Wednesday, November 19, 2008

CHÍNH PHỦ OBAMA và VẤN ĐỀ DÂN CHỦ - NHÂN QUYỀN Ở VIỆT NAM

Chính phủ Obama và Dân chủ Nhân quyền ở Việt Nam
Trần Thanh Hiệp & Nguyễn An, RFA
2008-11-19
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Obama-government-and-the-issues-of-democracy-and-humanrights-in-Vietnam-TTHiep-11192008103758.html

Nhân ghé qua vùng Hoa Thịnh Đốn trên đường trở lại Pháp, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, trụ sở đặt tại Paris hôm nay đến thăm Đài Á Châu Tự Do.

Sinh viên Việt Nam theo dõi kết quả bầu Tổng thống Mỹ qua màn hình tivi lớn tại Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Hà Nội hôm 5-11-2008. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnam/chinh-tri/US-election-result-under-Vietnamese-opinion-MLam-11052008102804.html/Vietnamese-US-election-305.jpg

Sau đây là cuộc trao đổi tại phòng vi âm của Đài giữa biên tập viên Nguyễn An và Luật sư Hiệp về triển vọng dân chủ nhân quyền ở Việt Nam trong những ngày tới. Trả lời câu hỏi đầu tiên về mục đích chuyến thăm Mỹ lần này là gì, luật sư Trần Thanh Hiệp nói:

LS Trần Thanh Hiệp: Chuyến đi thăm bè bạn và đồng bào ở Mỹ năm nay của tôi cũng vẫn là để tiếp tục cuộc vận động yểm trợ dân chủ nhân quyền ở trong nước như mọi năm.

Tân chính phủ ở Mỹ

Nguyễn An: Nhân nói tới dân chủ nhân quyền, Luật sư có thể cho biết ý kiến của ông về một vấn đề đang được dư luận quan tâm, đó là, liệu tân chính phủ của Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống vừa đắc cử Obama có mở ra những triển vọng nào cho cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam mà Luật sư đang tiến hành?
LS Trần Thanh Hiệp: Nói chung thì điều gì cũng có thể xảy ra, hoặc xấu hoặc tốt, nhưng tôi sợ rằng lúc này còn quá sớm để chúng ta đưa ra những khẳng định theo hướng này hay hướng khác. Tôi nghĩ rằng phải đợi một thời gian ngắn nữa ít ra là vào đầu năm tới, khi Tổng thống Obama nhậm chức thì mới có đủ yếu tố để nhìn cho được rõ.
Ngay bây giờ chúng ta chỉ nên dựa vào những chỉ dấu đã có để dự liệu xem cần phải điều chỉnh như thế nào cuộc vận động dân chủ hóa Việt Nam trong tình huống mới, với sự nhập cuộc của tân chính phủ Hoa Kỳ

Nguyễn An: Trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ vừa qua, có nhiều cử tri người Việt đã tỏ bày thiện cảm với ứng cử viên Cộng Hòa, một phần vì thành kiến theo đó Đảng Cộng Hòa lúc nào cũng đứng về phía chống cộng, phần khác vì những thành tích anh dũng của phi công John Mac Cain. Nhưng cũng có không ít cử tri người Việt khác đã bỏ phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ Obama. Luật sư có cho rằng đó là một triệu chúng tốt không?
LS Trần Thanh Hiệp: Tôi không muốn dễ dàng lạc quan để khỏi phải dễ dàng thất vọng. Tuy người Việt mình có bỏ phiếu cho ông Obama thật nhưng cuộc bầu cử ấy là để chọn một Tổng thống lo cho đời sống của nhân dân Mỹ là chính, không phải cho nhân dân Việt Nam.
Ngoài ra, trong toàn cảnh thế giới mà nước Mỹ phải liên hệ thì Việt Nam chỉ đứng vào hàng ưu tiên rất thấp, không phải là hàng đầu. Cho nên chờ đợi ứng cử viên đắc cử Obama tiếp tay tích cực đẩy lui độc tài ở Việt Nam chỉ là nuôi những hy vọng không chắc gì sẽ thành sự thật mà thôi.
Tất nhiên, người chủ nhân mới của Tòa Nhà Trắng ở Hoa Thịnh Đốn thế nào cũng phải xử lý di sản quan hệ Việt-Mỹ trong đó có hồ sơ dân chủ nhân quyền ở Việt Nam mà người tiền nhiệm để lại. Đó là một hồ sơ không tốt gì và đang là mối quan tâm của dư luận quốc tế ở Mỹ cũng như ở châu Âu. Chúng ta cần biết ông Obama có thay đổi hay vẫn tiếp tục đường lối của ông Bush về nhân quyền ở Việt Nam.

