Wednesday, November 20, 2024

LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC DONALD TRUMP TUYỂN DỤNG? (The Economist | Nghiên Cứu Quốc Tế)

 



Làm thế nào để được Donald Trump tuyển dụng?

The Economist

Lê Mạnh Cường, biên dịch

20/11/2024

https://nghiencuuquocte.org/2024/11/20/lam-the-nao-de-duoc-donald-trump-tuyen-dung/

 

Sau khi Donald Trump thắng cử tổng thống năm 2016 – khi Trump mới là cựu ngôi sao truyền hình hơn là một cựu tổng thống – Trump xử lý giai đoạn chuyển giao quyền lực Nhà Trắng như là một tập phim truyền hình “Nhân viên tập sự (The Apprentice)” đầy kịch tính. Những thành viên nội các đầy tham vọng đã đến tháp Trump ở New York và đi qua các máy quay phim để dự phỏng vấn với vị tổng thống đắc cử. Kanye West thậm chí cũng xuất hiện. Lần này, Susie Wiles, quản lý chiến dịch tranh cử của Trump và sẽ là chánh văn phòng Nhà Trắng tương lai, đã tổ chức một quy trình khá kín đáo và trật tự. Các cuộc thảo luận của Trump tại dinh thự Mar-a-Lago ở Florida thỉnh thoảng bị ngắt quãng bởi các tin thông báo trên mạng xã hội. Các ứng viên khá hồi hội vì phải thảo luận về việc tìm kiếm công việc của họ một cách công khai, nhưng một số hình mẫu cũng đã xuất hiện. Một số tờ báo ngày 12 tháng 11 đã đưa tin Marco Rubio sẽ trở thành Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ. Làm sao để được ông Trump tuyển vào nội các?

 

Nỗ lực tìm kiếm nhân sự trong giai đoạn chuyển giao quyền lực do Howard Lutnick dẫn dắt, ông là chủ một giám đốc ngân hàng đầu tư, người có xung đột lợi ích tiềm tàng khiến một số người trong giới của Trump khó chịu. Brian Hook, người giám sát chính sách Iran trong nhiệm kỳ đầu, sẽ là một nhân vật quan trọng trong việc tuyển dụng nhân sự cho Bộ Ngoại giao. Robert Lighthizer, người được Trump chỉ định làm đại diện thương mại, có ảnh hưởng sâu rộng đối với các chính sách thương mại và kinh tế. Tom Homan, cựu quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan được chọn trở thành “sa hoàng biên giới”. Stephen Miller, nhân vật theo chủ nghĩa diều hâu biên giới khét tiếng, sẽ là Phó Chánh văn phòng phụ trách các vấn đề về chính sách. Lee Zeldin, cựu Hạ Nghị sĩ, được đề cử làm người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường, với nhiệm vụ đưa ra “các quyết định bãi bỏ quy định một cách nhanh chóng”. Micheal Waltz, một dân biểu đồng tác giả một bài bình luận được “đặt hàng” về chính sách ngoại giao trên tờ The Economist, được cho là sẽ trở thành Cố vấn An ninh Quốc gia.

 

Sở thích dùng người của Trump rất khó đoán. Tiêu chuẩn đầu tiên của ông là lòng trung thành. Tổng thống nào cũng đều mong muốn như vậy, nhưng những mối quan hệ của Trump đặc biệt coi trọng lòng trung thành cá nhân đối với vị tổng tư lệnh này. Rõ ràng, Trump bị chỉ trích bởi các quan chức trong nhiệm kỳ đầu của mình. Mặc dù hầu hết nội các ban đầu của Trump ủng hộ nỗ lực tranh cử Nhà trắng lần thứ 3 của ông, nhưng một số nhân vật có tiếng khác thì chỉ trích rằng vị tổng thống đắc cử là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia và nền dân chủ Hoa Kỳ. Ông Trump tránh tuyển chọn những người công khai chống lại ông, như cố vấn an ninh quốc gia, chánh văn phòng và bộ trưởng quốc phòng trước đây.

