Saturday, December 20, 2008

MỸ CẮT GIẢM LÃI SUẤT CƠ BẢN XUỐNG 0%

Ben Bernanke xả láng
Ngô Nhân Dụng
Friday, December 19, 2008
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=88383&z=7
Trong lúc quý vị còn đang mải lo Tết Tây, Tết Ta, ông chủ tịch hệ thống Dự Trữ Liên Bang đã hạ thấp lãi suất xuống zero lúc nào không biết! Khi biết tin, nhiều người hỏi: “Thế này là thế nào?” Hy vọng mục này sẽ trả lời một phần nào câu hỏi đó.

Ông Ben Bernanke đã cắt giảm lãi suất cơ bản 10 lần trong một năm nay, lần sau cùng, hôm Thứ Ba 16 tháng 12 vừa qua cắt nặng nhất, từ lãi suất 1% một năm xuống 0.25%, và chấp nhận xuống thẳng 0%. Quyết định đó có ý nghĩa thế nào?

Trước hết, đây là lãi suất để các ngân hàng thương mại ở Mỹ trả khi họ cần vay lẫn của nhau, vay qua đêm, hôm sau trả liền. Ngân hàng nào cũng bắt buộc phải gửi một số tiền tối thiểu trong Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, tức Quỹ Dự Trữ Liên Bang (Fed). Dự trữ bao nhiêu tùy theo tổng số tiền họ đang cho vay lớn hay nhỏ, thí dụ có 100 đồng cho vay thì phải giữ 5 đồng gửi Fed. Ngày nào mà một ngân hàng cho vay nhiều quá, số dự trữ bị hụt, phải tạm vay một ngân hàng khác bù sang - nếu cần họ có thể vay của ngân hàng trung ương. Từ nay, với lãi suất xuống zero, họ có thể vay như vậy mà không cần trả lãi. Tội gì không vay thêm?

Hậu quả là các ngân hàng thương mại có thể cho vay thoải mái “vô tư,” không lo gì cả. Tại sao ông Bernanke lại làm như vậy? Vì Ngân Hàng Trung Ương Mỹ muốn dân Mỹ có nhiều tiền. Giảm lãi suất, nhiều người tiêu thụ ở Mỹ, xí nghiệp Mỹ, ngân hàng Mỹ có thêm tiền sử dụng, nói chung là gia tăng số tiền chạy qua chạy lại (gọi là lưu lượng tiền tệ) trong nền kinh tế Mỹ. Khi nhiều người dùng tiền, thì người kinh doanh đầu tư thêm, cửa tiệm bán được nhiều hàng hóa hay dịch vụ hơn, cuối cùng là kinh tế phát triển cao hơn.

Kinh tế Mỹ đang cần chích nhiều liều thuốc để kích thích cho nó hoạt động, không cho cơn suy thoái kéo dài và nặng hơn. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ giảm lãi suất tức là chích cho nền kinh tế một liều thuốc, một “biện pháp tiền tệ.” Giảm lãi suất là “bơm tiền vào” hệ thống kinh tế tài chánh, để kích thích tiêu thụ và sản xuất. Ông tổng thống tân cử Obama cũng hứa khi nhậm chức sẽ chích thêm liều thuốc nữa, một “biện pháp ngân sách” để “kích cầu” cho nền kinh tế. Ông Obama sẽ cho chính phủ chi tiêu gần 900 tỷ đô la, bù vào chỗ trống vì dân chúng giảm không chi nữa.

