Monday, November 18, 2024

THỂ CHẾ VÀ CON NGƯỜI (Hiệu Minh - Giang Công Thế | Facebook)

 



Thể chế và con người  

Hiệu Minh - Giang Công Thế

18-11-2024  05:53   

https://www.facebook.com/giang.the.5076/posts/pfbid02UUBX8fMpyhRFxtg2YPQGMv2MjmiurJfmaHQQfYbG1ka2P3NY6SQaeWuGc8Fauxktl  

 

Đã lâu lắm mới thấy một vị lãnh đạo nói về điểm nghẽn của thế chế, một cụm từ khá nhậy cảm. Với nhiều người, thể chế (institutions) và chế độ (regime) như nhau, chê thể chế là chê chế độ.

 

Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra ba điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, và thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn.

 

Năm 2012 có cuốn sách nổi tiếng “Why Nations Fail – Tại sao các quốc gia thất bại” của hai tác giả là Daron Acemoglu gốc Thổ Nhĩ Kỳ thuộc viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và nhà khoa học của Anh là James A. Robinson làm việc tại Đại học Harvard. Cuốn sách này được dịch ra tiếng Việt từ chục năm trước.

 

Khi giải thưởng Nobel 2024 về Kinh tế được trao cho cho hai ông thì tin đồn về cuốn sách này được dịch ra tiếng Việt không thấy bán nữa vì có thể hai ông kiến giải sự thất bại của quốc gia là do thể chế mà ra.

 

Cho tới khi TBT Tô Lâm chỉ rõ “điểm nghẽn của điểm nghẽn” thì báo chí mới viết nhiều về “thể chế – institutions”.

 

 

Institutions – Thể chế thay đổi mọi thứ

 

Nhớ những năm 1960-1980 có phong trào hợp tác xã (HTX) trên toàn quốc. Nông dân xứ Việt bỗng trở nên lười biếng.

 

Khi còn ở cá thể, họ ra đồng từ tờ mờ sáng đến mặt trời đứng bóng, trưa nghỉ vài tiếng, chiều làm tới tối mịt. Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ, muốn không chết đói phải cố mà làm.

 

Vào HTX, cũng những con người ấy nhưng ra đồng lúc mặt trời đã lên cao, tát nước qua loa và nghỉ, chiều có kẻng nhưng còn chán chê chè thuốc dưới gốc đa, chưa tới giờ đã về. Tay mình làm người khác nhai, nên chẳng quai nữa.

 

Đương nhiên là đói rã họng, moi đâu ra lúa ngô nếu nông dân lười bởi đồng ruộng không thiết thân với họ.

 

Năm 1986 có “Đổi mới” thực chất là sửa sai về chính sách HTX, đưa ruộng về tay nông dân.

 

Cũng những con người ấy, cũng mảnh ruộng ấy, từ một quốc gia phải nhập bo bo ở các nước cho bò ăn để cứu đói, nay thành nước xuất khẩu gạo nhất nhì thế giới khi dân số tăng gần gấp đôi, diện tích cấy trồng vẫn như cũ.

 

Dân lười nên nghèo hay chăm chỉ có của ăn của để do chính sách nông nghiệp khác nhau tạo ra môi trường khác nhau.

 

Những năm đầu 1990, khi internet đang tràn ngập trên thế giới thì Việt Nam vẫn lo lắng sợ rác rưởi tràn vào. Mãi tới năm 1997 mới mở cửa. Sau 20 năm phát triển, Việt Nam đứng trong hàng top các nước dùng internet, và tốc độ tăng trưởng tới 24.000% gần như cao nhất thế giới.

 

Từ một nước thu nhập 100$/người/năm, sau vài thập kỷ, Việt Nam đã vào câu lạc bộ các nước thu nhập trung bình trên 4.300$/người/năm.

 

Chính sách nông nghiệp thay đổi, không bị đói, vẫn có tiền từ xuất khẩu gạo, internet giúp cho thông tin với thế giới và từ đó có bao nhiêu lợi ích.

 

Từ quan liêu bao cấp, chính phủ quản lý bằng mệnh lệnh, lập kế hoạch duy ý chí, Việt Nam hiểu ra bài học, gần với thị trường hơn.

 

Ở tầm vĩ mô, những nhà kinh tế thế giới gọi đó là institutions (thể chế) đã thay đổi mọi thứ. Nước mình vẫn theo chế độ XHCN mà.

 

 

Về cuốn sách “Why Nations Fail” được giải Nobel

 

Dựa vào những kiến thức kinh điển về thể chế, phát triển và lịch sử, cuốn sách “Why Nations Fail” đưa ra những kiến giải, tại sao các quốc gia phát triển khác nhau, một số thành công, một số thất bại, một số lại đứng im.

