v…Nước Anh cũng vậy, hai ba chục năm nữa, chưa hẵn sẽ có một thủ tướng Anh gốc Ghana hay Kenya.
Maroc, Algery, Tunisie… là những thuộc địa cũ của Pháp, Kenya, Ghana, … là thuộc địa cũ của Anh. Những nước nầy thuộc châu Phi hoặc châu Phi đen.
Tổng thống Sarkosy của Pháp, gốc người Hungary. Dân tộc Hungary tuy không phải gốc châu Âu, nhưng họ cũng chẳng đen hay vàng bao giờ. (1)
Stalin chẳng hạn. Ông ta không phải người Nga (Russian), mà người Georgea, vùng núi Caucase, chỉ là một nước nhỏ trong Liên Bang Sô Viết. Không phải ông ta được nhân dân Liên Xô bầu ông ta lên cầm quyền mà chính là do từ một cuộc tranh giành quyền lực giữa Stalin và Trotsky với nhiều máu và sinh mạng của người vô tội. Như vậy, việc ông ta nắm quyền đâu có vẻ vang gì cho nhân dân Liên Xô?
Việt Nam khác chi? Nếu không nhờ có đảng Cộng Sản Việt Nam, không nhờ cái bóng của Hồ Chí Minh, rằng y là con rơi của nhân vật nầy, làm sao Nông Đức Mạnh có thể ngồi chức tổng bí thư. Người Việt đã có đủ trình độ hiểu biết và tinh thần tự do và bình đẵng hay chưa để chọn một người gốc Nùng làm lãnh tụ đất nước? Chuyện ấy còn lâu!
Điều đáng nói hơn nữa, nước Pháp được đánh giá là một quốc gia có văn hóa cao nhất thế giới. Những tư tưởng về Tự Do, Bình Đẵng, Bác Ái, tượng trưng bằng ba màu trên lá cờ nước Pháp, - lá cờ hình thành từ sau cuộc Cách Mạng Tư Sản Dân Quyền năm 1789 - nguồn gốc từ trong Kinh Thánh. Và chính tại nước Pháp, trong điều được gọi là “Thế Kỷ Ánh Sáng”, tư tưởng tiến bộ văn minh đó đã được các nhà tư tưởng danh tiếng của Pháp như Montesquieu, Rousseau, Voltaire, Diderot… phát triển thành một hệ thống dân chủ dân quyền với tam quyền phân lập. Tuy nhiên, ngay chính nhân dân Pháp hiện nay, chắc chi đã có đủ trình độ và ý thức để bầu một người da màu lên làm tổng thống quốc gia nầy.
Ít ra, cũng phải vài ba mươi năm nữa, các dân tộc khác trên thế giới, dù có tiến bộ như thế nào đi nữa, cũng chưa hẵn sẽ có một người thuộc sắc tộc nhỏ có thể lên cầm quyền lãnh đạo quốc gia qua một cuộc bầu cử tự do dân chủ như cuộc bầu cử ngày 4 tháng 11 vừa qua tại nước Mỹ.
Những người thuộc các chủng tộc nhỏ ở các nước ấy, có thể nắm quyền lãnh đạo đất nước của họ, bằng bạo lực, quân đội, súng đạn mà thôi. Có thể nào một người Miên lên làm tổng thống ở nước Việt Nam nếu không bằng một cuộc đảo chính. Nhìn rộng ra, Tàu cũng vậy thôi. Ở một số nước Đông Âu, Trung Á cũng vậy. Chưa có một quốc gia nào có một định chế dân chủ vững chắc, và một người thuộc sắc tộc thiểu số được bầu lên cầm quyền. Chuyện ấy cũng còn lâu!
Trong lịch sử các nước, - và ngay chính nước Mỹ nầy cũng vậy -, có một số người thuộc các sắc dân thiểu số được giao nắm giữ những chức vụ cao và quan trọng. Ví dụ:
Cũng như Stalin, Shevardnadze là người Georgea, làm ngoại trưởng dưới thời Gorbachov. Andrew Young, đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc thời tổng thống Jimmy Carter. Collin Powell hay Condoleezza Rice, ngoại trưởng Mỹ hiện thời, hoặc ngay cả ông Paul Nur hay Nay Louette bộ trưởng sắc tộc chính quyền Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Sự có mặt của họ trong những chức vụ quan trọng như vậy cũng chứng tỏ phần nào về quan điểm bình đẵng và tự do của nước đó, nhưng dù sao, đó cũng chính là sự chọn lựa trực tiếp từ các ông tổng thống và đảng phái của họ, chứ không phải là sự chọn lựa của dân chúng qua một chuộc bầu cử và tự do như ở nước Mỹ nầy.

