Wednesday, December 4, 2024

TỪ BUDAPEST MEMO ĐẾN HÒA BÌNH CHO UKRAINE : CÓ TRÁNH ĐƯỢC SAI LẦM? (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Từ Budapest Memo đến hòa bình cho Ukraine: Có tránh được sai lầm?

Hiếu Chân/Người Việt

December 3, 2024 : 7:12 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tu-budapest-memo-den-hoa-binh-cho-ukraine-co-tranh-duoc-sai-lam/ 

 

Về nguyên ủy, cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine có mầm mống từ một sai lầm ngoại giao cách đây tròn 30 năm, và có khả năng dẫn tới một sai lầm ngoại giao khác, không kém phần tệ hại, trong những ngày sắp tới.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/12/A1-Hoa-binh-cho-Ukraine-1536x1024.jpg

Ông Volodymyr Zelensky (trái), tổng thống Ukraine, và ông Donald Trump, lúc đó là ứng cử viên tổng thống năm 2024 của đảng Cộng Hòa, gặp nhau ở New York City hôm 27 Tháng Chín. (Hình minh họa: Alex Kent/Getty Images)

 

Budapest Memo

 

Vào 30 năm trước, Thứ Tư, 5 Tháng Mười Hai, 1994, tại Budapest, thủ đô nước Hungary, một thỏa thuận quan trọng về giải trừ vũ khí hạt nhân đã được ký kết giữa ba cường quốc Nga, Mỹ và Anh, với ba nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ vừa giành được độc lập là Ukraine, Belarus và Kazakhstan. Thỏa thuận có tên chính thức là “Bản Ghi Nhớ Budapest về Bảo Đảm An Ninh” (Budapest Memorandum of Security Assurances), thường được gọi tắt là Bản Ghi Nhớ Budapest hoặc Budapest Memo.

 

Theo Budapest Memo, ba nước Ukraine, Kazakhstan và Belarus đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân đang bố trí trên lãnh thổ của họ để gia nhập Hiệp Định Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân (Treaty on the Non-Proliferation of Nuclear Weapons – NPT); đổi lại ba cường quốc hạt nhân Nga, Mỹ và Anh long trọng cam kết sẽ không sử dụng võ lực, không đe dọa sử dụng võ lực hoặc cưỡng bức kinh tế chống lại sự độc lập chính trị của ba nước này. Budapest Memo cũng cam kết tôn trọng “toàn vẹn lãnh thổ” của ba quốc gia này trong đường biên giới hiện hữu.

 

Thời Liên Xô, Ukraine có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga; nhưng Kiev đồng ý “phi hạt nhân hóa” vì nghe lời ngon ngọt của các cường quốc. Cả Tổng Thống Bill Clinton, Phó Tổng Thống Al Gore và Bộ Trưởng Quốc Phòng William J. Perry đều lần lượt bay tới Kiev cuối năm 1993 đầu năm 1994 để thuyết phục Tổng Thống Ukraine Leonid M. Kravchuk chấp nhận các điều khoản của Budapest Memo. Một chi tiết thú vị là đại diện Hoa Kỳ ký vào Budapest Memo là Đại Sứ Donald Blinken, thân phụ của Ngoại Trưởng Antony Blinken trong chính quyền Biden hiện nay. Thực hiện cam kết, từ 1994 đến 1996, Ukraine đã chuyển toàn bộ kho vũ khí hạt nhân cho Nga dưới sự giám sát và hỗ trợ tài chính-kỹ thuật của Anh, Mỹ.

 

Thời gian đã chứng tỏ Budapest Memorandum là một sai lầm ngoại giao, nếu không nói là một thỏa thuận “ngu dốt” và “ngây thơ” trước dã tâm bành trướng lãnh thổ của Nga. Từ bỏ vũ khí hạt nhân, Ukraine trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng của viên cựu sĩ quan tình báo KGB Vladimir Putin. Ngày nay, các sử gia thường nói Budapest Memo giống như hiệp định Munich ký kết năm 1938 giữa phát xít Đức với Thủ Tướng Anh Neville Chamberlain nhằm xoa dịu Adolf Hitler mà không tránh khỏi Đệ Nhị Thế Chiến, hay hiệp ước Yalta năm 1945 chia đôi Châu Âu và đẩy thế giới vào Chiến Tranh Lạnh.

 

Năm 2014, Tổng Thống Putin xé bỏ Budapest Memo, xua quân thôn tính bán đảo Crimea của Ukraine và kích động người Nga ly khai khỏi chính quyền trung ương Kiev, lập ra cái gọi là hai nước cộng hòa tự trị Donetsk và Lugansk ở miền Đông Ukraine. Do không gặp phản ứng mạnh từ phía Mỹ và Anh – hai cường quốc đã bảo trợ và ký kết Budapest Memo, nên ông Putin thừa thắng xông lên; Tháng Hai, 2022, ông Putin dốc toàn lực xâm lược Ukraine, gây ra cuộc chiến tranh hiện nay với tham vọng khôi phục đế chế Nga xưa cũ. Với các nhà độc tài, mọi hiệp định, thỏa thuận đều chỉ là những thủ đoạn chính trị trong tham vọng của họ; chỉ có ngu dốt và ngây thơ thì mới tin vào chữ ký hoặc lời cam kết của những kẻ điên cuồng như ông Putin.

