Sư Thích Minh Tuệ: Con chỉ ba y, một bát!
Phước Nghiêm Thiện Nguyện
- Báo Tiếng Dân
24/10/2024
https://baotiengdan.com/2024/10/24/su-minh-tue-con-chi-ba-y-mot-bat/
LGT: Đây là bài đặc biệt
phỏng vấn sư Thích Minh Tuệ ngày 22-10-2024 của kênh YouTube Phước Nghiêm Thiện
Nguyện, do cô Phạm Hiền Mây chuyển
thành văn bản từ video:
VIDEO
:
Sư Minh Tuệ
22-10 . Phước Nghiêm chia sẻ 13 Câu Hỏi Mới Nhất
https://www.youtube.com/watch?v=2XGh9QocfW4
1.
Hỏi: Sắp tới đây, sư sẽ đi về Gia Lai ạ?
Đáp: Tâm nguyện của con
là về Gia Lai. Đêm con ở Huế, người ta đưa con về Gia Lai, sau đó, con có gặp một
số Phật tử tại đây, họ mời con về địa phương họ để khất thực, để họ được bố
thí, cúng dường, và con có nhận lời.
Ít
lâu sau, con xin xuống Khánh Hòa.
Cho
đến nay, lòng con vẫn luôn áy náy về lời hứa ấy. Nếu nói là tâm nguyện, thì tâm
nguyện của con chính là muốn được hoàn thành lời đã hứa ấy.
Con
là người tu hành. Hứa mà không thực hiện được, khác gì nói dối, làm sao mà con
an tâm tu hành được. Tâm nguyện của con bây giờ, chính là con được về nơi con
đã hứa với bà con. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
2.
Hỏi: Khi sư về Gia Lai, thì chỗ sư ở, có phải là công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ
không ạ?
Đáp: Không bị ngăn cản,
không có trở ngại gì, không liên quan tới ai, thì con sẽ ở ngoài nghĩa địa, như
từ trước tới nay. Bằng như không được, thì hoặc khu vực, hay thôn xóm nào yên
tĩnh, cho con được khất thực, tu hành tốt. Những chỗ đông đúc quá, con khó yên
tĩnh để tu hành cho tốt đẹp. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
3.
Hỏi: Có người nói, việc tu hành của sư là chống phá Đạo Phật, chống phá Giáo Hội,
xin sư cho biết ý kiến của sư về dư luận này?
Đáp: Con vẫn luôn giữ đủ
các giới luật của một người tu hành. Chính giới luật ấy, Phật Pháp ấy là “bùa”
hộ mệnh của con, là chỗ dựa của con, bảo vệ con, giúp con giữ được các phẩm hạnh
tốt đẹp của một hành giả.
Không
chỉ thế, giới luật và Phật Pháp còn là niềm tin của con trên bước đường tập học.
Những
hành vi như sát sanh, trộm cắp, nói láo, không làm theo lời Phật dạy, mới là những
hành vi phạm giới, và phá hoại Phật Pháp.
Không
một ai có thể phá hoại được Giáo Pháp của Phật. Hàng bao ngàn năm nay, Giáo
Pháp ấy vẫn luôn nguyên vẹn. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
4.
Hỏi: Có người nói, việc sư cho phép các YouTuber, TikToker quay video, quay
TikTok, cũng như việc sư đi khất thực, đã lôi kéo theo nhiều người, rồi nhân
đó, tôn xưng sư là Phật, là A La Hán, xin sư cho biết suy nghĩ của sư về những
luồng dư luận này?
Đáp: Từ trước tới nay,
con vẫn luôn thưa rõ với mọi người, là con đang tập học theo mười ba hạnh Đầu
Đà mà Đức Phật đã dạy.
