Wednesday, November 27, 2024

TỪ VỤ KIỆN CÁO CỦA 'Mr. ĐÀM' (Trúc Phương / Người Việt)

 



Từ vụ kiện cáo của ‘Mr. Đàm’

Trúc Phương/Người Việt

November 25, 2024 : 6:03 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/tu-vu-kien-cao-cua-mr-dam/

 

Vụ kiện cáo của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, thường được giới showbiz và người hâm mộ trong nước gọi là “Mr. Đàm,” đang gây ồn ào. Bỏ qua chuyện thị phi của vụ việc, nhiều người lấy làm lạ là một sự việc ngoài ý muốn xảy ra tại một tư gia (gia đình ông Gerard Williams) – trong đó khách mời (Đàm Vĩnh Hưng) bị tai nạn – lại có thể trở thành yếu tố để lôi nhau ra pháp đình.

 

Chuyện thường ngày ở Mỹ

 

Ở Mỹ, chuyện kiện cáo như vậy là bình thường. Đến nhà người quen, bị chó của chủ nhà cắn: Kiện! Đi ngoài đường, bị thổi phạt nhưng cảnh sát có “thái độ côn đồ”: Kiện. Thậm chí, đang đi tập thể dục, bị vấp té do lề đường mấp mô: Kiện. Nói chung ở Mỹ, bạn kiện được tất, kể cả cái rễ cây!

 

Cách đây năm năm, tờ San Diego Union Tribune (ngày 14 Tháng Mười, 2019) cho biết, chính quyền thành phố San Diego (California) đã chấp nhận bồi thường $1.25 triệu cho một người Mỹ gốc Việt tên Van Nguyen vì những thiệt hại mà ông ta gánh chịu do tai nạn lúc đi xe đạp và vấp ngã “ngoài ý muốn”…

 

Tai nạn xảy ra với ông Van Nguyen vào Tháng Mười Một, 2016, khi ông đang đi xe đạp thì bị té ngã bởi lề đường hỏng, khiến ông bị hất văng khỏi xe và “bị ném vào không trung một cách dữ dội,” làm ông bị tổn thương hộp sọ, gãy răng và mặt mày bầm dập.

 

Sau ba năm kiện tụng, ông Van Nguyen không chỉ được thành phố bồi thường $1.25 triệu mà ông chủ căn nhà (tên Billy Jean Hart), nơi có rễ cây trồi lên làm hỏng lề đường, cũng phải bồi đền cho mình (số tiền không được công bố).

 

Đây không phải vụ “đi kiện cái lề đường” đầu tiên ở San Diego. Năm 2017, cư dân Clifford Brown đã được bồi thường $4.85 triệu trong một tai nạn gần tương tự ông Van Nguyen. Tháng Ba, 2018, chính quyền San Diego cũng trả $1 triệu cho vợ chồng Edward và Mary Jo Grubbs sau khi bà Mary Jo trượt té trên một lề đường mấp mô…

 

Ở Mỹ, bạn kiện được tất. Phỉ báng người khác, bị kiện. Giấu nhẹm thông tin, bị kiện. Gian lận kinh doanh, bị kiện… Tháng Chín, 2018, một số gia đình bị mất người thân trong vụ thảm sát bởi cựu quân nhân Devin P. Kelley đã kiện Không Quân Hoa Kỳ vì tội tắc trách, sau khi Không Quân thừa nhận họ không báo cáo hồ sơ gây án trong quá khứ của Devin cho các cơ quan hữu trách liên bang. Ngoài việc kiện Không Quân, người ta còn kiện cả chính quyền Austin (Texas), tội “vô trách nhiệm.” “Chính quyền chẳng làm gì cả – đúng nghĩa đen – để giải quyết vụ việc và giúp đỡ các gia đình (có người thân bị giết).”

 

Không chỉ ở Mỹ, tại những nước có nền tư pháp được xây dựng trên căn bản quyền lợi người dân, mọi công dân đều có thể đâm đơn kiện khi có những hậu quả nào đó ảnh hưởng đến mình. Cần nhắc lại, cách đây vài năm, công dân Jakarta (Indonesia) đã cùng ký tên kiện chính quyền trước tình trạng không khí ô nhiễm nghiêm trọng.

