Wednesday, November 19, 2008

GIAI CẤP TƯ SẢN ĐỎ và NỀN TẢNG CÔNG NÔNG

Giai cấp tư sản đỏ và nền tảng công-nông
Nguyễn Quang Nhàn
Đăng ngày 19-11-2008
http://danchimviet.com/articles/624/1/Giai-cp-t-sn--va-nn-tng-cong-nong/TrangPage1.html

I.

1. Là “đội tiền phong của giai cấp công nhân”, đảng CSVN lấy liên minh công - nông làm ”nền tảng”, lực lượng chủ lực của cách mạng. Từng thời kỳ, tùy theo “nhiệm vụ cách mạng” mà ”nền tảng” ấy được đảng lấy thêm liên minh - ”binh” hoặc “trí”. “Trí" trước đây là đối tượng số một của “cách mạng”, đối tượng hàng đầu mà đảng CS ”đào tận gốc, trốc tận rễ”!. Giai cấp công nhân số lượng không lớn, ra đời cùng với chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp.

Công và Nông là hai giai cấp “cùng khổ” có số lượng lớn, chiếm trên 95% dân số xã hội Việt Nam khi đảng CS bước lên vũ đài chính trị. Họ là những người lao động bị “3 tầng” áp bức bóc lột; phổ biến là thất học, mù chữ; là “lực lượng cách mạng nhất”, “triệt để“ nhất(!?). “Có áp bức, có đấu tranh”! Rất ý thức điều đó nên đảng CS đã xác định từ đầu “công-nông là gốc của cách mạng”, là “động lực cách mạng”; là lực luợng chủ lực đấu tranh giành chính quyền và là “nền tảng” để xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa!

2. Khi đảng CS chưa nắm chính quyền, bằng nhiều mưu lược giảo quyệt, lợi dụng sự nghèo khổ cùng cực cùa nguời công nhân, nông dân trong chế độ xã hội Thực dân, phong kiến, nhiều bất công, thối nát, đảng CS đã có những mục tiêu chính trị gắn liền với thực tế cuộc sống xã hội của người công nhân, nông dân; nêu lên đuợc những khát khao của họ về thân phận, cuộc sống nên được công nhân, nông dân, thậm chí các tầng lớp khác tin theo cái “lý tưởng”, ước mơ nhân loại hằng mơ ước - một xã hội đại đồng, không có nguời bóc lột người. Môt xã hội mà con người mơ ước như “bồng lai tiên cảnh”! “Lý tưởng” ấy đã đánh đúng vào “lòng nhân” của con người. Với chủ trương “vô sản hóa” (như những năm 1930) và “ba cùng” với cuộc sống nhân dân lao động, không ít người CS đã sống và thật sống với cuộc sống của nhân dân, đất nước; hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc cùng với các nhà yêu nước, chiến sỹ quốc gia, dân chủ khác!. Không dựa vào nhân dân CS không thể tồn tại!. Nhân dân lao động đối với đảng CS “như bát nước đầy” nhưng người lãnh đạo cộng sản lại có mục đích riêng, tự cho rằng, đó là “cao cả” nhưng thực tế, tất cả chỉ “lót đường”, làm phương tiện cho Đảng CS cướp chính quyền để áp đặt một nền cai trị mới. Đúng là, khác hẳn với mọi chế độ, triều đại đã qua trong lịch sử dân tộc và nhân loại nhưng “xã hội mới” ấy chỉ “độc lập tự do” cho riêng mình chứ không phải cho nhân dân, dân tộc; tự cho rằng là “nhân bản”, “nhân đạo”, là văn minh”, “tiên tiến” nhất loài người nhưng trong thực tế có phải như vậy?!…

Khi đã nắm chính quyền, đảng CS vẫn tiếp tục lấy “công-nông” làm “nền tảng” để xây dựng “nhà nước công công”, “nhà nước dân chủ nhân dân” của chế độ xã hội mới. “Nền tảng” nhà nước ấy lấy “dân chủ của số đông”- công nông - để thống trị, “chuyên chính” với “số ít”, các tầng lớp nhân dân khác. Đảng CS là “đảng của giai cấp công nhân” và giai cấp công nhân “lãnh đạo thông qua” đảng CS(!??). Có phải công-nông nắm quyền lực nhà nước, làm chủ nhà nước hay người chủ duy nhất là đảng CS và “công-nông“ là công cụ “chủ lực”?!.