Con
tu hành theo lời Phật dạy, nhằm bồi đắp công hạnh, công đức cho mười Ba La Mật
của con. Con không là Thánh, càng không phải là Phật, con hiện cũng chưa thành
gì cả. Con bây giờ vẫn đang thực hành giới hạnh ba y một bát, khất thực, xin
ăn, không tài sản, không chùa chiền, gìn giữ đạo đức, gìn giữ sự chân thật cho
chính mình.
Con
hoàn toàn không lôi kéo ai. Con không tham gia vào bất kỳ một tổ chức hay một đảng
phái nào cả. Con cũng không làm kinh tế với ai, không hưởng các lợi nhuận từ bất
kỳ cá nhân, nhóm, hội nào.
Người
ta yêu mến hay người ta ghét bỏ con, đó là thái độ của người ta, lời nói của
người ta, trách nhiệm của người ta, việc của người ta.
Việc
của con là tập học, là thực hành hạnh khất thực, ba y một bát, mà Phật đã dạy.
Lời dạy của Phật, Chánh Pháp Phật, là niềm tin của con, là nơi nương tựa của
con, và hộ trì cho con. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
5.
Hỏi: Có người nói, sư xuất gia, tu hành là chỉ để cho mình, chớ chẳng mang lại
lợi ích gì cho ai. Sư nghĩ sao về nhận xét này?
Đáp: Tu riêng cho mình,
cũng có, như các bậc Thanh Văn, tu Thiền Định. Khi các vị ấy chứng ngộ, giải
thoát rồi, các vị ấy không nói cho ai nữa, không độ thoát cho ai nữa.
Còn
tu theo Đức Phật Như Lai, phát nguyện tu thành Chánh Đẳng Chánh Giác, thì Giải
Thoát rồi vẫn đi Gieo Duyên, tiếp xúc với chúng sinh, nói giáo lý cho chúng
sinh nghe, độ cho chúng sinh, giúp chúng sinh được an lạc, Giải Thoát, thì tu ấy
vẫn được xem là vì lợi ích của mọi người. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
6.
Hỏi: Có người nói, sư có liên quan đến nhóm tu đạo Nhân Quả. Có đúng như vậy
không, thưa sư?
Đáp: Con có thể khẳng định
ngay, con không liên quan gì với nhóm tu đạo Nhân Quả. Con chỉ tập học theo lời
dạy của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, thực hành mười ba hạnh Đầu Đà, sống ba y một
bát, lấy Chánh Pháp tu Thiền Định, phát nguyện thành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác
thôi.
Con
không biết gì về đạo Nhân Quả. Con cũng không biết họ có tu theo Đạo Phật
không. Con không liên quan, và cũng không hề trao đổi, chia sẻ điều gì với họ.
Khi
con đi khất thực ở Hà Tĩnh, con có thấy họ đi theo phát tờ rơi, con tỏ thái độ
không đồng ý, và nói với họ, đừng đi theo con nữa. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
7.
Hỏi: Ở bên đạo Phật Giáo Hòa Hảo của chúng con, cũng thờ Phật, niệm hồng danh Đức
Phật A Di Đà, Đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Con xin được hỏi sư, sư có biết
gì về đạo của chúng con không ạ?
Đáp: Thưa có, con có biết
và nghe nói tới Phật Giáo Hòa Hảo. Con rất tôn kính Phật Giáo Hòa Hảo.
Lúc
con vào miền Nam khất thực, con cũng đã có duyên gặp gỡ một số vị hành trì. Con
nhận thấy, việc tu hành của các vị theo Phật Giáo Hòa Hảo của Huỳnh Giáo Chủ rất
tốt.
Với
con, đạo nào đem lại lợi ích đạo đức, giúp mọi người sống hạnh phúc, an lạc,
không nuôi hận thù, không tham si, không sân hận, đều là đạo tốt đẹp. Con tôn
kính họ, tán thán họ, học tập họ, cả Phật Giáo Hòa Hảo và Cao Đài.
Những
người theo Phật Giáo mà tham lam, lừa đảo, thì con cũng vẫn không tôn kính. A
Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
8.
