Tuesday, December 23, 2008

MỘT THỜI MÒ MẪM

Một thời mò mẫm
Vợ ông Lê Duẩn nói về thời kỳ Việt Nam làm tới đâu, sửa tới đó

Phỏng vấn bà Bảy Vân (21.12.2008)
21 Tháng 12 2008 - Cập nhật 16h49 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/story/2008/12/081214_bay_van_interview.shtml
'Việt Nam không có mô hình nào để đi lên, Nga đi lên theo kiểu Nga, Trung Quốc đi lên kiểu Trung Quốc, mà Trung Quốc lại càng xa vời với Việt Nam', bà Bảy Vân, phu nhân cố Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Lê Duẩn, đã hồi tưởng lại giai đoạn "bao cấp", trong một cuộc trao đổi với BBC Việt Ngữ hồi tháng Tám 2008.
Bà Bảy Vân, cũng từng giữ chức vụ Phó tổng Biên Tập báo Sàigòn Giải Phóng, nói tiếp: "Trung Quốc chủ trương 'Đại nhẩy vọt'- con người có thể ngồi trên mặt lúa mà lúa không gãy - nhưng tôi quan sát tận nơi, thì thực tế không phải vậy. Việt Nam cũng không thể áp dụng kiểu quản lý nông thôn của Nga".
Bà nói tiếp: "Mình thì chỉ mò mẫm thôi, không ai kết luận được kiểu nào đúng, kiểu nào sai, tới chừng nhìn lại thì không thấy phù hợp thôi, làm tới đâu sửa tới đó".

Phỏng vấn bà Bảy Vân: Các điểm chính

Khi được hỏi là Việt Nam có nên bỏ hẳn lối phát triển kinh tế cũ kỹ hay không, bà Bảy Vân không trả lời thẳng vào câu hỏi, mà hồi tưởng lại giai đoạn ông Võ Văn Kiệt chủ trương hãng dệt Thành Công, "người dân mượn tiền nhà nuớc, tự đứng ra sản xuất và nuôi công nhân".
Bà cũng nhắc lại giai đoạn Thành phố HCM không có gạo để ăn, phải ăn bo bo khoai mì sùng, ban lãnh đạo chủ trương mua gạo với giá thị trường theo thể thức 'mua gối đầu', và do đó, đời sống tại đô thị bớt khó khăn.
Bà Bảy Vân kết luận: "Giải pháp này là đúng. Dần dần mọi chuyện mở ra. Địa phương này học theo địa phương kia, để sửa sai giai đoạn bao cấp"

Nên bỏ XHCN hay không ?
Bà Bảy Vân khẳng định "Không thể bãi bỏ xã hội chủ nghĩa được vì chỉ một tầng lớp nào chủ trương như vậy thôi, chứ còn cái khoảng cách giàu nghèo còn "nặng lắm" cho nên không thể bỏ được"
Trái lại theo bà Bảy Vân, "nhà nước phải quản lý chặt chẽ hơn". Bà dẫn thí dụ tình hình lúa gạo vừa qua, chính phủ "nắm" mọi việc mà để cho tin đồn này được loan truyền là "không tốt".
Theo bà Bảy Vân, chính phủ phải nghĩ tận gốc rễ của vấn đề, từ vấn đề lương bổng sao cho hợp lý để cho công nhân viên chức đủ sống, chứ còn "chân ngoài dài hơn chân trong", không thể để cho tình trạng này kéo dài mãi được.

VIDEO :
Phần một : Thân thế

Phần hai : Sự nghiệp

Phần ba: Hiện tình

Phần bốn: Hồi ký

Bà Bảy Vân nhấn mạnh chỉ có cải thiện đời sống cho người dân mới mong giải quyết nổi tham nhũng, chứ còn "chống cái này, chống cái kia" chỉ là hình thức thôi.
"Tuyên truyền chống tham nhũng, chỉ là nói miệng qua thôi," bà nói.
Bà Bảy Vân dẫn chứng là ngành hải quan của Pháp đã dành phân nửa thu nhập để sung vào lương của công nhân viên hải quan, chứ không có 'nhín nhín' như Việt Nam đâu, vì như thế thì "họ thế nào cũng tìm cách ăn mà thôi".
Cơ bản nhất của công cuộc bài trừ tham nhũng là giải quyết đời sống cho cán bộ công nhân viên chứ còn giáo dục chỉ là một biện pháp mà thôi, theo bà Bảy Vân.

Liên hệ với Trung Quốc
Hồi đó, không có ý kiến của 'Anh Ba' thì Trung Quốc đã chiếm luôn Trường Sa rồi, bà Bảy Vân, phu nhân của cố Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt Nam Lê Duẩn đã hồi tưởng lại giai đoạn "nóng".
Trong cuộc trao đổi dành riêng cho Ban Việt Ngữ đài BBC, bà Bảy Vân nhớ lại chồng bà đã nói "Mình phải ra đóng quân ở Trường Sa".
Bà Bảy Vân nói tiếp: "Trung Quốc lấy cái thế là trước kia ông Phạm Văn Đồng có ký một văn bản cho phép Trung quốc quản lý ở Hoàng Sa vì 'ngụy' đã đóng ở đó".
Và khi đất nước thống nhất rồi, bà Bảy Vân cho biết ông Lê Duẩn đã nói: "Bằng cách nào cũng phải chiếm lại Hoàng Sa".
Nhìn vào phong trào thanh niên sinh viên phản đối Trung Quốc đã chiếm hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, bà Bảy Vân nói rằng "cái gì lãnh đạo mình hướng dẫn thì nên làm theo, chứ còn thanh niên tự ý đi chống lại cũng không có kết quả gì"
Trong cuộc trao đổi này, bà Bảy Vân cho biết bà cũng có ý tưởng viết một cuốn hồi ký nhưng lo ngại là những đoạn nào có dính líu tới ông Lê Duẩn sẽ làm phật ý giới lãnh đạo Việt Nam hiện nay.

Xem ý kiến độc giả nơi trang chính :
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2008/12/081222_khiem_bkk_blog4.shtml


No comments:

Post a Comment