Saturday, November 2, 2024

BLOGGER NGƯỜI BUÔN GIÓ ĐÃ BỊ CÔNG AN CSVN CÂU LƯU? (Đặng Đình Mạnh / Người Việt Online)

 



Blogger Người Buôn Gió đã bị Công an CSVN câu lưu?

Đặng Đình Mạnh   |   Người Việt Online

November 1, 2024 : 4:11 PM

https://www.nguoi-viet.com/tin-chinh/blogger-nguoi-buon-gio-da-bi-cong-an-csvn-cau-luu/

 

Trên trang mạng xã hội của ký giả Lê Trung Khoa (Báo thoibao.de, CHLB Đức) và một số Facebooker khác đã viết về khả năng ông Bùi Thanh Hiếu, một người Việt định cư tại Đức, nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu phi trường Nội Bài đã bị câu lưu suốt từ ngày 20 Tháng Mười 2024 cho đến nay.

 

Công chúng vốn không xa lạ với danh tính ông Bùi Thanh Hiếu, cho dù, họ vẫn quen với bút danh “Người Buôn Gió” mà ông đặt cho mình hơn. Vì lẽ, tuy không phải là một ký giả, thế nhưng, nhiều thông tin được cho là bí mật của chế độ được ông đưa công khai lên Facebook, vẫn thường được nhiều ký giả trong và ngoài nước dẫn tin lại, bởi mức độ chính xác đến từng milimet của những tin tức ấy.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/VN-Bui-THanh-Hieu-dinh-cu-ThoiBaode-041713.jpg

Blogger Bùi Thanh Hiếu (thứ hai, bên phải) đến Đức định cư hồi năm 2013 theo sự vận động của một tổ chức nhân quyền quốc tế. (Hình: Thoibao.de)

 

Theo đó, có lẽ ông là một trong vài blogger thạo tin về Việt Nam nhất hiện nay, bên cạnh các tên tuổi khác như cô Lê Nguyễn Hương Trà (bút danh Cô Gái Đầu Long), hoặc ký giả Lê Trung Khoa (Báo thoibao.de)… Đến mức độ, danh tính nhân sự lãnh đạo cấp cao trong Đảng Cộng sản hoặc chính quyền được thăng chức hay bị hạ bệ thường được ông tiết lộ ngay trước cả khi các cuộc họp bầu bán về việc ấy chính thức nhóm họp.

 

Thế nên, công chúng vẫn thường đùa rằng ông Bùi Thanh Hiếu mới là người đứng đầu Tiểu ban Nhân sự của Đảng Cộng sản chứ không phải là ông Nguyễn Phú Trọng.

 

Còn nhớ, năm 2016, chính ông là người trực tiếp đưa thông tin về ông Trịnh Xuân Thanh, một quan chức từng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc Hội… đào thoát sang Đức xin tỵ nạn khi đang bị xem xét kỷ luật vì hàng loạt sai phạm liên quan đến tham nhũng.

 

Không chỉ đối với ông Trịnh Xuân Thanh, mà cả những người từng đào thoát khỏi Việt Nam vì phải đối diện với những rắc rối pháp lý trong nước như ông Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), ký giả Trương Duy Nhất, thậm chí cả Đường Văn Thái, người vừa bị chế độ gán cho hình phạt 12 năm tù giam cũng từng bị cho là có những mối liên hệ với ông Bùi Thanh Hiếu trước khi sa vào tay lực lượng an ninh Việt Nam.

 

Trước tin tức về chuyến đi nhập cảnh vào Việt Nam vào ngày 20 Tháng Mười 2024 rồi bị câu lưu cho đến nay, thì ông Bùi Thanh Hiếu cũng đã từng có chuyến nhập cảnh vào Việt Nam vào ngày 01 Tháng Chín 2024 để thăm gia đình. Khi ấy, lực lượng an ninh đã sớm trục xuất ông Bùi Thanh Hiếu trở ra phi trường về lại Đức.

 

Nhưng lần nhập cảnh thứ hai này, vẫn theo ký giả Lê Trung Khoa, được cho là kết quả từ sự gợi ý của Đại Sứ quán Việt Nam tại Đức, khiến cho ông Bùi Thành Hiếu yên tâm về Việt Nam.

 

Xem xét sự việc về phương diện pháp lý, nếu việc ông Bùi Thanh Hiếu trở về lần thứ 2 là sự thật, thì khi bước chân vào lãnh thổ Việt Nam là ông ấy đã tự đặt mình vào sự khống chế tuyệt đối của lực lượng an ninh trong nước, bất kể ông ấy sử dụng hộ chiếu nào để làm thủ tục nhập cảnh. Thế nên, việc câu lưu ông Bùi Thanh Hiếu là động thái có thể đoán trước của lực lượng an ninh Việt Nam.

 

Ông Bùi Thanh Hiếu có thể có song tịch, ngoài quốc tịch Việt Nam thì có thêm quốc tịch Đức. Nhưng nếu ông ấy đã có hành vi bị chế độ trong nước xem là tội phạm, việc nhập cảnh chẳng khác gì hành vi tự nộp mạng để chịu xử lý của cơ quan an ninh trong nước.

