Saturday, November 23, 2024

TRUMP và DÂN CHỦ HÓA VIỆT NAM (Hiếu Chân / Người Việt)

 



Trump và dân chủ hóa Việt Nam

Hiếu Chân/Người Việt

November 22, 2024 : 9:02 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/trump-va-dan-chu-hoa-viet-nam/

 

Sự kiện lịch sử ông Donald Trump trở lại đỉnh cao quyền lực có tác động đến mọi lĩnh vực, không chỉ của nước Mỹ mà của toàn thế giới. Với những người Việt Nam ưu tư về vận nước, có một câu hỏi khó trả lời: Liệu ông Trump sẽ là một thuận lợi hay một trở lực cho cuộc đấu tranh dân chủ hóa ở Việt Nam?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/A1-Trum-dan-chu-hoa-Viet-1536x1022.jpg

Tổng Thống Donald Trump trong lần đến Hà Nội, Việt Nam, ngày 28 Tháng Hai, 2019. (Hình: Saul Loeb/AFP via Getty Images)

 

Trả lời câu hỏi này không dễ.

 

Trong cuộc bầu cử ngày 5 Tháng Mười Một vừa qua, số người Việt Nam ủng hộ ứng cử viên đảng Cộng Hòa Donald Trump có tỷ lệ cao nhất thế giới. Theo khảo sát của tuần báo The Economist có đến 73% số người Việt được hỏi ý kiến nói họ muốn thấy ông Trump tái đắc cử, trong khi ở các nước Á Châu khác tỷ lệ ủng hộ ông Trump luôn dưới 30%, thấp nhất là ở Nam Hàn với 17%. Những cuộc “bỏ phiếu ảo” trên các tờ báo Việt Nam như báo Tuổi Trẻ, VNExpress cũng ghi nhận có tới 75%-80% độc giả ủng hộ ông Trump.

 

Chúng tôi nghĩ có hai lý do giải thích hiện tượng này. Một là, người Việt tin rằng ông Trump chống Trung Quốc, mà chế độ cộng sản Trung Quốc bị dẹp bỏ thì Việt Nam mới có cơ may “thoát Trung” “thoát Cộng” và trở thành nước dân chủ. Hai là, quan hệ mật thiết giữa Mỹ với nước Việt Nam Cộng Sản suốt mấy chục năm qua chẳng những đã không làm cho đất nước dân chủ hơn mà ngược lại ngày càng lún sâu vào vũng lầy toàn trị, các quyền tự do căn bản của người dân bị tước đoạt và xã hội ngày càng ngột ngạt trong guồng máy công an trị. Thất vọng với hiện trạng, người ta mong mỏi một sự thay đổi trong quan hệ Việt-Mỹ và tin rằng đảng Cộng Hòa, nếu trở thành đảng cầm quyền ở Mỹ, sẽ đem lại sự thay đổi đó.

 

Tại sao lại là đảng Cộng Hòa? Đảng chính trị nào của Mỹ cũng nỗ lực thực hiện cái “thiên mệnh” mà Đức Chúa Trời đã ký thác cho họ là cải biến thế giới theo mô hình của Mỹ, tự do và dân chủ, nhân quyền được tôn trọng. Có điều, đảng Cộng Hòa “diều hâu” có khuynh hướng thực hiện sứ mệnh này bằng vũ lực, trong khi đảng Dân Chủ “bồ câu,” chủ trương hợp tác và liên kết. Đưa quân vào Iraq và Afghanistan, nước Mỹ của Tổng Thống George W. Bush không chỉ nhằm xóa sổ tổ chức Al Qaeda mà còn làm sạch cái môi trường chính trị chuyên chế sinh ra chủ nghĩa khủng bố, xây dựng thể chế dân chủ. Nỗ lực xuất cảng dân chủ đó đã thất bại.

 

Với Việt Nam, đảng Dân Chủ tin vào sự thay đổi thông qua hợp tác. Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận thương mại, thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường với Việt Nam năm 1995 sau khi Hà Nội rút quân khỏi Cambodia và cam kết hỗ trợ tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POW/MIA). Tổng Thống Barack Obama đón tiếp Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Phòng Bầu Dục trong Tòa Bạch Ốc Tháng Bảy, 2015, lần đầu tiên phá vỡ thông lệ ngoại giao vì ông Trọng về danh nghĩa không phải là nguyên thủ quốc gia mà chỉ là thủ lãnh một đảng chính trị. Mới đây nhất, Tháng Chín năm ngoái, Tổng Thống Joe Biden ký kết nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ lên mức đối tác chiến lược toàn diện dù Hà Nội chưa tỏ dấu hiệu sẽ xa rời quỹ đạo Trung Quốc.