II.

1. “Nhà nước công-nông” xây dựng bộ máy chủ yếu từ lực lượng công-nông. Mọi vấn đề, mọi lĩnh vực cuộc sống xã hội đảng CS cũng đã lấy “liên minh” ấy làm “nền tảng”!.

“Nhà nước công-nông” dưới sự lãnh đạo của đảng CS cùng với cả hệ thống mà đảng CS trước đây vẫn công khai gọi là “hệ thống chuyên chính vô sản”, nay được mềm hóa gọi là “hệ thống chính trị”. Cán bộ trong cả guồng máy ấy, guồng máy nhà nước, đoàn thể đều xây dựng từ thành phần “công-nông"; có gốc rễ với công-nông, hoặc là tiêu chí “công-nông” theo tính chất “tiền phong” của người đảng viên cộng sản, những người tuyệt đối trung thành với Đảng CS, với chủ nghĩa Mác Lênin theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”. Đảng là trên hết!. Qua thời đảng “khởi xướng và lãnh đạo đổi mới”, “dân chủ hóa xã hội”, tiêu chí cán bộ có mở rộng hơn vì trong liên minh công-nông, nền tảng chính trị có gắn thêm “trí”!. Đội ngũ cán bộ, nói chung, gồm cả cán bộ đảng, nhà nước, đoàn thể nay “dân chủ hóa”, luật pháp hóa, tất cả đều trở thành cán bộ công chức nhà nước được điều chỉnh theo pháp lệnh cán bộ công chức (và nay, sửa đổi, nâng lên thành Luật cán bộ công chức). Tính chất đội ngũ cán bộ trong toàn bộ hệ thống chính trị đảng, đoàn thể đều nhà nước hóa và bản chất nhà nước mang tính chất đảng càng lộ rõ. Tất cả là một!. Cán bộ đoàn thể cũng là cán bộ công chức nhà nước chứ không phải là cán bộ của nhân dân, đại diện cho quyền, lợi ích nhân dân trong các đoàn thể.

Trên cơ sở liên minh “công-nông-trí”, tiêu chí cán bộ vẫn theo chuẩn “công-nông”!.

Những cán bộ chủ chốt, người giữ cho bộ máy hoạt động theo “định hướng XHCN” tất cả phải là đảng viên; những cán bộ ấy, tất cả, đều được đảng “phân công”. Đảng viên cộng sản trước đây “phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng cộng sản”(!), nay lý tưởng ấy là địa vị, chức, quyền. Không phải đảng viên không thể có chức quyền. Muốn có chức quyền thì phải phấn đấu vào đảng. Tiêu chuẩn đảng viên như là một phương tiện, một bàn đạp để cá nhân tiến thân. Đảng, đảng viên trong hệ thống tổ chức đảng, nhà nước, đoàn thể... cấu kết với nhau, nương tựa nhau, tất cả đều vì quyền và lợi. Quyền lợi ấy gắn liền với quyền lực nhà nước. Tính chất công-nông trong đội ngũ cán bộ trong cả hệ thống chính trị nhà nước chuyên chính từ thành phần công-nông sang gốc - CÔCC (con ông cháu cha), gia đình có “truyền thống cách mạng”. Tiêu chuẩn ấy ngoài thành phần giai cấp công-nông, lao động, không bóc lột(!) là cơ bản; CÔCC là ưu tiên, tiêu chuẩn chung nhất phải là tuyết đội trung thành với đảng cộng sản. Tiêu chuẩn ấy mở rộng cái “gốc” về thành phần nhưng tập trung ở “ngọn”. Cái ngọn, “thượng tầng” lại tập trung quyền lực và cả hệ thống bạo lực chuyên chính nên thành cái gốc quyền lực chính trị, quyền lực kinh tế (tập đoàn, công ty nhà nước ) thống trị xã hội. Đảng viên cộng sản được làm kinh tế tư nhân-tư sản đỏ (lãnh đạo) và như vậy, tư sản, rồi cũng có thể trở thành đảng viên cộng sản miễn sao thừa nhận sự lãnh đạo của đảng CS, tuyệt đối trung thành, tin tưởng, đứng cùng đội ngũ; duy trì, giữ vững sự “cầm lái”, cai trị của đảng CS… là được!.