Biện pháp tiền tệ mới nhất của ông Beranke có tính cách triệt để, trước đây 8 năm Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản đã làm như vậy, cũng để kéo nước Nhật ra khỏi cơn suy thoái đã kéo dài gần 10 năm ở Nhật.
Khi Ngân Hàng Trung Ương giảm lãi suất cơ bản xuống zero không có nghĩa là các thứ lãi suất khác cũng xuống zero! Ngay khi các ngân hàng vay lẫn của nhau, nhưng vay dài hạn trong ba tháng chẳng hạn, họ cũng phải trả lãi suất cao hơn, hai tháng trước là 3%, nay còn khoảng 1.5%, vẫn cao hơn mức lãi suất năm ngoái. Các xí nghiệp và người tiêu thụ muốn vay của ngân hàng còn phải trả lãi suất cao hơn, cao hơn bao nhiêu tùy theo mức độ rủi ro của người đứng vay. Nhưng khi Ngân Hàng Trung Ương đã hạ lãi suất cơ bản xuống zero thì các loại lãi suất ngắn hạn sẽ giảm theo. Như vậy, người ta đi vay dễ dàng hơn, chi dụng nhiều hơn, lưu lượng tiền tăng lên, hy vọng kinh tế sẽ hồi phục dần dân. Kinh tế Mỹ hiện đã suy thoái được một năm rồi, bất cứ biện pháp nào giúp cho người dân và giới kinh doanh chi tiền thêm đều hữu ích.

Nhưng lãi suất giảm có thật sự sẽ “kích thích” người ta vay tiền thêm và chi tiêu thêm hay không? Có khi giảm lãi suất hoài mà kinh tế vẫn không cụ cựa! Các nhà kinh tế gọi tình trạng đó là “đẩy sợi dây thừng.” Dây thừng thì phải kéo nó chạy chứ đẩy không được!
Vì hai lý do. Một là các xí nghiệp vẫn không dám mở rộng việc doanh thương và người tiêu thụ vẫn lo sắp mất việc, ít ai muốn đi vay tiền mà dùng. Hai là chính các ngân hàng đang thiếu tiền, không muốn cho vay.

Tại sao các ngân hàng lại không có sẵn tiền? Các ngân hàng còn rất nhiều tiền, nhưng không phải tiền mặt mà là những món nợ ứ đọng. Hầu hết các ngân hàng bị kẹt tiền trong những món nợ cho vay từ trước, mà giấy nợ, gọi là trái khoán, và những chứng khoán khác, không bán cho ai được. Không người mua vì ai cũng sợ trong các chứng khoán đó có dính bao nhiêu vào những món nợ địa ốc dưới tiêu chuẩn, khó đòi.

Từ Tháng Mười chính phủ George W. Bush đã được quốc hội cho phép dùng 700 tỷ để mua lại những loại chứng khoán đó. Ông bộ trưởng tài chánh đã dùng khoảng 250 tỷ, phần lớn để “góp thêm vốn” cho các ngân hàng, tức là giúp họ có tiền mặt để cho vay. Nhưng hơn 2 tháng qua, thị trường vay nợ vẫn không chuyển biến đủ mạnh để thay đổi tình hình kinh tế. Vì nhiều người đi vay tiền đáng lẽ phải chi tiêu thì lại chỉ vay để trả bớt nợ. Các xí nghiệp và người tiêu thụ bỗng dưng sợ mang nợ! Vì trong mươi năm trước họ vay nợ nhiều quá. Cho nên hệ thống ngân hàng có thêm tiền nhưng đồng tiền vẫn không chạy!

Khi nói đến lưu lượng tiền tệ trong nền kinh tế chúng ta nên biết có hai yếu tố ảnh hưởng mạnh như nhau. Một là tổng số những đồng bạc giấy đang lưu hành cộng với những món tiền gửi trong ngân hàng lúc nào ký ngân phiếu cũng được, tức là biến tiền nằm trong ngân hàng thành tiền chạy sang túi người khác. Tổng số đó là khối lượng tiền tệ, khối lượng lớn thì lưu lượng tiền tệ lớn theo. Yếu tố thứ hai là tốc độ chuyển tay của những đồng tiền đó. Khi ông, bà có tiền mà cứ để yên một chỗ suốt 10 năm thì ông bà không giúp cho tiền tệ lưu hành. Ngược lại, khi chi tiêu thì giúp cho khối tiền đó chạy qua chạy lại, và nhờ hệ thống ngân hàng sinh sản ra những đồng tiền khác.

