Friday, October 24, 2008
MỖI NĂM HẾT HÈ .....
Mỗi năm hết hè...
Trần Khải Thanh Thủy
Đăng ngày 23-10-2008
http://danchimviet.com/articles/543/1/Mi-nm-ht-he/TrangPage1.html
Ngang qua nhà chị Hường đầu dãy, tôi chợt dỏng tai nghe ngóng vì một giọng điệu đầy nghịch nhĩ cất lên:
Mỗi năm hết hè lòng man mác buồn, biết cha còn tiền đóng cho con học không ? Đồng lương thiếu thốn hai xuất ăn theo, mỗi lần học thêm phát phiền...mẹ cha ốm o gầy mòn.
Tôi đẩy cửa bước vào, tiếng hát vẫn ngân lên đầy cảm hứng, kèm theo điệu huýt sáo, bật móng tay tanh tách:
Đã đành phải học thôi, nhưng sao thu quá đà, đồng tiền ngày thêm khốn khó. Nào thu nào góp, mỗi xuất dăm trăm, mỗi lần hè sang khó nhọc, mẹ cha kiếm đâu mà đòi... (*)
Tôi ngẩn ra, giai điệu bài hát hết sức quen thuộc, nhưng...cơ chế thị trường đã đặt lời thay tác giả bài hát ư ? Hay bọn trẻ vốn tiêm nhiễm rất nhanh các thói hư tật xấu liền xuyên tạc và truyền miệng nhau đến thuộc làu, bất chấp nội dung cùng sự khuyên bảo can ngăn của người lớn, cứ ông ổng hát ?
Học sinh Trường Tiểu học Tri Lễ (bản Huồi Mới, Thị trấn Quế Phong, Nghệ An) trong ngày khai giảng. Ảnh: Dân trí.com
http://danchimviet.com/articles/543/1/Mi-nm-ht-he/TrangPage1.html
Mời tôi vào hẳn trong phòng, nơi bày biện đồ đạc hết sức trang nhã, sơ sài. Chủ nhà ngần ngại giải thích:
- dào, mới đầu nghe nó hát, mình cũng thấy chướng, đúng là tuổi choai choai mới lớn, ong non ngứa nọc, dê cỏn buồn sừng thật, cấm nó, nó lại lấy đủ mọi lý lẽ dẫn chứng để hất đổ "dậu thưa", "chùm hoa rữa" là ngôi đền giáo dục, ngôi đền tri thức của nước nhà mới thôi :
"Chị đừng kết tội bọn em ngông cuồng và rồ dại. Tất cả đều được thực tế kiểm nghiệm rồi đấy, không tin chị cứ hỏi bố mẹ em ở quê...hoặc mở một cuộc điều tra xã hội học ngay tại đây, thông qua lũ bạn cùng học thêm với em mà xem..."
- Thế là dẫu chẳng phải là củ cải, mình cũng phải nghe...gì chứ hoàn cảnh cậu mợ mình biết rõ quá, cậu là giáo viên tiểu học ở làng, ngoài giờ học, nhận ruộng, nhận đủ các mặt hàng làm thuê cho hợp tác xã, hy vọng mỗi tháng dôi thêm một xuất lương dạy học 1200 ngàn đồng nữa. Mợ mình trằn mình ra với đám ruộng khoán, đất hoa màu, phần trăm, nuôi lợn, gà, từ đầu đến cuối tháng cũng chỉ vẻn vẹn chừng ấy, mà từ hồi nó học lớp 11 tháng nào cũng phải nhặt nhạnh bòn mót từ thóc lúa đến rau, trứng, cua cá trong chuồng, ngoài vườn rồi. Riêng đợt thi đại học vừa rồi, mợ mình dốc bồ, vét chuồng, bán nửa tấn thóc được một triệu tám. Một con lợn choai choai đang độ lớn nặng gần nửa tạ được khoảng 2 triệu, lại cả đàn vịt đẻ 16 con để hai bố con có khoảng bốn, năm triệu đưa nhau lên Hà Nội luyện thi và đi thi...Lớ ngớ thế nào ông bố còn bị mất cắp hơn 900 ngàn đồng để ở túi áo ngực, mình cũng cám cảnh quá. May mà thi ba trường, đỗ được một trường, nếu không công sức tiền của cả năm trời của cậu mợ mình đi tong.
