Friday, November 28, 2008

NHÌN LẠI VAI TRÒ CỦA GIỚI CẦM BÚT

Nhìn lại vai trò của giới cầm bút
Nguyễn Đức Cung
Đăng ngày 28/11/2008 lúc 00:00:00 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3310
Trong cuộc đấu tranh chống lại sự gian trá đang cấu kết mật thiết với bạo lực, nhất là khi sự gian trá được sử dụng như là nguyên tắc hành động ném đá giấu tay của chính quyền điển hình là do việc sử dụng bọn du đảng, nghiện ngập kéo tới phá đền Thánh Giêrađô, Dòng Chúa Cứu Thế, Hà Nội vào đêm 15.11.2008 vừa qua, bạo lực được xem là phương tiện hữu hiệu tiếp ứng cho sự gian trá của nhà cầm quyền. Trong thời đại được mệnh danh là thời đại của ngành truyền thông, tin học không thể thiếu bóng những người công chính làm công tác văn học nghệ thuật, những nhà văn, nhà thơ, nhà báo lựa chọn lập trường bênh vực sự thật, đứng về phía quần chúng nhân dân chống lại bạo lực. Dĩ nhiên cũng không thiếu chi những cây bút bán đứng lương tâm, tự nguyện làm nô lệ cho bọn chủ nhân Mafia đỏ trên đất nước hôm nay chỉ vì miếng cơm manh áo, chút danh lợi nhỏ bé, hão huyền.

Do thực trạng của xã hội Việt Nam cũng cần thiết phải hiểu được thế nào là sức mạnh của ngòi bút và sứ mệnh của người cầm bút trên mặt trận chống gian trá để chiến thắng được nó thể hiện qua các biến cố liên hệ tới vụ đất đai Tòa Khâm Sứ và giáo xứ Thái Hà thuộc Tổng giáo phận Hà Nội trong thời gian vừa qua.

1. Tản mạn về chức năng và sức mạnh của ngòi bút

Tự ngàn xưa, người dân quê Việt Nam đã biết định lượng giá trị của kẻ sĩ hay người trí thức, kẻ có học qua câu ca dao sau đây được truyền tụng trong lòng xã hội cổ truyền Việt Nam:
“Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ”
Cái bút, cái nghiên của anh đồ tuy là những thứ vật dụng nhỏ bé, hiện tại không như ruộng cả ao liền của tên trọc phú dốt nát ở thôn quê nhưng nó có sức mạnh thần kỳ, có thể mua được các thứ kia, và làm nên nhiều việc lớn khác. Vì thế anh đồ nho mới trở nên thần tượng đối với người con gái lớn lên sau lũy tre làng. Bút nghiên tượng trưng cho người có học, môn đệ bậc thánh hiền thì dầu sao cũng là người đạo đức, biết cư xử theo đạo nhân luân, biết phân biệt điều phải trái trong cuộc sống, bênh vực kẻ yếu đuối, khuông phò chính nghĩa, không xu phụ với bạo quyền, bạo lực, nhạy cảm trước nhu cầu của thời cuộc. Có những nhà nho cam chịu cảnh nghèo nàn không chạy theo miếng ăn, quyền lợi, danh vọng, chức quyền của triều đình, nhất là những triều đình bạo chúa nên xã hội gọi họ là hàn nho. Bút nghiên cũng là biểu tượng cho hạng người lao động bằng trí óc đối lập với hạng người lao động bằng tay chân (vai u, thịt bắp, mồ hôi dầu).

Trong xã hội quân chủ ngày trước, nơi chốn triều đình thỉnh thoảng cũng có sự kèn cựa, tranh chấp giữa hàng quan văn với quan võ mà ca dao Việt Nam ghi lại một vài câu đại loại như:
Trâu buộc thì ghét trâu ăn,
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.

Hoặc như câu:
Quan văn tứ phẩm đã sang
Quan võ nhất phẩm còn mang gươm hầu.

Sau chiến tranh, ở nước ta ngày nay xuất hiện những câu ca dao thời đại nói về sự thất sủng của những người cựu chiến binh quân đội nhân dân nghe đến não lòng:
Đầu đường đại tá vá xe,
Cuối đường trung tá bán chè đậu đen.

Tất cả những nỗi đau thương của lớp người cầm súng có công trong chiến tranh, nay trở thành những kẻ bị hất ra ngoài lề xã hội và phải cay đắng ngậm hờn với cuộc sống hằng ngày, đã được minh họa rất thần tình trong phim Chuyện tử tế của nhà đạo diễn tài ba Trần Văn Thuỷ.

Ngày xưa ở Trung Quốc, sau khi Tần Thuỷ Hoàng thống nhất lục quốc, Thương Ưởng hay Vệ Ưởng là một pháp gia được sử dụng làm tướng quốc, đã khuyên vua Tần áp dụng những đòn phép rất mạnh đánh vào giai cấp quí tộc để dứt bớt quyền của họ và tạo ra giai cấp mới là giai cấp quân nhân: ai chém được nhiều đầu giặc thì được lên chức cao.[1] Tuy nhiên trong các triều đại về sau, hàng ngũ nho sĩ tức những kẻ có học vẫn là người ngoi lên và tranh lấy quyền lãnh đạo xã hội.

