Friday, November 28, 2008

TRUNG QUỐC DÙNG TRỊNH HOÀ CHO MỤC TIÊU HIỆN ĐẠI

TQ dùng Trịnh Hòa cho mục tiêu hiện đại
Tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã
Bài gửi tham gia Diễn đàn BBC
25 Tháng 11 2008 - Cập nhật 15h30 GMT
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2008/11/081125_zhenghe_viet_opinion.shtml
Kỷ niệm 600 năm chuyến đi biển đầu tiên của Trịnh Hòa, Tuần dương hạm lấy tên “Trịnh Hòa” ghé thăm cảng Đà Nẵng của Việt Nam 18/11.

Những năm gần đây, người ta thấy rõ Trung quốc có ý đồ hiện đại hoá gấp quốc phòng, chú trọng bành trướng nhanh hải quân, thực hiện “lam sắc quốc thổ chiến lược” ngụ ý là vùng màu xanh nước biển.
Trung Quốc cũng công bố lại bản đồ có từ thập niên 30 thế kỷ trước, bản đồ lưỡi bò lấn lãnh hải gần hết Biển Đông của Việt Nam.
Các nhà học giả Trung quốc giải thích nội dung của chiến lược này là coi chủ quyền Trung quốc mở rộng ra các vùng biển và đại dương phía Đông và phía Nam, gồm vùng biển nội địa và vùng lãnh hải, đều thuộc chủ quyền kinh tế của Trung quốc.
Họ bỏ qua mọi tranh chấp còn tồn tại với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei.
Mấy tháng nay, báo Nhân dân Giải phóng Quân ở Bắc kinh giới thiệu đô đốc Trịnh Hòa từng cùng tàu chiến và tàu buôn đặt chân lên thị trấn Hội An của Việt Nam, đặt nền tảng thông thương Trung - Việt; đô đốc Trịnh Hòa còn ghé Hoàng Sa và Trường Sa, - nhằm chứng minh rằng hai quần đảo này từ thời Minh đã thuộc chủ quyền của Trung quốc.
Đúng Trịnh Hòa trong bảy lần đi thám hiểm đều đi qua Biển Đông mà trước đây chính người Trung Quốc gọi là Biển Giao Chỉ, sau các nhà hàng hải thường gọi Biển Nam Trung Hoa.
Song không có một tài liệu cụ thể nào ghi chép đoàn thám hiểm Trịnh Hòa ghé Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, nhất là lại có hành động xác lập chủ quyền của nhà nước Trung Hoa tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trịnh Hòa phát hiện Hoàng Sa?
Trái ngược hẳn với tư liệu lịch sử Trung Quốc chỉ mơ hồ mang tính suy diễn, tư liệu chính sử hay địa lý của Việt Nam thời Chúa Nguyễn ( từ đầu thế kỷ XVII đến 1801,hoặc chính tài liệu của Trung Quốc như Hải Ngoại Kỷ Sự, Q.3 của nhà sư Thích Đại Sán (người Trung Quốc) năm 1696 đã ghi chép rất rõ rằng Chúa Nguyễn đã sai thuyền ra khai thác các sản vật từ các tàu đắm trên quần đảo Vạn Lý Trường Sa tức Hoàng Sa.
Hoặc thời Nhà Nguyễn từ năm 1802 đến 1909, có rất nhiều tài liệu chính sử ghi chép thủy quân ra Hoàng Sa & Trường Sa để đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, xây dựng miếu“ Hoàng Sa Tự”, đào giếng, trồng cây, nhất là cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền minh chứng chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà toàn là tài liệu của nhà nước.
Đại Nam Thực Lục Chính Biên đệ nhất kỷ (khắc in năm 1848); đệ nhị kỷ (khắc in xong năm 1864); đệ tam kỷ (khắc in xong năm 1879) có cả thảy 11 đoạn viết , Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (1851) có đoạn văn đề cập đến việc dựng miếu ở Hoàng Sa trong quyển 207.
Đoạn văn trong bộ sách Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ quyển 221 chép “Bộ Công tâu rằng: Hoàng Sa thuộc khu vực ngoài biển rất là hiểm yếu.
Hàng năm cần phải đi thám dò khắp chỗ thuộc đường bể. Lại từ năm nay trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần tháng giêng, chiếu theo lệ ấy mà làm”.
Đại Nam Nhất Thống Chí (1882 soạn xong, 1910 soạn lại lần 2 và khắc in) xác định Hoàng Sa thuộc về tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt Tài liệu rất quí giá là châu bản triều Nguyễn (thế kỷ XIX).
Trong khi ấy lại rất nhiều tư liệu Phương Tây như “Le Mémoire sur la Cochinchine” của Jean Baptiste Chaigneau (1769 - 1825) viết vào những năm cuối đời Gia Long (hoàn tất năm 1820) đã khẳng định năm 1816 vua Gia Long đã xác lập chủ quyền Việt Nam theo kiểu Phương Tây trên quần đảo Paracels và còn rất nhiều tài liệu khác nữa.
Đặc biệt nhất là An Nam Đại Quốc Họa Đồ của giám mục Taberd xuất bản năm 1838 ghi rất rõ Paracels seu ( tiếng latinh có nghĩa hay là) Cát Vàng (Hoàng Sa).
Paracels ở tại tọa độ hiện nay trong vùng biển Đông của Việt Nam. “The Journal of the Geographycal Society of London” (năm 1849) GutzLaff ghi nhận chính quyền An Nam lập ra những trưng thuyền và một trại quân nhỏ để thu thuế ở Paracels...
Biển Đông mênh mông, với một dải đảo đá san hô dài “vạn dặm”khô cằn, không cây cối, không người ở, kéo dài từ vĩ tuyến 17B xuống đến 6o,2 B, gần xích đạo đã làm kinh hoàng biết bao tàu thuyền Đông Tây, bị đắm ở nơi đây, đâu có hấp dẫn gì để cho Đoàn tàu vĩ đại của Trịnh Hòa có mục tiêu hải hành rất rõ: tạo uy danh của Triều đại Minh vĩ đại.
Còn các chúa Nguyễn của Đại Việt ở Đàng Trong khi thấy nhiều thủy thủ của các tàu bị đắm bị sóng biển, gió biển cùng dòng hải lưu đánh lênh đênh trôi dạt vào bờ biển Xứ Đàng Trong, do nhu cầu chiến tranh với họ Trịnh ở Đàng Ngoài đã cho lập các đội dân binh Hoàng Sa và Bắc Hải di đội Hoàng Sa kiêm quản, cấp lương thực trong sáu tháng đi tìm kiếm súng ống, vàng bạc trên các xác tàu bị đắm.