- Biết đâu đỗ thật lại càng lo hơn thì sao? Tôi cười cắt ngang lời giải thích dông dài của chị
- Đúng đấy,chị khẳng định, không đỗ thì buồn, còn đỗ lại lo méo mặt cho ra vài triệu bạc nhập trường, mua sách vở, hòm xiểng, áo quần, xe pháo
- Còn tiền ăn, tiền học, tiền thuê nhà ở hàng tháng nữa chứ, tôi nhắc?
- Tất nhiên, như tìm được người đồng cảm, tri kỷ, chị tiếp tục dòng chảy của mình:- Cứ gọi là thỏa mãn bần cố nông thôi...Cả ba khoản, bỏ rẻ cũng hết cả triệu như không. Cả nhà sáu người, cậu mợ, ông bà nội và hai đứa em nó lại tha hồ buộc bụng, treo niêu. Giá cả nhà quê, cậu biết không; 1000 đồng một mớ rau muống, ba trăm đồng một quả chanh, 80 ngàn một đôi vịt thịt, nuôi đằng đẵng ba bốn tháng trời, tốn bao nhiêu thóc mà bán rẻ như cho, chưa kể khoản: đội bão tháng bảy, đội mưa tháng ba, giọt mồ hôi sa, những trưa tháng sáu, nước như ai nấu chết cả cá cờ, cua ngoi lên bờ vẫn phải lặn lội xuống cấy để nhặt về bốn nghìn tám trăm đồng một cân thóc, mỗi cân không kể công trồng trọt, tưới tắm, cũng chỉ lãi vài trăm đồng, cả tạ thóc mới nổi 100.000 đồng tiền lãi...chị bảo bòn mót bao nhiêu cho đủ?
Rõ là cám cảnh thật - tôi gai cả người khi nghe chị đọc câu thơ trong bài "hạt gạo làng ta" vốn khá nổi tiếng ở Việt Nam, lòng thầm nghĩ: Đã chót sinh ra làm kiếp tôi đòi, hèn mạt, cả đời bị đảng hành, đảng lừa, đè đầu cưỡi cổ, bòn xương hút tuỷ, nên ngu hơn cả lừa. Đến con cua, con cáy cũng còn biết rút kinh nghiệm sau cái chết của đồng loại, phải ngoi lên bờ trong cảnh "nước như ai nấu, chết cả cá cờ", mà mẹ em vẫn xuống cấy thì quả là không hiểu nổi sự ngu si, đần độn của tác giả bài hát này. Ca ngợi Đảng vĩ đại thiên tài hay Đảng thật sự là tai hoạ, thiên tai với gần 70 triệu nông dân, thông qua hình ảnh cụ thể là "mẹ em" ?
Ngồi bên chị Hường chép miệng:
- Vẫn biết thân rùa đâu cũng là thân phận rùa, nhưng suốt đời è cổ, dốc sức ra mà cháu con được mang bảng vàng bia đá, phú quý trên lưng thì cũng đáng đằng này…toàn bằng đểu, bằng rởm, bằng dốt ấy chứ…
Như để kiểm chứng cho nhận định của mình, chị quay vào trong gọi với ra :
- Thằng Hoàng, thằng Tuấn đâu, ra cả đây. Khai thật ra, lên Hà Nội học mấy năm rồi, có thi lại môn nào không ?
Nhìn bộ dạng nửa nghiêm nghị, nửa khôi hài của bà chị họ, Hoàng - bạn Tuấn - sinh viên năm thứ ba đại học quốc gia toe toét:
- Ôi dào chị biết thừa còn gì ? Mác nhận định: Cách mạng là ngày hội của quần chúng, thì chúng em: Thi lại là ngày hội của sinh viên, có mấy đứa qua cả đâu ? Muốn qua thì phải học, phải nhồi, phải đào sâu, mở rộng, gầy người sút cân, óc nứt, mắt lồi, mặt teo tóp bằng bàn tay, tội gì mà học. Khi nào thi lại sẽ tính sau.
- Tính tính thế nào, Chị Hường dồn:
- Thì sử dụng phao bơi, nạng chống của thầy để vượt chướng ngại vật là điểm chuẩn trung bình ấy mà.. Thời buổi bây gìơ cứ "học tại chỗ, đỗ tại thầy" chị ạ, cứ yên tâm về nhà nghỉ, hết hè lên, mỗi đứa góp phong bì 50.000 đồng. Cả lớp 4, 50 cái phong bì như vậy rồi cử lớp trưởng đến nhà thầy xin bài mẫu là "ô kê… không chê tiền đâu". Ngay lúc ấy đã biết là a lê…đỗ, vì chả lẽ thầy lại đánh trượt bài giải của mình à? Có hoạ điên.