 

Nói đại khái, trong quan hệ với Việt Nam, đảng Dân Chủ theo chủ trương hợp tác hoặc “liên kết dân chủ” (democratic linkage) – thuật ngữ của ông Steven Levitsky, nhà khoa học chính trị Đại Học Harvard – để thúc đẩy dân chủ hóa, trong khi đảng Cộng Hòa hầu như không chú ý đến quốc gia Đông Nam Á từng là địch thủ này. Tất nhiên chính trị rất phức tạp, không dễ tách bạch trắng đen như vậy, nhưng một cái nhìn sơ lược để hiểu tại sao người Việt chống Cộng lại “khoái” đảng Cộng Hòa hơn đảng Dân Chủ.

 

                                                          ***

Liên kết dân chủ, xét cho cùng, không phải là con đường riêng của đảng Dân Chủ Mỹ và không chỉ với Việt Nam. Đây là đường lối chung của các quốc gia dân chủ phương Tây sau khi khối cộng sản Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đầu thập niên 1990. Tây phương tin rằng bằng sự kết nối sâu sắc, những thành lũy cuối cùng của chủ nghĩa Cộng Sản sẽ chuyển sang dân chủ tự do và các giá trị nhân quyền phổ quát. Niềm tin đó cũng phù hợp với nhu cầu kiếm lợi của các tập đoàn tư bản trong cái gọi là “toàn cầu hóa.”

 

Thế là Trung Quốc năm 2001, rồi Việt Nam năm 2007 được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), được hưởng quy chế tối huệ quốc (MFN). Vốn liếng và công nghệ từ Mỹ, Âu Châu và các nền kinh tế phát triển khác ào ạt đổ vào các nước này cùng với làn sóng lưu chuyển thông tin (truyền thông, báo chí, phim ảnh, mạng xã hội…). Không chỉ Clinton hay Obama cả bà Angela Merkel, cựu thủ tướng Đức bốn nhiệm kỳ, cũng nỗ lực thúc đẩy chính sách “Wandel durch Handel” – thay đổi thông qua thương mại – trong ngoại giao với Trung Quốc, Nga và các nước chuyên chế.

 

Quả thật, chỉ trong một thời gian không dài, sản phẩm của thế giới tư bản, từ xe hơi Đức đến các tiệm McDonald’s, Starbuck, KFC Mỹ xuất hiện tràn lan ở các đô thị Việt Nam; sinh viên Việt Nam ngồi đầy giảng đường các đại học Mỹ, Anh, Úc. “Liên kết dân chủ” giữa Việt Nam và thế giới Tây phương đã mở rộng rất nhanh thông qua hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa du lịch.

 

Nhưng sự mở rộng kết nối dân chủ đã không thúc đẩy “dân chủ hóa” Việt Nam như kỳ vọng. Giai đoạn cầm quyền của các Tổng Thống Obama (2009-2017) và Joe Biden (2021-nay), cuộc đàn áp các tiếng nói đối lập, các tổ chức xã hội dân sự và tổ chức phi chính phủ (NGO) diễn ra khốc liệt hơn cả, các phong trào đấu tranh cho nhân quyền, cho quyền lao động, quyền môi trường… đều bị dập tắt thô bạo, vô số nhà hoạt động dân sự phải vào tù.


Các nhà lãnh đạo Cộng Sản cáo già ở Hà Nội đã lợi dụng tiến trình hội nhập kinh tế để củng cố quyền lực của đảng, hoàn thiện cỗ máy theo dõi và đàn áp. Vị thế chiến lược của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh địa chính trị toàn cầu càng giúp cho Hà Nội dễ dàng được Mỹ quan tâm hợp tác, bất kể thành tích nhân quyền ngày càng tồi tệ.