Các ứng viên đủ tiêu chuẩn nhưng coi thường Trump cũng bị loại khỏi cuộc đua giành vị trí trong chính phủ. Vào ngày 9 tháng 11, Trump tuyên bố sẽ không mời Nikki Haley, cựu đại sứ tại Liên Hợp Quốc, hay Mike Pompeo, cựu Ngoại trưởng, vào nội các nhiệm kỳ này. Việc loại Haley đã định trước. Là người đứng nhì trong cuộc bầu cử sơ bộ tổng thống của đảng Cộng hòa năm 2024, bà Haley đã chỉ trích Trump bằng những lời lẽ gay gắt trước khi rút lui khỏi cuộc đua và bày tỏ sự ủng hộ Trump một cách muộn màng – và chỉ trích nhiều hơn vào ngày bầu cử. Ông Trump công khai coi thường cựu đại sứ của mình trong suốt chiến dịch tranh cử.

 

Ông Trump có lẽ không thể xây dựng một nội các đáng tin cậy nếu như chỉ chọn những quan chức chưa bao giờ coi thường mình. Trong quá khứ, ông sẵn sàng bỏ qua các chỉ trích gay gắt – sau khi được nịnh bợ đủ.  J.D Vance, phó Tổng thống đắc cử, từng gọi Trump là “Hitler nước Mỹ”. Tại một cuộc mít tinh nhiều năm sau đó, Trump hả hê hạ nhục khi Vance chạy đua vào Thượng viện Mỹ: “J.D. đang bợ đỡ tôi, ông ta cực kỳ muốn tôi ủng hộ.” Elise Stefanik, hiện là một trong những người bảo vệ Trump trung thành nhất ở Đồi Capital, đã được chọn làm Đại sứ tại Liên Hợp Quốc mặc dù từng chỉ trích Trump khi tranh cử tổng thống nhiệm kỳ đầu. Các đối thủ trong vòng bầu cử sơ bộ khác, như Doug Burgum, Thống đốc bang Bắc Dakota, và Vivek Ramaswamy, một doanh nhân lĩnh vực công nghệ sinh học, nhanh chóng ủng hộ Trump, cũng trở thành những người đại diện nổi bật, và có thể được làm việc trong chính quyền mới.

 

Các ứng viên cũng phải đối mặt với các bài kiểm tra kiểu Trump. Cựu tổng thống thích các viên chức trông có vẻ phù hợp cho vị trí và có thể bảo vệ Trump trên truyền hình. Ông Vance có tỷ lệ ủng hộ thấp một cách đáng chú ý khi là ứng viên Phó Tổng thống nhưng vẫn được Trump yêu thích vì phong cách hiếu chiến của Vance trong các cuộc phỏng vấn. Trump nói vào đêm bầu cử: “Ông ấy là một người nóng nảy, phải không? Ông ấy chỉ đến và hoàn toàn xóa sổ bọn họ.” Sự xuất hiện thành công trên các nền tảng truyền thông thân thiện hơn như Fox News và Tucker Carlson cũng có thể giúp xây dựng nên hình ảnh của ứng cử viên. Elbridge Colby, một cựu quan chức quốc phòng trong chính quyền Trump, gần đây đã kịch liệt phản đối những khách mời diều hâu về an ninh quốc gia trong chương trình của Carlson.

 

Mặc dù sở thích của Trump là quan trọng nhất, nhưng hơn 1.000 vị trí cần sự chấp thuận từ Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Đảng này đang trong lộ trình giành được 53 ghế, vì vậy chỉ cần 4 thượng nghị sĩ phản bội cũng đủ làm trật bánh các đề cử nếu như tất cả nghị sĩ Dân chủ cùng tham gia với họ. Và với 2/3 số Thượng nghị sĩ không tái tranh cử cho đến năm 2028 hoặc 2030, họ ít chịu áp lực hơn các thành viên Hạ viện. Ví dụ, một ứng cử viên gây nhiều tranh cãi như Robert F. Kennedy Jr., có thể gặp khó khăn trong việc giành ủng hộ của đa số cho một vị trí quan trọng trong nội các.

