Thursday, November 21, 2024

TRUNG QUỐC NÊN LO LẮNG VỀ TRIỀU TIÊN (Lee Hee-ok và Cho Sungmin  -  Foreign Affairs)

 



Trung Quốc nên lo lắng về Triều Tiên

Lee Hee-ok và Cho Sungmin  -  Foreign Affairs  

Nguyễn Thị Kim Phụng, biên dịch

20/11/2024

 https://nghiencuuquocte.org/2024/11/20/trung-quoc-nen-lo-lang-ve-trieu-tien/

 

Làm thế nào để biến Bắc Kinh thành đối tác trong việc kiềm chế Bình Nhưỡng?

 

Tháng trước, Nhà Trắng xác nhận rằng Triều Tiên – một quốc gia có ít đồng minh và ít tiền – đã bắt đầu gửi hàng nghìn binh lính tham gia cùng lính Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine. Trước đó, Bình Nhưỡng đã cung cấp vũ khí cho Moscow: theo tờ Times of London, một nửa số đạn pháo mà Nga sử dụng trong cuộc chiến này đến từ Triều Tiên. Nhưng việc gửi quân đánh dấu một cấp độ phối hợp mới. Cũng có những dấu hiệu khác cho thấy quan hệ đang ấm lên. Vào tháng 6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến đi đầu tiên tới Triều Tiên sau hơn hai thập niên.

 

Sự gần gũi đó đã làm Trung Quốc, nước hậu thuẫn chính của Triều Tiên, khó chịu. Các quan chức Trung Quốc lo ngại rằng ảnh hưởng của Nga đối với chế độ độc tài biệt lập này đang gây thiệt hại cho Trung Quốc. Họ cũng lo ngại rằng Mỹ và các đồng minh ở châu Âu và châu Á sẽ tăng cường hợp tác quân sự để đáp trả sự gần gũi mới giữa Nga và Triều Tiên. Trong năm qua, Bắc Kinh đã phản ứng với sự hợp tác của Bình Nhưỡng với Moscow bằng cách công khai ve vãn các đối thủ của Triều Tiên. Chẳng hạn, vào tháng 5, Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị thượng đỉnh ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản sau năm năm gián đoạn. Ngoài ra, vào cùng ngày Putin đến thăm Bình Nhưỡng, các quan chức Trung Quốc và Hàn Quốc đã tổ chức một cuộc đối thoại an ninh tại Seoul – cuộc họp đầu tiên như vậy sau chín năm.

 

Căng thẳng tiềm tàng giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã làm nhiều nhà phân tích an ninh phương Tây thích thú, những người cho rằng Mỹ và các đồng minh nên cố gắng gây chia rẽ giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, một nỗ lực như vậy sẽ là vô ích. Bất chấp những dấu hiệu căng thẳng giữa hai nước, Triều Tiên vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc. Ví dụ, gần như toàn bộ hoạt động thương mại của nước này là với Trung Quốc. Hai nước không phải lúc nào cũng có cùng quan điểm trong suốt 75 năm qua, nhưng quan hệ của họ chưa bao giờ tiến gần đến bờ vực tan vỡ. Thay vì tập trung vào những gì có thể chia rẽ Triều Tiên khỏi Trung Quốc, Mỹ nên hợp tác với chính phủ Trung Quốc để kiềm chế hành vi bất ổn của Triều Tiên. Cả Mỹ và Trung Quốc cuối cùng đều có lợi ích trong việc duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Hợp tác cùng nhau để kiềm chế chế độ Triều Tiên là cách tốt nhất để đạt được điều đó.