Thực ra, nước Mỹ có những cái vĩ đại. Không hẵn vì Hoa Kỳ có một quân đội hùng mạnh với võ khí tối tân nhứt thế giới; không hẵn vì kinh tế Mỹ không lồ, như người ta nói mỗi khi nước Mỹ chỉ mới hắt hơi thì thiên hạ đã bị cúm rồi. Nước Mỹ vĩ đại cũng không hẵn ở đời sống Mỹ no đủ, ăn ngon mặc đẹp, nhà cửa rộng rãi, phố xá nghênh ngang. Sự vĩ đại của nước Mỹ chính là ở tinh thần nhân dân của đất nước nầy vậy.
Hoàn cảnh của những người lập quốc Mỹ từ châu Âu chạy trốn sang Tân Thế Giới không phải là những người ra đi vì đói khổ nơi quê nhà, đi tìm một cuộc sống no đủ hơn.
Thực ra, Tân Thế Giới, do Kha Luân Bố tìm ra, là một vùng đồi núi hoang vu, nhiều thú dữ và khí hậu khắc nghiệt. Nó không phải là thiên đường như những người đến Mỹ kể từ sau Thế Giới Chiến Tranh Thứ Hai. Những người rời xứ sở họ ra đi hồi ấy, không ít người nguyện là không bao giờ quay đầu nhìn lại chứ đừng nói là mong có ngày “mặc áo gấm” trở lại cố hương.
Quê hương, đối với họ là nơi đọa đày về chính trị, đàn áp và khắc nghiệt về tôn giáo. Họ ra đi để bảo vệ tín ngưỡng của mình, chạy trốn những chế độ độc tài chính trị bất nhân. Thành thử, tinh thần của họ ra đi ngày ấy là đi tìm tự do cho tôn giáo và chính trị.
Tôn giáo mà họ ấp ủ chính là tinh thần trong văn minh Thiên Chúa Giáo, là tự do, bình đẵng và bác ái. Qua học đường, đặc biệt nhất là qua “nhà thờ cách tân” họ đã được mở mang trí óc, được dạy dỗ, được khuyến khích tôn trọng và bảo tồn. Chính cái tinh thần ấy đã xây dựng nên tinh thần của nước Mỹ, dân tộc Mỹ. Tinh thần ấy phát triển từ trong cuộc chiến tranh giành độc lập, trong cuộc nội chiến Nam Bắc 1860-65 và những cuộc đấu tranh tiếp sau đó để Hoa Kỳ và dân tộc nầy thể hiện tinh thần ấy qua đời sống chính trị và tôn giáo của họ.
Nhân dân Mỹ với tinh thần ấy lại được dẫn dắt bằng những lãnh tụ vĩ đại. Washington là một lãnh tụ vĩ đại. Ông không chống lại người Anh nhưng chống lại chế độ cai trị bóc lột của nước Anh. Sự bóc lột ấy thể hiện qua hai phương diện vật chất và tinh thần. Và rồi cuộc cách mạng Mỹ do ông lãnh đạo phải trải qua vô vàn khó khăn và gian khổ mới đạt thắng lợi. Nếu ông Washington là người Tầu hay bất cứ người dân tộc nào khác thì đã “Được làm vua, thua làm giặc.” Vậy mà không. Khi 13 tiểu bang đầu tiên thấy cần có một chính phủ liên bang để điều hòa những xung khắc, mâu thuẫn giữa họ với nhau, bèn mời ông Washington ra làm tổng thống liên bang. Sau khi chiến tranh giành độc lập chấm dứt, giao quyền cho các tiểu bang xong rồi, ông về an nghỉ. Ông không muốn giữ một chức vụ nào khác, dù ông có quân đội trong tay, muốn gì chẳng được. Vậy rồi ông từ chối ngôi vị tổng thống liên bang. Phải ba lần, đại diện 13 tiểu bang đến mời ông, vì quyền lợi nước Mỹ, ông mới nhận lời. So với đời bây giờ, người ta đã dùng biết bao nhiêu thủ đoạn, bao nhiêu súng đạn và xương máu binh sĩ để giành cho được cái ghế tổng thống nầy.
Mao Trạch Đông, một nhân vật cũng được xưng tụng là “Mao chủ tịch vĩ đại” thì ông ta là gì? Ông ta đã hy sinh bao nhiêu mạng người, kể cả đồng chí thân cận, binh lính của ông cũng như hàng triệu người dân vô tội để nắm cho được cái chức vị chủ tịch nước Tầu Cộng Sản? Tuy là chủ tịch một nước vĩ đại dưới chiêu bài tự do, dân chủ nhưng cuộc sống của ông khác chi một đại đế thời phong kiến? Ngay khi ông còn sống, có ai trong nước Tầu dám lên tiếng phê phán ông ta? Phải đến khi mồ mả ông lạnh tanh, mới có một vài người viết về “Tấn thảm kịch của nước Trung Hoa” dưới thời kỳ “Mao chủ tịch vĩ đại” trị vì.

