Wednesday, December 4, 2024

PHÁP : CHÍNH PHỦ TRƯỚC NGUY CƠ BẤT TÍN NHIỆM, ÁP LỰC LỚN HƠN ĐỐI VỚI TỔNG THỐNG MACRON (Anh Vũ / RFI)

 



Pháp: Chính phủ trước nguy cơ bất tín nhiệm, áp lực lớn hơn đối với tổng thống Macron

Anh Vũ  -  RFI

Đăng ngày: 03/12/2024 - 14:41

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20241203-ph%C3%A1p-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nguy-c%C6%A1-b%E1%BA%A5t-t%C3%ADn-nhi%E1%BB%87m-%C3%A1p-l%E1%BB%B1c-l%E1%BB%9Bn-h%C6%A1n-%C4%91%E1%BB%91i-v%E1%BB%9Bi-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-macron

 

Nước Pháp một lần nữa trở lại khủng hoảng chính trị. Với quyết định kích hoạt điều khoản 49.3 của Hiến Pháp để thông qua dự luật ngân sách An sinh Xã hội, chính phủ của thủ tướng Michel Barnier sẽ bị các đảng đối lập bỏ phiếu bất tín nhiệm. Kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ sẽ được đưa ra thảo luận ngày mai (04/12) trước khi tổ chức bỏ phiếu thông qua kiến nghị. Như vậy, sự tồn tại của chính phủ Barnier coi như chỉ tính bằng ngày.

 

HÌNH :

Thủ tướng Pháp Michel Barnier rời đi sau khi kích hoạt điều khoản 49.3 để thông qua dự luật ngân sách An sinh Xã hội 2025 (PLFSS) tại Hạ Viện ở Paris, Pháp, ngày 02/12/2024. REUTERS - Sarah Meyssonnier

 

Hôm qua, thủ tướng Michel Barnier đã kích hoạt 49.3 để cố gắng để thông qua ngân sách An sinh Xã hội không cần đến phiếu bầu của các dân biểu. Một quyết định có thể khiến ông bị bãi nhiệm ngay trong tuần này, vì cánh tả đã ngay lập tức nộp kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ, đồng thời phe cực hữu cũng tuyên bố sẽ bỏ phiếu thông qua kiến nghị, dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận vào ngày mai, thứ Tư, và sau đó sẽ được các dân biểu bỏ phiếu.

 

Nếu không có bất ngờ lớn nào, chính phủ Michel Barnier sẽ bị các dân biểu lật đổ trong nay mai. Và như vậy, nước Pháp rơi trở lại khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, kể từ khi tổng thống giải tán Quốc Hội và bổ nhiệm một thủ tướng cánh hữu trong bối cảnh chính giới Pháp bị chia phân hóa sâu sắc, không một liên minh nào có được đa số quá bán ở Quốc Hội.

 

Mặc dù là người được đánh giá có nhiều kinh nghiệm thương lượng, cuối cùng ông Michel Barnier đã không thể tìm được thỏa hiệp với đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc để thông qua các chính sách của chính phủ.

 

 

Ai sẽ thay thế Barnier?

 

Nhiệm vụ tiếp theo là của ông Emmanuel Macron. Tổng thống Pháp sẽ lại phải bổ nhiệm một người kế nhiệm thủ tướng trong vòng 90 ngày kể từ khi kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ được thông qua.

 

Tổng thống Emmanuel Macron đã phải mất gần hai tháng để chọn ông Michel Barnier làm thủ tướng với hy vọng đảm bảo một sự ổn định chính trị nhất định. Chính phủ Barnier bị đổ có nghĩa là ông sẽ phải làm lại từ đầu, đặc biệt trong bối cảnh ngân sách cho nước Pháp cực kỳ khẩn cấp. Hậu quả của sự sụp đổ của chính phủ có thể rất nghiêm trọng, không chỉ giới hạn ở chính trị mà còn đối với cả kinh tế, xã hội.

 

Nhiều câu hỏi được đặt ra lúc này, đầu tiên là ai sẽ thay thế Michel Barnier ? Liệu Emmanuel Macron có sẽ bổ nhiệm một nhân vật cánh tả ? Theo giới phân tích chính trị tại Pháp, trong tay ông Macronhiện không có nhiều lá bài. Bổ nhiệm lại Michel Barnier ? Hay chọn một nhân vật khác lửng lơ giữa cánh hữu và trung ? Hoặc chọn lại một trong những cái tên đã được thử đưa ra thăm dò hồi đầu tháng 9 vừa qua, như trường hợp của cựu thủ tướng Xã Hội Bernard Cazeneuve ?

 

Dù là lựa chọn nào thì cán cân lực lượng chính trị ở Quốc Hội sẽ vẫn không thay đổi. Chắc chắn không có một chính phủ của một ai có thể hội tụ được đa số, đủ để thông qua ngân sách cho năm 2025. Liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới thì luôn đòi để người của phe họ lên lãnh đạo chính phủ, nếu không sẽ lại dùng vũ khí kiến nghị bất tín nhiệm. Đảng cực hữu RN thì thường xuyên gây áp lực, cố nắn chính phủ theo đường lối của họ, nhằm chuẩn bị cho lịch trình dài hơi hơn là cuộc bầu cử tổng thống 2027.

 

 

Tổng thống phải từ chức?

 

So với việc bổ nhiệm thủ tướng lần trước, áp lực với tổng thống Macron lớn hơn nhiều khi mà các đảng đối lập tố cáo tổng thống là người đã gây ra bất ổn chính trị hiện nay. Bên cánh tả, cũng như cựu hữu và đôi khi cả ở cánh trung, đã bắt đầu có tiếng nói cho rằng tổng thống Emmanuel Macron từ chức là giải pháp duy nhất để giải tỏa cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay.

 

Nhà nghiên cứu chính trị Pháp Bruno Cautrès nhận định với AFP: Tình hình ngày càng phức tạp hơn với tổng thống, « ông không được phép nhầm lẫn một lần nữa. Nếu tổng thống chỉ định một thủ tướng rồi lại bị bỏ phiếu bất tín nhiệm, hay nếu ông giải tán Quốc Hội vào mùa hè tới rồi vẫn bị thất cử, tôi không biết làm thế nào ông có thể trụ được ».

 

---------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÁP - CHÍNH TRỊ

Pháp: Phe đối lập trình kiến nghị bất tín nhiệm, chính phủ Barnier trước nguy cơ bị đổ

 

 

 





No comments:

Post a Comment