Tuesday, November 19, 2024

‘HỎA TIẾN” ELON MUSK ĐƯA NƯỚC MỸ ĐẾN ĐÂU? (Trúc Phương / Người Việt)

 



‘Hỏa tiễn’ Elon Musk đưa nước Mỹ đến đâu?

Trúc Phương/Người Việt

November 17, 2024 : 4:54 PM

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/hoa-tien-elon-musk-dua-nuoc-my-den-dau/#google_vignette

 

Gần như tất cả nhân vật được đề cử những vị trí quan trọng trong nội các của Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump đều khiến dư luận choáng váng – từ một thiếu tá lực lượng dự bị Vệ Binh Quốc Qia (có thể) leo lên ghế bộ trưởng Quốc Phòng (Pete Hegseth) đến một kẻ luôn hô hào chống vaccine được bổ nhiệm ghế bộ trưởng Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh (Robert F. Kennedy Jr); tuy nhiên, không trường hợp nào đáng chú ý bằng Elon Musk.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/Elon-Musk-Trump-BL-1536x949.jpg

Elon Musk (phải) phát biểu tại buổi vận động bầu cử của Trump tại Butler, Pennsylvania, ngày 5 Tháng Mười, 2024. (Hình: Jim Watson/AFP via Getty Images)

 

“Tát cạn đầm lầy”

 

Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, một thường dân như Elon Musk có quyền tham chính sâu như vậy, tạo ra những ảnh hưởng dữ dội trong chính sách đối nội lẫn đối ngoại – bất chấp vấn đề xung đột lợi ích và thậm chí an ninh quốc gia.

 

Lòng trung thành tuyệt đối của Elon Musk (ủng hộ $132 triệu cho bộ máy tranh cử của Trump) đã được tưởng thưởng nhiều đến mức những người có trí tưởng tượng mạnh nhất cũng không thể ngờ.

 

Ngày 11 Tháng Mười Một 2024, Elon Musk đã gặp Đại Sứ Amir Saeid Iravani của Iran. Cuộc gặp, theo The New York Times, kéo dài hơn một giờ và được tổ chức “tại một địa điểm bí mật.”

 

Trước đó ít hôm (ngày 7 Tháng Mười Một, 2024), Elon Musk mắng Thủ Tướng Đức Olaf Scholz là “ngu đần” (nguyên văn, đương sự viết bằng tiếng Đức trên X: “Olaf ist ein Narr,” có nghĩa “Olaf là thằng ngu”). Không chỉ vấn đề “đối ngoại” cùng với việc có thể tạo ra ảnh hưởng cá nhân lên chính sách ngoại giao của Mỹ những ngày sắp tới, Elon Musk còn tham gia vấn đề “nhân sự đảng.” Ngày 10 Tháng Mười Một, Elon Musk công khai can dự cuộc tranh giành trong nội bộ đảng Cộng Hòa (khi họ chọn người lãnh đạo Thượng Viện), bằng cách bày tỏ “phê chuẩn” Thượng Nghị Sĩ Rick Scott.

 

Elon Musk cùng doanh nhân Vivek Ramaswamy được Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump giao nhiệm vụ lãnh đạo “Bộ Hiệu Quả Chính Phủ” (“Department of Government Efficiency” – “DOGE”), phụ trách chiến dịch cắt giảm chi tiêu của bộ máy liên bang, giúp “tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đôla” (Musk cam kết cắt $2 nghìn tỷ từ ngân sách liên bang). Việc này đụng đến hàng loạt cơ quan cấp bộ của bộ máy chính phủ liên bang. Quyền sinh sát của Elon Musk sẽ dẫn đến tình trạng lũng đoạn cấu trúc nhà nước Hoa Kỳ như thế nào là câu hỏi hoàn toàn chưa có câu trả lời. Ai hoặc cơ quan nào có quyền kiểm soát DOGE, như truyền thống cân bằng quyền lực quen thuộc của văn hóa chính trị Mỹ, để tránh được tình trạng thao túng và tham nhũng nếu có? Elon Musk sẽ “tát cạn đầm lầy” (“drain the swamp”) hay tạo ra những đầm lầy mới cho nước Mỹ?

 

Thường dân Elon Musk không phải là một người bình thường. Ông là tỷ phú, cai quản một đế chế khổng lồ. Công ty SpaceX của Elon Musk hiện là nơi quyết định lịch trình phóng hỏa tiễn của NASA. Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ dựa vào Elon Musk để đưa hầu hết vệ tinh của họ lên quỹ đạo. Chỉ riêng năm 2023, các công ty của Elon Musk đã giành được gần 100 hợp đồng với 17 cơ quan liên bang với tổng trị giá $3 tỷ; và 10 năm qua, các công ty của Elon Musk giành được ít nhất $15.4 tỷ trong các hợp đồng với chính phủ liên bang.