Một người vay 100 triệu thì cũng vẫn đem gửi trong hệ thống ngân hàng, rồi ký ngân phiếu trả cho nhiều người khác. Những người đó lại gửi trong các ngân hàng. Ngân hàng có 100 đồng mới gửi, giữ lại một số ở Ngân Hàng Trung Ương theo luật định, xong lại có thể cho người khác vay tiếp. Thí dụ Ngân Hàng Trung Ương bắt giữ lại 10 đồng thì cho vay được 90 đồng. Người khác vay rồi vẫn ký thác 90 đồng trong hệ thống ngân hàng, thế là họ lại có tiền cho vay lần nữa, đến 81 đồng mới thôi. Cứ như thế, tiền đẻ ra tiền nhờ chạy qua chạy lại, đó là công việc chính của các nhà băng (bank). Cho tới khi nào tổng số cho vay quá lớn khiến số dự trữ của họ trong Ngân Hàng Trung Ương thấp dưới mức luật định mới phải ngưng.

Nhưng tình trạng trên chỉ diễn ra nếu người có tiền đem chi tiêu, người này ký ngân phiếu hoặc trả tiền mặt cho người khác. Nếu mọi người đều ngưng bớt việc chi tiêu thì khả năng làm “tiền đẻ ra tiền” của các ngân hàng cũng bị ngưng lại. Vì vậy, Ngân Hàng Trung Ương có thể bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng nhưng các đồng tiền đó chạy với tốc độ quá chậm thì hiệu quả ích lợi chẳng có là bao. Ngân Hàng Trung Ương không thể thúc cho đồng tiền chạy với tốc độ cao hơn, vì đó là quyết định của hàng triệu cá nhân người tiêu thụ cũng như người sản xuất. Cho nên chỉ có cách là bơm thêm tiền nữa, để bù lại cho tình trạng tốc độ giảm.

Trong cả năm 2008 Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã cắt lãi suất mươi lần từ trên 5% xuống tới zero, đã bơm thêm tiền vào hệ thống các ngân hàng thương mại, nhưng kinh tế chưa chuyển vì tốc độ luân chuyển của đồng tiền chậm lại. Ngoài ra, khi Ngân Hàng Trung Ương cắt lãi suất cơ bản thì các lãi suất ngắn hạn giảm theo chứ các món nợ lâu từ 3 năm trở lên vẫn phải chịu lãi suất cao. Việc kinh doanh thường đòi hỏi phải vay từ 5 đến 10 năm, càng xa càng lo bất trắc! Có thể nói là chính sách giảm lãi suất trong năm qua đã thất bại.

Các ngân hàng vẫn bị tắc nghẽn với các món chứng khoán bán không được. Có thêm tiền cho vay thì họ muốn tính lãi suất cao hơn, vì với kinh nghiệm vừa qua họ cứ lo người vay sẽ không trả được - như con chim sợ cành cây cong vậy! Lãi suất cơ bản 1% nhưng các xí nghiệp mới ra đời phải trả $14 mới vay được! Kinh nghiệm năm qua cũng khiến phần lớn các xí nghiệp và người tiêu thụ đều lo trả bớt nợ hơn là đi vay thêm. Chưa ai biết chắc bao giờ hệ thống ngân hàng mới được khai thông. Chính phủ Mỹ và hệ thống Dự Trữ Liên Bang đã gia công làm việc “thông ống nước” từ mấy tháng nay, vẫn còn chờ coi bao giờ cả hệ thống nhúc nhích!

Nếu tình trạng này cứ tiếp tục thì hệ thống Dự Trữ Liên Bang Mỹ có thể sẽ “hết võ!” Bởi vì món võ chính của ông Bernanke là “giảm lãi suất” không còn dùng được nữa. Giảm gì thì giảm, tới số zero rồi còn giảm vào đâu được?

Ngày Thứ Ba vừa qua, ông chủ tịch Ben Bernanke cho biết dùng hết võ Thiếu Lâm rồi mà chưa hiệu nghiệm, ông sẵn sàng dùng đến quyền cước của Võ Ðang! Ông cho biết Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ trực tiếp mua các chứng khoán từ hệ thống ngân hàng Mỹ như đã làm hai tháng qua. Hành động này có mấy tác dụng khác nhau: Các ngân hàng sẽ có thêm tiền để cho vay. Hành động mua trái khoán của Ngân Hàng Trung Ương sẽ giúp cho lãi suất dài hạn giảm xuống trên cả thị trường. Thí dụ, lãi suất đi vay mua nhà vài tháng trước trung bình là 6.64% nay đã giảm xuống 5.28% vì chính phủ và Ngân Hàng Trung Ương mua các chứng khoán liên can đến địa ốc, giải tỏa cho các nhà cho vay mua nhà.

Một biện pháp có vẻ “võ rừng” mà ông Bernanke đã thử, là trực tiếp cho các xí nghiệp vay tiền! Xưa nay các Ngân Hàng Trung Ương chỉ làm việc với các ngân hàng thương mại mà thôi. Bây giờ vì các ngân hàng không chịu cho các xí nghiệp vay, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã đứng ra làm việc đó.

Trong thị trường tài chánh Mỹ, các công ty lớn sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ có thể vay những món nợ ngắn hạn bằng cách bán những “thương phiếu” (commercial papers, viết tắt là CP) với kỳ hạn vài ba tháng trả liền. Trong Tháng Mười, Mười Một, thị trường thương phiếu ngưng, vì mọi người đều lo thủ tiền trong nhà, không ai muốn cho ai vay, dù bạn quý trong thương trường! Chính Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã đứng ra mua các thương phiếu và giúp giải tỏa cả thị trường!

Các món võ mới của Ngân Hàng Trung Ương, ngoài bài quyền căn bản giảm lãi suất, sẽ được ông Bernanke thi thố trong mấy tháng tới. Chúng ta phải chờ coi mới biết kết quả. Nhưng chúng ta biết ông có nội lực thâm hậu. Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã dành sẵn 600 tỷ Mỹ kim để mua những trái khoán dính tới địa ốc, trong đó có các trái khoán của Fannie Mae và Freddie Mac, hai công tài chánh về địa ốc đã được chính phủ Bush thu vào để cứu. Hiện ông Bernanke mới dùng đến 8 tỷ đô la thôi. Ông sẽ dùng thêm 200 tỷ đô la khác để giúp khai thông cho những thị trường tín dụng như: cho sinh viên vay tiền đi học, vay mua xe hơi, vay khi dùng thẻ tín dụng, và các món nợ của những xí nghiệp nhỏ. Tóm lại, chỗ nào lo bị bế tắc, Ngân Hàng Trung Ương sẽ có thợ đến khai ống nước!

Có thể nói là ông Bernanke đang đánh xả láng. Một điều an tâm là láng của ông rất “đông địa.” Trên nguyên tắc, Ngân Hàng Trung Ương một nước có thể in tiền ra dùng, không biết đâu là giới hạn!

Nhưng khi khai triển những võ công mới mẻ này, nếu không thành công ông Bernanke sẽ gặp những thứ rủi ro nào? Một kinh nghiệm đáng nhớ, là từ năm 2001 đến 2006, Nhật Bản cũng đã dùng những món võ mà ông Bernanke đang sử dụng, sau khi lãi suất cơ bản ở Nhật cũng xuống tới zero! Ông Masaaki Shirakawa, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Nhật mới nói với nhật báo Financial Times rằng các biện pháp hồi đó chỉ có ích lợi ở chỗ chúng giúp cho Ngân Hàng Trung Ương Nhật không bị các nhà chính trị làu bàu phiền nhiễu nữa! Khi kinh tế Nhật phục hồi năm 2006, thì ông Shirakawa thú thật, không biết đó là vì hiệu quả mà các thứ võ mới tạo ra, hay chẳng qua chỉ vì bên Trung Quốc bỗng nhiên họ giầu lên và đặt mua nhiều hàng hóa Nhật hơn trước!

Nhưng một vị khác trong hội đồng quản trị Ngân Hàng Trung Ương Nhật Bản là ông Teizo Taya lại nói với tờ báo trên rằng: “Các biện pháp này có thể gây hiệu quả ở Mỹ nhiều hơn là ở Nhật.” Vì người Mỹ khác người Nhật, và hệ thống ngân hàng ở Mỹ đáp ứng bén nhạy hơn các ngân hàng rất bảo thủ bên Nhật.
Trong tuần sau mục này sẽ đề cập tới những rủi ro mà ông Ben Bernanke phải đối đầu khi thi hành các chính sách tiền tệ ngoài khuôn khổ cũ.


No comments:

Post a Comment