Tuesday, October 1, 2024

TỪ CHUYỆN CÔ GIÁO "XIN CÁI LAPTOP" ĐẾN CHUYỆN LẠM THU TRONG TRƯỜNG HỌC (RFA)

 



Từ chuyện cô giáo “xin cái laptop” đến chuyện lạm thu trong trường học

RFA
2024.09.30

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/from-the-story-of-the-teacher-asking-for-a-laptop-to-the-story-of-overcharging-in-schools-09302024115804.html

 

Một giáo viên xin phụ huynh hỗ trợ tiền để mua cái laptop bị hiệu trưởng ký Quyết định đình chỉ công tác 15 ngày gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

 

Lý do tạm đình chỉ công tác cô giáo này là “để xác minh, làm rõ đơn phản ánh, ổn định tình hình phụ huynh và học sinh trong thời gian xem xét hướng xử lý kỷ luật”.

 

Xã hội hóa & lạm thu

 

Việc kỷ luật cô giáo gây nhiều tranh cãi. Có người cho rằng, cần phải lên án và kỷ luật cô giáo để ngăn chặn việc giáo viên “vòi tiền” phụ huynh học sinh; cũng có người cho rằng, chuyện cần làm là phải đấu tranh đến cùng tệ nạn tận thu, lạm thu trong nhà trường. Có như thế thì môi trường giáo dục mới tốt lên được.   

 

Trong cuộc gặp báo chí sáng 30/9, cô giáo bị kỷ luật cho rằng: “Tôi đã sai khi không hiểu thông tư về xã hội hóa. Những ngày qua tôi bị ảnh hưởng tinh thần, sức khỏe rất nhiều và cũng mong sự việc sớm được giải quyết”.

 

Nhà giáo Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông với RFA:

 

Người ta thường nói xã hội hóa giáo dục, tức là ngoài phần ngân sách nhà nước cho giáo dục thì phụ huynh học sinh phải đóng góp vào quá trình đào tạo trong nhà trường. Nhưng hiện nay, tuyệt đại đa số Hội phụ huynh của trường cũng như của lớp là cánh tay nối dài của Ban giám hiệu để vận động, quyên góp chi những khoản ngoài quy định của nhà nước. Có những khoản hết sức vô lý.

 

Còn trường hợp cô giáo này là một trường hợp ngoại lệ và không có lý do chính đáng. Tôi cho rằng việc xin phụ huynh hỗ trợ cái laptop là không nên. Tôi nghĩ rằng Ban giám hiệu và lãnh đạo các cấp phải nghiêm cấm vấn đề này để tránh việc lạm dụng phụ huynh mua cái này cái kia”.

 

Theo Luật Giáo Dục 2019, xã hội hóa giáo dục là vận động toàn xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục, nhằm phát huy truyền thống hiếu học và tiềm năng con người trong quá trình xây dựng nền giáo dục hiện đại dưới sự quản lý của Nhà nước để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao mức hưởng thụ giáo dục của nhân dân. Xã hội hóa giáo dục gồm hai thành phần chính, đó là xây dựng một xã hội học tập trong đó mọi người học tập thường xuyên, học tập suốt đời, và vận động toàn xã hội tham gia đóng góp cho giáo dục.

 

Một số chuyên gia trong ngành giáo dục cho rằng, khái niệm xã hội hóa giáo dục bị biến tướng thành lạm thu trong trường học, và nhà trường mượn tay Hội Cha mẹ học sinh để thực hiện việc lạm thu này. Thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Nội từng nói với RFA về việc này:

 

“Đây là một tệ nạn rất là nghiêm trọng của ngành giáo dục. Gọi là lạm thu nhưng thực tế trong hệ thống pháp luật của Việt Nam không có từ nào là từ “lạm thu” cả. Phải gọi sòng phẳng đây là từ tham nhũng, cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm để cố ý làm trái mà kẻ đứng đầu trong các trò tham nhũng này là hiệu trưởng các trường”.

 

---------------

Lạm thu: kỷ luật nghiêm một số hiệu trưởng có đủ?

---------------

 

Phản ứng quá mức?

 

Năm 2017, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Hữu Độ từng ký ban hành công văn yêu cầu chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định; xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục và trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn đã để xảy ra tình trạng lạm thu.

 

Một số chuyên gia về giáo dục cho rằng, chuyện kỷ luật một cô giáo không làm thay đổi được vấn nạn “xin” tiền phụ huynh một cách công khai, hay quyên góp theo kiểu “tự nguyện bắt buộc” tại hầu hết các trường học trong cả nước vào đầu năm học, mà cần phải có một quyết định từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.  

 

Theo nhà giáo Đinh Kim Phúc, chuyện lạm thu, tận thu trong trường là vấn nạn của nền giáo dục Việt Nam từ nhiều năm qua nhưng không được giải quyết, dẫn đến chuyện một cô giáo công khai quyên góp tiền của phụ huynh để mua một vật dụng mà cô cho là chỉ để phục vụ cho việc giảng dạy. Liên quan việc này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM lên tiếng cho rằng sẽ xử lý nghiêm hành vi sai trái của giáo viên này.  

 

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu nhận định của ông với RFA:

 

“Xét vì mức lỗi của cô ấy không lớn, đã được khắc phục hoàn toàn và cũng phải chịu sự trả giá rất lớn từ trong phạm vi nhà trường cho đến cả ngoài xã hội. Tôi nghĩ như thế đã là quá nặng nề so với mức lỗi mà cô ấy đã gây ra. Việc xã hội lên án là chính đáng, thế nhưng, một số người đăng tải ảnh sinh hoạt bên ngoài của cô giáo lên mạng xã hội. Không chỉ thế, truyền thông trong nước còn hùa vào bằng cách quay video đưa hình ảnh cô giáo lên công khai đều là những phản ứng quá mức cần thiết”.

 

Theo Luật sư Mạnh, điều này khiến ông liên tưởng đến hành vi đấu tố khốc liệt trong thời kỳ cải cách ruộng đất mà chế độ Cộng sản thực hiện tại miền Bắc Việt Nam trong thập kỷ 50. Ông nói tiếp:

 

“Trong bối cảnh đó, ông Tô Lâm, Tổng Bí thư kiêm Chủ Tịch nước tự tiện mang 500 máy tính và 10 nghìn tấn gạo tặng cho Cuba trong chuyến công du Bắc Mỹ lại không thấy mấy người phê phán. Vì lẽ, người dân Cuba nghèo khổ không phải vì thiên tai, mà vì sự lựa chọn chính thể sai lầm của chế độ cầm quyền. Cho nên, việc tặng cho gạo và máy tính hoàn toàn không chính đáng. Trường hợp của cô giáo tham lam tài sản của phụ huynh, không phải của người dân thì nhiều người và truyền thông đấu tố rầm rộ. Trong khi đó, ông Tô Lâm tự tiện tặng cho tài sản của dân theo cách không chính đáng, thì những người và giới truyền thông đã từng hùng hổ tấn công cô giáo ấy chỉ biết câm lặng”.

 

Theo truyền thông Nhà nước, tại buổi hội đàm cấp cao vào chiều 26 tháng 9 vừa qua tại Havana, Cuba, ông Tô Lâm thông báo với Chủ tịch nước, Bí thư thứ nhất Cuba Miguel Díaz-Canel Bermúdez về việc Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trao tặng nhân dân Cuba 10.000 tấn gạo; trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cũng tặng Trung ương Đảng Cộng sản Cuba 500 máy tính.

 

 

 




No comments:

Post a Comment