Tuesday, December 23, 2008

KHAI THÁC BÔ-XÍT : LỢI BẤT CẬP HẠI

Khai thác nhôm trên Cao Nguyên : lợi bất cập hại ?
Trọng Nghĩa
Bài đăng ngày 22/12/2008 - Cập nhật lần cuối ngày 22/12/2008 19:02 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/108/article_1984.asp
Việt Nam là một khu vực dồi dào quặng bôxít (bauxite) dùng để làm nhôm, với trữ lượng ước tính vượt mức 7 tỷ tấn, đứng hàng thứ tư trên thế giới. Các mỏ chủ yếu tập trung trên các vùng Cao Nguyên miền Bắc và miền Trung. Để khai thác nguồn tài nguyên đó, chính quyền đã bật đèn xanh cho việc khai thác quặng mỏ và thiết lập nhà máy luyện nhôm ở hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng trên Tây Nguyên. Quyết định này đã bị giới khoa học phản đối vì có nguy cơ gây tổn thất lâu dài cho môi trường sống của con người. Trọng Nghĩa phỏng vấn chuyên viên môi trường Nguyễn Đức Hiệp tại Úc.

Trong thời gian gần đây, dư luận Việt Nam tại Việt Nam đã sôi nổi với việc chính quyền hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng bắt tay vào việc phá rừng và đồn điền trồng trà và cà phê để lấy mặt bằng cho công trình thành lập nhà máy luyện quặng nhôm. Trên mặt báo, nhiều bài viết đã xuất hiện phân tích lợi hại của việc phát triển công nghiệp khai thác quặng bô xít và luyện nhôm tại các nơi này. Nhìn chung, giới khoa học đã nêu bật những tác hại to lớn của chủ trương này đối với môi trường, không chỉ ở những nơi có cơ sở sản xuất, mà cả đối với khu vực đồng bằng nằm dưới hai tỉnh kể trên.
Theo nguồn tin báo chí Việt Nam, trong kế hoạch phát triển vùng Tây Nguyên cho đến năm 2025, từ 5 năm qua, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam thăm dò, đầu tư khai thác, chế biến quặng bô-xít ở Tây Nguyên. Theo kế hoạch, đến năm 2025, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ sẽ có 6 tổ hợp khai thác bô-xít, luyện alumin, và 2 nhà máy điện phân nhôm. Hệ thống đường sắt Đắc Nông – Bình Thuận và cảng biển phục vụ xuất khẩu alumin cũng sẽ được thiết lập, giúp Việt Nam thành cường quốc nhôm, với sản lượng alumin hàng năm chiếm khoảng 1/5 của thế giới.

Trước mắt, có 2 tổ hợp tại Nhân Cơ, huyện Đăk R’Lấp (Đắk Nông), và ở Tân Rai, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) được thi công, dự kiến hoàn thành trong 2 năm tới.

Theo giới chủ trương các công trình này, lợi ích kinh tế của ngành công nghiệp nhôm trong vùng rất lớn, vì ''tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ khai khoáng, thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho toàn vùng''.
Thế nhưng lập luận kinh tế kể trên đã không thuyết phục được các nhà khoa học. Nhiều người đã lên tiếng cảnh báo rằng lợi ích kinh tế thu hoạch được có nguy cơ không bằng các thiệt hại lâu dài đối với Việt Nam.

Tác hại lâu dài cho môi trường
Trên báo chí Việt Nam trong nhiều tuần lễ qua, giới khoa học đã liên tiếp đưa ra những lời báo động trước tiên hết về tác hại đối với môi trường, không chỉ tại khu vực có cơ sở sản xuất mà cả tại những khu vực nằm phiá dưới.
Nguy cơ lớn nhất là quá trình luyện nhôm, sẽ tạo ra bùn đỏ, một chất độc hại không bao giờ phân hủy được. Nếu chôn giữ ngay tại chỗ, trong các hồ chứa, nơi địa hình có độ dốc 25 % như ở khu vực thiết lập nhà máy, nguy cơ vỡ hồ, bùn đỏ tràn xuống đồng bằng không thể loại trừ. Đó là chưa kể hiện tượng chất thải độc hại thẩm thấu vào các dòng nước và mạch nước chảy xuống gây hại cho các vùng bình nguyên phiá dưới.
Mặt khác, nguồn nước to lớn huy động vào công trình luyện nhôm sẽ làm cạn kiệt nguồn sử dụng cho nông nghiệp, cụ thể là cho trà và cá phê, thế mạnh của khu vực.
Vấn đề khai thác lộ thiên các mỏ bauxite sẽ đòi hỏi phá rừng, phá các đồn điền. Hệ sinh thái trong vùng sẽ bị tổn hại, không còn động vật, trong lúc thảm thực vật bị mất đi sẽ làm đất đai bị xói mòn. Lũ lụt, đất lở có nguy cơ trở thành thường xuyên hơn, tác hại đến các tỉnh thành ở đồng bằng.

