Monday, October 28, 2024

HÀN QUỐC TRÌNH BÀY TRƯỚC NATO VỀ SỰ HIỆN DIỆN CỦA BINH LÍNH BẮC TRIỀU TIÊN TẠI NGA (Minh Phương / RFI)

 



Hàn Quốc trình bày trước NATO về sự hiện diện của binh lính Bắc Triều Tiên tại Nga

Minh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 27/10/2024 - 11:14  -  Sửa đổi ngày: 27/10/2024 - 14:25

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20241027-h%C3%A0n-qu%E1%BB%91c-tr%C3%ACnh-b%C3%A0y-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-nato-v%E1%BB%81-s%E1%BB%B1-hi%E1%BB%87n-di%E1%BB%87n-c%E1%BB%A7a-binh-l%C3%ADnh-b%E1%BA%AFc-tri%E1%BB%81u-ti%C3%AAn-t%E1%BA%A1i-nga

 

Ngày mai, 28/10/2024, một phái đoàn bao gồm các đại diện thuộc cơ quan tình báo Hàn Quốc cùng các quan chức quân sự cấp cao và các nhà ngoại giao sẽ tới trụ sở của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) để trình bày các thông tin thu thập được về sự hiện diện của binh lính Bắc Triều Tiên tại Nga.

 

HÌNH :

Hình tư liệu minh họa: Binh sĩ Bắc Triều Tiên trong cuộc diễu binh kỷ niệm một 100 năm sinh nhật người sáng lập chế độ Kim Nhật Thành, ngày 05/04/2012, tại Bình Nhưỡng. AP - Ng Han Guan

 

Phái đoàn Hàn Quốc cũng có thể sẽ thảo luận về các biện pháp hỗ trợ cho Kiev, chẳng hạn như triển khai một đơn vị giám sát. Theo Yonhap, đơn vị này sẽ cho phép nghiên cứu và phân tích về mặt chiến thuật cũng như tổ chức quân sự của các lực lượng Bắc Triều Tiên. Các chuyên gia về chiến tranh tâm lý của Hàn Quốc cũng có thể sẽ tham gia vào đội ngũ này trong nỗ lực kêu gọi binh sĩ Bắc Triều Tiên đầu hàng.

 

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh có các thông tin cho rằng quân đội Bình Nhưỡng đang được triển khai ồ ạt tại khu vực Kursk, phía tây nam nước Nga, nơi quân đội Ukraina chiếm đóng từ tháng 8. Tuy nhiên, nhìn từ phía Trung Quốc, đồng minh của cả Bắc Triều Tiên và Nga, thì sự hiện diện quân sự này đưa Bắc Kinh vào tình thế khó xử.

 

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Cléa Broadhurst giải thích cụ thể :

 

Trung Quốc đang trong tình thế nhạy cảm trước những thông tin về việc Bắc Triều Tiên gửi quân đến Ukraina. Dù các nguồn tin phương Tây và Hàn Quốc đều xác nhận rằng Trung Quốc biết về quyết định này, nhưng Bắc Kinh vẫn phủ nhận. Nước này cho biết giữ lập trường trung lập và kêu gọi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, nhằm tránh bị coi là can dự trực tiếp.

 

Trung Quốc ủng hộ Nga, đồng minh chiến lược của họ, nhưng vẫn luôn giữ giới hạn không trực tiếp tham gia quân sự. Trung Quốc cố gắng tận dụng mối quan hệ đồng minh này đồng thời bảo vệ các quan hệ kinh tế với Mỹ và châu Âu. Bên cạnh đó, chủ tịch Tập Cận Bình thể hiện lập trường ủng hộ an ninh toàn cầu nhưng không cô lập Matxcơva.

 

Sự hợp tác quân sự giữa Nga và Bắc Triều Tiên có thể bao gồm cả việc chuyển giao công nghệ nhạy cảm, như tên lửa và tàu ngầm. Bị áp lực , Matxcơva có thể chấp nhận chia sẻ những tiến bộ này với Bình Nhưỡng, nhằm giúp tăng cường năng lực quân sự của Bắc Triều Tiên và gây mất ổn định trong khu vực. Điều này khiến Trung Quốc lo ngại vì nước này muốn tìm cách hạn chế căng thẳng quanh bán đảo Triều Tiên.

 

Vì vậy, Bắc Kinh phải cố gắng giữ vị thế cân bằng một cách tế nhị để bảo vệ lợi ích kinh tế và chiến lược của mình đồng thời tránh bị cô lập về mặt ngoại giao.”

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

BẮC TRIỀU TIÊN - NGA - UKRAINA

Mỹ: Bắc Triều Tiên đã gửi 3.000 lính sang Nga chuẩn bị tham chiến tại Ukraina

 

PHÂN TÍCH

Cộng đồng quốc tế bất lực trước viễn cảnh Nga tuyển mộ lính Bắc Triều Tiên sang Ukraina

 

Lính Bắc Triều Tiên - Nga - CT Ukraina

Tổng thống Vladimir Putin gián tiếp công nhận lính Bắc Triều Tiên đã hiện diện tại Nga

 

 

 

 





No comments:

Post a Comment