Một xã hội xây dựng nhà nước bằng “nền tảng” công-nông, công khai gọi là nhà nước công-nông, nhà nước ấy làm sao có thể gọi là nhà nước dân chủ; xã hội đó làm sao có xã hội công dân và làm sao công dân có quyền bình đẳng trước pháp luật?!

Luật pháp, “pháp quyền XHCN” của nhà nước hiện nay cũng chỉ là và tiếp tục “cụ thể hóa” nghị quyết của đảng. Luật pháp ấy không phải là nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Những vấn đề xã hội như đất đai, “quốc nạn” tham nhũng - nhưng tham nhũng “trên lề đường bên phải” thì nhân dân chống tham nhũng “đi trên lề đường” nào?! Qua vụ án PMU 18 và kết quả bằng bản án nhà báo chống tham nhũng vừa qua càng bộc lộ rõ thêm bản chất luật pháp của đảng!.

2. Nền giáo dục hiện nay cả xã hội ta thán!. Những nhà khoa học, trí thức, cả trong và ngoài nước lo cho tương lai của dân tộc đã có nhiều công trình nghiên cứu, nhiều ý kiến, kiến nghị với đảng, nhà nước, bộ giáo dục… nhưng tất cả như hòn đá ném xuống biển. Nền giáo dục ấy, nhìn lại, hẳn chúng ta cũng thấy rõ cái gốc nền tảng “công-nông” của nó!.

Nhà nước công-nông xây dựng bởi đội ngũ cán bộ thành phần “công-nông” phổ biến là thất học. Nền giáo dục xã hội của nhà nước công-nông trước hết phải “thỏa mãn” yêu cầu cho đội ngũ cán bộ ấy và sau đó là lực lượng công, nông trong toàn xã hội. Trong cơ chế lãnh đạo, quản lý xã hội bằng nghị quyết như thời cơ chế bao cấp trước đây, cấp dưới tuyết đối phục tùng cấp trên theo nguyên tắc tập trung - dân chủ. Cấp trên “bao cấp trọn gói”; cấp dưới thực hiện những gì cấp trên hướng dẫn, chỉ thị và chỉ cần làm theo khả năng nhận thức và trình độ “công-nông” của mình là đủ !!. ” Phê và tự phê” là quy luật đấu tranh, phát triển (!) mà đảng với quyền lãnh đạo tuyệt đối mà dân đã “ơn đảng” rồi thì chẳng có gì phải sợ!.

Nền giáo dục “tiên tiến” của chế độ mới đào tạo cán bộ từ “nền tảng công-nông”, trước hết là phục vụ cho bộ máy nhà nước công-nông (chứ không phải nhà nước dân chủ của nhân dân) và cho cả nền giáo dục xã hội theo tiêu chí gốc rễ ấy. Do trình độ thấp kém nhưng độ tuổi lại “làm cán bộ” - đó cũng là một loại “giặc dốt” (!) nên ngoài “bình dân học vụ” để xóa mù chữ cho nhân dân trong xã hội thì giáo dục “bổ túc công-nông” là yêu cầu cấp thiết để bổ túc học vấn cho đội ngũ cán bộ. Những trường học “công-nông” mở ra. Chương trình giáo dục tất nhiên phải vì “công-nông” ; xuyên suốt đường lối chính trị công-nông dưới sự độc quyền lãnh đạo của đảng; rút ngắn thời gian học của bậc phổ thông - 9 năm, rồi 10 năm so với 12 năm theo chương trình giáo dục của “thực dân, đế quốc, tay sai”; rồi 12 năm với nội dung chương trình “tiên tiến” để đào tạo “con người mới XHCN” để ”đưa cả nước lên CNXH” !. Trong nhà trường cũng có “hệ thống chuyên chính“ hoàn chỉnh để quản lý giáo dục!.