Hiệu năng kinh tế còn bấp bênh
Ngay cả hiệu năng kinh tế của việc luyện nhôm cũng bị bác bỏ. Theo các nhà khoa học, luyện nhôm là một loại công nghệ tiêu tốn rất nhiều điện.
Trong bối cảnh điện sản xuất chưa đủ dùng, giá lại cao, việc thúc đẩy ngành công nghiệp này hiện nay không kinh tế.
Ngoài ra, còn phải kể đến những thông số kinh tế khác như chi phí vận chuyển nhiên liệu và nguyên liệu cần thiết cho việc sản xuất nhôm, chủ yếu là nhập từ nơi khác lên trên vùng cao, nơi đặt các cơ sở sản xuất, hoặc là chuyển sản phẩm làm ra xuống các nơi xuất phát đến chỗ tiêu thụ. Tại các nước, khu sản xuất thường nằm gần cảng, để giảm bớt chi phí vận tải, còn ở Việt Nam, vùng mỏ Đắk Nông hay Lâm Đồng cách cảng hàng trăm cây số, vận chuyển trên đường đèo không phải là một vấn đề đơn giản, nhất là khi hạ tầng cơ sở giao thông của Việt Nam chưa phát triển.

Tác hại đối với văn hoá các dân tộc thiểu số
Một điểm thứ ba cũng được giới khoa học nêu bật là tác hại của kế hoạch luyện nhôm trên Tây Nguyên đối với văn hoá các sắc dân thiểu số sinh sống trong vùng.
Vùng Đắk Nông chẳng hạn, là nơi cư ngụ của dân tộc M'nông, một trong nhiều sắc dân thuộc nền văn hoá Tây Nguyên, từng được cả thế giới biết đến sau khi nghệ thuật cồng chiêng được Tổ Chức Unesco công nhận là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Tây Nguyên là khu vực rất nhậy cảm tại Việt Nam. Trong thời gian qua, hiện tượng di dân ồ ạt đến từ các vùng đồng bằng, việc thiết lập các đồn điền cà phê, trà...vân vân, đã làm bất bình gia tăng trong các sắc dân thiểu số tại chỗ, tạo ra những tranh chấp mà chính quyền đã phải khó khăn giải quyết.

Trung Quốc ''xuất khẩu'' ô nhiễm trong ngành luyện nhôm
Nhìn chung, theo các nhà khoa học, trong tình hình Việt Nam hiện nay, chính quyền cần phải cân nhắc kỹ lưỡng lợi hại trong việc phát triển ngành khai thác bauxite và luyện nhôm. Ngay cả Trung Quốc, nước từng chạy theo việc này trước đây, hiện có dấu hiệu chùng bước trước các tổn hại to lớn cho môi trường, trước làn sóng phản đối của người dân.
Vấn đề đặt ra là giới luyện nhôm tại Trung Quốc lại đang thực hiện chiến lược xuất khẩu ô nhiễm của họ ra ngoại quốc, tức là đầu tư vào các cở sơ sản xuất ở nước ngoài, để vẫn có nhôm phục vụ sản xuất tại nước họ, nhưng để cho quốc gia hợp tác với họ gánh chịu toàn bộ hậu quả của nạn ô nhiễm. Theo báo chí Trung Quốc, sau Úc, hai nước bị Trung Quốc dòm ngó là Việt Nam và Brazil.

Kinh nghiệm từ nước Úc
Để hiểu rõ hơn về tác hại của quá trình luyện nhôm, cụ thể là đối với môi trường, và cách thức khắc phục, chúng tôi đã đặt câu hỏi cho anh Nguyễn Đức Hiệp, chuyên gia môi trường tại Úc. Australia hiện đứng đầu thế giới trong lãnh vực sản xuất nhôm, nhưng cũng là nơi cư dân có nhận thức cao về bảo vệ môi trường. Mời quý vị nghe phần phỏng vấn sau đây với chuyên gia Nguyễn Đức Hiệp.

NGHE : Ông Nguyễn Đức Hiệp, chuyên viên môi trường tại Úc
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/108/article_1984.asp

No comments:

Post a Comment