Hỏi: Các cư sĩ tu tại gia, phát nguyện tu Giải Thoát, thì họ có thành tựu Đạo
Quả không ạ? Con xin thỉnh những lời pháp thoại của sư, để chia sẻ cùng quý Phật
tử và cộng đồng, những người yêu quý Phật Pháp, lan tỏa tình yêu thương, Giác
Ngộ, buông bỏ được tham sân si cũng như là nhân ngã.
Đáp: Dạ, tùy mức độ, họ
vẫn có thể thành tựu được Đạo Quả, như Quả Dự Lưu, Quả Nhất Lai, Quả Bất Lai,
Quả A La Hán.
Trước
khi Phật Thích Ca nhập diệt, ai đủ Ba La Mật hạnh nguyện, đều được Phật tế độ
thành A La Hán, Giải Thoát.
Cho
đến nay, Giáo Pháp của Đức Thế Tôn vẫn còn tồn tại, được lưu giữ, được truyền
thừa, từ đời này qua đời khác, nên bất kỳ ai đủ được hạnh nguyện Ba La Mật,
tích lũy từ nhiều đời trước đến nay, tu theo Chánh Pháp, thì họ vẫn thành được
A La Hán, thành tựu các Quả Vị, để Giải Thoát theo nguyện hạnh của họ.
Ngay
cả các vị cư sĩ tu tại gia, nếu tu Tinh Tấn, Chánh Niệm, tâm thoát ly được tham
ái, họ cũng có thể thành tựu Quả Dự Lưu, Quả Nhất Lai. Hoặc, họ sẽ trở lại bảy
đời nữa, hay theo từng Quả Vị đó, họ cũng Giải Thoát, không bị đọa vào đường
ác.
Gặp
được Chánh Pháp, tu theo Chánh Pháp, đủ công đức, đủ phước báu, họ sẽ thành tựu,
và đi đến Giải Thoát. Tu sĩ, mà phạm giới, phá giới, thì cũng không thể Giải
Thoát.
Cư
sĩ tại gia và tu sĩ, nếu đủ đức tin, có Tinh Tấn, có Chánh Niệm, có Giới Định
Tuệ, là đều có thể đi đến con đường Giải Thoát.
Tu
đúng theo lời Phật dạy, thì tất thảy đều có kết quả. Thực hành đúng Bát Chánh Đạo
ở đâu, thì sẽ có A La Hán ở đó. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
9.
Hỏi: Có người nói, hạnh Đầu Đà là của ngài Đề Bà Đạt Đa đề ra, không nằm trong
Chánh Pháp, trong giáo lý của Đức Phật. Xin sư chia sẻ thêm về thắc mắc này.
Đáp: Đề Bà Đạt Đa vốn là
đệ tử của Đức Phật. Từ khi nghe Đức Phật giảng, thì mới bắt đầu có Phật Pháp,
thì mới bắt đầu có Pháp tu. Làm sao mà Đề Bà Đạt Đa thành đạo trước được mà đề
ra hạnh Đầu Đà này?
Trong
kinh điển, có ghi rõ về cách thức tu tập mười ba hạnh Đầu Đà, cũng như ghi rõ,
việc thực hành mười ba hạnh Đầu Đà này, từ bỏ được sân hận, si mê, sẽ đưa đến
thành tựu tốt đẹp, đưa đến Giải Thoát.
Thực
hành đúng, tốt, theo lời Phật dạy, thì mới có thành tựu, kể cả Bồ Đề Đạt Đa, kể
cả các vị đã thành. Chớ còn chỉ ngồi nói, mà không lo tu, thì không thể nào
thành được. Phải ứng dụng vào đời sống tu hành, phải thấy rõ được chính mình, rốt
ráo xả ly tham, xả ly mục đích, xả ly quyền lợi, danh vọng, thì mới đạt đến Giải
Thoát.
