Wednesday, September 25, 2024

CON TÀU CHÍNH TRỊ VIỆT NAM SẼ 'ĐÁNH LÁI'? (Tuấn Kiệt / Luật Khoa tạp chí)

 



Con tàu chính trị Việt Nam sẽ ‘đánh lái'?

Tuấn Kiệt  |  Luật Khoa tạp chí

September 25 20245:19 PM

 https://www.luatkhoa.com/2024/09/con-tau-chinh-tri-viet-nam-se-danh-lai/?ref=luat-khoa-newsletter

 

https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1000/format/webp/2024/09/79832743.jpg

Ảnh: Canva.

 

 

Tờ báo lớn nhất và có uy tín hàng đầu nước Mỹ là The New York Times sẽ mở lại văn phòng đại diện ở Việt Nam vào tháng Mười sắp tới. [1]

 

Sự kiện này là một bước đi bình thường trong bối cảnh hai nước đã nâng tầm đối tác chiến lược toàn diện vào năm ngoái. Tuy nhiên, để đánh giá điều gì đang thực sự diễn ra bên trong bộ máy chính trị ở Việt Nam, chúng ta cần điểm qua một số sự kiện.

 

Vào tháng 7/2023, Chỉ thị 24, một tài liệu mật của Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản đã được Dự án 88 lan truyền cho báo giới. Chỉ thị này thể hiện sự cảnh giác của chính quyền đối với ảnh hưởng của nước ngoài lên đời sống kinh tế, chính trị và văn hóa của Việt Nam. Chỉ thị yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ những dự án có nguồn tiền từ nước ngoài, đặc biệt là các dự án của tổ chức phi chính phủ, xã hội dân sự. [2]

 

Tinh thần của chỉ thị này nhất quán với việc bắt giữ sáu nhà hoạt động môi trường và một loạt những người bất đồng chính kiến trong vài năm qua. [3]

 

Việc này tạo ra sự hoảng sợ trong xã hội dân sự, khiến nhiều người phải tìm đường sống ở nước ngoài. Số lượng tổ chức xã hội dân sự giảm đi trông thấy. Nhiều chuyên gia cho rằng xã hội dân sự và nhân quyền đã gần như quay trở về tình trạng của nhiều năm trước, tức là gần như về con số không.

 

Trên không gian mạng, gần như không còn những cây bút phản biện xã hội. Đây có thể nói là một “thành công” của chính quyền trong việc đàn áp các tiếng nói phản biện.

 

Sự kiện thứ hai đáng chú ý là lễ tốt nghiệp của trường Đại học Fulbright Việt Nam, khi cả một đạo quân dư luận viên ồ ạt chụp mũ, phỉ báng và thậm chí đe dọa tấn công tới giáo viên, sinh viên của trường này. Họ gọi trường này là nơi ươm mầm của cách mạng màu, là nơi đào tạo phản động và thế lực thù địch. [4]

 

Nguyên nhân là do trường đại học này không dùng quốc kỳ trong lễ tốt nghiệp, mà lại dùng một thứ cờ lạ lẫm. Một bức hình của buổi lễ tốt nghiệp đăng trên trang Facebook cho thấy các sinh viên đứng sau biểu ngữ có dòng chữ “Fearless” (không sợ hãi).

 

Không chỉ nhóm dư luận viên, thái độ hung hăng, đấu tố đó còn thể hiện qua một thước phim của kênh truyền hình Quốc phòng Việt nam với những lời chụp mũ tương tự vào ngày 21/8.

 

Với tiêu đề "Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục", video này trích dẫn nhiều bình luận của người dùng Facebook, trong đó có người nói rằng “cách mạng màu luôn len lỏi trong đất nước, nhất là trong giáo dục”. [5] Video này nhắc tới việc bà Đàm Bích Thủy, hiệu trưởng nhà trường, đã kể rằng sau khi cho sinh viên xem một tập bộ phim tài liệu “Chiến tranh Việt Nam” của đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick, thì nhiều em đã khóc nức nở vì xúc động.