 

Ở đây không có chuyện chính quyền đổ thừa người dân “ăn dơ, ở bẩn,” không có thái độ biện bạch rằng thành phố ngày càng có nhiều phương tiện giao thông thì đương nhiên không khí phải ô nhiễm. Trong đơn kiện gửi lên Tòa Jakarta, người dân và giới hoạt động môi trường đã kiện tổng thống và chính quyền, yêu cầu họ xem xét lại luật kiểm soát môi trường và có giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ sức khỏe người dân.

 

Chuyện thường ngày (và quái đản) ở Việt Nam

 

Vài trường hợp trên cho thấy gần như tất cả mọi cá nhân, tổ chức và đặc biệt hệ thống chính quyền đều có liên đới ít nhiều và phải chịu một phần trách nhiệm trong những sự việc ảnh hưởng xã hội và đời sống người dân, đặc biệt nếu nguồn gốc sự việc có nguyên nhân từ một phần chính sách điều hành. Không mô hình chính quyền lý tưởng nào hoàn hảo đến mức có thể làm tất cả người dân hài lòng nhưng một chính quyền tôn trọng phục vụ lợi ích người dân thì phải lắng nghe và biết thực thi trách nhiệm.

 

Điều thường nghe về cái gọi “chống chế độ” hay “chống phá nhà nước” trước những chỉ trích người dân là một lập luận sai từ lý lẽ căn bản và không hề tồn tại ở các quốc gia dân chủ. Mọi nhà nước được bầu bằng lá phiếu dân chủ luôn đối mặt với sự lên án cua người dân nếu họ phủi tay trách nhiệm trước những sự kiện ảnh hưởng không chỉ một cá nhân mà nhiều người, không chỉ một trường hợp đơn lẻ mà nhiều vụ tương tự lặp đi lặp lại, không chỉ đối với một khu vực cá biệt mà nhiều vùng miền đất nước.

 

Chuyện kiện cáo chính quyền ở Việt Nam luôn là điều “hoang tưởng.” Trong khi có nơi phải bồi thường người dân cả triệu đôla chỉ vì cái vỉa hè nhưng ở Việt Nam thì người ta luôn tìm cách thoái thác trách nhiệm, trong gần như tất cả vụ việc từ nhỏ đến lớn. Không người dân nào có quyền quy hoạch đô thị cũng như thiết kế hạ tầng giao thông nhưng kẹt xe hoặc ngập đường không bao giờ là trách nhiệm của chính quyền.

 

Không người dân nào được phép “trồng” cột điện hoặc đào hố ga nhưng dù xảy ra vô số cái chết bởi điện giật và té hố ga nhưng vấn đề ai chịu trách nhiệm luôn được đẩy từ chỗ này sang chỗ kia cho đến khi sự việc chìm vào quên lãng. Việt Nam có hàng chục tổ chức chính quyền và đoàn thể liên quan bảo vệ phụ nữ và trẻ em nhưng tình trạng cưỡng hiếp trẻ em chưa bao giờ kinh khủng bằng giai đoạn này.

 

Giải pháp cho việc đối mặt trách nhiệm, với chính quyền Việt Nam, không phải là chấp nhận thử thách việc “xử lý” sao cho người dân có thể hài lòng mà là làm thế nào để yếu tố trách nhiệm ít được đặt vai mình càng nhiều càng tốt. Cách thức xử lý khủng hoảng thông tin trong những sự việc nghiêm trọng, với chính quyền và hệ thống truyền thông thuộc sự kiểm soát chính quyền, là tìm cách dồn “nguyên nhân” và “hậu quả” về phía người dân.

 

Nói chung, người dân Việt Nam là nạn nhân trên một đất nước được điều hành bởi một chính quyền vô trách nhiệm hoặc rất “tài” trong việc thoái thác và trốn tránh trách nhiệm.

 

Bồi thường dân chỉ vì một cái vỉa hè không chỉ cho thấy hệ thống luật pháp đất nước đó được xây dựng chặt chẽ như thế nào mà còn cho thấy chính quyền họ không ảo tưởng về vai trò và trách nhiệm để trở thành nơi được người dân tin cậy hơn là chỗ để người dân trút lên phẫn uất. Điều đáng chú ý nhất là có không ít “trí thức” trong nước luôn cố nói rằng “không nên cái gì cũng chửi chính quyền.”