Nhưng nhân vật đứng quanh ông Washington, ủng hộ ông, cũng là những nhân vật vĩ đại. Những tư tưởng về Bình Đẵng, Bác Ái và Tự Do là hành trang của người Mỹ di dân hồi ấy được cụ thể hóa trong Bản Tuyên Ngôn Độc Lập và hiến pháp Hoa Kỳ. Những tư tưởng ấy được Jefferson viết lên đó không phải để làm một thứ cây kiểng mà chính là để làm chuẩn mực cho sinh hoạt chính trị và xã hội Mỹ.
Từ đó, với những nhân vật vĩ đại khác, nước Mỹ dần dần hoàn thiện về việc xóa bỏ chế độ nô lệ qua kết quả của cuộc chiến tranh Nam Bắc thời ông Lincoln và đến thế kỷ 20, sự phân biệt mầu da chỉ còn rơi rớt trong một vài khía cạnh sinh hoạt xã hội, còn trên bình diện luật pháp thì hoàn toàn bị triệt tiêu.
Ngày nay, với một ông tổng thống da màu, người ta khó mà chê nước Mỹ không có những định chế dân chủ và nhân quyền vững chắc. Người ta cũng khó mà phê phán người Mỹ kỳ thị màu da và chủng tộc. Việc kỳ thị ấy, nếu có diễn ra đâu đó thì nó cũng chỉ là rơi rớt của một thời kỳ lạc hậu, và chỉ xẩy ra chùng lén, dấu đút chớ không ai dám công khai.
Thực ra, người Mỹ là một dân tộc khá thực tế. Một mặt, họ vừa có những lý tưởng cao xa, nhưng lại biết nhìn vào cuộc sống thực tại, vừa để sống no ấm, đầy đủ vừa để bảo về những lý tưởng sâu xa mà họ yêu mến. Nếu không no ấm ấm đầy đủ thì những lý tưởng cao xa trở thành viễn vông. So với tinh thần người Việt thì điều đó nằm ở trong câu tục ngữ: “Có thực mới vực được đạo.”
Vì vậy, trong tình hình kinh tế ngày càng đi xuống trong thời kỳ cầm quyền 8 năm của ông Bush và đảng Cộng Hòa, nay người Mỹ cần vực kinh tế đứng dậy và phát triển mạnh mẽ. Như vậy, có nghĩa là người Mỹ cần có một chính sách kinh tế mới, thay thế chính sách kinh tế của đảng Cộng Hòa. Trong viễn tượng đó, họ muốn chính sách kinh tế của đảng Dân Chủ thay thế chính sách của đảng Công Hòa. Do đó, người đại diện cho đảng Dân Chủ ra tranh chức tổng thống, người trắng, người đen, người màu nào chẳng được, hay nói như Đặng: “Mèo trắng, mèo đen, miễn là bắt được chuột.” Đặng học được tư tưởng ấy, không phải từ trong văn hóa Trung Hoa mà chính là từ Tây Phương vậy.


Kể từ sau thế giới chiến tranh thứ hai, thế giới chia làm hai phe tư bản và cộng sản, chiến tranh lạnh càng ngày càng gay gắt. Để ngăn ngừa chiến tranh, các nước trên thế giới cần có quân đội mạnh, vũ khí hiện đại. Nước Mỹ, kể từ thời kỳ Truman, chuyên tâm vào chiến tranh, chạy đua vũ trang nên kinh tế Mỹ chuyên về Kinh Tế Quốc Phòng (hay Kinh Tế Quân Sự). Điều ấy vừa có lợi cho kinh tế Mỹ, vừa giữ được ưu thế của Mỹ về mặt quốc phòng.
Ngày nay, tình hình kinh tế thế giới đã đổi khác. Ngoại trừ một vài nước nhỏ còn hung hăng, phần đông, các nước khác muốn hội nhập vào nền kinh tế thế giới mới, điều mà mấy chục năm trước đã thúc đẩy Gorbachov vội vàng tuyên bố “Liên Xô thuộc về Châu Âu.” Phải hội nhập để phát triển kinh tế là điều Gorbachov phải chọn lựa.
Trong viễn tượng đó, Kinh Tế Dân Sự của Mỹ dần dần yếu đi, trong khi đó, mấy chục năm qua, nước Mỹ đã để cho nhiều nước vượt qua họ về mặt Kinh Tế Dân Sự. Điển hình là Nhựt vượt qua Mỹ về kỹ nghệ xe hơi, Đại Hàn vượt qua Mỹ về kinh tế điện tử. Điều ông Clinton chủ trương trước đây rằng Mỹ sản xuất sản phẩm điện tử cao cấp trong khi chỉ nhập hàng hàng tiêu dùng so ra làm cho nước Mỹ chi nhiều hơn thu. Lại nữa, vì hết rơi vào cuộc chiến tranh nầy đến cuộc chiến tranh khác, nợ nần nước Mỹ càng ngày càng chồng chất.
Tất cả những khó khăn ấy buộc người Mỹ phải chọn đường lối kinh tế mới của đảng Dân Chủ, loại dần Tập Đoàn Kinh Tế Quân Sự ra khỏi vị trí ưu đãi. Đó là điều người Mỹ đã chọn khi họ đánh dấu trên lá phiếu. Nó quan trọng hơn màu da của ứng cử viên./

hoànglonghải


No comments:

Post a Comment