- Đúng là hậu sinh khả ...ố thật, tôi ngán ngẩm lắc đầu.
Nghe tôi nhận xét, chị Hường cười, hở đủ mười cái răng nhận định:
- Thì thời buổi loạn lạc, nhiễu nhương, văn hoá Đảng ngự trị hoành hành mà lại. Cứ đô la đi trước, mực thước theo sau, 3 triệu bạc một lớp là 200 USD, mươi, mười lăm lớp như vậy thầy bỏ túi 2000 USD, chả phải vụ bội thu của thầy là gì.
Thằng Tuấn cười hồn nhiên:
- Cháu còn nghe bọn bạn ở lớp học thêm đọc là:
Có đô sẽ đỗ ông nghè
Không đô chúng bạn cười chê mọi đường
Đến tiến sĩ còn biết dùng đô la để lân la xin chữ ký cho mảnh bằng của mình, làm gì các anh ấy chả biết cách gom tiền lại để "mua lấy thầy" theo khẩu hiệu của thời hiện đại :
Muốn tu thì phải đến chùa
Muốn con thi đỗ phải… mua lấy thầy.
Không khí trong nhà lặng đi, như để thay đổi đề tài, thằng Tuấn vui vẻ mách:
- Mà các anh ấy học thi theo kiểu tài tử lắm, khẩu hiệu của sinh viên tự đề ra cho mình là :
Ăn tranh thủ
Ngủ khẩn trương,
Học bình thường,
Yêu đương thoải mái …
- Thấy chưa? Chị phát mạnh vào vai tôi, chỉ chết các bậc phụ huynh ở nhà thôi chứ thế hệ hậu sinh bây giờ chúng nó có biết thương bố, thương mẹ đâu ? Ngày xưa chúng mình ấy à? Cứ bo bo, mì ép, bột mì, khoai tây luộc tiếp diễn, gang họng nuốt đến nghẹn cả cổ mà tối đến vẫn chong đèn sáng đêm. Mọi môn thi quy định có ba đến năm ngày, cả một tập giáo trình dày cộp, cứ lăn lê bò toài ra mà học, mà nhồi nhét. Chả thế thi được hết các môn thì người cũng bải hoải, thần kinh căng thẳng, rã rời, anh nào không may thi trượt thì cứ việc ngậm ngùi, mặc cảm, ôm chồng sách nặng khô như đá đến hết năm, đến hè mọi người về vãn cả rồi còn phải ở lại học, phải nhồi để thi lại cho xong mới được yên. Đúng là thua trời một vạn không bằng thua bạn một ly.
- Đúng đấy, tôi xác nhận: Hồi ấy ở bất cứ trường đại học nào cũng có câu sấm truyền bất hủ này: "Năm năm đại học còn gì là thân"… vì đã "ăn như nhà sư, ở như tội phạm rồi mà tụng kinh, gõ mõ, dùi mài kinh sử suốt năm.
- Ấy đấy, chị Hường chặn ngang. Bây gìơ câu sấm truyền bất hủ ấy phải nhường lại cho các bậc phụ huynh đáng kính...Nuôi được con ăn học trong năm năm đại học thì chả còn gì là thân thật, chỉ còn...da bọc xương thôi, chả biết trèo lên đài… khoả thân hoàn vũ lúc nào, chứ đất đai của dân bây gìơ, chính phủ cũng ăn ngấm ăn ngầm bằng hết, lấy đâu ra mà đòi địa táng ?