 

 

QUAN HỆ BẠN-THÙ

 

Dù ngày nay người ta thường tưởng tượng Triều Tiên giống như một chư hầu của Trung Quốc, nhưng thực tế, nước này không phải là chư hầu của Trung Quốc và từ lâu đã tìm cách đạt được mức độ tự chủ lớn trong chính sách đối ngoại của mình. Quan hệ giữa hai nước đã trải qua nhiều khoảnh khắc căng thẳng. Tháng 8/1956, Kim Il Sung, nhà cai trị Triều Tiên và là ông nội của nhà lãnh đạo hiện tại, đã nổi giận vì sự can dự của Trung Quốc và Liên Xô trong một nỗ lực đảo chính chống lại ông và nổi giận trước những nỗ lực sau đó của Trung Quốc và Liên Xô nhằm ngăn cản ông thanh trừng những quan chức mà ông tin là có liên quan đến âm mưu này. Trong giai đoạn Cách mạng Văn hóa vào những năm 1960, Hồng Vệ Binh Trung Quốc đã gọi Kim là “kẻ độc tài phản cách mạng.” Việc Trung Quốc dung túng cho những lời chỉ trích công khai chống lại lãnh đạo Triều Tiên đã gây thêm căng thẳng cho quan hệ giữa hai chính phủ. Khi đó, Bình Nhưỡng cũng khiến Bắc Kinh và Moscow chống lại nhau. Trong quá trình Trung Quốc và Mỹ xích lại gần nhau vào những năm 1970 (sau khi Trung Quốc và Liên Xô chia rẽ), Triều Tiên đã tiếp đón các tàu hải quân Liên Xô tại các cảng của mình và cho phép máy bay chiến đấu của Liên Xô bay vào không phận Triều Tiên. Suốt những năm 1980, để đáp lại việc Triều Tiên nghiêng về phía Nga, Trung Quốc đã tăng cường các quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc.

 

Quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã chạm đáy vào năm 1992, khi Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc trái với mong muốn của Kim. Trung Quốc tiếp tục khiến Triều Tiên tức giận khi tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng vào năm 2006. Về phần mình, Bình Nhưỡng thường hành động mà không tham khảo ý kiến Bắc Kinh trong các vấn đề có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh của Trung Quốc. Năm 2006, sau vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên, Bắc Kinh cáo buộc Bình Nhưỡng đã hành động “trơ trẽn,” một thuật ngữ hiếm khi được sử dụng trong các tuyên bố chính thức của Trung Quốc. Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã vi phạm một hiệp ước giữa hai nước, trong đó yêu cầu họ phải “tham vấn với nhau về mọi vấn đề quốc tế quan trọng vì lợi ích chung.” Năm 2017, trong thời điểm căng thẳng lớn giữa Triều Tiên và chính quyền Trump đầu tiên, Bắc Kinh đã công khai chỉ trích Bình Nhưỡng. Một bài xã luận trên Thời báo Hoàn cầu, một tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành, lập luận rằng “Việc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân… gây tổn hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Trung Quốc” và do đó vi phạm hiệp ước giữa hai bên.

 

Trong năm qua, đã có những dấu hiệu cho thấy quan hệ Trung-Triều lại bước vào một giai đoạn khó khăn khác. Ngoài việc gửi quân hỗ trợ cho Nga, Triều Tiên còn bày tỏ sự thất vọng với Trung Quốc về những gì họ cho là thiếu hỗ trợ ngoại giao và kinh tế. Chẳng hạn, vào năm 2023, tại lễ kỷ niệm 70 năm ngày đình chiến Chiến tranh Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã dành sự chú ý đáng kể cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga hơn là phái viên Trung Quốc. Sang tháng 7/2024, Triều Tiên đã ngừng phát sóng chương trình truyền hình nhà nước từ vệ tinh Trung Quốc và chuyển sang sử dụng vệ tinh của Nga. Và chỉ mới tháng trước, khi Kim và nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình trao đổi thông điệp đánh dấu kỷ niệm 75 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Kim đã bỏ qua các từ ngữ xã giao truyền thống, bao gồm “kính gửi” và “lãnh đạo đáng kính,” và các thuật ngữ thể hiện liên kết khăng khít giữa hai nước, chẳng hạn như “chủ nghĩa xã hội xương máu,” trong các thông điệp gửi Bắc Kinh. Những thay đổi tinh tế về mặt biểu tượng và ngôn từ này cho thấy Triều Tiên không hề hài lòng với Trung Quốc.