 

“Chúng em chưa bao giờ biết người Mỹ phải chịu đựng nhiều như vậy. Trước đây chúng em chỉ nghĩ người Việt Nam chịu thiệt thòi”, kênh Quốc phòng Việt Nam trích dẫn lời bà Thủy kể lại phát ngôn của một sinh viên.

 

Người dẫn phóng sự đưa ra câu hỏi “khi phát ngôn điều này, liệu bà Thủy có biết bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, bao nhiêu người Việt Nam đã thiệt mạng, bao nhiêu người đang chịu đựng hậu quả chiến tranh để lại như bom mìn, chất độc da cam do quân đội Mỹ gây ra?”.

 

Tiếp theo, phóng sự nói “một trong những chiêu bài rất thâm độc mà các thế lực thù địch phản động đã và đang áp dụng để chống phá Việt Nam đó là tạo ra cách mạng màu”. Phong trào đòi xét lại lịch sử, theo video của kênh Quốc phòng Việt Nam nói, là “đã không còn là những nguy cơ tiềm ẩn mà đã hiển hiện ngay trước mắt”.

 

Kênh Quốc phòng Việt Nam là một kênh phát ngôn chính thức của Quân đội Nhân dân Việt Nam, vậy mà chỉ hai ngày sau khi phát sóng, nó đã bị gỡ xuống. Đây dường như là một tín hiệu xuống thang.

 

Tiếp theo, ngày 26/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về các hoạt động của trường Fulbright Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết: "Đại học Fulbright Việt Nam là thành quả của hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, nhất là trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Việt Nam hoan nghênh các hoạt động của Đại học Fulbright Việt Nam như đã được khẳng định trong Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện năm 2023”. [6]

 

Từ mốc thời gian khi Chỉ thị 24 được lan truyền rộng rãi trong báo giới quốc tế; sự bắt giữ, đàn áp nhằm vào người bất đồng chính kiến và xã hội dân sự; việc “đấu tố” trường Fulbright trên mạng xã hội và cả trên kênh truyền hình cho tới những động thái như gỡ video và phát ngôn xoa dịu của Bộ Ngoại giao, có thể xem là dấu hiệu của sự “đánh lái” trong quan điểm chính trị quốc tế của Việt Nam.

 

Chính quyền cũng vừa trả tự do cho nhà bất đồng chính kiến Trần Huỳnh Duy Thức và nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. [7] Cả hai người này đều được thả trước khi mãn án theo diện đặc xá.

 

Tới đây, chúng ta cũng có thể xem là con tàu chính sách đối ngoại của Việt Nam đang “đánh lái", nhưng tất nhiên đó cũng có thể chỉ đơn giản là một bước chuẩn bị bình thường cho chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm, nhất là khi ông có một cuộc nói chuyện ở trường Đại học Columbia vào ngày 23/9. [8] Trước đây, nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng từng học một khóa ngắn hạn ở trường này theo diện học bổng của Obama Foundation.

 

Nhưng nếu là “đánh lái” thật, vậy những sự việc này đánh dấu sự khác biệt giữa thời đại của Tô Lâm và Nguyễn Phú Trọng? 

 

Việc tờ The New York Times mở văn phòng đại diện ở Việt Nam không phải là một sự kiện lớn nhưng có thể hy vọng đây là một dấu hiệu tích cực về cách nhìn nhận của chính quyền Việt Nam với báo chí. Mấy chục năm qua, Việt Nam đã có văn phòng đại diện của các hãng thông tấn và báo chí nước ngoài, trong đó có AP, Reuters, AFP…

 

Xin hãy lưu ý rằng mặc dù cùng một hệ tư tưởng nhưng Trung Quốc đã cho phép The New York Times mở văn phòng ở Bắc Kinh cuối thập niên 1980 và văn phòng Thượng Hải đầu những năm 2000. 

 

Hàng xóm gần gũi của Việt Nam là Thái Lan có số lượng phóng viên các hãng thông tấn và báo chí quốc tế đông gấp nhiều lần ở Việt Nam. [9] Bangkok được coi như trung tâm báo chí của Đông Nam Á. Không khí nhộn nhịp của hoạt động báo chí thường thể hiện sự cởi mở về tư tưởng và thường song hành với sự phát triển kinh tế sôi động của nước chủ nhà.