Tu
theo mười ba hạnh Đầu Đà, là một Pháp tu được Đức Phật thuyết lại, và có ghi rõ
trong kinh điển, lưu truyền cho đến ngày nay. Con chưa từng đọc trong kinh sách
nào, mà lại nói rằng, mười ba hạnh Đầu Đà là của Bồ Đề Đạt Đa cả.
Nếu
mọi người thấy phần trình bày của con ở trên vẫn chưa đủ thuyết phục, vẫn còn
nhiều nghi vấn, thì mọi người, hoặc có thể tự tìm hiểu thêm, hoặc có thể nhờ
các vị cao tăng, đức cao vọng trọng giải đáp giùm.
Tốt
nhất, là cứ tự mình trải nghiệm, kiểm nghiệm, thực hành, thì sẽ càng thấy, biết
rõ hơn, về hạnh Đầu Đà.
Đức
Phật cũng có nói, khi nghe các vị thần thánh, hay các vị đạo sư, hay kinh điển
nói, mà đã vội xác quyết, đã vội tin ngay. Hãy cứ thực hành, nếu thấy việc thực
tập đem lại cho mình an lạc, hạnh phúc, trí tuệ, đem lại Giải Thoát, thì lúc ấy,
tin những lời dạy đó chính là lời của Như Lai, cũng không muộn.
Ngược
lại, nếu thực hành, mà thấy mình không buông xả được tham sân si, thì đó không
phải là lời của Như Lai, đó là Ác Pháp.
Cũng
không nên khẳng định như thế này, lý luận như thế kia, mà đâm ra cãi cọ. Hãy cứ
thực hành, trải nghiệm, kiểm chứng, nếu không an lạc thì mình loại bỏ, mà an lạc
thì mình tiếp tục hành trì. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
10.
Hỏi: Gần đây, có một doanh nhân là bà Nguyễn Phương Hằng, có phát biểu rằng, sẽ
phân tích việc tu tập của sư đúng chỗ nào, sai chỗ nào. Phát biểu này của bà,
làm dậy lên làn sóng của dư luận trong suốt nhiều ngày qua. Rất mong nhận được
sự chia sẻ của sư, về phát biểu nói trên của bà Phương Hằng.
Đáp: Dạ, việc tu tập của
con, ai muốn nói đúng cũng được, ai muốn nói sai cũng được. Con tu là việc của
con. Tốt đẹp, là tốt đẹp cho con. Nên ai nói sao cũng được, quyền nói là quyền
của họ.
Phật
Pháp, hữu duyên, thì con chia sẻ. Con đã chọn con đường tu hành rồi, thì con
không còn màng đến danh lợi, không đua chen, cũng không dùng tới lý lẽ, để
tranh hơn thua, tôi đúng, ông sai, bà sai.
Con
cũng không quan tâm, đó là lời của ai. Con chỉ theo đuổi và đặt hoàn toàn niềm
tin của con vào Đức Thế Tôn. Con chỉ Tinh Tấn, Chánh Niệm, soi rọi lại chính
mình, xem con đã tu tập đúng, tốt chưa.
Con
không có đệ tử, không lôi kéo, và cũng không xua đuổi ai.
Về
công ty Thiên Định Tuệ gì đó, nếu anh Tuấn phát tâm, làm không vì danh, vì lợi,
với mục đích giúp đỡ cho con, và cả những người tu hành khác, cũng như giữ được
sự thanh tịnh, thì con sẽ tán thán, hoan nghênh, và con về sống với họ.
Ngược
lại, chỗ đó bất tịnh, hoặc liên quan đến danh lợi, đến tổ chức, đến đảng phái,
thì con quyết không đồng ý, không hoan nghênh.
Họ
làm ra, thì đó là việc của họ, con cũng sẽ né tránh. Con chỉ muốn đến những chỗ
thanh tịnh để con tu hành thôi.
Hạnh
tu Đầu Đà của con, không cần gì, không sở hữu gì.
Con
chỉ ba y, một bát!