Đào tạo bậc đại học cũng phải theo tiêu chí “công-nông” và lấy “cơm chấm cơm” là chính!. Không phải tất cả mọi công dân xã hội đều được vào đại học. Công dân xã hội đã đựợc phân thành nhiều loại “công dân” mà thành phần tuyển sinh vào đại học theo như quy định trước đây là một minh chứng. Những “trí thức” được đào tạo qua “bổ túc” hoặc qua trường Đại học đã được tuyển chọn theo thứ tự thành phần gốc rể trung thành tuyệt đối với chế độ, với đảng. Trí thức ấy mới là “trí thức XHCN”(!). Những nhà giáo được đào tạo ở nước ngoài; được nước ngoài trọng vọng, vinh danh, về nước để hy sinh, cống hiến, ”phục vụ cách mạng”, làm vẻ vang cho giống nòi, “sánh vai cùng các cường quốc năm châu” hoặc là “trí thức XHCN” mà yêu nước, yêu tổ quốc, nhân dân VN hơn yêu đảng Mác Lênin, “tổ quốc XHCN” thì khó có điều kiện để thực hiện vai trò của mình hoặc có thể bị loại trừ ra khỏi đời sống xã hội!.

Đường lối, triết lý, mục tiêu giáo dục ấy vẫn tiếp tục kéo dài cả sau thời kỳ “giải phóng Miền Nam” và cho đến nay dù về đối tượng đào tạo đại học không còn phân biệt thành phần với nhiều loại công dân, thay vào đó là những điểm cộng về thành phần, đối tượng, vùng miền(!). Cán bộ trình độ “công-nông”, trước đây ít học do “tham gia kháng chiến” nay “tiêu chí” và “đội ngũ” được bổ sung mới và trẻ hơn, nhưng chưa phải là đã hết…”bổ túc công-nông”(!). Con đường làm quan của các quan chức trong mỗi cơ quan trình độ vẫn tiếp tục “bổ túc”, vẫn tiếp tục “tại chức” hoặc “tập trung” để “chuẩn hoá chức danh”. Với cái thời “cơ chế thị trường” bị méo mó theo “định hướng XHCN”, cái tệ nạn “mua bằng, bán cấp” cũng gắn liền với tệ nạn “mua quan, bán chức” có cơ hội làm ăn, phát triển. Bởi vậy, đội ngũ cán bộ “bổ túc” là “già làng”, ít học trước đây sau đêm “đổi mới” đã thành ông Nghè, ông Cử - “trí thức XHCN”, và đội ngũ “tiến sỹ giả” cũng phát triển với tốc độ nhanh và nay đang muốn dựng bia đá để được “lưu danh” (hay “ô danh”?) muôn đời sau!!. Sản phẩm ”trí tuệ” tiên tiến, văn minh ấy được mọc lên không ngoài cái “hạt giống” nền tảng của nền giáo dục công-nông!. Xưa, “trí thức”, “hiền tài” là nguyên khí quốc gia, nay “trí thức xã hội chủ nghĩa” là “nguyên khí” của đảng CS chuyên chính mà quyền và lợi hai bên đã gắn chặt, hòa quyện vào nhau. Cái “nền tảng” công-nông với sự lãnh đạo của đảng CS đã được vun trồng trong toàn bộ hệ thống giáo dục “XHCN”, cả trong cấu trúc tổ chức, quản lý, nội dung chương trình, phương pháp… để đào tạo ra sản phẩm là con nguời “yêu tổ quốc XHCN”; phục tùng tuyệt đối sự lãnh đạo của đảng, cả trong ý thức, tư tưởng, hành động cùng với cả “nhân sinh quan, thế giới quan đảng CSCN (!?). “Trình độ năng lực yếu kém” luôn là lý do để bao che chạy tội, giám nhẹ tội cho những quan chức cấp thấp, cấp cao khi có sai lầm, khuyết điểm, vi phạm pháp luật. Nhưng cơ chế thị trường đã mở ra cùng với thời đại toàn cầu hoá, dân chủ hoá, “sản phẩm” giáo dục có đạt được như ý muốn của đảng lãnh đạo hay không lại là chuyện khác..!. Nền giáo dục ấy sai lầm là đối với nhân dân và sự phát triển, tồn vong của đất nước, di hại nhiều đời con cháu mai sau nhưng đối với đảng CS vẫn là “đúng đắn”, dù có “sai”, “sửa”, “cải cách” nhưng “sửa” rồi cũng cứ “sai”; đã hỏng rồi nhưng đảng “tiền phong”, “khoa học”, “văn minh” đâu muốn thay đổi!.

3. Văn hóa nghệ thuật cũng không thoát khỏi “nền tảng” ấy. Nền văn hóa nghệ thuật “sản xuất lớn XHCN” chẳng lẽ lại không có hương hoa!?. Cuộc “cách mạng tư tưởng văn hóa”, tất nhiên trên nền tảng chủ nghĩa Mác Lênin, đường lối chính trị của đảng CS mục đích làm sao để tư tưởng, chủ nghĩa ấy thống trị trong toàn bộ tư tưởng, tình cảm đời sống xã hội. Cả xã hội phải theo cùng một kiểu tư duy, nhận thức, cùng vì mục đích cao nhất, cũng là đạo đức cao nhất của nguời “cách mạng”, đó là lợi ích của đảng CS !. Nền văn hóa nghệ thuật XHCN vun trồng trên đất công-nông, lấy công-nông làm trung tâm, đối tuợng phục vụ, phản ánh, xây dựng hình tượng nhân vật…, và nội dung, phương pháp phải ”sáng tạo”, vẽ ra đuợc cái “hiện thực xã hội chủ nghĩa”!… Những ai không biết gieo trồng, không cày ải, phục vụ nhiệm vụ chính trị của đảng, không chịu đi vào công-nông để “cải tạo” và “sáng tạo”; sản phẩm ”nghệ thuật” tạo ra không có tính đảng, tính tư tưởng... là có vấn đề, là xa rời sự lãnh đạo của đảng, chống đảng(!). Nhiều vụ án được đảng tạo ra để “đánh” vào đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ không đi cùng ”lề đường” theo sự dẫn dắt của đảng CS, ở miền Bắc sau 1954 và cả Miền Nam sau 1975… đã thành phổ biến. Những nhà văn hóa, trí thức, khoa học, văn học nghệ thuật tên tuổi như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Lê văn Thiêm…; những Văn Cao, Trần Dần, Phan Khôi, Hữu Loan, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm… và nhiều nhiều những nhà khoa học, trí thức, văn nghệ sỹ đã phải chịu bao nhiêu tủi nhục, đắng cay, khổ ải, bị treo bút, treo niêu mà người thiệt thòi nhất chính là dân tộc, xã hội, nhân dân, đất nước!… Không ít những sản phẩm trí tuệ, tinh thần, nghệ thuật có giá trị nhân văn của những văn nghệ sỹ đến nay vẫn còn được nhân dân gìn giữ, trân trọng lại được sản sinh ra trong cái thời tác giả của nó bị tiêm nhiễm bởi cái “nọc độc” của chủ nghĩa thực dân cũ và mới!?. Yếu tố nào đã tạo nên?. Có phải các loài hoa ấy nay vẫn tỏa hương đã được vun trồng từ cái gốc nền tảng công-công dưới sự chăm sóc của đảng?! Và vì sao vào cuối đời khi không còn gì để mất, để sợ nhiều trí thức, văn nghệ sỹ XHCN lại “đi tìm cái tôi đã mất” của mình?!.