 

 

Kế hoạch hòa bình của Trump

 

Sự kiện 30 năm bản ghi nhớ Budapest diễn ra vào lúc cuộc xâm lược mang tính hủy diệt của Nga vào Ukraine đã kéo dài hơn 1,000 ngày và có triển vọng kết thúc, một phần do quyết tâm dàn xếp của chính quyền Donald Trump sắp nhậm chức, một phần do cả hai bên đã cạn kiệt sức lực và tài nguyên. Một hiệp định hòa bình cho cuộc chiến là mong mỏi của tất cả mọi người, nhưng nó sẽ như thế nào và liệu nó có tránh được những sai lầm trong quá khứ?

 

Ông Donald Trump, tổng thống đắc cử, cùng các cố vấn của ông như Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên về Nga và Ukraine, đang nỗ lực tìm một thỏa thuận đình chiến ở Ukraine, ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức ngày 20 Tháng Giêng, 2025. Tuy ông Trump chưa công bố chính thức kế hoạch của ông, nhưng các cố vấn hàng đầu của ông hé lộ Hoa Kỳ có thể sử dụng viện trợ vũ khí làm đòn bẩy, gây áp lực buộc hai bên ngồi vào bàn đàm phán và “đóng băng” cuộc chiến trong tình huống hiện tại, nghĩa là quân đội của hai bên ngừng bắn và giữ nguyên vị trí.

 

Tương lai của các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng – Nga hiện chiếm khoảng 70%-80% bốn tỉnh vùng Donbass của Ukraine, cùng với bán đảo Crimea, tổng cộng khoảng 20% diện tích lãnh thổ Ukraine; trong khi Ukraine cũng chiếm một phần tỉnh Kursk của Nga – sẽ được đàm phán.

 

Theo ý tưởng của ông JD Vance, phó tổng thống đắc cử, các vùng này có thể sẽ là vùng đệm giữa hai nước, có quy chế tự trị dưới sự kiểm soát của quốc tế nhưng chưa biết Nga có chấp nhận từ bỏ quyền kiểm soát các vùng mà họ đã sáp nhập vào Nga hay không.

 

 

Ukraine đầu hàng?

 

Cho đến nay, phản ứng của các bên có vẻ thuận lợi cho giải pháp của ông Trump dù đó là một thảm họa cho Ukraine.

 

“Đóng băng” cuộc chiến ở tình huống hiện tại là mong muốn của ông Putin. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” mà ông ta tin rằng chỉ diễn ra vài tuần lễ đã kéo dài gần ba năm với những tổn thất khủng khiếp về nhân mạng và tài nguyên, đẩy nước Nga tới bờ vực sụp đổ cả về quân sự lẫn kinh tế. Chiếm được 20% lãnh thổ Ukraine làm “chiến lợi phẩm,” ông Putin đã có thể tuyên bố “chiến thắng.”

 

Nhưng nhà độc tài Nga đòi nhiều hơn nữa. Các nguồn tin ngoại giao cho biết, để chấp nhận đình chiến, ông Putin đòi Hoa Kỳ và Liên Âu phải bãi bỏ cấm vận kinh tế, Ukraine phải từ bỏ kế hoạch gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), phải phi-phát-xít-hóa, thay đổi guồng máy lãnh đạo quốc gia và cam kết bảo vệ quyền lợi của các cộng đồng nói tiếng Nga.

Chưa thấy chính quyền ông Trump bình luận như thế nào về các đòi hỏi của ông Vladimir Putin, nhưng với người Ukraine, đòi hỏi như vậy chẳng khác nào buộc họ đầu hàng sau gần ba năm kiên cường chiến đấu chống xâm lược.

 

Nhưng người Ukraine đang ở thế khó. Sau hơn 1,000 ngày chiến đấu với một kẻ thù hung ác và tàn bạo, hàng trăm ngàn người thương vong, các đô thị bị tàn phá nặng nề, kinh tế kiệt quệ, người Ukraine đã thấm mệt. Chiếm lại đất đai, khôi phục đường biên giới năm 1991 được quốc tế công nhận là một giấc mơ hão huyền. Về đạo lý và pháp lý, vùng Donbass và bán đảo Crimea là của Ukraine nhưng Kiev không có đủ binh lính, vũ khí và đạn dược để giành lại; họ đành phải đổi lấy hòa bình để có điều kiện tái thiết, phát triển phần đất nước họ còn giữ được. Tin tức quốc tế cho thấy giới lãnh đạo Ukraine đã gác lại yêu cầu đòi đất để tập trung vào yêu cầu bảo đảm an ninh – điều mà họ đã được hứa hẹn trong Bản Ghi Nhớ Budapest 30 năm trước.