Trở
lại chuyện nói con đúng hay sai, hoặc nói Pháp này đúng, Pháp kia trật, là tùy
họ. Nếu là đúng, thì họ cứ việc tu cho họ. Còn con, con đã nguyện tu theo hạnh
Đầu Đà, đúng sai con tự chịu. Đúng thì con hưởng phước, sai thì con lãnh nghiệp.
Họ
đến để tốt đẹp với con, con cũng bình thường. Họ đến để ghét bỏ con, con cũng
bình thường. Với con, mọi người đều bình đẳng, ai cũng như ai.
Con
không vì người này tốt với con, mà con hoan hỷ. Con không vì người kia ghét bỏ
con, mà con sân hận. Con đã xả bỏ từ lâu những tham dục, sân hận, si mê.
Họ
muốn làm gì thì đó là việc của họ. Danh lợi, đảng phái, con không liên quan.
Con
chỉ liên quan đến việc giữ giới luật, đạo đức tu tập, thực hành hạnh Yểm Ly. Sống
một đời sống tu hành, Phạm Hạnh, Cao Thượng. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
11.
Hỏi: Có người nhận xét, mỗi khi sư khoác lên người bộ y nhiều màu, mà nếu như
trong đó có màu đen, là y như rằng, lần đó, có chuyện xảy ra. Sư có thể nói vài
lời với chúng con về việc này không ạ?
Đáp: Y đắp của con gọi
là Phấn Tảo Y. Được may từ những mảnh vải vụn, hoặc quần áo cũ, người ta đã vứt
bỏ đi.
Nhặt
được màu trắng thì con may màu trắng. Nhặt được màu đen thì con may màu đen. Nhặt
được màu gì, con may màu ấy. Chỉ cần miếng vải ấy còn chắc chắn, có thể sử dụng
được.
Con
không chủ ý đi tìm màu đen. Con cũng không chọn lựa màu gì. Nhặt được bất kỳ
màu gì trước, thì con may trước màu ấy.
Ngày
trước, đi khất thực, con mặc Phấn Tảo Y nhiều màu, gặp người ta, họ cũng nói
này nọ. Con cũng có nói với họ, đừng mắc, chấp y áo mà làm chi.
Con
voi, nó có cặp ngà là quý giá nhất, và nó bị người ta săn đuổi, bức hại, giết
chết, cũng vì cặp ngà quý giá ấy.
Nay,
cũng có thể vì y áo này của con, mà người ta gây khó dễ cho con, làm hại con.
Con nghĩ, hay thôi, con bỏ áo này đi, không mặc nữa.
Nhưng
rồi niềm tin đã ngăn suy nghĩ ấy của con. Con đã phát nguyện theo mười ba hạnh
Đầu Đà, kể cả có chết, thì con cũng được chết trong Pháp. Con không cần phải sợ
hãi gì cả. Có chết, con cũng không lo âu. Có chết, con cũng hoan hỷ. Có chết,
con cũng thấy mình xứng đáng.
Nên
được chết trong Chánh Pháp, con cũng vẫn hoan hỷ.
Con
voi, vì cặp ngà mà nó phải chết, nó cũng vẫn hoan hỷ, chứ nó không bỏ ngà mà chọn
sống.
Nên
nếu như, vì bộ Phấn Tảo Y này mà con phải chết, con cũng vẫn vui vẻ, sẵn sàng.
Không vì Phấn Tảo Y có thể gây nguy hiểm cho con, mà con bỏ, để đổi lấy an toàn
cho sự sống.
Một
khi con đã chọn cho mình con đường tu hành Vô Thượng Chánh Đẳng Giác, nguyện đi
theo con đường phạm hạnh của Đức Phật, thì dẫu có bỏ mạng, con cũng cúng dàng đến
Đức Phật, Đức Pháp, Đức Tăng, Mười Phương Chư Phật, con vui vẻ đi theo và không
còn điều gì để phải hối tiếc nữa. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
12.