 

Trong khi đó, Trung Quốc đã sử dụng các chính sách kinh tế để bày tỏ sự thất vọng của mình với Triều Tiên vì sự liên kết hiện tại của nước này với Nga và vì nước này đã từ chối tham vấn với Trung Quốc trước khi có hành động khiêu khích quân sự, chẳng hạn như thử vũ khí. Trong năm qua, Bắc Kinh đã trấn áp nạn buôn lậu của Triều Tiên, hạn chế việc bán hải sản của Triều Tiên tại Trung Quốc và ngăn cản các tàu thuyền Trung Quốc đánh bắt cá bất hợp pháp ở vùng biển Triều Tiên. (Ngư dân Trung Quốc từng trả tiền cho Bình Nhưỡng để được hưởng đặc quyền này, và Bắc Kinh đã nhắm mắt làm ngơ.) Theo tờ Korea Times, vào tháng 7/2024, Bắc Kinh đã yêu cầu Bình Nhưỡng triệu hồi các công nhân Triều Tiên tại Trung Quốc – lên tới hàng chục nghìn người – để Trung Quốc có thể tuân thủ Nghị quyết 2937 của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, trong đó kêu gọi hồi hương lao động Triều Tiên. Động thái này theo đó tiếp tục cắt đứt nguồn ngoại tệ mà Triều Tiên đang rất cần.

 

Những hình phạt này đã giáng một đòn mạnh vì nền kinh tế Triều Tiên đã gánh chịu căng thẳng nghiêm trọng do lệnh trừng phạt quốc tế, đại dịch COVID-19, và quản lý kinh tế yếu kém. Từ năm 2016 đến năm 2022, xuất khẩu của nước này đã giảm 94% và nhập khẩu giảm 61%. Triều Tiên cần mọi sự giúp đỡ có thể, nhưng Trung Quốc lại làm ngược lại: tăng cường lệnh trừng phạt. Vì không chắc chắn về ý định của Trung Quốc, Triều Tiên đã chuyển sang Nga để hợp tác kinh tế, ngoại giao, và quân sự.

 

Thông qua các biện pháp trừng phạt này, Trung Quốc không chỉ cố gắng trừng phạt Bình Nhưỡng vì đã xích lại với Nga; mà còn tìm cách lấy lòng Mỹ và Châu Âu. Kể từ hội nghị thượng đỉnh giữa Tập và Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 11/2023, Bắc Kinh dường như đã quyết tâm ổn định quan hệ Mỹ-Trung, để vẫn có thể thu hút đầu tư nước ngoài từ các nước phương Tây và duy trì quan hệ thương mại chặt chẽ với họ. Trong bối cảnh này, thái độ hiếu chiến của Triều Tiên đối với Hàn Quốc và Nhật Bản cùng sự hỗ trợ quân sự của nước này đối với Nga đã trở thành gánh nặng cho quan hệ hợp tác của Trung Quốc với phương Tây, bởi Mỹ và Châu Âu xem Trung Quốc là nước bảo trợ của Triều Tiên, và do đó, họ phải chịu một phần trách nhiệm cho hành vi của Bình Nhưỡng.

 

 

MỘT NGƯỜI HÀNG XÓM THIẾU THỐN

 