Đã từng khai thác
Chính vì vậy chính quyền Đại Việt Đàng Trong đã khai thác quần đảo Hoàng Sa & Trường Sa trong gần hai thế kỷ mà chính quyền Trung Quốc, người Trung Quốc như Thích Đại Sán đều biết, đâu có khi nào phản đối.
Thậm chí khi biết rõ là quân nhân đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ đi tìm vàng bạc như thế mà bị bão đánh dạt vào Cảng Thanh Lan như năm 1753 ,còn chu cấp lương thực tử tế về nước, khiến Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765 ) viết nhầm là Nguyễn Phúc Chu cảm động sai viết thư phúc đáp cảm tạ quan huyện Văn Xương, Quỳnh Châu .
Sự kiện này đã được Lê Quí Đôn ghi chép rất rõ trong Phủ Biên Tạp Lục, Q.2.
Rồi kế thừa Nhà Nguyễn thời vua Gia Long, Minh Mạng… đã cho thủy quân theo hình thức chiếm hữu chủ quyền của Phương Tây tại các hải đảo này như các tài liệu Phương Tây kể trên ghi chép lại.
Sự thật lịch sử rành rành là như thế. Song chẳng may, gần một thế kỷ Việt Nam bị Pháp đô hộ, mất hết chủ quyền ngoại giao , nên đến năm 1909, chính quyền tỉnh Quảng Đông Trung Quốc không biết vì lý do gì lại cho Hoàng Sa là đất vô chủ, nên đã làm thủ tục chiếm hữu, Việt Nam không bảo vệ được.
Đến khi Pháp phản ứng lại quá trễ, chủ yếu dùng sức mạnh hải quân, nhân danh “An Nam” lập lại chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa, nên không chấm dứt sự tranh chấp.
Sau đó, do hoàn cảnh lịch sử tình hình chiến tranh lạnh trên thế giới, rồi chiến tranh nóng ở Việt Nam, thế giới và ngay cả Việt Nam cũng chia hai phe, nên Việt Nam không bảo vệ hiệu quả chủ quyền của mình tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nay Việt Nam đã hoàn toàn độc lập và thống nhất, cái gì của “César phải trả cho César”. Việt Nam đang chủ trương làm bạn với tất cả các nước kể cả những cựu thù cũng như những đồng minh vốn có của mình.
Không lý gì Trung Quốc là nước vừa là đồng chí vừa là anh em lại không chia sẻ nguyện vọng của người Việt Nam mong độc lập, toàn vẹn lãnh thổ vốn có trước khi Pháp đô hộ được hiện thực một cách trọn vẹn.
Sự công bằng và trật tự thế giới là rất hệ trọng cho sự phát triển và hạnh phúc của nhân dân, nên các nước trong đó kể cả Trung Quốc và Việt Nam phải cố gắng giữ gìn và dựa trên Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Công Ước quốc tế về Luật biển năm 1982.
Rồi mọi sự tranh chấp, sự hận thù kể cả người Việt Nam với nhau cũng như giữa Trung Quốc và Việt Nam nếu có rồi cũng phải phôi pha theo thời gian.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, hiện sống tại TP Hồ Chí Minh.

No comments:

Post a Comment