 

Ở Mỹ, chuyện “cái gì cũng chửi chính quyền” xảy ra như cơm bữa. Không chỉ chuyện người dân kiện chính quyền mà chính quyền tiểu bang có thể kiện chính quyền liên bang và ngược lại.

 

Tháng Mười, 2024, bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Texas, ông Ken Paxton, đã kiện chính quyền Tổng Thống Joe Biden, cáo buộc rằng chính quyền liên bang không trợ giúp đủ trong việc đánh giá tình trạng công dân của một số cử tri. Ở Việt Nam, đừng có mơ việc chính quyền tỉnh kiện trung ương hoặc chính quyền quận kiện chính quyền thành phố. Còn lâu mới có chuyện Cần Thơ kiện trung ương hoặc Thủ Đức kiện “chính quyền TP.HCM.”

 

Tháng Tư, 2024, loạt tổ chức môi trường Nam Hàn và giới hoạt động bảo vệ môi trường đã cùng đứng đơn kiện chính quyền trung ương vì “không giải quyết hiệu quả vấn đề biến đổi khí hậu” và như thế là “vi phạm quyền con người của công dân.” Các nguyên đơn lập luận rằng mục tiêu giảm phát thải carbon 40% vào năm 2030 so với mức năm 2018 là không đủ; và điều này sẽ dẫn đến biến đổi khí hậu thảm khốc và vi phạm các quyền hiến định của họ.

 

Người ta nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là… vấn đề nhân quyền và do đó chính phủ có nghĩa vụ phải bảo vệ công dân. Người ta nhắc rằng Điều 35 của Hiến Pháp có đề cập đến quyền được sống trong môi trường lành mạnh của công dân.

 

Ở Việt Nam, liệu hồn mà đi kiện tương tự! Cũng vì lên tiếng cho môi trường mà nhà hoạt động Hoàng Thị Minh Hồng, sáng lập viên tổ chức CHANGE, đã bị bắt và bị xử ba năm tù (bà Hồng được thả vào Tháng Chín, 2024).

 

Kiện cái… lỗ mũi!

 

Ở Việt Nam, “tử vong tại chỗ vì cột điện đổ trúng người” thì ráng chịu, đừng có dại dột đi kiện. Mà kiện ai? Tháng Chín, 2024, báo chí trong nước đăng tin: “Xe đạp điện sụp ổ gà đoạn đường ngập nước, bé gái bị xe đầu kéo cán tử vong” (chuyện xảy ra ở Tân Uyên, Bình Dương). Trách nhiệm của ai đây? Vài ngày trước đó, báo chí cho biết “một người bị xe container cán tử vong do sụp ổ voi trên con đường tử thần” (chuyện xảy ra ở Thuận An, Bình Dương).

 

Cần nhấn mạnh, khi thuật lại hằng hà sa số vụ việc tương tự, báo chí chỉ “đưa tin,” cấm “bình luận,” cấm không được đề cập vấn đề trách nhiệm chính quyền. Thử search Google “Thủ tục kiện chính quyền,” chẳng có kết quả nào cả, hoàn toàn không có thông tin nào “hướng dẫn” người dân kiện chính quyền.

 

Ngay cả trường hợp Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ này (đáng lý) hoàn toàn có thể kiện chính quyền tội phạt đương sự 27.5 triệu đồng vì “có hành vi vi phạm hành chính,” khi “biểu diễn nghệ thuật sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội.” “Tội” của Mr. Đàm là đeo một huy hiệu giống “Biệt Công Bội Tinh” của Việt Nam Cộng Hòa.

 

Người dân ở quận 7, Sài Gòn, nơi được xem là “khu nhà giàu,” lâu nay sống trong tình trạng ô nhiễm vô cùng nghiêm trọng bởi mùi thối kinh hoàng từ bãi rác Đa Phước. Cả chục năm nay như thế rồi. Đơn “thỉnh cầu xem xét” đã gửi khắp “các ban ngành và tổ chức.” Thế nhưng chẳng ai “xử lý” cả. Không sống nổi thì dọn chỗ khác đi, kiện cáo gì ai. Chẳng lẽ kiện cái… lỗ mũi!








No comments:

Post a Comment