Thursday, October 31, 2024

PHILIPPINES NÍN THỞ CHỜ KẾT QUẢ BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ (Thu Hằng / RFI)

 



Philippines nín thở chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 29/10/2024 - 13:52  -  Sửa đổi ngày: 29/10/2024 - 14:28

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241029-philippines-n%C3%ADn-th%E1%BB%9F-ch%E1%BB%9D-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9

 

Hai tuần trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chính quyền Joe Biden thông báo viện trợ cho Manila 8 triệu đô la để hiện đại hóa lực lượng tuần duyên. Đây là một phần trong thông báo hỗ trợ quân sự chưa từng có, lên đến 500 triệu đô la, của Washington nhằm giúp Philippines củng cố quân đội trước những thách thức từ Trung Quốc.

 

HÌNH :

Tướng Philippines Romeo Brawner Jr (T) bắt tay các binh sĩ Mỹ bên cạnh dàn phóng rốc-két HIMARS, trong cuộc triển lãm An ninh và Phòng thủ châu Á, ngày 25/09/2024, Manila, Philipines. AP - Aaron Favila

 

Tuy nhiên, cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ dường như chỉ chú trọng đến Trung Quốc là mối đe dọa kinh tế và công nghệ mà quên đi mối đe dọa về an ninh. Và Biển Đông lại càng xa vời trong số những hồ sơ quốc tế cấp bách khác.

 

Philippines, đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, nín thở chờ kết quả bầu cử tổng thống Mỹ cho dù cố thể hiện lạc quan về mối quan hệ có từ lâu và được củng cố dưới thời tổng thống Marcos Jr. Giới chuyên gia, được báo mạng Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn ngày 28/10/2024, nêu lên hai kịch bản khác nhau tùy theo quan điểm của hai ứng viên tổng thống Donald Trump và Kamala Haris về Trung Quốc.

 

 

Harris tiếp nối chính sách « thân thiện » với Manila

 

Nếu ứng viên đảng Dân Chủ Kamala Harris đắc cử, sẽ không có bất ngờ trong chiến lược đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực. Chính quyền của bà Harris sẽ duy trì chính sách « thân mật » của người tiền nhiệm Joe Biden, có nghĩa là tiếp tục hỗ trợ chính phủ Philippines. Chester Cabalza, chủ tịch nhóm tư vấn Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế (International Development and Security Cooperation) ở Manila, nhắc lại : « Bà Harris đã đến thăm đảo Palawan với tư cách là phó tổng thống Mỹ và bà thấy rõ thế lưỡng nan về an ninh ở vùng biển Tây Philippines (tên Philippines gọi Biển Đông) ».

 

« Cam kết không thể lay chuyển của Biden đối với Manila » được thể hiện qua việc mở rộng hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines trong khuôn khổ Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường (EDCA, ký năm 2014). Ngoài khoản tài trợ 8 triệu đô la được bộ Ngoại Giao Mỹ thông báo trong đối thoại tại Manila ngày 25/10, chưa đầy hai tuần trước kỳ bầu cử tổng thống, Washington còn hứa sát cánh với Philippines « giải quyết những thách thức hiện tại và những mối quan ngại chung về hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông ».

 

Vincent Wei-cheng Wang, giáo sư Khoa học Chính trị tại Đại học Adelphi (Mỹ) nhắc lại là chính quyền Biden đã kiên trì khôi phục mối quan hệ song phương, nhất là về an ninh, sau khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngả hẳn sang Trung Quốc. Mỹ được phép « tiếp cận những căn cứ quân sự ở Philippines, tổ chức các cuộc tập trận chung và tăng cường năng lực ». Đó là « những thành quả thực tế » và là « một sách lược tốt » nên theo giáo sư Vincent Wei-cheng Wang, « bà Harris khôn khéo không làm đảo lộn chiến lược này ».

 

Trump và « mặc cả » bảo vệ an ninh cho Manila

 

Tuy nhiên, nếu nhà tỉ phú Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, mọi vấn đề, dù có hệ trọng cho an ninh thế giới, đều có « giá » và sẽ được đưa ra « mặc cả », theo nhận định của giới quan sát. Các đồng minh thân thiết trong NATO, Đài Loan đều bị ứng viên đảng Cộng Hòa coi là « khách hàng », muốn được bảo đảm an ninh thì phải « trả tiền ». Và như vậy, các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines, cũng sẽ không phải là trường hợp ngoại lệ. Theo chuyên gia Chester Cabalza, dự án đồn trú luân phiên của quân đội Mỹ cũng như việc phát triển căn cứ tại Philippines sẽ rơi vào bất trắc vì chính sách « Nước Mỹ trên hết » của ông Trump.