Ngày nay, khi cuộc sống của xã hội mỗi lúc một phát triển với tầm mở mang tri thức của con người, ngôn ngữ và chữ viết trở thành phương tiện giao lưu cần thiết của vùng đất này với địa phương khác, ngòi bút đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Nhiều tác phẩm văn chương, khoa học đã có khả năng làm đổi thay bộ mặt thế giới. Nhu cầu thông tin đã phát sinh mãnh liệt khi con người ở một xứ này muốn biết tin tức của xứ khác và khi các nước trên thế giới đã xích lại gần nhau, tương trợ nhau trong cuộc sống đời thường. Việc sáng chế ra giấy được cho là của Thái Luân hay Sái Luân ở Trung Quốc trong năm 105 sau Kỷ Nguyên và việc chế ra được máy in của Gutenberg ở Đức trong năm 1440 đã thay đổi trình độ giáo dục, học thuật và văn minh của thế giới.

Căn cứ theo một số tài liệu và truyền thuyết, trong thời nhà Hán, một viên quan tên Thái Luân vào năm 105 thời Hòa đế đã có sáng kiến chế ra giấy để dùng vào việc chế tác trong hoàng cung. Hậu Hán Thư của Phạm Việp có viết: “Từ thời cổ đại, sách và tài liệu phần lớn được chép trên thẻ tre, rồi sau đó chép trên lụa, gọi là chỉ. Lụa thì đắt tiền, thẻ tre thì nặng, cả hai đều không thuận tiện. Bấy giờ Sái Luân bèn có ý định dùng vỏ cây, sợi gai, vải cũ và lưới đánh cá để làm giấy. Năm Nguyên Hưng thứ nhất, ông trình với Hoàng đế và được chấp thuận. Từ đấy, giấy bắt đầu được dùng khắp nơi và vì vậy mà trong toàn cõi đế chế, người ta gọi nó là giấy Sái Hầu.” [2 ]

Nhưng một nhà nghiên cứu khác, ông Jean Pierre Drège, Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã cho rằng giấy là do người Việt Nam phát minh ra. Jean Pierre Drège dẫn ra một giai thoại được kể trong sách Nam Phương Thảo Mộc Trạng của Kê Hàm, soạn năm 304: Mật hương chỉ làm bằng vỏ và lá của cây có mùi mật. Giấy màu nâu. Nó có những vân hình trứng cá. Giấy rất thơm, bền và mềm. Khi thấm mực, nó không bị mủn. Năm Thái Khang thứ 5 (đời Tấn, năm 284) sứ bộ La Mã dâng đến 30.000 tờ. Hoàng đế ban cho Đỗ Dự là Bình Nam tướng quân và Đan Dương hầu 10.000 tờ để viết Xuân thu thích lệ và Kinh truyện tập giải dâng lên vua. Nhưng Dỗ Dự chết trước khi giấy được gởi đến. Theo chỉ dụ, giấy đó được ban cho gia đình.”lễ vật của sứ bộ và nhà buôn La Mã đem đến không phải xuất xứ từ đế quốc La Mã mà đến từ bán đảo Đông Dương (Hậu Hán Thư nói rõ, phái bộ đến từ Nhật Nam, tức là Việt Nam khi bị nhà Hán chiếm và chia tách thành Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam). Vậy giấy mật hương làm bằng cái gì ? Rõ ràng tên gọi cây hương mật đó là để chỉ cây Aquilaire Agalloche (tên tiếng Pháp), mà người ta vẫn thường sử dụng cả vỏ cây. Bản thảo cương mục của Lý Thời Trân (1518-1593) gọi cây này là cây Trầm Hương, được biết nó có mọc ở Việt Nam và Ấn Độ.”[3]

Việc sứ bộ La Mã dâng cống vật lên hoàng đế Trung Hoa 30,000 tờ giấy phải chăng là một sáng kiến bất chợt khi đoàn tàu này ghé lại Nhật Nam ? Cống vật là một số lượng lớn giấy và là loại tốt, như vậy phải chăng lúc bấy giờ Trung Hoa không có giấy tốt mà chỉ ở Nhật Nam mới có?

Theo Âu Đại Nhiệm trong sách Bách Việt Tiên Hiền Chí, thì Thái Luân là người ở Quý Dương (Guiyang) thuộc đất Bách Việt, nằm phía nam sông Dương Tử, là người đầu tiên làm ra giấy. Thái Luân là người Bách Việt, sinh ra trên đất Bách Việt, làm quan trong triều của nhà Hán. Và công trình phát minh ra giấy của ông bị người Tầu nhận là do người Tầu làm ra. [4]

Việc phát minh ra máy in ở Đức của Gutenberg vào thế kỷ 15 cùng với việc sử dụng la bàn, thuốc súng được xem là những sức bật kỳ vĩ đẩy nhân loại phóng những bước chân khổng lồ trong lãnh vực văn minh, giáo dục. Sách vở, tư liệu là kho tàng khôn ngoan và văn minh của loài người đi cùng với sự phát minh, chế tác ra nhiều hình thức ghi chép lại ngôn ngữ, tư tưởng của nhân loại đã làm thay đổi bộ mặt của thế giới và bản đồ của nhiều quốc gia.

Đinh Gia Trinh, trong tác phẩm Hoài vọng của lý trí, cho biết khả năng đa diện của văn chương bằng nhận xét: “Văn chương không những diễn tình cảm mà còn gieo rắc ý tưởng nữa. Văn chương diễn ý (litérature d’idées) có thể ảnh hưởng đến đời sống của người ta rất sâu xa. Những tư tưởng của Khổng - Mạnh ở Á Đông đã chi phối đời sống của bao nhiêu thế hệ. Những tác phẩm của Montesquieu, của Rousseau đã ảnh hưởng sâu xa tới dân trí ở thế kỷ thứ 18 bên Pháp và dọn đường cho cuộc Cách mệnh năm 1789.” [5] Ngày nay, sống trong thời đại tự do, dân chủ, người ta không thể không nhớ đến công lao của những nhà văn, nhà báo, tư tưởng gia trên thế giới đã đóng góp trí óc để hình thành các hệ thống tư tưởng về tự do, dân chủ cho nhân loại như Thomas Hobbes, John Locke, Montesquieu, Jean Jacques Rousseau, Voltaire và biết bao danh nhân, trí thức khác trên thế giới qua bao thời đại.

2. Về một trường hợp gian trá điển hình của ngòi bút tuyên huấn tại Việt Nam

Nói về ảnh hưởng của sách vở tác động trên tinh thần của người dân trong một nước thiết tưởng không gì hơn là nhắc lại một cuốn sách do ông Hồ Chí Minh viết để ca tụng ông (và tạo sức đẩy để người khác cũng ca tụng ông luôn), một việc làm thật ra không phải là sáng kiến của ông nhưng do ông bắt chước Staline, bậc thầy mà ông Hồ rất mực kính tôn, đó là cuốn Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch, tên tác giả mà ông Hồ dùng là Trần Dân Tiên.

Trong cuộc chiến tranh Việt-Minh - Pháp (1945-1954), cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch do in năm 1949 (tái bản hàng chục lần), một tác phẩm được tác giả giới thiệu như một “tiểu sử trung thành, đúng đắn, sinh động, không thêu dệt, không bày đặt” vẽ vời một số hoạt động cách mạng của chính HCM mà nhà nghiên cứu văn học Lữ Phương từng nghĩ là rất tiêu biểu cho nền “văn chương tuyên huấn cách mạng” [6] nhằm thần thánh hóa con người HCM và áp đặt một số hành động bất xứng lên toàn thể dân tộc.

Thử theo dõi một số phân tích sau đây của Lữ Phương để thấy được tính cách dối trá của Hồ Chí Minh qua ngòi bút Trần Dân Tiên, cũng như qua đó thấy được tác động và ảnh hưởng ghê gớm của một tư liệu tuyên truyền phản ánh sức mạnh của ngòi bút.

Trước hết về sự kiện khi còn là người thiếu niên mười lăm tuổi, Hồ Chí Minh “đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ, Anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật, nhận công việc liên lạc. Anh khâm phục các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu nhưng không hoàn toàn tán thành cách làm của người nào.”

Lữ Phương cho rằng không có bằng cớ xác nhận ông Hồ đã làm như vậy. Tất cả những tác giả, dù theo khuynh hướng nào, viết về Hồ Chí Minh sau này chẳng ai nhắc lại để sử dụng cả. Sự kiện đó được liệt vào lĩnh vực hư cấu thuần tuý. Bà Phan Thị Minh, cháu ngoại của cụ Phan Châu Trinh cho rằng trình độ của Hồ Chí Minh lúc bấy giờ còn rất hạn hẹp, biết gì để nói rằng không hoàn toàn tán thành cách làm của cụ Phan!

“Cụ Phan Bội Châu muốn đưa Anh và một số thanh niên sang Nhật. Nhưng Anh không đi”. Lữ Phương cho rằng điều đó không đúng!

Trong cuốn hồi ký Năm mươi bốn năm hải ngoại của Trần Trọng Khắc (tức Nguyễn Thức Canh) có đoạn: “Tôi cùng cụ Sào Nam ở chung trong một thuyền. Chín mười ngày sau, lúc các đồng chí đã đến họp, bàn bạc xong, cụ lên đường ra Bắc, tôi cùng Ngư Hải tiên sinh đi cáo biệt với cách mạng các đồng chí và tìm thanh niên xuất dương du học. Cụ Phó bảng Thái Sơn đương thời có tặng tôi một bài thơ xuất ngơn tuyệt cú để làm quà tiễn biệt. Chúng tôi trước tới nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc rủ anh Nguyễn Sinh Cung đồng đi, nhưng anh Cung đã đi ra Bắc không được gặp.” [7]

Đại để còn rất nhiều điều bịp, sai lạc, man trá khác mà Lữ Phương đã đưa ra. Không những tác giả trong nước đã góp tay lật mặt nạ Hồ Chí Minh, các tác giả ngoại quốc như Douglas Pike và Halberstam đã nhìn nhận: “Hồ luôn luôn chứng tỏ là kẻ đại tài về xảo trá và tàn bạo.”[8]

Sau đây, một tác giả khác ở hải ngoại, Minh Võ trong cuốn Hồ Chí Minh nhận định tổng hợp, có viết: “Bùi Tín từng nghĩ Hồ Chí Minh tự nhận là cha già dân tộc và xưng Bác với đồng bào trong đó có cả cụ già 70, 80 tuổi là không ổn... và cho là mỉa mai đến buồn cười khi Hồ Chí Minh ký tên khác để viết về bản thân mình, tự khen mình là vĩ đại hơn Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, tự nói về mình rằng : “Bác Hồ rất khiêm tốn, Người không bao giờ muốn nói đến bản thân...”[9]

Rất nhiều người trong nước đã bị đánh lừa về “đức tính khiêm tốn” của “Bác” qua cuốn sách Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch từ hơn nửa thế kỷ nay.