Cửa bật mở, chồng và hai con chị bước vào, thấy câu chuyện trao đổi của chúng tôi, anh gạt đi :
- Các bà phải bàn bạc đâu xa. Hai thằng nhóc nhà tôi đây này, thằng lớn đang học ở trường tiểu học Ngọc Lâm, mẹ nó cứ chê trường ngoại thành, ven đô lạc hậu, bao giờ bằng bạn bằng bè? Nằng nặc nhấc sang tận Hà Nội cơ. Riêng khoản đóng góp sơ sơ cũng triệu rưởi rồi. Thằng bé cũng vậy, chỉ thích vào lớp chọn, trường chuyên giữa lòng thủ đô - trái tim của cả nước, vì vậy bố mẹ lại è cổ ra đóng góp. Riêng tiền trái tuyến, xây dựng trường của cả hai đứa cũng hơn 3 triệu rồi. 400 nghìn tiền hai bộ sách giáo khoa, 480 nghìn bốn bộ đồng phục, chưa kể tiền bán trú, tiền lệ phí, học thêm ...Lại còn sáng nay dẫn hai cậu đi siêu thị sắm sanh cặp sách, quần áo, giày dếp mất hơn triệu bạc nữa. Tổng cộng chưa đầy nửa tháng trời, năm triệu bạc đi tong, trong khi hai vợ chồng cùng là công nhân nhà máy Diêm thống nhất, cả tháng cố kiết lắm được triệu tám, trên cơ sở đóng cổ phần, vợ 10 triệu, chồng 15 triệu chỉ để hưởng lương mỗi tháng vợ 800.000, chồng 1 triệu, mà phải theo ca, theo kíp, đi đêm, về hôm, bám máy, bám dây chuyền, bám ngày công, khốn khổ mới được hưởng xuất lương bố thí đấy, kêu lắm thì khổ mình, lại chuốc tiếng phản động, chống chế độ, còn thực chất, ai chả biết công nhân là chủ làm, còn lãnh đạo mới là chủ xơi, cũng như nhân dân cả nước vậy, chỉ è cổ ra làm nuôi béo bọn lãnh đạo trung ương, lãnh đạo địa phương thôi. Ngoài miệng chúng giao giảng vì dân, cho dân, nhưng thực tế là vì chúng nó, cho chúng nó, vì nếu cho dân và vì dân - vì số đông thật sự thì chúng lấy đâu ra mà cướp bóc, mà xâu xé, tham nhũng?
Sợ những lời bức xúc của chồng, bất lợi cho gia đình, chị Hường vội quay về với lô gic phụ nữ của mình, giảng giải:
- Riêng tiền nhà, tiền điện, chợ búa hàng tháng đã hết hơn 5 triệu rồi, cũng may nhà này có cậu em trai sang Đức rồi ở lì bên ấy, lấy vợ Đức, tháng tháng gửi về cho bố mẹ và chị 200 Euro, còn bên gia đình chồng có chú em làm công an chưa vợ, lương được 1 triệu 3 một tháng, chẳng đủ tiêu nhưng mánh mung, xoay xoả chộp giật "tăng xin giảm mua" tích cực cầm nhầm của cánh chủ hàng buôn gian bán lận, nhà hàng, doanh nghiệp nên sộp lắm, thỉnh thoảng lại dúi vào tay anh cả tập tiền để lo cho các cháu…Nếu không trông chờ vào các khoản tích cực phí và tiêu cực phí từ 2 bên gia đình nội, ngoại làm sao đủ tiền ăn tiêu, nộp học cho hai đứa?
Như không dễ dàng ngăn cơn xúc động đang chảy tràn trong đầu chị tiếp tục dòng chảy của mình:
- Chị cứ nhìn các gia đình trong khu tập thể này mà xem, nhà nào 4,5 tầng thiết kế kiểu Pháp, kiểu Nhật đều là của lãnh đạo, kế toán, thủ quỹ hoặc chạy vật tư cho công ty, nếu không , đều do con cái buôn thuốc tây, đi nước ngoài về tài trợ, còn chỉ là công nhân, lương ba cọc ba đồng thì ăn còn chẳng đủ lấy đâu ra tiền sửa chữa, cơi nới? Muốn lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn cũng đành để cái khó bó cái khôn, đơn giản vì 1,5 triệu lương của hai vợ chồng phải lo cho 4 người, mỗi ngày 50.000 bôi ra cả học, cả ăn cả ở, cả điện…làm sao đủ sống nửa tháng trời, làm gì chả nghèo, làm gì chả cực? Vì vậy đã chót hy sinh đời bố rồi, lại đành phải hy sinh đời con theo kiểu " Được chăng hay chớ" chứ sao. Muốn đầu tư cho con ăn học tử tế đúng nơi, đúng chỗ cũng phải biết nguồn tiền từ đâu chứ? Đồng lương vô lý xua đuổi bao nhiêu con người vào ngõ cụt, khiến tiêu cực bời bời phát sinh, trộm cắp không nuôi mà nhiều hơn dân lương thiện, nhà tù mọc lên san sát, bộn bề.
Để kết thúc câu chuyện dông dài của cả hai vợ chồng, anh chồng kết luận:
- Mới sinh viên đại học chữ to mà còn thế, huống hồ đại học chữ nhỏ, còn cao giá đến đâu ? Bố mẹ làm gì chả còng lưng, gầy mòn, càng ngày càng lùi sâu vào cái hố định mệnh mà tử thần đào sắn cho mình.
Riêng sách tham khảo cho học sinh lớp 1 cũng có tới hàng chục loại. Ảnh: Tiến Dũng
http://danchimviet.com/articles/543/2/Mi-nm-ht-he/TrangPage2.html
Chao ôi cái sự học bây giờ giữa thời buổi "tận thu" này quả là không đơn giản dễ dàng gì. Tôi bất giác nghĩ: " Căn cứ vào đâu, điều khoản nào mà nhà trường đề ra những khoản thu kếch xù thế? Đã đóng góp xây dựng trường cả triệu đồng rồi còn nộp vạ trái tuyến 1,5 triệu đồng nữa ? Trường sở năm nào chả vậy, chỉ tân trang, sửa chữa qua loa. Nếu có tu bổ xây dựng lớn đã có kinh phí của nhà nước - trên cơ sở thuế má của dân, rồi kêu gọi phụ huynh đóng góp theo kiểu "nhà nước và nhân dân cùng làm…"
Ngay cả đồng phục, sách giáo khoa, vở học, cặp sách, dép giày cũng vậy, mới lớp sáu như thằng lớn nhà anh chị đã mất 256000 đồng (2 bộ đồng phục) 196 nghìn đồng tiền sách, 150.000 đồng chiếc cặp may bằng vải bạt theo kiểu ba lô, 150.000 đồng một đôi dép (bitits), 100.000 đồng tiền vở và giấy bọc…Chưa kể các loại sách tham khảo, cần đọc, học thêm, nâng cao 7- 800 nghìn đồng nữa. Ông vụ trưởng vụ giáo giáo dục Vũ Xuân Hãn thống Kê: Nếu tính tổng cộng các đầu sách giáo khoa của 12 năm là 3.100 cuốn, trong đó ít nhất là sách tham khảo của lớp 1 là 54 cuốn, lớp 11 là 240 cuốn, lớp 12 và luyện thi đại học các khối gần 500 cuốn. Quả là kỷ lục(!) không kể trong 96 triệu bản sách in ra, còn phải in thêm 3 cuốn đính chính nữa vì sai qúa nhiều lỗi cả về kiến thức cũng như lỗi chính tả. Tất nhiên chuyện hy hữu này chỉ có Việt Nam, và cũng tất nhiên chỉ ở Việt Nam sự sai sót cũng như tội ác mới không bị trừng trị, mới được coi là chuyện bình thường, vì người được giao trọng trách là người của đảng, còn tiền để gây tội ác lại là tiền móc túi dân, nên cái ác không bao giờ bị trừng phạt. Cứ sai trái mặc thây, quyền thầy, thầy hưởng (2)
Ở Hà Nội và một vài thành phố lớn, cha mẹ còn chóng mặt vì tốc độ nhảy chồm chồm của bác (3) thì các tỉnh khác, với mức thu nhập rẻ mạt, phụ bạc từ ruộng đồng, cây cối, cả năm không nổi 4;500 USD - lấy đâu ra cả triệu bạc để mua sách vở, đồ dùng học tập cho con ? Hay tất cả những đồ dùng vật dụng trên chỉ là mặt hàng cao cấp, sa xỉ cho các công chúa, hoàng tử nơi phồn hoa đô hội ? Còn bọn trẻ làng, nơi bác không chịu "nhảy" vào tay bố mẹ chúng thì chỉ còn nước dài cổ ra mà ao ước, trông ngóng.
Mỗi năm hết hè lòng man mác buồn. Chả hiểu sao lời bài hát cứ ám ảnh tâm trí tôi mỗi khi năm học mới của… Đảng cộng sản bắt đầu.
Lỗi sách giáo khoa được in thành từng cuốn để gửi tới các trường. Ảnh: Tiến Dũng
http://danchimviet.com/articles/543/2/Mi-nm-ht-he/TrangPage2.html
---------------------------
(1) Nhại lời bài hát : Mỗi năm hết hè lòng man mác buồn. 90 ngày qua chứa chan tình thương, mùa hoa phượng cháy như máu con tim, mỗi lần hè sang kỷ niệm...giờ như nước trôi qua cầu ...
(2) Lời phát biểu của ông nguyễn minh Khang, phó tổng giám đốc nhà xuất bản giáo dục vào chiều ngày 26/8/2008. Xem vnexpress.net
(3) Ám chỉ tiền Việt Nam, theo câu ca thời hiện đại:
Bác nằm trong lăng
Giấc ngủ bình yên
Bác vào tay con
Bảy nhảy triền miên
© 2008 www.danchimviet.com
No comments:
Post a Comment