4. Nền kinh tế xã hội cũng đã xây dựng trên “nền tảng công-nông”. ”Giành lại ruộng đất cho người cày”; “cải cách ruộng đất”; làm chủ nhà máy, làm chủ xã hội và làm “cách mạng thế giới”… những khẩu hiệu ấy cái giá của nó trả bằng máu của các tầng lớp nhân dân và nền kinh tế xã hội đất nước chưa được phục hồi, xây dựng lại bị tàn phá !. Để “giành lấy”, xác lập quyền làm chủ của công nhân, nông dân đảng CS đã tiến hành bằng mồ hôi và máu của chính người nông dân, công nhân, những nguời yêu nước tham gia kháng chiến, những người góp phần mình vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc dưới sự lãnh đạo của đảng CS “quang vinh” với tên gọi là “cách mạng”, là ”cải cách”, cải tạo”; “đấu tố” như “cải cách ruộng đất”; “cải tạo tư sản”; đánh “tư sản mại bản”, “tư sản công - thuơng nghiệp… Chủ trương ấy đã thực hiện sai lầm ở miền Bắc sau năm 1954 lại tiếp tục thực hiện ở miền Nam sau năm 1975. Đất đai thành sở hữu toàn dân. Tất cả mọi tài sản “chiếm được” đều trở thành “chiến lợi phẩm”, thành sở hữu nhà nước mà thực chất là sở hữu của đảng. Để xóa “tư hữu bóc lột”, bằng “cách mạng quan hệ sản xuất” đảng CS đã “cách mạng” nền kinh tế xã hội thành 2 thành phần sở hữu chủ yếu - sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể. Công nhân “làm chủ tập thể” trong các nhà máy, đơn vị kinh tế quốc doanh thuộc “sở hữu nhà nước”; nông dân “làm chủ tập thể” trong các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất nông nghiệp. Các thành phần kinh tế khác bị ”cải tạo”, xóa bỏ… Người lao động trong xã hội chạy đằng trời nào cũng phải “làm chủ tập thể” và “làm chủ tập thể” bằng “biên chế nhà nước” là an toàn cái bụng….

Công-nông là lực lượng sản xuất cơ bản, chủ yếu của nền kinh tế XHCN. Những quan hệ sản xuất ấy mới là “quan hệ sản xuất XHCN” của “phương thức sản xuất XHCN” tiên tiến. Công-nông đã được “làm chủ tập thể” nên không còn bị “bóc lột”(!?); sự phân phối “theo năng lực lao động” qua hình thức tem phiếu, xếp hàng mới là “bình đẳng”, “ưu việt” của chế độ mới. “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng”!. Thật là “nhân đạo XHCN”!. Trình độ của lực lượng sản xuất “XHCN” ấy trong một đất nước nền nông nghiệp còn lạc hậu; vẫn là con trâu với cái cày; người kéo cày thay trâu. Quy mô “sản xuất lớn”, đại công trường tiến hành kết hợp công cụ kỹ thuật sản xuất thô sơ, thủ công, bán cơ khí, cơ khí, hiện đại (!) sản xuất từ nền sản xuất “ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý” với “cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt”. Được là, một số sản phẩm công nghiệp có cái vỏ nhãn mác Việt Nam nhưng cái ruột thì thuộc… “phe ta”!…Nền kinh tế ấy cũng đã “ưu việt” là đã xóa đi tất cả các thành phần kinh tế tư nhân, tư hữu “bóc lột” (!); sản xuất của cả xã hội may là nuôi dân không đói, dù chưa no; dân trí đủ để biết và tin theo hệ thống báo chí, loa đài mà “đảng, nhà nước” phục vụ cho đến tận nhà, từng nhà máy, hợp tác xã kết hợp với loa đài công cộng để “nghe những gì đảng nói…”, còn việc “đảng làm” - đã đưa nền kinh tế đất nước đi đâu; “phát triển” như thế nào; cuộc sống nhân dân, xã hội, đất nước đã đói nghèo ra sao; những kẻ nhân danh làm đầy tớ nhân dân đã làm gì, đã đàn áp những người yêu nước, yêu dân chủ, vì tổ quốc, nhân dân, vì sự giàu mạnh của đất nước như thế nào…nhân dân không được biết đến ngoài “ơn đảng, ơn chính phủ”!…Đến khi đất nước “đổi mới” không ít cơ sở công nghiệp nhà nước đã nhập cả rác thải công nghệ thế giới về lại cảm thấy rằng “hiện đại”, “tiên tiến”… (!). Lực luợng công nhân vẫn thiếu tác phong công nghiệp; trình độ vẫn lạc hậu, tay nghề thấp kém. Những tính chất tiên tiến, hiện đại của giai cấp công nhân thế giới vẫn còn đang xa vời với công nhân Việt Nam được đảng giáo dục, đào tạo để thực hiện “sứ mệnh lịch sử”!. Thời kỳ khủng khiếp ấy nhân dân cả 2 miền Bắc, Nam đã trải qua như một cơn ác mộng .….