Sau đây, xin nhìn lại hình ảnh của Hồ Chí Minh do Hồ Chí Minh giới thiệu trước công chúng: “Nhân dân Việt Nam muôn người như một, nghe theo lời Hồ Chủ Tịch, vì họ hoàn toàn tin tưởng ở Hồ Chủ Tịch, họ hoàn toàn kính yêu Hồ Chủ Tịch. Không có gì so sánh được với lòng dân Việt Nam kính mến tin tưởng lãnh tụ Hồ Chí Minh... Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do lòng yêu nước, yêu nhân dân... Hơn bốn mươi năm nay, Hồ Chủ Tịch chỉ đeo đuổi một mục đích giải phóng Tổ Quốc và đồng bào... Chủ Tịch đã từng chịu đựng khổ sở vất vả không thể tưởng tượng được suốt trong thời kỳ hoạt động bí mật... Nhưng Chủ Tịch dũng cảm và kiên quyết vượt qua mọi khó khăn.”[10]

Xin hỏi đâu là những “chịu đựng vất vả không thể tưởng tượng được suốt trong thời kỳ hoạt động bí mật” của Hồ Chí Minh? Tiền bạc thiếu thốn ư? Phụ nữ các loại như gái Pháp, gái Nga Xô, gái Trung Hoa, gái Việt, gái Nùng thiếu ư? HCM hoàn toàn được cung cấp những nhu cầu đó trong thời gian hoạt động trong bóng tối.

Về tiền bạc, trong bài “Cái đúng và cái giả dối về chuyện Hồ Chí Minh”, đăng trong sách Hồ Chí Minh, Sự thật về Thân thế & Sự nghiệp (Nhà xuất bản Nam Á [Sudasie], Paris, 1990), tác giả Tôn Thất Thiện cho biết trong chuyến đi từ Pháp qua Mạc Tư Khoa năm 1923, Hồ Chí Minh “đã nhận của đảng Cộng Sản Pháp 1000 quan để chi phí. Vào thời đó là một số tiền lớn (sinh viên có thể sống trong năm tháng. Ở Đức nó lại càng trở nên lớn hơn vì lạm phát nhảy vọt hoành hành nước này.”[ 11]

Dĩ nhiên, không kể số tiền Hồ Chí Minh cùng với Lâm Đức Thụ bán cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp năm 1925 lấy được 150.000 quan Pháp, sau năm 1930, hàng tháng Hồ Chí Minh nhận được tài trợ của Cộng Sản Quốc Tế.

Trong tác phẩm Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, nhà sử học Tưởng Vĩnh Kính cho biết: “Rồi đến tháng 10 năm ấy (1930) trong đại hội đại biểu kỳ I được cử hành tại hương Cảng, tên đảng lại được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cơ sở tổng bộ được dời về quốc nội. Bí thư đầu tiên của đảng là Trần Phú (bí danh là Lí Quí), người đã từng được huấn luyện ở Nga. Tháng 4, 1931, Trần Phú bị nhà đương cuộc Pháp-Việt bắt tại Sài Gòn, và đã chết trong tù. Lúc này, đảng ấy mới chính thức được gia nhập Cộng Sản Quốc tế, mỗi tháng nhận được 5.000 quan Pháp (tương đương 1.250 Mĩ kim) tiền trợ cấp.”[12]

Về gái, làm sao Hồ Chí Minh thiếu được trong suốt cuộc đời của ông từ khi sang Pháp năm 1911, qua Nga năm 1924, qua Tàu năm 1925, ở Pắc Bó năm 1940, ở Bắc Bộ Phủ năm 1956 v.v... với trên chục người đàn bà từng là vợ của ông ta mà các tư liệu của giới nghiên cứu sử học ngày nay đã cung cấp khá đầy đủ tên tuổi, kể cả những việc Hồ Chí Minh cướp vợ của Lê Hồng Phong là Nguyễn Thị Minh Khai rồi âm mưu chỉ điểm Phong cho mật thám Pháp bắt giết sau đó.

Trong khi các nhà cách mạng VN khác như Nguyễn Hải Thần, Trương Bội Công, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ v.v... lưu lạc sang Trung Hoa đã phải vất vả thường xuyên vật lộn với cuộc sống, gia đình con cái nheo nhóc, đói khổ triền miên, tiền bạc túng thiếu thì Hồ Chí Minh không phải bận tâm về tiền bạc, và phụ nữ vì về các khoản này đã có Cộng Sản Quốc Tế lo liệu cho.