Một số học giả phương Tây cho rằng căng thẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã tạo cơ hội cho Mỹ và các đồng minh đẩy hai nước ra xa nhau. Tuy nhiên, đó là một suy nghĩ viển vông. Bất chấp những lúc bất hòa, quan hệ giữa Triều Tiên và Trung Quốc vẫn bền chặt. Triều Tiên đã phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc để tồn tại kể từ khi Liên Xô sụp đổ và ngày càng phụ thuộc hơn vào Bắc Kinh sau khi Liên Hiệp Quốc tăng cường lệnh trừng phạt đối với chương trình hạt nhân của Triều Tiên vào năm 2017. Trung Quốc thực sự đã trở thành huyết mạch cứu sống Triều Tiên, cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, quần áo, phân bón, máy móc, và vật liệu xây dựng – gần như mọi thứ để duy trì cuộc sống hàng ngày của người dân Triều Tiên và các ngành công nghiệp của nước này. Từ năm 1994 đến năm 2023, thâm hụt thương mại tích lũy của Triều Tiên với Trung Quốc đạt hơn 20 tỷ đô la. Tuy hiệp ước năm 2024 của Triều Tiên với Nga đã mở rộng thương mại giữa hai nước, nhưng không đủ để làm giảm đòn bẩy của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng theo cách có ý nghĩa. Vào năm 2023, Trung Quốc vẫn chiếm 98% khối lượng thương mại chính thức của Triều Tiên.

 

Khi căng thẳng gia tăng, hai nước đã nhanh chóng hàn gắn rạn nứt. Ví dụ, Tập không gặp Kim một lần nào trong giai đoạn 2012-2017, nhưng đã gặp ông đến năm lần trong giai đoạn 2018-2019, sau khi hội nghị thượng đỉnh giữa Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump được công bố (mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh). Trung Quốc vẫn duy trì đòn bẩy rất lớn đối với nước láng giềng, nhưng họ vẫn kiềm chế không hành động cứng rắn để không đẩy Triều Tiên vào vòng tay của Nga hoặc thậm chí là Mỹ. Khi Trung Quốc tham gia lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc đối với Triều Tiên vào năm 2006 – để đáp trả vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên – Bình Nhưỡng đã phản ứng bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Washington mà không có sự chấp thuận của Bắc Kinh. Kể từ đó, Trung Quốc đã nỗ lực tránh bị bỏ qua bằng cách duy trì các kênh liên lạc chặt chẽ với Bình Nhưỡng. Trung Quốc cũng lo ngại rằng việc gây áp lực lên Triều Tiên, đất nước vốn đã căng thẳng vì khủng hoảng kinh tế, có thể đẩy chế độ Kim đến bờ vực sụp đổ. Ngay cả giới lãnh đạo Trung Quốc cũng không chắc chắn về việc Bình Nhưỡng sẽ hành động như thế nào nếu bị dồn vào chân tường. Trong trường hợp xấu nhất, Bình Nhưỡng có thể dùng đến biện pháp tấn công Hàn Quốc nhằm cố tình tạo ra một cuộc khủng hoảng bên ngoài, buộc Trung Quốc phải can thiệp thay mặt cho Triều Tiên. Do đó, Bắc Kinh phải đánh giá cẩn trọng các rủi ro, trong khi cân nhắc mức độ có thể gây sức ép lên Triều Tiên.

 

Trong kỷ nguyên cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung hiện nay, giá trị của Triều Tiên đối với Trung Quốc vượt ra ngoài vai trò là vùng đệm giữa các lực lượng Trung Quốc và Mỹ. Theo quan điểm của Bắc Kinh, trong một cuộc xung đột với Mỹ về Đài Loan, việc duy trì quan hệ chặt chẽ với Triều Tiên là có lợi vì Bình Nhưỡng có thể giúp trói chân quân đội Mỹ trong khu vực bằng cách để ngỏ khả năng xảy ra một cuộc chiến khác. Nhưng vẫn chưa chắc chắn liệu Bắc Kinh có phối hợp với Triều Tiên trước khi có hành động quân sự chống lại Đài Loan hay không, hoặc liệu họ có muốn một phối hợp như vậy ngay từ đầu hay không, nếu nó có thể dẫn đến xung đột lan rộng từ Eo biển Đài Loan đến Bán đảo Triều Tiên.