Hỏi: Sư tu hạnh Đầu Đà, bộ hành tam y nhất bát, mà sao lại có người kỳ thị, chống
đối, bôi nhọ đủ thứ. Thì đó có gọi là duyên không ạ?
Đáp: Dạ, có thể là do Ma
Vương.
Khi
con bắt đầu bộ hành, khất thực, con được nhiều người thương mến, giúp đỡ, và thậm
chí đi theo.
Nếu
Ma Vương không muốn người của họ đi theo con, cũng như khi năng lực của con
chuyển thành Chánh Đẳng Chánh Giác, con sẽ bị họ đố kỵ, gaghét, và làm nhiều
cách nhằm chi phối con.
Nhưng
nếu con tu hành đủ thời gian, viên mãn, đầy công đức, đủ Ba La Mật, thì nó cũng
sẽ không phá con được nữa.
Thời
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, có Thiên Ma Ba Tuần, họ tới tìm mọi cách để ngăn cản,
nói chung là họ không thích mình mang đến sự Giải Thoát. Họ chỉ muốn họ có quyền
năng chi phối, để mọi người phải tiếp tục cúng dàng, hầu hạ họ.
Nhưng
cũng đừng có sợ họ. Cũng nhờ có họ cản trở mà mình mới diệt dục được.
Dẫu
họ có ngăn cản thế nào, mà mình vẫn cứ giữ được đạo hạnh của mình, thì họ cũng
không thể làm gì mình được. Họ không thể làm gì được với Đạo Giải Thoát của Đức
Phật Thích Ca Mâu Ni. A Di Đà Phật. A Di Đà Phật.
*
13.
Hỏi: Xin sư cho chúng con biết thêm về Pháp môn niệm Phật cầu Vãng Sanh, có
thành tựu tốt đẹp trong đời này không ạ?
Đáp: Vâng, Pháp môn niệm
Phật cầu Vãng Sanh ở đời này, ai thực hành niệm Phật đầy đủ Mười Tâm Thù Thắng,
cùng với ước nguyện của mình, sẽ thành Phật.
Trong
quá khứ, các vị Phật Chánh Đẳng Giác, nhiều như cát sông Hằng. Hằng hà sa số
các vị Phật, chứ không phải chỉ mỗi Phật Thích Ca Mâu Ni.
Phật
Thích Ca Mâu Ni là đời cuối cùng, gần nhất đây thôi. Những vị Phật ở trước thời
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, họ vẫn có những năng lực, những nguyện hạnh của họ,
nên khi mình niệm về đó, sẽ Tương Ưng.
Tương
Ưng nghĩa là, lấy ví dụ như, thầy tu theo đạo Phật, nhưng thầy có duyên với vị
thầy này; con cũng tu theo đạo Phật, nhưng con lại có duyên với một vị thầy
kia.
Cứ
thực hành đúng giáo Pháp. Niệm Phật Thích Ca Mâu Ni cũng về được. Niệm Phật A
Di Đà cũng về được. Niệm bất kỳ một vị Phật nào, đúng giáo lý, đúng giáo Pháp,
ngay trong đời này, cũng đều thành tựu, cũng đều về với Đức Phật.
Đời
này nếu chưa Giải Thoát được, tùy theo mức độ tinh tấn với hạnh nguyện Ba La Mật
của từng vị đó, tùy mức độ tu hành rốt ráo của vị đó, thì có thể đến đời sau,
hay một đời nào sau đó nữa, vị ấy cũng sẽ gặp được người thầy có duyên với
mình, và sẽ thành tựu. Họ sẽ độ thoát.
Con
cũng ước nguyện cho mọi người được hạnh phúc, chúc các phát nguyện chóng thành
đạo quả, có thể độ thoát cho mình, và cho tất cả chúng sanh. A Di Đà Phật. A Di
Đà Phật.
___________
Cảm
nghĩ của cô Phạm Hiền Mây:
Từ
ngày tôi chuyển các trò chuyện, vấn đáp của sư Minh Tuệ, sư ông Viên Minh, sư
ông Giác Khang, từ thoại nghe sang văn bản đọc, tôi cảm giác ra, đời tôi thật
là hạnh phúc.
Một
trong những hạnh phúc đó, là việc tôi nhận được tin nhắn của các bạn theo dõi
trang. Ngày nào cũng khoảng mười tin nhắn trở lại, nhưng tôi không thể hồi đáp
được, vì bận quá chừng chừng, thời gian không đủ để chuyển thoại, nên, thậm
chí, ngủ cũng còn không đủ, lấy đâu ra giờ hồi đáp.
Xin
các bạn thông cảm, đừng trách buồn tôi.
Đa
số các tin nhắn là những lời ngợi khen, cỗ vũ, ủng hộ việc tôi đang làm. Tôi biết
ơn các bạn nhiều lắm.
Hôm
nay, cũng vậy, tôi ghé qua hộp thư để đọc các tin nhắn, thì bỗng có một tin nhắn,
chỉ mới thoáng lướt thôi, mà đã khiến tôi sững sờ, rồi nghe nghèn nghẹn.
Tin
nhắn đó của một em nam, có nickname là Đạt Nhỏ, và bạn ấy ghi như thế này: Cảm
ơn cô, nếu con cầm được cuốn sách đó, con sẽ khóc hết nước mắt thôi.
Cuốn
sách đó, là cuốn mà tôi ghi chép lại, gần như là đầy đủ, tất cả các tâm tình,
trao đổi, trả lời của một vị sư, đang trên đường tu tập thôi, nhưng đã khiến
triệu triệu trái tim xúc động, ngưỡng mộ và kính trọng.
Xúc
động vì lối tu khổ hạnh của ngài. Khổ hạnh mà lúc nào cũng ung dung, cũng hiền
từ, cũng vui vẻ, cũng thoải mái, cũng hòa đồng, cũng bình đẳng, không phân biệt,
sẵn sàng tha thứ ngay cả người đã đánh mình, sẵn sàng bỏ qua những lời xúc xiểm,
bôi nhọ, dèm pha trên bước đường khất thực, tu học.
Ngưỡng
mộ con đường tu một mình, ba y một bát, vải nhặt, cơm chỉ xin vừa đủ một bữa ăn
trong ngày, nước uống xin đủ dùng, không xin dư, dứt khoát không nhận dư, dù chỉ
là cây kim, sợi chỉ để may y mà đắp. Tối ngủ ngồi ở nghĩa địa, nhà hoang, ven rừng,
hang núi cao. Bệnh thì niệm Phật, chịu đựng, quyết không dùng thuốc, tối giản
trong lối sống. Và khi nhận của đàn na bố thí, ngài luôn luôn hồi hướng công đức
cho người đã mở tâm cúng dường.
Kính
trọng cách thức tu của ngài, gặp ai cũng xưng con, ai hỏi gì cũng nhẫn nại trả
lời cho bằng hết, không qua quýt, không tránh né. Kính trọng đức kham nhẫn, chịu
đựng, quyết buông bỏ, quyết xả ly, không chùa, không đệ tử, không tài sản,
không nhận tiền.
Tất
cả chỉ với ý nguyện, tu thành bậc Chánh Đẳng Giác, đặng cứu độ chúng sinh.
***
Ngay
cả khi ngài đang trên con đường tập học, thì việc ngài đi từ Nam ra Bắc, và ngược
lại, từ Bắc vô Nam, đội nắng, dầm mưa, chỉ bằng đôi chân trần, suốt sáu năm
ròng rã, với bốn lượt ra vào, cũng chỉ cốt để, trước là rèn luyện mình, sau là
gieo duyên để bá tánh được thực hành bố thí, cúng dường, và nhận lại vô cùng
công đức.