 

Một câu hỏi bức bách: liệu chính sách hợp tác thời Obama, Biden có thật sự giúp Việt Nam dân chủ hơn không hay ngược lại, Việt Nam lợi dụng liên kết với Mỹ để củng cố chế độ toàn trị?

 

                                                         ***

Thất vọng với đảng Dân Chủ, nhiều người mong đảng Cộng Hòa sẽ thay đổi chính sách và từ đó thúc đẩy thay đổi chế độ ở cả Trung Quốc và Việt Nam. Ông Donald Trump của đảng Cộng Hòa được coi là hiện thân của sự cứng rắn đó, dám nói, dám làm. Chiến thắng bất ngờ của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua do vậy đã kích thích niềm hứng khởi của những người Việt yêu nước, mong muốn đất nước sớm bước lên con đường dân chủ văn minh. Có người cho rằng, đã đến lúc những người như ông Trump phá bỏ cái huyền thoại hợp tác “để các hội nhóm Việt Nam có thể tìm kiếm một con đường khác, một định hướng khác cho tiến trình dân chủ thật sự cho đất nước.”

 

Thực sự chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump và đảng Cộng Hòa – cả trong nhiệm kỳ thứ nhất (2017-2021) lẫn trong đường lối chính sách của ông – quan tâm đáng kể đến tiến trình dân chủ hóa của Việt Nam hay các phong trào dân chủ ở trong nước.

 

Trong các tổng thống Mỹ, ông Trump là người duy nhất liên tục ca ngợi các lãnh tụ độc tài chuyên chế, từ ông Vladimir Putin của Nga, ông Tập Cận Bình của Trung Quốc và ông Kim Jong Un của Bắc Hàn cứ như đó là những nguyên thủ quốc gia được người dân bầu lên một cách dân chủ. Người dân yêu tự do ở các nước này cảm thấy nản lòng khi nhà độc tài cai trị họ bằng bàn tay sắt lại được tổng thống Hoa Kỳ hết lời ca tụng; các đồng minh của Mỹ đâm ra nghi ngờ hệ giá trị dân chủ tự do mà họ theo đuổi và các phong trào dân chủ khắp nơi cảm thấy hụt hẫng và khó hiểu.


Ở trong nước, ông Trump liên tục tấn công các định chế dân chủ lâu đời của Mỹ, từ chối chuyển giao quyền lực trong hòa bình, làm suy yếu cơ chế kiểm tra và cân bằng của đất nước, đe dọa truy bức các đối thủ chính trị, lên án báo chí là “kẻ thù của nhân dân”… đang làm cho tấm gương dân chủ của Mỹ bị hoen ố trầm trọng. Với chủ trương “American First” theo chủ nghĩa biệt lập của ông Trump, nước Mỹ bây giờ không còn là “người bảo vệ thế giới tự do” nữa.

 

Một chính trị gia như vậy không thể là người thúc đẩy tự do dân chủ ở các quốc gia khác. Ông Trump có thể ban hành những chính sách cứng rắn với Việt Nam về kinh tế, thương mại như đánh thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp để ngăn chặn làn sóng hàng hoá Trung Quốc núp bóng Việt Nam để lách thuế khi xuất cảng vào Mỹ; có thể đưa Việt Nam vào danh sách các nước thao túng tiền tệ để trừng phạt, nhưng dân chủ cho Việt Nam, tự do cho người dân Việt Nam là một vấn đề khác và chưa có triển vọng sẽ được Mỹ quan tâm. (Hiếu Chân) [qd]

 

 

=========================================================

 

 

Trump và MAGA quê xệ vì không đạt nổi 50% phiếu phổ thông

Đỗ Dzũng    |   NGƯỜI VIỆT TV

November 22, 2024 : 7:00 PM

https://www.nguoi-viet.com/nvtv-tin-tuc/nvtv-diem-tin-trong-ngay/trump-va-maga-que-xe-vi-khong-dat-noi-50-phieu-pho-thong/

 

Trump và MAGA quê xệ vì không đạt nổi 50% phiếu phổ thông.

 

Dù thắng phiếu đại cử tri và thắng phiếu phổ thông trong cuộc bầu cử vừa qua, Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump và MAGA bị quê xệ vì không đạt nổi 50% số phiếu phổ thông.

 

XEM & NGHE >>>>>   

 







No comments:

Post a Comment