Friday, September 27, 2024

NHU CẦU VỀ TỦ LẠNH, MÁY ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ LÀM TRẦM TRỌNG THÊM BIẾN ĐỐI KHÍ HẬU (Thùy Dương / RFI)

 



Nhu cầu về tủ lạnh, máy điều hòa không khí làm trầm trọng thêm biến đổi khí hậu  

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 26/09/2024 - 13:15

https://www.rfi.fr/vi/x%C3%A3-h%E1%BB%99i/20240926-nhu-c%E1%BA%A7u-v%E1%BB%81-t%E1%BB%A7-l%E1%BA%A1nh-m%C3%A1y-%C4%91i%E1%BB%81u-h%C3%B2a-kh%C3%B4ng-kh%C3%AD-l%C3%A0m-tr%E1%BA%A7m-tr%E1%BB%8Dng-th%C3%AAm-bi%E1%BA%BFn-%C4%91%E1%BB%95i-kh%C3%AD-h%E1%BA%ADu

 

Nhu cầu sử dụng máy điều hòa không khí, tủ lạnh và các hệ thống làm lạnh khác đang tăng rất mạnh có thể làm nghiêm trọng thêm tình trạng khẩn cấp về khí hậu, do thiếu các giải pháp bền vững. Đây là cảnh báo của Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc - UNEP - và Tập đoàn Tài chính Quốc tế IFC, cơ quan chuyên trách khu vực tư nhân của Ngân hàng Thế giới, trong báo cáo được công bố hôm qua, 25/09/2024, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

 

HÌNH :

Ảnh minh họa : Biểu tình chống biến đổi khí hậu ở Stockholm, Thụy Điển, ngày 19/04/2024. REUTERS - Ilze Filks

 

Theo báo cáo của UNEP và IFC, tính đến năm 2050, lĩnh vực này, chủ yếu liên quan đến máy điều hòa không khí, tủ lạnh, dây chuyền giữ lạnh và xe chở hàng đông lạnh, sẽ tăng gấp 7 lần ở châu Phi và gấp 4 lần ở châu Á.

 

Trong thông cáo, tổng giám đốc IFC Makhtar Diop lưu ý : « Những quốc gia này đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt độ tăng cao gây những tác động chết người và đang có nhu cầu khẩn cấp về giải pháp làm mát ».

 

Nhiệt độ tại các nước đang phát triển, thường nằm ở những khu vực thời tiết nóng nực, ngày càng tăng. Bên cạnh đó, dân số và quá trình đô thị hóa cũng gia tăng mạnh. Sự phát triển kinh tế càng khiến nhu cầu sử dụng thiết bị làm mát gia tăng. Báo cáo lưu ý lượng khí thải từ hệ thống làm mát tại những nước này chiếm đến 2/3 tổng lượng khí thải toàn cầu trong năm 2022 và dự kiến đến năm 2050 ​​sẽ tăng lên thành 80%.

 

Trên phạm vi toàn cầu, điều đáng nói là nhiệt độ tăng cao gây tử vong và các hệ lụy về kinh tế, trong khi việc thiếu hệ thống giữ lạnh làm hỏng vac-xin, làm tăng tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và góp phần gây tổn thất sau thu hoạch, một tai họa về an ninh lương thực.

 

Báo cáo cho biết, lĩnh vực làm mát, vốn sử dụng nhiều năng lượng, tiêu thụ tới 20% lượng điện toàn cầu và đến năm 2050, nhu cầu này sẽ tăng gấp 3 lần.

 

Theo AFP, bà Inger Andersen, giám đốc điều hành của Cơ quan Môi trường Liên Hiệp Quốc, khẳng định làm mát là nhu cầu thiết yếu của cộng đồng và môi trường. Tuy nhiên, bà lưu ý phải tránh tạo ra « một vòng luẩn quẩn » khi giải pháp làm mát lại khiến hành tinh ngày càng nóng hơn.

 

Hai cơ quan UNEP và IFC tập hợp 130 đối tác thành một liên minh mang tên « Cool Coalition » nhằm thúc đẩy phát triển các giải pháp bền vững và có hiệu quả cao về năng lượng, giảm lượng khí thải. UNEP và IFC cũng kêu gọi khu vực tư nhân đầu tư vào thị trường này tại các nước đang phát triển, được ước tính từ 300 tỷ đô la hiện nay sẽ tăng lên thành 600 tỷ đô la vào năm 2050. UNEP và IFC cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc phát triển các giải pháp gọi là « thụ động », chẳng hạn sử dụng vật liệu phản xạ ngược để làm mát và trồng cây để tạo bóng râm.

 

 

 

 



No comments:

Post a Comment