 

 

CỤ THỂ HƠN

 

Cũng dễ hiểu tại sao các chiến lược gia Trung Quốc lại cảnh giác với những nỗ lực của các nước phương Tây nhằm khai thác căng thẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Tháng 7/2024, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã cáo buộc báo chí Hàn Quốc lan truyền “tin đồn vô căn cứ” về rạn nứt trong quan hệ Trung-Triều, đồng thời tái khẳng định quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Để phản ứng với quan hệ ngày càng gia tăng của Triều Tiên với Nga, Mỹ và các đồng minh ở Đông Á có thể tăng cường hợp tác quân sự của họ – điều mà Trung Quốc coi là mối đe dọa đối với an ninh của chính nước này. Trong kịch bản này, bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ nhằm khai thác căng thẳng giữa Trung Quốc và Triều Tiên đều có thể phản tác dụng. Bắc Kinh càng tin rằng Mỹ đang cố gắng làm suy yếu ảnh hưởng của Trung Quốc bằng cách gây chia rẽ giữa Trung Quốc và Triều Tiên, thì Triều Tiên càng trở nên có giá trị đối với Trung Quốc – và đó có lẽ chính là tính toán của Bình Nhưỡng.

 

Để tránh một kết cục như vậy, Mỹ và các đồng minh nên tập trung vào việc xác định những lợi ích chung với Trung Quốc: cụ thể là ngăn chiến tranh bùng nổ trên Bán đảo Triều Tiên. Việc mong đợi Bắc Kinh thực hiện các biện pháp cực đoan, chẳng hạn như đình chỉ nguồn cung dầu hoặc viện trợ nhân đạo cho Triều Tiên, là không thực tế. Thay vì đẩy Trung Quốc và Triều Tiên ra xa nhau, Washington nên cố gắng tận dụng sức mạnh của Bắc Kinh đối với Bình Nhưỡng bằng cách thúc giục Trung Quốc truyền đạt rõ ràng hai lằn ranh đỏ cho đối tác của mình. Đầu tiên, Triều Tiên phải kiềm chế không tấn công trực tiếp vào người và tài sản của Hàn Quốc, như đã làm trong vụ tấn công ngư lôi Cheonan năm 2010 và vụ pháo kích Đảo Yeonpyeong. Kể từ những sự cố này, học thuyết quân sự của Hàn Quốc đã trở nên hung hăng hơn rất nhiều. Bất kỳ cuộc tấn công nào của Triều Tiên, ngay cả ở quy mô hạn chế, cũng sẽ kích hoạt hành động trả đũa của Hàn Quốc và có thể leo thang thành chiến tranh toàn diện. Thứ hai, Triều Tiên phải tránh tiến hành vụ thử hạt nhân thứ bảy. Vụ thử thứ bảy này nhiều khả năng hướng đến việc phát triển vũ khí hạt nhân có sức công phá nhỏ và dễ triển khai hơn. Một cuộc thử nghiệm như vậy sẽ là dấu hiệu cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bình Nhưỡng đang suy yếu, và có thể thúc đẩy Seoul cố gắng sở hữu vũ khí hạt nhân của riêng mình – một quan điểm mà cả Hàn Quốc và Mỹ đều chính thức phản đối, nhưng đang được các nhóm chính sách phương Tây ủng hộ.

 

Những nỗ lực của Mỹ nhằm gây chia rẽ giữa Trung Quốc và Triều Tiên có thể phản tác dụng và sẽ củng cố liên minh giữa hai nước này. Để đảm bảo sự hợp tác có ý nghĩa từ Trung Quốc, sẽ hiệu quả hơn nếu Washington giữ các yêu cầu của mình cụ thể, thực tế, và hướng đến việc đạt được các lợi ích chung. Một cách tiếp cận tập trung hơn có thể mang lại kết quả tốt hơn.

 

--------------------------------

Lee Hee-ok là Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Sungkyun và là Giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Sungkyunkwan.

Cho Sungmin là Phó giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc Sungkyun và là nghiên cứu viên không thường trú tại Trung tâm phân tích Trung Quốc của Hiệp hội Châu Á.

 

Nguồn: Lee Hee-ok và Cho Sungmin, “China Should Be Worried About North Korea,” Foreign Affairs, 12/11/2024

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment