Friday, October 25, 2024

HAI NHÀ TRÍ THỨC GIẢI MÃ SỰ THỐNG LĨNH CỦA 'PHE CẦM QUÂN' TRONG BỘ MÁY LÃNH ĐẠO VIỆT NAM (VOA Tiếng Việt)

 



Hai nhà trí thức giải mã sự thống lĩnh của ‘phe cầm quân’ trong bộ máy lãnh đạo Việt Nam

VOA Tiếng Việt

25/10/2024

https://www.voatiengviet.com/a/hai-nha-tri-thuc-giai-ma-su-thong-linh-phe-cam-quan-bo-may-lanh-dao-viet-nam/7838603.html

 

Các tướng lĩnh công an, quân đội hiện nắm 3 chức vụ lãnh đạo cao nhất của Việt Nam và chiếm đa số trong Bộ Chính trị có nhiều quyền ra quyết sách nhất. Sự trỗi dậy của phe các lực lượng vũ trang này được xem là chưa từng có trong chính trị Việt Nam. Hai nhà trí thức lý giải về hiện tượng này với VOA.

 

https://gdb.voanews.com/ff3caee2-61a4-4ed3-9aee-95c3068618e4_cx0_cy5_cw0_w1023_r1_s.jpg

Ba vị tướng công an, quân đội nắm ba chức vụ lãnh đạo hàng đầu Việt Nam. (Hà Nội, 21/10/2024, AP Photo/Minh Hoang)

 

Như VOA đã đưa tin, sau các cuộc họp bàn và bỏ phiếu của Đảng Cộng sản Việt Nam và Quốc hội của đất nước trong thời gian gần đây, Đại tướng công an Tô Lâm hiện nắm chức Tổng Bí thư Đảng, có thực quyền lãnh đạo cao nhất; Đại tướng quân đội Lương Cường được giao chức Chủ tịch nước; và ông Phạm Minh Chính, từng là trung tướng công an, đã trở thành Thủ tướng từ cuối tháng 7/2021.

 

Hiện tại, có tới 9 tướng, tá công an, quân đội là ủy viên Bộ Chính trị, nhóm chóp bu của đảng có quyền quyết sách lớn nhất, đồng nghĩa là họ chiếm thế đa số trên tổng số 15 ủy viên.

 

Cụ thể, đó là Tổng Bí thư Tô Lâm, Đại tướng công an; Chủ tịch nước Lương Cường, Đại tướng quân đội; Thủ tướng Phạm Minh Chính, từng là Thứ trưởng Bộ Công an mang hàm trung tướng; Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, từng là Giám đốc Công an Nghệ An với hàm đại tá; Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, từng là Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội mang hàm thượng tướng; Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình, từng là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát với hàm thiếu tướng; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Đại tướng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Bộ Công an Đại tướng Lương Tam Quang; và Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, từng là Trưởng Công an huyện Gò Dầu.

 

Ông Đặng Tâm Chánh, cựu Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị, với bề dày hàng chục năm nắm tình hình Việt Nam, nêu ra với VOA bức tranh khái quát là nền chính trị đất nước có 3 phe chính.

 

Thứ nhất là phe của các lực lượng vũ trang – tức quân đội và công an – gọi một cách không chính thức là “phe cầm quân”; khối thứ hai là các cán bộ chính trị của Đoàn Thanh niên và Đảng, gọi là “phe cầm cờ”; và khối của những người được xem là có chuyên môn, được đào tạo ở các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa trước đây và ở nước ngoài nói chung hiện nay.

Dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trước khi ông qua đời hồi tháng 7/2024, “phe cầm cờ” thăng tiến thuận lợi, nhưng phe này bị nhiều đảng viên và nhân dân xem là “chính trị chay”, “lý thuyết suông”, ông Tâm Chánh đưa ra quan sát.

 

Ông cho rằng trước đây, khi Việt Nam còn trong các cuộc chiến tranh, “phe cầm cờ” phải gần dân, thuyết phục dân và vượt qua các nguy hiểm, thử thách trong thực tế, nhưng sau chiến tranh, họ không còn như vậy nữa. Ông nói thêm:

 

“Người ta không đo lường được tài năng của họ đến đâu, độ trong sạch tới đâu, nên trong hai nhiệm kỳ [Đại hội Đảng] vừa rồi, những cán bộ Đoàn, lãnh đạo cấp tỉnh, các bộ, ngành, hay trung ương bị vô khám rất nhiều”.

 

Trong khi đó, ông Tâm Chánh nói tiếp, trong “phe cầm quân”, để thăng tiến thành chỉ huy, các sỹ quan phải thuyết phục được tập thể quanh họ nên họ thể hiện rõ phẩm chất, năng lực hơn.

 

Cũng như vậy, “phe có chuyên môn” được đánh giá qua việc họ có đưa ra các quyết định có phù hợp với thực tế hay không. Song “phe cầm quân” có lợi thế ở chỗ họ được tin cậy là rất trung thành với lý tưởng của đảng cộng sản.

 

Với góc nhìn như vậy, ông Tâm Chánh không ngạc nhiên về việc “phe cầm quân” đang thống lĩnh các vị trí nắm quyền quyết sách:

 

“Đây là những nhà lãnh đạo có trải qua kinh nghiệm thực tế trong quân đội, công an. Thế hệ này trưởng thành chủ yếu sau năm 1975, nên có vẻ ít lý thuyết suông nhất. Họ thuộc lực lượng sẽ bảo vệ điều họ gọi là ‘thành quả cách mạng’, rất là kiên định”.

 

Nói riêng về quân đội, với hiểu biết của mình, cựu Tổng Biên tập Sài Gòn Tiếp Thị nhận xét rằng do áp lực hiện đại hóa để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc, lực lượng này đã thay đổi chính sách cán bộ, bao gồm trẻ hóa, đào tạo bài bản, cộng với mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước ngoài khối xã hội chủ nghĩa cũ.

 

“Khu vực nhà binh có nhiều nhân tố được chọn lựa, được tin cậy tốt hơn. Trong những năm vừa qua, công tác nhân sự trong quân đội có nhiều mới mẻ, nhiều thành tựu”, ông Tâm Chánh nhấn mạnh.

 

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Đại Lược, cựu Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, nhận định với VOA rằng các tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp vươn lên nắm nhiều vị trí có quyền quyết sách nhất từ trước đến nay là do họ chứng minh được tài và đức của họ:

 

“Ông Phạm Minh Chính được đào tạo ở nước ngoài, là phó giáo sư, tiến sĩ, từng làm xuất sắc bí thư Quảng Ninh, làm thủ tướng thì tốt quá. Từ khi ông làm thủ tướng, ông góp phần duy trì mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam vào hàng cao nhất ở Đông Nam Á. Ông Tô Lâm có thành tích xuất sắc trong ‘đốt lò’. Bây giờ ông giữ chức tổng bí thư, tôi hoàn toàn tin tưởng là ông Tô Lâm sẽ làm tốt chức trách đấy”.

 

“Đốt lò” là cách gọi không chính thức về cuộc chiến chống tham nhũng kéo dài hơn 10 năm qua ở Việt Nam.

 

Theo quan sát của VOA, việc 9 tướng, tá công an, quân đội nắm 3 ghế lãnh đạo hàng đầu và nằm trong Bộ Chính trị làm dư luận lo ngại về viễn cảnh “công an trị, quân đội trị”, đồng nghĩa xã hội sẽ ít các quyền tự do hơn.

 

Nhưng PGS.TS. Võ Đại Lược đưa ra quan điểm cá nhân là “không đáng lo ngại” vì cần xét đến bối cảnh chưa bao giờ Việt Nam hội nhập quốc tế nhiều và có các điều kiện phát triển thuận lợi như hiện nay, với các đối tác chiến lược toàn diện bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, một số nước châu Âu…

 

Cựu nhà báo Tâm Chánh cũng cho rằng không nên quá bi quan về việc các chính trị gia hàng đầu của Việt Nam có xuất thân từ những lực lượng gắn với hình ảnh “cầm súng”, “nhà binh”, “trấn áp”. Điều mà ông nghĩ rằng đáng quan tâm hơn là sự thiếu vắng các nhà kỹ trị, nhà chuyên môn ở các vị trí lãnh đạo cấp cao trong cơ chế đảng cộng sản nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối.

 

 





No comments:

Post a Comment