 

Thêm vào đó, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump chưa bao giờ xem việc giúp Ukraina giữ được toàn vẹn lãnh thổ là một nghĩa vụ của nước Mỹ mà Washington đã cam kết trong Budapest Memo. Chính ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, đã nhìn nhận “không có viện trợ quân sự của Mỹ thì Ukraine sẽ thua.” Ba điểm tựa quan trọng khác của Kiev là Anh, Pháp và Đức thì đang tê liệt vì những vấn đề chính trị nội bộ.

 

Hôm Thứ Hai, ngoại trưởng Ukraine nói “sự bảo đảm an ninh thật sự” cho Ukraine chỉ có khi nước này trở thành thành viên đầy đủ của NATO. Tổng Thống Zelensky cũng đã đưa yêu cầu NATO chính thức mời Ukraine gia nhập NATO ngay tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao NATO đang diễn ra tại Brussels, Bỉ, nhưng yêu cầu đó xem ra khó mà được đáp ứng. Chỉ khi vào NATO, Ukraine mới ngăn chặn được tham vọng bành trướng của ông Putin, mới giữ được an ninh và ổn định để tái thiết.

 

 

Thất bại ở Ukraine và tác động

 

Nếu Ukraine chấp nhận “đổi đất lấy hòa bình” mà an ninh của quốc gia của họ trong tương lai vẫn không được bảo đảm bằng tư cách thành viên đầy đủ của NATO thì đây lại là một sai lầm lịch sử nữa. Một hiệp định đình chiến nghiêng về lợi ích của Nga, cho phép ông Putin giữ lại những vùng lãnh thổ đã chiếm được cũng là một thất bại của Ukraine, của Hoa Kỳ và cộng đồng thế giới, biến thế giới thành đấu trường “mạnh được yếu thua,” “cá lớn nuốt cá bé,” tạo ra tiền lệ một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể tùy tiện xâm chiếm và nô dịch các quốc gia khác mà không ai ngăn cản được.

 

Cũng như Hitler năm 1938, ông Putin sẽ không dừng lại ở 20% lãnh thổ Ukraine đã chiếm được mà tham vọng của ông ta là gây bất ổn và thống trị Châu Âu, ít nhất là phần Châu Âu từng nằm trong đế quốc Cộng Sản Liên Xô. Ông Putin có thể hy vọng, người Ukraine mệt mỏi, thất vọng và căm giận Tây phương bỏ rơi họ, sẽ nhanh chóng chấp nhận sự cai trị của người Nga.

 

Một thất bại như vậy cũng tác động đến cả Châu Á xa xôi, làm cho các đối thủ của Hoa Kỳ thêm liều lĩnh, còn các đồng minh mất lòng tin ở Washington. Tại Bắc Kinh, ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, sẽ coi thất bại của Hoa Kỳ và NATO ở Ukraine như một bằng chứng cho sự xuống dốc của Tây phương và ông ta sẽ toan tính những cuộc chiến thâu tóm Đài Loan và Biển Đông, hoàn thành giấc mộng thống nhất Trung Quốc.

 

Song song với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn đạn đạo, ông Kim Jong Un, chủ tịch Bắc Hàn, đã gửi hàng chục ngàn binh sĩ đến Ukraine đánh thuê cho Nga, cũng là để rèn luyện trong thực chiến, chuẩn bị cho cuộc xâm lược Nam Hàn. Có vũ khí hạt nhân trong kho, có hiệp định phòng thủ chung với Nga chống lưng, chứng kiến sự thất bại của Ukraine, ông Kim Jong Un sẽ sớm liều lĩnh thực hiện tham vọng thâu tóm toàn bán đảo Triều Tiên vào ách thống trị tàn bạo của gia tộc họ Kim.

 

Nếu chiến tranh Nga-Ukraine kết thúc theo kế hoạch của Hoa Kỳ, ông Donald Trump sẽ có cơ may được giải Nobel Hòa Bình. Giống như năm 1973, ông Henry Kissinger và ông Lê Đức Thọ được trao giải này sau khi ký Hiệp Định Paris, chấm dứt chiến tranh.

 

Hiệp Định Paris cho phép quân Bắc Việt tiếp tục hiện diện ở miền Nam trong khi buộc quân đội Hoa Kỳ và đồng minh phải rút hết trong vòng 60 ngày, tạo điều kiện thuận lợi để Cộng Sản thôn tính miền Nam hai năm sau đó.

 

Ông Kissinger huênh hoang đã tìm thấy “hòa bình trong danh dự” nhưng thực tế chẳng có hòa bình mà cũng chẳng có danh dự, chỉ có một sai lầm lịch sử bi thảm mà người dân miền Nam tự do phải trả giá vô cùng đắt. Ukraine cũng có thể đi lại con đường của Việt Nam Cộng Hòa nếu họ chấp nhận một giải pháp mà phần thiệt thòi là quá rõ.

 

Chiến tranh Ukraine-Nga phải sớm kết thúc bằng một hiệp ước hòa bình. Nhưng một hiệp định tồi thì còn tệ hơn là không có hiệp định nào cả. [qd]

 

 

 





No comments:

Post a Comment