 

Tuy nhiên, những rắc rối của Elon Musk với các cơ quan quản lý liên bang cũng nhiều vô số. Ít nhất 20 cuộc điều tra đang nhắm vào đế chế Elon Musk, liên quan các cuộc chiến pháp lý tròng tréo. Với quyền lực lớn hơn và quyền hạn rộng hơn, Elon Musk giờ đây gần như là nhân vật bất khả xâm phạm.

 

Trung Quốc không cần hoảng: Đã có Elon Musk “lo”!

 

Nhiều người tin rằng thời tàn của Trung Quốc sắp đến. Một nhân vật chống Trung Quốc đến cùng như Marco Rubio giờ được bổ nhiệm ghế ngoại trưởng thì không sớm thì chày, Bắc Kinh sẽ nếm mùi thương đau. Tuy nhiên, liệu Marco Rubio có thể thẳng tay “đánh” Trung Quốc – nếu điều này thật sự xảy ra – khi mà chính Elon Musk là người đang đứng về phía Trung Quốc để bảo đảm quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng? Trung Quốc là nơi Elon Musk đang làm ăn lớn. Chẳng có lý do gì mà Elon Musk để “địa bàn kiếm cơm” của mình bị ảnh hưởng. Ở đây, có thể dễ dàng thấy lợi ích cá nhân đang xung đột với lợi ích quốc gia.

Nhà máy Gigafactory Thượng Hải của Tesla – chiếm gần 23% tổng doanh thu công ty – được xây dựng với sự hỗ trợ đáng kể từ chính quyền Trung Quốc, từ việc cấp giấy phép chóng vánh, được vay ưu đãi từ các ngân hàng nhà nước đến việc được giảm thuế.

 

Bắc Kinh cũng thay đổi các quy tắc sở hữu để Tesla có thể được thành lập trên đất Trung Quốc mà không cần có sự tham gia của đối tác địa phương (đây là trường hợp ưu ái chưa từng có tiền lệ đối với một công ty xe hơi nước ngoài tại Trung Quốc).

 

Việc xây dựng nhà máy Thượng Hải được thực hiện vào Tháng Giêng, 2019; qui trình sản xuất bắt đầu vào Tháng Mười; và những chiếc Tesla đầu tiên lăn bánh khỏi nhà máy vào Tháng Mười Hai cùng năm. Tính đến Tháng Bảy, 2023, Tesla Thượng Hải có khả năng sản xuất hơn 750,000 xe mỗi năm; trở thành nhà máy lớn nhất với năng suất cao nhất của Tesla. Hơn một nửa số xe Tesla được sản xuất và giao đi khắp thế giới đều xuất phát từ Thượng Hải.

 

Elon Musk đã đến Trung Quốc ít nhất sáu lần, trong đó có chuyến đi Bắc Kinh không báo trước kéo dài 24 tiếng vào Tháng Tư, 2024; khi đương sự gặp Thủ Tướng Lý Cường.

Business Insider cho biết, Elon Musk đã kiếm thêm được hơn $36 tỷ sau chuyến đi này, khi cổ phiếu công ty tăng vọt vì Tesla được chấp thuận triển khai công nghệ lái tự động hoàn toàn tại Trung Quốc. Sau khi trở về Mỹ từ Bắc Kinh, Tháng Năm, 2024, Elon Musk đã trở mặt chỉ trích Tổng Thống Joe Biden khi phản đối mức thuế mới mà Biden đánh vào xe điện Trung Quốc.

 

Trước đó, đầu năm 2024, Elon Musk từng kêu gào yêu cầu chính phủ Biden lập rào cản ngăn chặn xe điện Trung Quốc nhập vào Mỹ. Trước đó một năm, Tháng Sáu, 2023, trong cuộc gặp (cựu) Ngoại Trưởng Tần Cương tại Bắc Kinh, Elon Musk cũng bày tỏ phản đối chính sách “tách rời” (“decoupling”) giữa hai nền kinh tế Mỹ-Trung.

 

Elon Musk là thần tượng đối với giới trẻ Trung Quốc. Nhiều người Trung Quốc thậm chí nói rằng Elon Musk là một “Henry Kissinger tiếp theo” đóng vai trò cầu nối đối ngoại lẫn kinh tế giữa Washington và Bắc Kinh.

 

Cần nói thêm, như được thuật từ NBC News, sau chuyến “deal” của Elon Musk tại Bắc Kinh với Thủ Tướng Lý Cường vào Tháng Tư, 2024, Donald Trump bắt đầu đề cập khả năng các công ty xe điện Trung Quốc có thể mở nhà máy sản xuất tại Mỹ – theo Ian Bremmer, người sáng lập kiêm chủ tịch công ty tư vấn Eurasia Group có trụ sở tại New York.