Cuốn sách của Trần Dân Tiên (tức Hồ Chí Minh) còn viết: “Chủ Tịch không bao giờ nghĩ đến mình. Người chỉ nghĩ đến người khác, nghĩ đến nhân dân. Hồ Chủ Tịch được nhân dân yêu mến là do tính cương trực và lòng trong sạch của Người. Thái độ của Người ngay thẳng... Vì Bác Hồ mà những người lao động trong nhà máy và trên đồng ruộng tăng thêm năng suất. Đối với nhi đồng, tên bác Hồ như là một người mẹ hiền. Chỉ nhắc đến tên Bác là các em trở nên ngoan ngoãn... Nhân dân gọi Chủ Tịch là Cha Già của Dân Tộc...”[13]

Tác giả Kiều Phong trong cuốn Chân dung Bác Hồ đã chua chát nhận xét rằng: “Hãy bỏ qua những câu chuyện dại dột, lố bịch ... chỉ cần nhìn lại chính cái giây phút Bác ngồi nắn nót viết câu đó là thấy Bác man trá chừng nào. Đất nước còn nghèo, nhân dân còn đói, chiến tranh còn khốc liệt... con người “chỉ nghĩ đến nhân dân” ấy lại tranh nghề của bọn văn nô, bỏ hết thời giờ tâm trí vào việc ngồi viết văn tự tâng bốc. Vào lúc người dân Việt đang thi đua gục ngã ở chiến trường theo sự hướng dẫn của Chủ Tịch thì vị “cha già dân tộc” cứ say sưa bận rộn với sự nghiệp tự nâng bi. Có ông Cha già nào trên đời lại nhố nhăng, vị kỷ và bất nhân đến thế.”[14]

Chính cuốn sách bịp bợm đó, chính tư liệu gian trá đó đã góp phần không ít cho biết bao nhiêu người và nhiều thế hệ bị quyến rũ, mê hoặc, bị lừa bịp vì nội dung áp đặt đầy cường điệu của nó, đã nhắm mắt đi theo CS từ năm 1945 cho đến hôm nay.

Trong những năm cuối thế kỷ 20, một cuộc cách mạng về tin học đã bùng nổ với việc phát minh ra máy điện toán (computer) đã làm đổi mới các phương tiện thông tin, ảnh hưởng rất nhiều đến các nghiệp vụ khác như báo chí, biên tập, phim ảnh, truyền thông, nhất là viết sách v.v... Một cuộc cách mạng mang tính toàn cầu trong lãnh vực truyền thông báo chí đã làm cho nhân loại đã gần gũi lại càng gần gũi nhau hơn, có thể nói chỉ trong khoảnh khắc và gang tấc.

Chính vì những tiến bộ thông tin nhanh chóng và rộng khắp đó mà sức mạnh của giới cầm bút ngày nay đã tăng lên gấp bội. Trước đây báo chí được coi là đệ tứ quyền thì ngày nay có nhiều nhận định cho rằng truyền thông báo chí chính là những cái khuôn nhào nặn nên chính quyền, lèo lái hướng dẫn chính quyền đi theo hướng của họ, thậm chí đôi khi còn là yếu tố làm sụp đổ hay huỷ diệt cả một chế độ mà nền Đệ I Cộng Hòa dưới thời Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một ví dụ cụ thể. Những phóng viên, ký giả của Hoa Kỳ trước đây, trong những năm của thập niên 60 thuộc thế kỷ 20 như David Halberstam, Neil Sheenan... đã không vì thành kiến đối với chế độ của Cố TT Ngô Đình Diệm, vâng lời bọn chủ vừa ngây thơ, vừa dốt nát không biết một chút gì về Cộng Sản như Averall Harriman... trong Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thời TT Kennedy mà đang tâm cấu kết với bọn tướng lãnh tham tiền, tham quyền như Trần Văn Đôn, Dương Văn Minh, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Đỗ Mậu và nhóm CS xâm nhập trong hàng ngũ Phật Giáo thì chế độ Đệ I Cộng Hòa làm sao có thể sụp đổ được? Bức hình chụp HT Quảng Đức tự thiêu do chính sự bài trí của ký giả Hoa Kỳ ... cũng như bức hình chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên VC Hai Lém trong dịp Tết Mậu Thân 1968 có tác dụng giết chết cả một thể chế tự do dân chủ Miền Nam Việt Nam. Bởi vậy người ta có thể ngậm ngùi chia sẻ với nhau về ý nghĩa câu nói: “Ngòi bút còn mạnh hơn cả lưỡi gươm” (Pen is mightier than sword). Mao Trạch Đông cũng đã từng nhận xét: “Một ngòi bút trung thực có sức mạnh bằng cả một trung đoàn”.

Trong cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ vừa qua, chính báo chí, các hệ thống truyền thanh, truyền hình đã đóng một vai trò rất tích cực trong việc đưa Barack Obama lên ngôi vị Tổng Thống thứ 44 ở đất nước có vị trí đệ nhất siêu cường này.

3. Báo chí Việt Nam hiện tại, một điển hình nô bộc trong chế độ độc tài đảng trị

Dưới chế độ Cộng Sản, không có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, và nếu có tự do viết lách thì đó cũng là thứ tự do “đi theo lề bên phải” đã được nhà nước Cộng Sản tuyên bố rõ ràng gần đây. Ngày nay nhà nước Cộng Sản đã biến giới truyền thông báo chí thành một bọn tay sai đánh đấm theo lệnh chủ, ăn cơm chúa múa tối ngày. Báo chí truyền hình của chế độ CS chỉ là một thằng mõ hay một tên đạc phu nơi chốn làng xã thôn quê Việt Nam ngày xưa không hơn không kém. Vậy chân dung của thằng mõ hay đạc phu như thế nào mà báo chí của chế độ CS được chúng tôi đem ra so sánh như thế?