 

Điều đó có thể không cần thiết. Trump đăng vào Chủ nhật “Bất kỳ Thượng Nghị sĩ Cộng hòa nào tìm kiếm một vị trí LÃNH ĐẠO được thèm khát trong Thượng viện Mỹ phải tán thành việc bổ nhiệm trong thời gian nghỉ của Quốc hội (Recess Appointments)”, ám chỉ quy trình thỉnh thoảng được các tổng thống Dân chủ và Cộng hòa sử dụng để phê duyệt các nhân được đề cử vào các vị trí có nhiệm kỳ giới hạn mà không cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Cả ba ứng cử viên cho vị trí Lãnh đạo Đa số trong Thượng viện đều lên tiếng ủng hộ ý tưởng này. Cùng với Rubio, một thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là Bill Hagerty cũng được đồn là ứng viên cho vị trí Ngoại trưởng.

 

Khía cạnh khó lý giải nhất là hệ tư tưởng ảnh hưởng đến quá trình tuyển dụng như thế nào. Cựu Phó Tổng thống Mike Pence đã giúp lắp đầy nội các đầu tiên với những đảng viên Cộng hòa theo tư tưởng Reagan. Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, các đảng viên Cộng hòa truyền thống đã tranh giành ảnh hưởng với những cá nhân cuồng tín theo khẩu hiệu MAGA (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại), những người chế giễu quan điểm bảo thủ về chính phủ nhỏ, chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ, và thương mại tự do. Ranh giới trong cuộc cạnh tranh này thường không rõ ràng, và mỗi bên đều tuyên bố một số thắng lợi nhất định. Một cựu cố vấn của Trump đã mô tả vị tổng thống đắc cử là ôn hòa trong phong trào MAGA. Tuy nhiên lần này, những tín đồ trung thành bắt đầu chiếm ưu thế hơn.

 

Họ làm tiêu tan triển vọng của Pompeo. Pompeo là người sống sót hiếm hoi trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, trải qua 4 năm là thân tín của Trump với vai trò là giám đốc CIA, và sau đó là nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ. Ông chọn không đối đầu với vị lãnh đạo cũ của mình trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ, nhưng vẫn đưa ra một số chỉ trích bóng gió, từng cảnh báo về “những nhân vật thích danh tiếng lên làm lãnh đạo, với phong cách chính trị bản sắc của riêng mình”. Nhưng, những nỗ lực quay trở lại vị trí bộ trưởng Quốc phòng đã thất bại, rõ ràng là vì lý do tư tưởng. Một nhân vật có ảnh hưởng trên mạng xã hội theo chủ nghĩa biệt lập đã bình luận về thông tin Trump từ chối cho bà Haley và ông Pompeo tham gia nội các mới rằng “Phong trào ‘ngăn chặn Pompeo’ rất tuyệt vời, nhưng vẫn chưa đủ. Bây giờ, chúng ta cần gây áp lực tối đa để loại bỏ tất cả số tân bảo thủ và diều hâu chiến tranh khỏi chính quyền mới của Trump”. Con trai của Trump, Donald Jr. trả lời “Đồng ý. Tôi đang xử lý việc này”.

 

Donald Trump Jr cũng có thể muốn ngăn chặn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm cạnh tranh với ông Vance cho đề cử tổng thống năm 2028. Điều này có thể giải thích vì sao một số nhân vật tương đối diều hâu nhưng không có tham vọng làm tổng thống được chọn vào chính quyền.

 

Đôi khi, quen biết cũng trở nên hữu ích. Những người bảo thủ đang kêu gọi giúp đỡ từ những người bạn cũ tham gia quá trình chuyển giao chính quyền. Một số người được cho là gần gũi với tổng thống thường khoe ra điều này. Một ứng viên được đồn đoán cho vị trí Tổng chưởng lý vừa viết: “Gửi những người muốn làm việc cho Trump, lâu rồi không nói chuyện. Tôi sẽ phải yêu cầu anh chị đưa ra bằng chứng rõ ràng và cụ thể chứng minh lòng trung thành của mình đối với Trump. Nếu anh chị không thể đưa ra thật nhiều bằng chứng, thì đừng có liên hệ với tôi nữa”.

 





No comments:

Post a Comment