 

Năm 2022, Elon Musk từng bị chỉ trích khi mở showroom Tesla tại Tân Cương, nơi các nhóm nhân quyền cáo buộc Trung Quốc vi phạm nhân quyền cực kỳ nghiêm trọng. Cũng trong năm 2022, Elon Musk nói với tờ Financial Times rằng xung đột quân sự ở Đài Loan, nếu Bắc Kinh muốn “xử” đảo quốc này, là điều không thể tránh khỏi; và để ngăn chặn bi kịch chiến tranh thì chỉ có cách trao cho Trung Quốc một số quyền kiểm soát đối với “đặc khu hành chính Đài Loan”, tương tự cách Bắc Kinh quản lý Hồng Kông.

 

Ý kiến của Elon Musk lập tức được (cựu) Ngoại Trưởng Tần Cương khen ngợi, trong khi bị bà Tiêu Mỹ Cầm (Hsiao Bi-khim – hiện là phó tổng thống Đài Loan) lên án. Chưa hết, Elon Musk từng kể ông được Bắc Kinh nhắc rằng họ không đồng ý hệ thống vệ tinh Starlink được sử dụng tại Ukraine, và đồng thời ông được yêu cầu không bán Starlink tại Trung Quốc.

 

 

Cái giá phải trả khó lường

 

Việc các tỷ phú dốc hầu bao cho các chiến dịch tranh cử tổng thống không là chuyện lạ trong lịch sử văn hóa chính trị Mỹ. Tuy nhiên, không phải tỷ phú nào bỏ tiền ra cũng có thể “mua đứt” được tổng thống và có thể nhúng mũi vào bộ máy chính quyền. Tỉ phú Andrew Carnegie (1835-1919), vào thời là người giàu nhất nước Mỹ, đã hào phóng đóng góp hàng núi tiền cho hai tổng thống Cộng Hòa William McKinley và Theodore Roosevelt. Năm 1901, khi Theodore Roosevelt đắc cử tổng thống, Andrew Carnegie muốn được “trả nợ” bằng ghế cố vấn chính sách đối ngoại. Ông đưa ra hàng loạt đề nghị liên quan các hiệp ước trung gian giữa các cường quốc mà ông tin rằng “sẽ mở ra một thế kỷ hòa bình.” Tuy nhiên, Tổng Thống Theodore Roosevelt đã bỏ ngoài tai…

 

Tương tự, tỷ phú William Randolph Hearst (1863-1951), người xây dựng thành công một đế chế truyền thông khổng lồ, cũng muốn “được thưởng” sau khi đóng góp cho chiến dịch tranh cử của Franklin Roosevelt năm 1932. Hearst gửi Tổng Thống tân cử Franklin Roosevelt một danh sách dài những khuyến nghị liên quan việc bổ nhiệm nội các và bảng kế hoạch phục hồi kinh tế gồm 11 điểm. Tuy nhiên, Franklin Roosevelt phớt lờ. Không phản hồi bằng bất kỳ lá thư nào, không điện tín, không điện thoại, mãi gần hai tháng sau, Franklin Roosevelt mới mời gặp. Dỗi, Hearst không đến…

 

Đó là cách mà những “tiền bối” của nước Mỹ hành xử. Đó là cách mà hệ thống chính trị Washington luôn tránh trở thành một “ví dụ điển hình” của cái gọi là chủ nghĩa bè phái, mà một nước như Hoa Kỳ – được mặc định là “ngọn hải đăng dân chủ của thế giới,” vốn lâu nay chỉ trích các quốc gia độc tài về nền chính trị thân hữu của họ – luôn xây dựng và củng cố hệ thống “check and balance” một cách minh bạch nhất có thể. Đó là cách mà người ta ngăn chặn những kẻ vì quyền lợi cá nhân có thể bán đứng lợi ích quốc gia.

 

Ở thời điểm hiện tại, khó có thể biết Elon Musk “được quyền” can thiệp sâu như thế nào vào chính sách đối ngoại trong tương lai (cùng với việc “tát cạn đầm lầy” ở Mỹ) nhưng những gì đang xảy ra cho thấy ông ta dường như “được phép” làm điều đó.

 

Điều đáng sợ nhất là một nhân vật thường dân được tiếp cận quá sâu vào hệ thống mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ tuyên thệ nào nhằm tận tụy với Hiến Pháp hơn là trung thành với một cá nhân, như luật yêu cầu đối với tất cả viên chức liên bang, thì ai kiểm soát hoặc trừng phạt như thế nào nếu ông ta tiết lộ những bí mật trong các chính sách quốc gia cho đối tác nước ngoài…

 






No comments:

Post a Comment