Trong cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Đào Duy Anh cho biết: “Khi có việc làng thì lý trưởng và hương chức sai người mõ làng, thường gọi là thằng mõ (vì người ta cho chức mõ làng là vi tiện) đi khắp làng để đánh mõ mời làng ra họp ở đình. Người mõ làng được ít sào ruộng công, và đến mùa gặt thì những nhà giàu có trong làng cho anh ta một vài bó lúa.” [15]

Phan kế Bính trong tác phẩm Việt Nam Phong Tục đã vẽ lại chân dung, vai trò và quyền lợi của một tên mõ làng một cách rõ ràng, sâu cay hơn: “Dưới bọn tuần đinh, làng nào cũng có một người làm nô lệ chung cho cả hàng xã gọi là đạc phu (thằng mõ). Khi nào trong làng có việc gì thì tên đạc phu phải đi mời mọc cả làng ra đình hội họp. Hoặc có việc gì lý dịch báo cáo cho làng biết thì đạc phu gõ mõ đi rao suốt các ngõ. Nhà tư gia ai có việc hiếu hĩ hoặc có việc giỗ kỵ muốn mời làng thì cũng sai đạc phu đi mời. Đạc phu chỉ trông cậy về những khi giỗ tết của các tư gia và những khi dân làng tế lễ ăn uống, đem nghề hầu hạ điếu đóm mà kiếm ăn. Đạc phu đã thấy nhà ai có việc mà vào thì dẫu nhà nghèo cũng phải để cho nó một cỗ. Cỗ của nó gọi là cỗ tiếp dư, nghĩa là những món thừa thãi mới cho nó. Đạc phu là kẻ đê tiện hơn hết các loài người, chỉ những kẻ khốn khó mới đi nơi xa khuất chịu làm nghề ấy mà thôi. Mà ai đã nhỡ phải bước ấy thì con cháu về sau, muốn làm nghề gì mặc lòng, cũng không rửa được tiếng xấu.” [16]

Qua hai tư liệu được trích dẫn, chúng ta thấy được vai trò thấp kém của người đạc phu hay “thằng mõ” trong xã hội phong kiến của Việt Nam ngày trước, sống trong sự bố thí của kẻ khác, mặc dù xét về công lao trong chốn làng nước, thằng mõ cũng có chút đóng góp cho việc chung không phải là ít. Thằng mõ chỉ là người giữ công tác truyền thông, tống đạt các lệnh truyền đến mọi người của giới chức cao cấp mà không có một chút quyền hành nào cả.

Tuy thế, trong một bài thơ mang tính khẩu khí “đế vương”, vua Lê Thánh Tông đã cố sức tạo ra hình ảnh một thằng mõ với biểu tượng quyền uy độc đáo hiện diện khắp thiên hạ.
Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi.
Mộc đạc vang lừng trong tám cõi,
Uy phong chấn động bốn phương trời.
Khắp nơi thảy thảy đều nghe lệnh,
Làng nước ai ai cũng cứ lời.
. . . . . . . . . . . . . . . . .
Một mình một cỗ thảnh thơi ngồi.

Bài thơ nôm khẩu khí của vua Lê Thánh Tông, dù được truyền tụng lâu đời, được sáng tác với dụng ý khoác cho thằng mõ một vai trò quan trọng, có chân mạng đế vương, tuy được đưa vào văn học sử VN nhưng không thay đổi được vai trò làm cái công việc truyền thông của thằng mõ và nhất là không đổi thay được cách nhìn của mọi người về thằng mõ.

Ngày nay, thế giới tiến bộ rất nhiều nhất là trong ngành truyền thông báo chí nhờ người làm báo được huấn luyện cao về kỹ thuật nghiệp vụ và lương tâm chức nghiệp. Các giải thưởng mang tính cách quốc gia và quốc tế (như Pulitzer ở Hoa Kỳ) được ban thưởng cho các nhà báo xuất sắc. Nhìn vào giới truyền thông tại Việt Nam, nếu người làm báo không biết tự nâng cao phẩm chất nghề nghiệp và lương tâm của mình, cụ thể như tờ báo Hà Nội Mới hay Sài Gòn Giải Phóng hoặc An Ninh Thủ Đô chẳng hạn, thì nhà báo Việt Nam (trừ một số ít có lương tâm như hai nhà báo vừa bị đưa ra tòa là Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải) cũng chỉ là những thằng mõ của nhà nước CS Việt Nam mà thôi. Nhà nước CS bảo rao gì thì rao nấy, bảo đánh ai thì nhắm mắt đánh tới chẳng cần dùng lương tâm chức nghiệp và lương tâm con người để phân biệt phải trái, đúng sai, chẳng những tuyệt đối tuân lệnh mà thậm chí có những thằng mõ còn muốn tâng công với chủ, “cầm đèn chạy trước ô-tô”... bảo hoàng hơn vua nữa! Bởi lẽ nếu không như vậy thì trong những cuộc đình đám do nhà nước ban phát ơn mưa móc làm sao bọn thằng mõ này có thể “Một mình, một cỗ thảnh thơi ngồi!” được? Thông qua sự việc báo chí, đài phát thanh, truyền hình của nhà nước CS đã thực hiện âm mưu của Bộ Chính Trị Cộng đảng VN cắt xén lời nói của Đức Tổng Giám Mục Giuse Ngô Quang Kiệt trước Uỷ Ban Nhân Dân TP Hà Nội ngày 21-9-2008 rồi xúm nhau vào xuyên tạc một cách trơ trẽn lời nói của ngài, đến nay thì mọi người dân trong nước và đồng bào Việt Nam ở hải ngoại đã thấy rõ việc làm hèn hạ của những kẻ cầm quyền trong nước.

Sau những ngày diễn ra trận “Đại Hồng Thuỷ” ở Hà Nội đầu tháng 11-2008, Uỷ viên Bộ chính trị kiêm Bí thư Thành uỷ Hà nội Phạm Quang Nghị đã chửi mắng dân chúng Hà Nội qua hệ thống VietnamNet rằng: “Nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.” [17]

Riêng bản tin tiếng Anh của DPA viết rằng khi Phạm Quang Nghị đi thăm cảnh lụt, Nghị đã tuyên bố: “Tôi thấy rằng, không giống các cụ ta ngày xưa, đồng bào ngày nay chỉ trông chờ chính phủ. Họ chờ đợi chính phủ trợ cấp thứ này, thứ nọ, mà không biết cố gắng tự cứu mình.” [18]

Trong dư luận bất bình của đồng bào trong và ngoài nước, người ta đọc thấy lời tuyên bố của Luật sư Cự Huy Hà Vũ, có văn phòng đặt tại Hà Nội: “Những lời lẽ của Nghị là vô trách nhiệm, chứng tỏ một trình độ thiếu ý thức chính trị. Với tư cách là một người lãnh đạo cao cấp của thành phố, Nghị phải tận lực lo cho đồng bào mới phải.”[19]

Nghe những lời chửi bới của một đấng “cha mẹ dân” phản ánh một trình độ thiếu giáo dục như vậy, cả nước phẫn nộ, người người bất bình. Ký giả Vương Hà của VietnamNet đã vội ra tay đóng vai “Lê Lai cứu chúa”, dàn dựng một cuộc phỏng vấn để chạy tội cho Nghị đồng thời y cũng chữa lỗi như sau: “Được ông thổ lộ từ đáy lòng mình những lời như thế, cánh nhà báo chúng tôi cũng cảm thấy có phần thiếu sót. Cũng chỉ vì muốn thông tin nhanh đến bạn đọc nên phóng viên đã phỏng vấn qua điện thoại giữa lúc ông đang có mặt tại nơi úng ngập nặng và phải chỉ đạo nhiều việc tại hiện trường.” [20]

Ô hô! Thương thay cho cái gọi là nền báo chí truyền thông của xã hội xã hội chủ nghĩa và thân phận thằng mõ của giới truyền thông ăn lương nhà nước tại Việt Nam ngày nay luôn luôn phải bẩm báo và dọ trước ý chủ!

Trong cuộc phỏng vấn một nhà văn Việt Nam nổi tiếng ở hải ngoại, ông Viên Linh (California, Hoa Kỳ) do Phan Hạo Nhiên thực hiện, khi được hỏi rằng chiến tranh chấm dứt đã ba mươi năm, nhưng khó có thể nói rằng người Việt chúng ta đã được sống trong hạnh phúc trọn vẹn, ông nghĩ gì về vai trò của nhà văn hiện nay, Viên Linh đã trả lời rằng: “Nhà văn thời nào cũng vậy, ở đâu cũng vậy, nên sống độc lập với nhà nước. Ăn lương nhà nước để viết văn là nhà văn trở thành công-văn-nhân, thành cán bộ, công chức, kẻ thừa hành và phục tùng. Nhà văn là kẻ sĩ, hiểu theo nghĩa nhà văn là người phải có thái độ trung thực trước các vấn đề xã hội, chống sự phi-nhân và bất công đến cùng. Nhà văn không thể đóng vai trò gì khi cả nước không có một nhà văn nào có thực quyền quyết định trong một tờ báo, hay làm chủ một nhà xuất bản. Vai trò của nhà văn Việt nam hiện nay đối với người Việt chúng ta như anh nói, theo tôi là hãy làm chủ ngòi bút mình trước đã.” [21]

Sau đây là ý kiến của một văn sĩ khá nổi tiếng, trong nước, nhà văn Nguyễn Đình Chính, con của Nguyễn Đình Thi, một kình trụ về văn học, tư tưởng chỉ đứng sau Tố Hữu của chế độ CS Việt Nam đã quá cố: “Tốt nhất các nhà văn Việt Nam không nên ngồi nhận lương viết văn. Ai giỏi thì nên tự trả lương cho mình bằng nhuận bút, còn thì nên kiếm sống bằng một nghề nào đó trong xã hội.”[22]