5. Thời thế nay đã khác!. Phe XHCN không còn một khối; thành trì cách mạng thế giới đã bị sụp đổ; một số nước còn đảng CS cai trị vẫn còn nương tựa nhau để tồn tại nhưng phải chấp nhận đi theo con đường kinh tế tư bản chủ nghĩa; phát triển nền kinh tế nhiều thành phần; thích nghi, hội nhập với nền kinh tế thế giới.. ”Văn hóa” giai cấp vô sản” bây giờ thành “văn hóa doanh nhân”; “đảng ta” nay lại trân trọng, tôn vinh các nhà doanh nghiệp, tư bản mà những thành phần ấy trước đây đã bị “đảng ta” cải tạo, tiêu diệt ! Các nhà cách mạng vô sản vĩ đại của “đảng ta” nay cũng đều trở thành những nhà “tư sản đỏ”!.

Với sự phát triển nền kinh tế nhiều thành phần theo quy luật nền kinh tế thị trường trở lại như thời “trước cách mạng” của đảng đã góp phần cơ bản khơi dòng cho nền kinh tế đất nước phát triển; “xả lũ” cho một tình thế mà đảng ta có thể bị cuốn xoáy theo dòng thác như Liên xô và các nước Đông Âu. Hai mươi năm qua cuộc sống nhân dân đã được cải thiện, bầu trời của tổ quốc VN có một chút không khí để nhân dân có thể thở và sống để tạo nên “những thành tựu”!. Cái gốc công-nông nền tảng của đảng CS vẫn được “gìn giữ”, “cột chặt” vào cái vỏ của đảng CS với tên gọi vẫn là “đội tiền phong của giai cấp công nhân” nhưng lãnh đạo bởi những anh “tư sản đỏ”. Liên minh“công-nông” vẫn là “nền tảng“ để giữ cái nhãn mác cộng sản, Mác Lênin, thêm lá bùa “tư tưởng Hồ Chí Minh” để lừa mị lòng tin của nhân dân; có thêm “trí” cho phù hợp với xu thế “làm bạn với năm châu”; mượn cái vỏ nhãn hiệu “nhà nước của dân, do dân, vì dân” của nước Mỹ thời lập quốc… để cho có màu sắc dân chủ, làm bạn với thế giới…

Cái bản chất đảng của giai cấp công nhân (!) ngày nay đã bộc lộ rõ hơn bao giờ hết - chẳng vì công-nông; chẳng vì nhân dân; chẳng vì dân tộc, đất nước!… Tất cả chỉ vì mình, vì “đặc quyền, đặc lợi” của mình và bằng mọi phương thức, thủ đoạn để tiếp tục “một mình một chợ”; làm ông chủ, “ông trùm” trong toàn bộ đời sống xã hội. Mọi quyền tự do dân chủ, nhân quyền; “công bằng, dân chủ, văn minh”… vẫn là những khẩu hiệu. Giai cấp công-nông nền tảng vẫn được đảng cho cõng cái búa, cái liềm trên lưng để tiếp tục đi trên con đường “Bác đã chọn”, thực hiện “sứ mệnh lịch sử”! .