 

Một ví dụ hoàn hảo về thành phố Nogales ở tiểu bang Arizona (Hoa Kỳ). Nogales được chia làm hai bởi một hàng rào, phía bắc thuộc Hoa Kỳ, phía nam thuộc Mexico.

 

Phía bên Mỹ thu nhập đầu người, tuổi thọ cao hơn, ít tội phạm, khó tham nhũng, giao thông, y tế, giáo dục đều tốt hơn, bầu cử dân chủ hơn. Trong khi phía do Mexico quản lý có một hình ảnh hoàn toàn trái ngược.

 

Được biết dân hai bên giống hệt nhau, vùng địa lý, khí hậu cũng vậy, đất sinh sống hay môi trường tự nhiên y chang.

 

Không thể nói dân Nogales lười biếng, nghĩ ngắn, không có nền tảng triết học hay áp đặt. Giống hệt nhau nhưng một bên thành đạt, một bên thất bại. Thể chế kinh tế và chính trị của Hoa Kỳ và Mexico khác nhau nên kết cục khác nhau.

 

Chuyện đó đúng với Đông Đức và Tây Đức trong quá khứ, Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên trong hiện tại và nhiều vùng miền trên thế giới. Cùng con người ấy, mảnh đất ấy, điều kiện tự nhiên như nhau, cùng tiếng mẹ, thành bại không thể đổ tại… trời.

 

Chính sách vĩ mô phải tạo ra môi trường, khích lệ người dân làm việc có hiệu quả để tạo ra tài sản, luật pháp giúp bảo vệ tài sản kiếm được, được làm chủ mảnh đất của mình.

 

Nếu biết một ngày nào đó tài sản bị tịch thu, phải trả lại nhà nước vì lợi ích nhóm, chẳng ai muốn làm việc hết mình. Lười biếng, không sáng tạo và kéo theo tụt hậu cũng từ đó mà ra.

 

Sự thành bại của một quốc gia còn có những yếu tố khác như vùng khí hậu, các quốc gia lân bang và thể chế chính trị của láng giềng. Sống cạnh hàng xóm xấu dễ bị mất cắp hay xung đột.

 

Ở vùng nhiệt đới bệnh tật nhiều hơn, trẻ em bị môi trường làm ảnh hưởng tới trí tuệ do dịch bệnh thường xuyên. Vùng ôn đới dịch bệnh ít hơn do nhiệt độ thấp đã giết bớt các nguồn sâu bệnh. Bão tố ít hơn so với vùng nhiệt đới. Nhưng không vì thế mà nghèo đói lại đổ tại thiên tai. Nhật Bản với ít tài nguyên, vùng địa lý khắc nghiệt, hay động đất, sóng thần nhưng vẫn phát triển.

 

Các nước có tài nguyên dồi dào thường sinh ra chính quyền tham nhũng vì kẻ quyền thế tìm cách đào của và đút túi, kệ dân nghèo.

 

Những nơi có trữ lượng dầu hỏa, kim cương, vàng, titan… nhất thế giới đều nghèo, từ Arab đến châu Phi và Mỹ La tinh, trừ vài nước như Na Uy giầu có vì có thể chế dân chủ, pháp luật công minh.

 

Vì sao các quốc gia thất bại có nhiều nguyên nhân mà con người chỉ là yếu tố rất nhỏ, phụ thuộc vào môi trường sống.

 

Chẳng ai thích bị coi là người bình thường, không nổi trội. Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới đều thế. Tệ hại hơn nếu lôi toàn khuyết điểm để nói về dân tộc đó dù một số điều khá đúng.

 

Đến nước Anh với ý nghĩ người Anh keo kiệt hay ích kỷ là rất sai. Tới nước Mỹ mà cho rằng người Mỹ như cao bồi thực dụng là không thể chấp nhận.

 

Thăm Hà Nội mà nói rằng dân Việt lười, tư duy nhỏ, ngại suy nghĩ… thì dân xứ này sẽ đập vào mặt.

 

Nhưng nếu ai đó giải thích như tác giả cuốn sách trên rằng, môi trường tạo nên con người và con người tác động ngược trở lại, thì chắc chắn sẽ lọt tai hơn.

 

Tuy nhiên, một số người không thích đổ cho thể chế mới có chuyện điểm nghẽn vài thập kỷ không ai dám động vào.

 

HM.

 

HÌNH :

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1068978428240276&set=pcb.1068979384906847

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1068976568240462&set=pcb.1068979384906847

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1068978701573582&set=pcb.1068979384906847

 

.

32 BÌNH LUẬN   

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment