Wednesday, September 25, 2024

MỘT CUỐN SÁCH CUNG CẤP CHIẾN LƯỢC ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI THẢM HỌA (Hứa Y Định / Luật Khoa tạp chí)

 



 

 

Một cuốn sách cung cấp chiến lược để ứng phó với thảm họa

Hứa Y Định   |  Luật Khoa tạp chí

September 24 20246:00 PM

https://www.luatkhoa.com/2024/09/mot-cuon-sach-cung-cap-chien-luoc-de-ung-pho-voi-tham-hoa/

 

Trong thảm họa, ai và thứ gì quyết định sự sống còn?

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/09/Bi-a--o-c-sa-ch---Na-m-2024-2.jpg

Đồ họa: Đ.T/ Luật Khoa.

 

Buổi tối 29/12/1972, chuyến bay 401 của hãng Eastern Air Lines xuất phát từ New York đang trong quá trình hạ cánh xuống sân bay Miami. Khi phi công tiến hành hạ bánh đáp, đèn xanh tín hiệu trong buồng lái (thường bật sáng để xác nhận rằng hệ thống hạ cánh đã sẵn sàng) không bật sáng như thường lệ. Để xác định nguyên nhân trục trặc, các phi công buộc phải bay vòng để kiểm tra tình trạng của máy bay. Trong suốt sáu phút, cả buồng lái căng thẳng tìm hiểu xem vấn đề nằm ở đâu.

Khi âm thanh cảnh báo vang lên, không ai phản ứng. Hai phút sau, cơ trưởng và phi công phụ mới phát hiện máy bay đã mất độ cao và lạc hướng. Hai giây sau, cùng với âm thanh cảnh báo liên tục, máy bay đâm thẳng xuống đất. Trong tổng số 163 hành khách và phi hành đoàn, có 101 người thiệt mạng. Đây được xem là một trong những thảm họa hàng không nghiêm trọng nhất của lịch sử. [1]

 

Các nhà điều tra sau đó xác định máy bay cùng với hệ thống hạ cánh hoạt động hoàn toàn bình thường. Bánh đáp đã được hạ, nhưng đèn tín hiệu bị cháy nên không hiển thị. Các phi công đã bị lái sự chú ý vào cái đèn nhỏ này mà bỏ quên việc kiểm soát máy bay.

 

Thảm họa trên cùng với một loạt các tai nạn tương tự trong thập niên 1970, đã dẫn đến việc ngành hàng không phải thực hiện những cải cách quan trọng trong quy trình huấn luyện phi công. Các vụ tai nạn này nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo rằng khi xảy ra sự cố, luôn có ít nhất một phi công tập trung hoàn toàn vào việc điều khiển máy bay, trong khi người còn lại xử lý các vấn đề.

 

Tập huấn thường xuyên để đảm bảo khả năng ứng phó khi thảm họa xảy ra là một trong những chìa khóa quan trọng được tác giả Amanda Ripley đề cập trong cuốn sách “The Unthinkable: Who Survives When Disaster Strikes, and Why” (tạm dịch: “Điều không thể nghĩ tới: Ai sống sót sau thảm họa và vì sao”). [2]

 

Tập huấn và chuẩn bị kỹ lưỡng giúp chúng ta hành động một cách chính xác trong thời gian ngắn nhất, thay vì phải mất thời gian suy nghĩ trong cơn hoảng loạn. Như một người sống sót sau vụ khủng bố 11/9 tại Mỹ đã chia sẻ: “Khi thảm họa xảy ra, bạn không bao giờ muốn phải nghĩ xem nên làm gì”. Đây cũng là quan điểm được nhiều nhân vật trong cuốn sách nhấn mạnh. [3]

 

Tác giả Amanda Ripley đã phỏng vấn những người từng trải qua các thảm họa khác nhau, từ động đất, lũ lụt, sóng thần đến các tai nạn hàng không, chìm tàu, xả súng hàng loạt và đánh bom khủng bố. Bên cạnh các nhân chứng, cuốn sách cũng tổng hợp ý kiến của nhiều chuyên gia để tạo nên một bức tranh toàn diện về tâm lý, tính cách và hành vi của con người trong các tình huống khẩn cấp.

 

 

Những người bình thường luôn có mặt trước tiên

 

Ngay từ những trang đầu, tác giả Ripley đã khẳng định trong mọi thảm họa, dân thường chính là những người quan trọng nhất. Trước khi lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp xuất hiện ở hiện trường, những người bình thường luôn có mặt trước tiên. Họ kéo người bị nạn ra khỏi đống gạch vụn, đưa người bị thương đến nơi điều trị, giúp những người khác tìm nơi trú ẩn an toàn hoặc hướng dẫn con đường thoát thân.

 

Quan trọng là vậy, nhưng theo Amanda Ripley, những người này thường bị xem nhẹ hoặc bỏ qua trong các kế hoạch ứng phó với thảm họa. Sau vụ khủng bố 11/9, chính quyền Mỹ đã chi hàng chục tỷ USD để tăng cường an ninh nội địa, nhưng hầu như không có khoản đầu tư nào dành cho việc nâng cao năng lực chuẩn bị của công dân thường (tính tới năm 2008 khi cuốn sách được xuất bản).

 

Một ví dụ khác là vụ khủng bố xe buýt và tàu điện ngầm tại London năm 2005. [4] Báo cáo điều tra cho thấy các kế hoạch khẩn cấp chủ yếu được thiết kế cho quan chức và nhân viên nhà nước chứ không tính đến vai trò của công dân. Khi tàu điện bị đánh bom, hành khách không có cách nào thông báo đến lái tàu, không thể thoát ra ngoài vì cửa không được thiết kế để hành khách tự mở, và họ cũng không thể sơ cứu cho những người bị thương do túi sơ cứu được đặt trong văn phòng của giám sát viên.

 

Vai trò của công dân bình thường trong các kế hoạch ứng phó với thảm họa thường bị xem nhẹ vì nhiều lý do: họ không đủ chuyên nghiệp, dễ hoảng loạn, hoặc chính quyền không muốn hay không thể đầu tư đủ nguồn lực để chuẩn bị cho mọi công dân. Tuy nhiên, theo tác giả Amanda Ripley, sự chủ động của công dân là một chỉ dấu quan trọng cho sức khỏe của cộng đồng. Nó là yếu tố quyết định trong việc đánh giá khả năng chống chịu của một xã hội đối với thảm họa.

 

Một cộng đồng tự chủ

 

Thảm họa động đất và sóng thần Ấn Độ Dương xảy ra vào năm 2004 đã khiến khoảng 200.000 người thiệt mạng. Nhiều ngôi làng trong khu vực bị ảnh hưởng đã mất hơn một nửa dân số của mình. Thảm họa này đặc biệt nghiêm trọng tại các nước Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan, Myanmar, Malaysia và Sri Lanka. Các quốc gia này cùng với một số khu vực ven biển của Ấn Độ đều chịu ảnh hưởng nặng nề. [5] Vào thời điểm đó, việc thiếu hệ thống cảnh báo sóng thần hiện đại đã khiến người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng gần như không có cơ hội sống sót.

 

Tuy nhiên, ở ngôi làng Langi trên đảo Simeulue, rất gần với tâm chấn của động đất, toàn bộ 800 người trong làng đều sống sót, mặc dù toàn bộ nhà cửa bị nhấn chìm trong nước. Họ chỉ có tám phút để sơ tán kể từ khi cảm nhận được dấu hiệu rung lắc đầu tiên. Không có hệ thống cảnh báo tự động, cũng không có chính quyền điều phối hay trợ giúp, dân làng chỉ dựa vào kinh nghiệm truyền lại từ tổ tiên để tự tổ chức di tản đến các điểm cao và thoát nạn. Những dân làng khác trên đảo Simeulue cũng sống sót qua thảm họa mà không cần sự trợ giúp từ chính quyền. Trong 78.000 người sống trên đảo vào thời điểm đó, chỉ có bảy người thiệt mạng và nguyên nhân là do họ mang theo đồ đạc thay vì di tản nhanh chóng. [6]

 

Kinh nghiệm truyền lại là một dạng thông tin. Trong thảm họa, thông tin minh bạch, kịp thời và chính xác quyết định sự sống còn. Càng có đầy đủ thông tin, người dân càng chủ động ứng phó.

 

Tác giả Amanda Ripley nhận định rằng thông tin khan hiếm và nhiễu loạn, đặc biệt trong các tình huống thảm họa, không chỉ làm xói mòn niềm tin giữa chính quyền và người dân mà còn ảnh hưởng đến sự đoàn kết trong cộng đồng. Sự mất niềm tin có thể tạo ra hậu quả nghiêm trọng không kém gì bản thân thảm họa.

 

Chính quyền và các tổ chức thường có xu hướng không chia sẻ thông tin một cách đầy đủ, minh bạch và kịp thời. Một trong những lý do thường được viện dẫn là lo ngại người dân sẽ hoảng loạn. Tuy nhiên, đây là một quan điểm sai lầm vì nó xem nhẹ vai trò và khả năng tự chủ của người dân.

 

Amanda Ripley kể lại trường hợp của chuyến bay United Flight 93 bị không tặc khống chế vào ngày 11/9/2001. Khi hành khách được thông tin về vụ tấn công vừa xảy ra tại Trung tâm Thương mại thế giới (World Trade Centre), họ nhận ra chuyến bay của mình cũng sẽ trở thành một phần trong kế hoạch khủng bố. Họ bí mật bàn bạc và quyết định hành động, giành lại quyền kiểm soát máy bay. Cuộc vật lộn sau đó giữa các hành khách và nhóm khủng bố dẫn đến việc máy bay đâm xuống một cánh đồng trống. Tất cả những người trên chuyến bay đều thiệt mạng. Kế hoạch ban đầu của nhóm khủng bố bị phá sản. Người ta tin rằng hành động dũng cảm của các hành khách trên chuyến bay đã cứu rất nhiều người khác. [7]

 

Yếu tố tự chủ đóng vai trò quyết định không chỉ sự sống còn của mỗi cá nhân mà còn của cả cộng đồng. Tác giả Amanda Ripley đưa ra hai ví dụ nổi bật về sự chủ động trong các tình huống thảm họa. Thứ nhất là trong cơn bão Katrina năm 2005, lực lượng tuần duyên Mỹ (U.S. Coast Guard) đã không chờ đợi chỉ thị từ cấp trên mà chủ động ứng cứu hơn 33.500 người từ các khu vực bị ngập lụt và khó tiếp cận. [8] Thứ hai là câu chuyện về việc gần như toàn bộ các nhân viên của Morgan Stanley tại hơn 20 tầng trong tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới đã di tản kịp thời trong vụ khủng bố 11/9 nhờ vào sự chuẩn bị chủ động và hướng dẫn của Rick Rescorla -  một cựu quân nhân và là giám đốc An ninh của Morgan Stanley. [9]

 

Trong các thảm họa lớn, vai trò của những công dân bình thường càng trở nên quan trọng. Như tác giả Ripley viết: “Thảm họa càng lớn, thời gian chúng ta phải ứng phó một mình càng lâu. Không có cơ quan cứu hộ nào có thể có mặt mọi nơi mọi lúc”.


Bài viết nằm trong mục Đọc sách cùng Đoan Trang, đăng vào tối thứ Ba hàng tuần. Bài cộng tác xin gửi cho chúng tôi tại đây.

Ban biên tập Luật Khoa tạp chí, bao gồm Đoan Trang, rất mong chờ bài viết của bạn.

 

----------

Chú thích

 

[1] Lockheed Model L-1011 | Federal Aviation Administration. (2022). Faa.gov. https://www.faa.gov/lessons_learned/transport_airplane/accidents/N310EA#:~:text=Eastern%20Airlines%20Flight%20401%2C%20N310EA&text=The%20National%20Transportation%20Safety%20Board,unsafe%20landing%20gear%20position%20indication

 

[2] The Unthinkable: Who Survives When Disaster Strikes - and Why: Ripley, Amanda: 9780307352903: Amazon.com: Books. (2024). Amazon.com. https://www.amazon.com/Unthinkable-Survives-When-Disaster-Strikes/dp/0307352900

 

[3] September 11 attacks | History, Summary, Location, Timeline, Casualties, & Facts | Britannica. (2024). In Encyclopædia Britannica. https://www.britannica.com/event/September-11-attacks

 

[4] London bombings of 2005 | History, Facts, & Map | Britannica. (2024). In Encyclopædia Britannica. https://www.britannica.com/event/London-bombings-of-2005

 

[5] Indian Ocean tsunami of 2004 | Facts & Death Toll | Britannica. (2024). In Encyclopædia Britannica. https://www.britannica.com/event/Indian-Ocean-tsunami-of-2004

 

[6] Nation & World | Islanders remembered stories of 1907 tsunami | Seattle Times Newspaper. (2015). Archive.org. https://web.archive.org/web/20150109080404/http://seattletimes.com/html/nationworld/2002193085_tsunami01.htm

 

[7] Guardian staff reporter. (2004, July 22). “We’ve got some planes.” The Guardian; The Guardian. https://www.theguardian.com/world/2004/jul/22/september11.usa1

 

[8] Price, S. (n.d.). A Bright Light on the Darkest of Days: The U.S. Coast Guard’s Response To Hurricane Katrina. https://media.defense.gov/2024/Jun/21/2003490008/-1/-1/0/DARKESTDAY-001.PDF

 

[9] Shinde, V. (2023, September 11). How Rick Rescorla defied orders and saved 2700 lives during 9/11 attacks. Hindustan Times; Hindustan Times. https://www.hindustantimes.com/world-news/how-rick-rescorla-defied-orders-and-saved-2700-lives-during-9-11-attacks-on-world-trade-center-101694448038570.html







No comments:

Post a Comment