Tôi
không dưng, cũng muốn khóc hết nước mắt thôi, như em Đạt Nhỏ, và nhớ quá chừng
chừng những tháng ngày, ngài còn tự do trên bước đường tu tập, những tháng ngày
nhìn thấy nụ cười thiệt tươi của ngài, cùng dáng gầy gò, cùng bước chân thoăn
thoắt, nhanh nhẹn của ngài.
Ngài
đi như vậy, từ thành thị đến thôn quê, từ phố cao nhà rộng đến sơn cùng thủy tận,
đến đâu, ngài cũng tặng một nụ cười hiền từ, thân thiết đến người dân; đến đâu,
uống hớp nước, ngồi nghỉ chân bên vệ đường hay bên bờ ruộng vắng, ngài đều có
thể chia sẻ những thắc mắc về Phật pháp, hay về đời sống; đến đâu, ngài cũng
mang lại một cảm giác ấm áp, an ủi cảnh nghèo khó, vỗ về cảnh đầy đủ nhưng lại
lắm bất trắc, lo âu; đến đâu, ngài cũng khuyên: tu đi, làm lành, lánh dữ, thì mọi
việc sẽ tốt đẹp.
Cả
khi cất bước lên đường, chia tay rồi, mà bao vấn vương vẫn còn bên người ở lại,
khi ngài chắp tay, cầu nguyện: Con xin chúc mọi người được vui vẻ, hạnh phúc.
Quốc
Bảo. Sư Minh Tuệ, chính là Quốc Bảo. Ngài là báu vật sống của Quốc Gia.
***
Tôi
ước mơ, có một ngày, bất chợt, ngài xuất hiện, hệt như xưa, cũng vẫn nụ cười
tươi tắn thân thương, vẫn vóc dáng gầy gò kham nhẫn, sau những chào hỏi, trò
chuyện, là lại một mình, vào rừng, khuất sau những rặng cây, thoắt ẩn, thoắt hiện.
Phi
phàm.
Tôi
cũng ước mơ, nước tôi, sẽ là một điểm đến thú vị của thế giới. Khắp nơi đồn
đãi, khắp nơi tò mò, bán tín bán nghi, và người ta muốn thử độ may mắn của
mình, khi quyết định du lịch đến Việt Nam, và biết đâu, sẽ gặp được nhân vật,
tưởng huyền thoại mà có thực của Việt Nam, đó là một hành giả, ốm nhách ốm
nhom, mặc cái áo nhiều màu được may tay rất đẹp, lúc nào cũng cười, và cương
quyết không nhận bất kỳ gì, bất kỳ giúp đỡ gì, bất kỳ đề nghị gì, ngoài nhận bố
thí bữa ăn duy nhứt trong ngày.
Tôi
ước mơ. Và biết đâu.
***
Xin
được thay mặt cho tất cả những người đã, đang, và sẽ tiếp tục tin tưởng, ngưỡng
mộ, kính trọng sư Minh Tuệ, kính chúc sư Minh Tuệ chân cứng, đá mềm, và được Đức
Phật độ trì cho ngài tu hành chóng thành đạo quả.
Xin
tán thán công đức sư Minh Tuệ. Cảm ơn bạn Phước Nghiêm, người thực hiện buổi phỏng
vấn từ xa với sư Minh Tuệ, rất đặc biệt và độc đáo này. Cảm ơn KTS. Lan Vo, người
đã giúp tôi có những bức hình minh họa đẹp và ý nghĩa, suốt nhiều năm qua.
Thân
mến chúc tất cả bạn đọc gần xa được vui vẻ và hạnh phúc.
Sài
Gòn 24.10.2024
Phạm
Hiền Mây
______
Nguồn: Đây là văn bản được
chuyển từ buổi phỏng vấn sư Minh Tuệ, trong video mang tên: Sư Minh Tuệ 22.10 –
Phước Nghiêm chia sẻ 13 câu hỏi mới nhất. Phát hành ngày 22.10.24, trên kênh
YouTube Phước Nghiêm Thiện Nguyện.
No comments:
Post a Comment