6. Qua quá trình theo đảng làm lực lượng chủ lực cách mạng, đến nay giai cấp công-nông nền tảng ấy như thế nào?. Công nhân nay trở lại thành người “vô sản”. Sự phản ứng, đình công của công nhân ở các doanh nghiệp các thành phần kinh tế, trong 5 năm qua (2003-2007) với 1.359 cuộc đình công; riêng 6 tháng đầu năm 2008 với 354 cuộc, tăng hơn 200 cuộc so với cùng kỳ năm trước chính là lời tuyên bố hùng hồn, đanh thép của công nhân đối với “đảng của mình” - là kẻ giả danh, phản bội, lừa dối!. Gần 80 năm sau từ ngày “có đảng”; hơn 60 năm sau ngày đảng cướp chính quyền vấn đề “tam nông” lại muộn màng được đặt ra. Nông dân mất làng, mất ruộng, mất đất, mất nhà, thành lao động “thị dân” bất đắc dĩ. Người nông dân làm ruộng cho nhà nước “xuất khẩu đứng hàng nhì thế giới” nhưng cuộc sống người nông dân có được cải thiện? Sự “áp bức, bóc lột” có phải chỉ “ba tầng”?!. Những khiếu kiện đất đai của nông dân, nhân dân vẫn kéo dài triền miên chưa có hồi kết thúc… Nhưng có một tầng lớp mới, giai cấp mới đang phát sinh, phát triển “trong lòng xã hội chủ nghĩa” do “đảng CS lãnh đạo đó là “giai cấp tư sản đỏ” - giai cấp đang cấu kết, nắm quyền lực cai trị xã hội trong cái “hệ thống chính trị” của đảng CS; giai cấp đã tước đoạt tài sản của nhân dân, đất nước như là “chiến lợi phẩm” của mình; “bóc lột” giai cấp công-nông ”nền tảng” của mình mấy chục năm qua hợp pháp hóa bằng pháp luật của nhà nước cai trị và tham nhũng “trên lề đường bên phải”; giai cấp dùng công cụ bạo lực bảo vệ nhân dân, bờ cõi đất nước để chỉ bảo vệ riêng mình; giai cấp có thể cấu kết bất cứ ai, cả trong lẫn ngoài, giăng tơ như nhền nhện… miễn sao giữ vững được sự độc quyền toàn trị … .

Phải chăng, Đảng CS, giai cấp tư sản đỏ và nền tảng công nông – công cụ, nạn nhân của đảng đã tạo nên những chuỗi sai lầm, phá hoại cả nền kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội; phá hoại tâm hồn, đạo đức, văn hóa truyền thống con người Việt Nam trong mấy mươi năm qua; kéo lùi sự phát triển của dân tộc, đất nước; tạo nên sự phân biệt thành phần, giai cấp trong xã hội - một “xã hội không có con nguời”; con nguời biến dạng nhân tính!?. Nhân dân, công nhân, nông dân hiện nay trình độ dân trí, dân chủ không như trước. Cuộc ”bể dâu” đã trui luyện cho công-nông nhiều sự trưởng thành. Vai trò của đảng CS và những vị “thánh” của đảng đã lộ chân tướng. Thế giới đã đổi khác, nhân dân đã ý thức rõ sức mạnh “đẩy thuyền” của mình. Có xã hội dân chủ, nhân quyền mới có các quyền tự do, dân chủ, bình đẳng của mọi công dân trong xã hội. Đảng CS đã bị lộ tướng gót chân Asin!. Không có con đường nào khác. Chỉ có một con đường - Quyền lực của nhân dân phải trả lại cho nhân dân!

© 2008
www.danchimviet.com


No comments:

Post a Comment