Qua những lá thư trao đổi trên mạng giữa nhà văn Nguyễn Đình Chính ở Hà Nội với nhà văn Nhật Tiến ở California, chúng ta cũng đọc thấy quan điểm của hai nhà văn thuộc hai chế độ chính trị đối nghịch nhau của Việt Nam trước đây, đã gặp nhau tại điểm hội tụ rất minh bạch, rất dứt khoát đó là nhà văn phải cố gắng vượt thoát ra khỏi sự kiềm tỏa của nhà nước cụ thể là vấn đề tiền bạc, để có sự tự do trong ngòi bút của mình, bởi vì như châm ngôn Pháp có viết “Ai chi tiền, người đó cai trị” (Qui paye, gouverne). Chính quyền trả tiền cho nhà văn đương nhiên chính quyền điều khiển, khống chế, tước đoạt hoàn toàn mọi quyền tự do sáng tác, viết lách của nhà văn. Do vậy nhà văn, nhà báo chỉ là một tên nô lệ, đầy tớ không hơn không kém.

Một vị thẩm phán Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ, ông Hugo L. Black đã có nói: “Chỉ có một nền báo chí tự do và không bị kiềm chế thì mới có thể phơi bày sự dối trá của chính quyền một cách hiệu quả.” Nền báo chí tự do là nền báo chí được viết theo lương tâm của con người và không bị kiềm chế có nghĩa là vượt ra ngoài cương tỏa của mọi đe dọa bản thân trong đó kể cả sự khống chế của tiền bạc, chức vụ, quyền hành.

Một câu ngạn ngữ Nga ghi lại rằng: “Điều gì đã được viết bằng mực thì chẳng thể lấy búa mà đẽo đi được”. Tục ngữ nước ta thêm ý cho ngạn ngữ đó với câu: “Bút sa gà chết”. Thiết tưởng những người cầm bút ngành truyền thông báo chí trong nước nên thận trọng trước các sự kiện liên hệ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà và những bậc trí thức còn có chút lương tâm với đất nước, với dân tộc nên thận trọng lựa chọn cho mình một lập trường đứng đắn để khỏi phải hổ thẹn với lịch sử mai sau.

Nguyễn Đức Cung
New Jersey, 23-11-2008


------------------------------------

[1] Nguyễn Hiến Lê, Sử Trung Quốc, Nhà xuất bản Văn Nghệ, 2003, trang 110.
[2] Jean Pierre Drège, “Nghề làm giấy ở Việt Nam qua thư tịch Trung Hoa”, Tạp chí Tân Văn số 14, tháng 9, 2008. Jean Pierre Drège (GSTS, Giám đốc Viện Viễn đông Bác cổ Pháp) đề cập giới hạn ở một vài suy xét có tính chất giai thoại về lịch sử nghề làm giấy, cụ thể hơn, là về vai trò của Việt Nam trong lịch sử nghề làm giấy ở những thế kỷ đầu sau công nguyên.
[3] Jean Pierre Drège, “Nghề làm giấy ở Việt Nam qua thư tịch Trung Hoa”, Tạp chí Tân Văn, số đã dẫn, trang 14. .
[4] Lê Thanh Hoa, “Người Việt phát minh ra giấy cho nhân loại”, Tạp chí Tân Văn, số đã dẫn, trang 21.
[5] Đinh Gia Trinh, Hoài vọng của lý trí, Nxb. Văn Học, 1996, tr. 39. .
[6] Lữ Phương, “Từ Nguyễn Tất Thành đến Hồ Chí Minh”, Talawas ngày 26-01-2007.
[7] Lữ Phương, Bài đã dẫn.
[8] Minh Võ, Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, Tủ sách Tiếng Quê Hương, Virginia, 2006, trang 619.
[9] Minh Võ, Sđd, trang 629.
[10] Minh Võ, Sđd, trang 633.
[11] Một nhóm tác giả, Hồ Chí Minh, Sự thật về Thân thế & Sự nghiệp, Nxb. Nam Á, Paris, 1990, bài của Tôn Thất Thiện, “Cái đúng và cái giả dối về chuyện Hồ Chí Minh”, trang 62.
[12] Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, bản dịch Nguyễn Thượng Huyền, Nxb Văn Nghệ, 1999, trang 111.
[13] Minh Võ, Sđd, trang 634.
[14] Minh Võ, Sđd, trang 634.
[15] Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Xuân Thu xuất bản, không đề năm in, trang 130.
[16] Phan kế Bính, Việt Nam Phong Tục, Xuân Thu xuất bản, không đề năm in, trang 187.
[17] Đinh Tiến Lực, “Lộ gì sau cơn mưa?” Web Thông Luận ngày 04-11-2008.
[18] Saigon Echo, “Bí thư Thành uỷ Hà nội Phạm Quang Nghị lên tiếng chửi bới các nạn nhân nước lụt là ỷ lại”, VietCatholic News, Thứ Năm 06-11-2008.
[19] Saigon Echo, bài đã dẫn.
[20] Saigon Echo, bài đã dẫn.
[21] Viên Linh, “Hãy làm chủ mình trước đã”, Phan Hạo Nhiên thực hiện phỏng vấn, Talawas ngày 25-4-2005.
[22] Nhật Tiến, “Thư gửi Nguyễn Đình Chính”. Talawas, ngày 12.1.2007


No comments:

Post a Comment