 

Dù ông Bùi Thanh Hiếu có nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam hoặc hộ chiếu Đức thì hậu quả vẫn không quá khác biệt. Khi bắt giữ, Tòa Đại Sứ quán Đức ở Hà Nội cũng sẽ được thông báo để thực hiện chức năng bảo vệ công dân Đức. Về điều này, khá nhiều người hiểu lầm rằng nếu ông Bùi Thanh Hiếu nhập cảnh bằng hộ chiếu Đức thì sẽ an toàn về phương diện pháp lý.

 

Ngoài ra, nếu muốn biết hành vi nào của ông Bùi Thanh Hiếu có khả năng bị chế độ Cộng sản trong nước cáo buộc, thì cứ nhìn bản án của chế độ kết tội ông Đường Văn Thái, với mức án lên đến 12 năm tù giam và 3 năm quản chế về tội danh hình sự theo điều 117 “Tuyên truyền chống Nhà nước…”sẽ rõ.

 

Vì giữa chúng có khá nhiều điểm tương đồng với nhau: Cùng là blogger có số lượng người theo dõi đông đảo. Họ cũng thường xuyên đưa tin bí mật, dạng “cung đình” ra công khai cho công chúng biết.

 

Chưa kể rằng, ông Bùi Thành Hiếu còn có khả năng bị cáo buộc thêm tội danh hình sự khác, là “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” với ít nhất 2 tình tiết định khung gồm “Có tổ chức” và “phạm tội nhiều lần” thuộc khoản 3, có hình phạt nặng nhất lên đến 15 năm tù giam.

Thế nhưng, nếu chỉ xét riêng trong phạm vi tội danh hình sự theo điều 117 về “Tuyên truyền chống Nhà nước…”, thì dù bị câu lưu 1 giây cũng đủ tạo nên sự bất công.

 

Bởi lẽ, không có quốc gia văn minh vào trên thế giới cho rằng hành vi “Tuyên truyền chống Nhà nước” là tội phạm cả. Đối với họ, điều đó chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân mà thôi. Bổn phận của chính quyền là bảo vệ quyền tự do ngôn luận chứ không phải trừng phạt!

 

Nhưng cho dù đánh giá về pháp lý như thế nào đi nữa, những trường hợp như ông Bùi Thanh Hiếu, không phải lúc nào cũng bị giải quyết căn cứ vào pháp lý. Chưa kể, nếu so sánh thì cũng thấy rằng vị thế của ông Bùi Thanh Hiếu cũng rất khác biệt với vị thế của ông Đường Văn Thái.

 

Ông Bùi Thanh Hiếu có quốc tịch Đức và chính phủ Đức đang rất quan tâm đến những vi phạm nhân quyền của chế độ Cộng sản Việt Nam, nhất là chúng đã từng thể hiện qua vụ bắt cóc đầy tai tiếng đối với ông Trịnh Xuân Thanh.

 

Bên cạnh đó, thông qua chuyến công du của ông Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an đến Đức, chế độ Cộng sản cũng đang bị cho là “vuốt ve” chính phủ Đức để cho dẫn độ đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, người bị cáo buộc trong rất nhiều vụ án tham nhũng lớn trong nước. Từ đó, có thể sẽ có một kết cục tốt đẹp cho ông Bùi Thanh Hiếu chăng?

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2024/11/VN-Bui-Thanh-Hieu-FB.jpg

Ông Bùi Thanh Hiếu tại bàn làm việc. (Hình: FB)

 

Trong trường hợp này, việc câu lưu ông Bùi Thanh Hiếu trong nhiều ngày qua sẽ được ngụy trang dưới thủ tục vô pháp, nhưng đã từng có nhiều tiền lệ tại các cơ quan an ninh điều tra, là nghi can bị buộc ký “Đơn tự nguyện hợp tác điều tra”, trong đó, nội dung đơn ghi rõ rằng họ tự nguyện ở lại cơ quan điều tra(?!)

 

Đó là góc nhìn tích cực về sự việc.

 

Trong một góc nhìn khác, có người đã trách, cho rằng ông Bùi Thanh Hiếu đã khinh suất khi quá tự tin vào bản thân và các mối quan hệ trong, ngoài nước. Nên có thể đã gặp nguy hiểm khi trở về Việt Nam lần này. Nếu góc nhìn tiêu cực này bị hiện thực hóa, rất có thể công chúng sẽ sớm nhận được thông tin khởi tố hình sự đối với ông Bùi Thanh Hiếu.

 

Dĩ nhiên, là bạn đọc của ông Bùi Thanh Hiếu, công chúng vẫn mong những thông tin bất ổn về ông ấy đang được đăng tải trên trang mạng xã hội của ký giả Lê Trung Khoa, và một số Facebooker khác, là nhầm lẫn. Nếu không thì thật tiếc…

 

DC, ngày 1 Tháng Mười Một 2024
Đặng Đình Mạnh

 

 


No comments:

Post a Comment