Triển vọng Dân chủ hóa VN?

Nguyễn An: Có một vài luồng dư luận phía người Việt cho rằng nếu ông Obama đắc cử thì điều này là một bước khai thông quan trọng, cho nội dung tranh đấu của dân tộc ta; và những chính sách mà ông Obama sẽ thực hiện, nếu đắc cử tổng thống, sẽ có lợi cho quá trình dân chủ hóa Việt Nam. Luật sư nghĩ sao về ý kiến này?
LS Trần Thanh Hiệp: Đó là kết quả của một lối lý luận diễn dịch từ một cảm nhận về phong cách văn hóa của Thượng nghị sĩ Obama. Căn cứ vào những hoạt động về mặt nhân quyền của Thượng nghị sĩ Obama, người ta đóan trứơc Tổng thống đắc cử Obama sẽ có xu hướng mở rộng nhân quyền ra các nơi theo hướng giảm nghèo và bằng thương lượng hợp tác thay vì bằng đối đầu.
Liệu có phải vì vậy mà nếu ông Obama lên nhậm chức thì nhân quyền ở trên thế giới từ nay sẽ tức khắc trở thành giá trị và qui phạm phổ quát hay không? Nói cụ thể hơn, ứng cử viên đắc cử Obama đã có ý định dẹp bỏ nhà tù Guantanamo ở Cuba - vì điều này thuộc thẩm quyền của Tổng thống Mỹ - nhưng ông sẽ làm gì dể dẹp bỏ được chính sách đàn áp phi nhân quyền hiện nay ở Việt Nam?
Không có gì chắc chắn cả, hãy đợi xem sao. Và trong sự chờ đợi thì di sản George W. Bush về nhân quyền ở Việt Nam vẫn còn đó.

Nguyễn An: Xin Luật sư nói rõ thêm về cái gọi là di sản George W. Bush này
LS Trần Thanh Hiệp: Tôi xin bàn thật ngắn gọn. Tổng thống George W. Bush đã mang lại cho việc bình thường hóa bang giao Việt-Mỹ do Tổng thống Clinton mở đường môt nội dung mới và rất cụ thể. Nếu chỉ nói riêng về mặt nhân quyền thì nước Mỹ đã chấp nhận tình trạng Hà Nội theo đuổi đường lối cai trị phi nhân quyền dưới bề ngoài tôn trọng nhân quyền theo chuẩn mực quốc tế và trong khuôn khổ những cuộc thương lượng tay đôi Hà Nội-Hoa Thịnh Đốn dưới nhãn quan Mỹ không đáp ứng gì nhiều các khát vọng nhân quyền của nhân dân Việt Nam. Chính vì vậy mà di sản này đang bị dư luận quốc tế, đặc biệt ở châu Âu lên tiếng tỏ bày quan ngại.

Nguyễn An: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp. Nhưng chắc là còn phải hỏi thêm luật sư về khả thế cải thiện hiện trạng nhân quyền ở Việt Nam. Xin đựơc hẹn với luật sư vào kỳ tới.---------------------------------------

(Trên đây là cuộc trao đổi giữa biên tập viên Nguyễn An với Luật sư Trần Thanh Hiệp, Chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân Quyền, về triển vọng dân chủ nhân quyền ở Việt Nam trong những ngày tới. Xin đựơc nhắc rằng ý kiến của luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của đài Á Châu Tự Do.)

No comments:

Post a Comment