 

Việt Nam giống Trung Quốc về việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động báo chí nước ngoài. Mỗi khi muốn tham gia một sự kiện nào đấy, các cơ quan báo chí nước ngoài phải gửi đề xuất tới Vụ Báo chí của Bộ Ngoại giao để xin phép. Các trợ lý báo chí người Việt Nam đều phải thường xuyên có những cuộc gặp “cà phê" bất đắc dĩ với cán bộ an ninh để báo cáo nội dung công việc. 

 

Sự mở cửa về báo chí của Việt Nam, nếu thực sự là một xu hướng cho tương lai, thì cũng là một sự chậm trễ khi so sánh trên mặt bằng chung. Tuy nhiên, muộn còn hơn không, và công luận hoàn toàn có quyền hy vọng vào một xu hướng quản lý cởi mở và tự do hơn với báo chí quốc tế, và quan trọng hơn nữa là với báo chí trong nước.

 

-----------

Chú thích

1.   The New York Times Establishes Vietnam Bureau | The New York Times Company. (2024, September 12). The New York Times Company. https://www.nytco.com/press/the-new-york-times-establishes-vietnam-bureau

2.   VOA. (2024, March). Project88 tố cáo Chỉ thị 24 của Bộ Chính trị Việt Nam vi phạm nhân quyền. Voice of America; VOA Tiếng Việt. https://www.voatiengviet.com/a/project88-to-cao-chi-thi-24-cua-bo-chinh-tri-viet-nam-vi-pham-nhan-quyen/7509360.html

3.   Luật Khoa tạp chí. (2023, September 26). Luật Khoa 360: Hoàng Thị Minh Hồng và tội trốn thuế. Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2023/09/luat-khoa-360-hoang-thi-minh-hong

4.   Hoàng Dạ Lan. (2024, August 22). Cách mạng màu là gì? Luật Khoa Tạp Chí; Luật Khoa tạp chí. https://www.luatkhoa.com/2024/08/cach-mang-mau-la-gi

5.   Trong Hieu Bui. (2024). Không để cách mạng màu đổi màu giáo dục [YouTube Video]. In YouTube. https://www.youtube.com/watch?v=DLc67zDn0D8

6.   baochinhphu.vn. (2024, August 26). Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng về hoạt động của trường Fulbright Việt Nam. Baochinhphu.vn; baochinhphu.vn. https://baochinhphu.vn/nguoi-phat-ngon-bo-ngoai-giao-len-tieng-ve-hoat-dong-cua-truong-fulbright-viet-nam-102240826224303093.htm

7.   BBC News Tiếng Việt. (2024, September 21). Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bà Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm. BBC News Tiếng Việt; BBC News Tiếng Việt. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c07nk1552zvo

8.   General Secretary, President Tô Lâm of Viet Nam. (2024). Columbia.edu. http://ealac.columbia.edu/event/general-secretary-president-to-lam-of-viet-nam

9.   Theo Bangkok Post, dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao năm 2016 có khoảng 500 nhà báo nước ngoài hoạt động tại Thái Lan. Patsara Jikkham. (2016, February 23). Foreign reporter rules too lax, Don says. Https://Www.bangkokpost.com; Bangkok Post. https://www.bangkokpost.com/thailand/general/874320/foreign-reporter-rules-too-lax-don-says

 

---------------------------------------------------------------------------------------

Đọc thêm:

 

Đoạn trường mà đi

Lần đón đưa Tập Cận Bình tháng Mười Hai này có thể sẽ kéo Việt Nam vào một ngõ tối.

Luật Khoa tạp chí              Nguyễn Anh Tuấn

 

 

Bàn về từ ‘độc lập’: Chúng ta phụ thuộc lẫn nhau

 Chắc bạn đọc nghĩ (hoặc đã được nuôi dưỡng, dạy bảo để nghĩ) rằng độc lập là một trong vài giá trị cao quý nhất.

Luật Khoa tạp chí                 Nguyễn Quang A

 

 

 

 

 


No comments:

Post a Comment