 

Ngoài ra, lập trường bảo hộ của ông Trump có thể gây tác động xấu cho hợp tác kinh tế song phương trong khi « Philippines cũng yêu cầu Mỹ đầu tư và tạo điều kiện thâm nhập thị trường Hoa Kỳ », theo giáo sư khoa học chính trị Matteo Piasentini, Đại học Philippines, chuyên gia phân tích địa chính trị cho trang Geopolitica.info. Hệ quả có thể không xảy ra ngay lập tức nhưng Manila sẽ mất dần kiên nhẫn vì những trễ nải trong cam kết của Mỹ. Đến lúc đó, theo giáo sư Matteo Piasentini, « nếu Trung Quốc quay lại ve vãn Philippines » thì việc này có thể gây tác động đến mối quan hệ giữa Manila và Washington.

Dưới thời tổng thống Marcos Jr., Philippines tỏ ra kiên quyết hơn trong việc bảo vệ chủ quyền trước những yêu sách của Trung Quốc. Washington là một điểm tựa quan trọng, nhưng Manila cũng mở rộng hợp tác quân sự với nhiều nước (Úc, Nhật Bản, Ấn Độ, Đức, Anh…). Chuyên gia Cabalza cho rằng Philippines cần tiếp tục đi theo hướng này, một mặt « tập trung vào lợi ích chiến lược riêng bằng cách mở rộng cải cách kinh tế và củng cố các vị trí phòng thủ » và mặt khác tìm cách thu hút đầu tư từ các đồng minh của Mỹ - những nước thấy Philippines là thị trường hấp dẫn.

 

===============================================

Mỹ hỗ trợ Philippines 8 triệu đô la để hiện đại hóa lực lượng tuần duyên

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 29/10/2024 - 12:19

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20241029-m%E1%BB%B9-h%E1%BB%97-tr%E1%BB%A3-philippines-8-tri%E1%BB%87u-%C4%91%C3%B4-la-%C4%91%E1%BB%83-hi%E1%BB%87n-%C4%91%E1%BA%A1i-h%C3%B3a-l%E1%BB%B1c-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-tu%E1%BA%A7n-duy%C3%AAn

 

Hoa Kỳ cam kết tiếp tục tăng cường hợp tác với đồng minh Philippines ở Đông Nam Á trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị bầu cử tổng thống. Ngày 28/10/2024, Washington cho biết hỗ trợ 8 triệu đô la để giúp Manila hiện đại hóa lực lượng tuần duyên để có thể đối phó với những yêu sách chủ quyền ngày càng hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.

 

HÌNH :

Tàu của cảnh sát biển Trung Quốc (P) đi ngang qua tàu của cảnh sát biển Philippines BRP Cape Engaño, trên Biển Đông, ngày 26/08/2024. AFP - JAM STA ROSA

 

Trong thông cáo ngày 28/10, được báo mạng Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết khoản ngân sách trên nhằm mục đích hỗ trợ « cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển chương trình huấn luyện và lập kế hoạch thu thập và quản lý tài nguyên » của lực lượng tuần duyên Philippines.

Khoản tài trợ này được Cục Phòng chống Ma túy và Thực thi Pháp luật Quốc tế (INL) thuộc bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo ngày 25/10 trong khuôn khổ cuộc đối thoại song phương được tổ chức ở Manila. Theo đại sứ quán Mỹ, hai bên « đã xem xét lại những nỗ lực hợp tác hiện có và thảo luận các cách cho phép hai bên cùng nhau giải quyết những thách thức hiện tại và những mối quan ngại chung về hàng hải, đặc biệt là ở Biển Đông ».

Trong tuyên bố được công bố cùng ngày 25/10, lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ khẳng định sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện và hợp tác ở Đông Nam Á và Nam Á tập trung vào huấn luyện, triển khai và củng cố năng lực.

Trong bối cảnh Hoa Kỳ chuẩn bị bầu tổng thống ngày 05/11, Philippines tiếp tục tỏ ra tin tưởng vào sự tiếp nối trong chiến lược an ninh của Washington dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử. Trong một cuộc phỏng vấn, được Reuters trích dẫn ngày 29/10, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro lưu ý rằng liên minh Mỹ-Philippines dựa trên các mục tiêu an ninh chung và cam kết tôn trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả các vùng tranh chấp ở Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc luôn « có thái độ hung hăng rõ rệt trong kế hoạch bành trướng trong khu vực ».

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

ASEAN

ASEAN+1 : Mỹ lên án các hành xử ‘‘ngày càng nguy hiểm’’ của Trung Quốc ở Biển Đông

 

TRUNG QUỐC - PHILIPPINES - BIỂN ĐÔNG

ASEAN+1: Philippines tố cáo các hành vi hù dọa quấy rối tại Biển Đông, kêu gọi Trung Quốc-ASEAN khẩn trương đàm phán về COC

 

ASEAN

Hội nghị cấp cao thường niên của ASEAN khai mạc: Miến Điện và Biển Đông là trọng tâm

 

 




No comments:

Post a Comment