Monday, September 30, 2024

XEM PHIM 'VIỆT VÀ NAM' (Clarisse FABRE / Le Monde)

 



Xem phim VIỆT VÀ NAM của Trương Minh Quý    

Clarisse FABRE (Le Monde)

Bạch Thái Quốc dịch 

Diễn Đàn Forum (diendan.org)

28/09/2024 13:32

https://www.diendan.org/Doi-song/dien-anh/xem-phim-viet-va-nam-cua-truong-minh-quy

 

Nhà đạo diễn Trương Minh Quý thăm dò những chấn thương của chiến tranh, qua những khung hình cực đẹp, lung linh sáng tối, nơi mà tình dục và cái chết song hành.

 

Quả là một sáng kiến độc đáo, xếp cạnh nhau hai âm tiết, mà đồng thời cũng là hai cái tên Việt và Nam, để hợp thành cái tựa của bộ phim. Cái tựa không chỉ gợi lại câu chuyện của một đất nước khổ đau vì chiến tranh dài nhất thế kỷ 20 (1955-1975), mà còn kể về số phận của hai chàng trai yêu nhau – Việt (Đào Duy Bảo Định) và Nam (Phạm Thanh Hải).

Cách sắp xếp này vang vọng như một tuyên ngôn, nhìn nhận lại chấn thương của chiến tranh dưới dạng một tác phẩm gây bồi hồi xúc động. 

 

Thế là bộ phim của Trương Minh Quý xuất hiện tại Cannes (trong chương trình Nhãn Quan Độc Đáo) nhưng không được trình chiếu tại Việt Nam. Sinh năm 1990, đạo diễn Trương Minh Quý tự nhận mình chịu ảnh hưởng của các tác giả tiền bối như Tarkovsky, Bresson và Resnais, và song song với việc này, anh vẫn mài dũa ngôn ngữ riêng của bản thân. Việt và Nam là bộ phim thứ ba của anh, sau Nhà Cây - The Tree House (2019) và Thành Phố Những Tấm Gương - The City of MirrorsA Fictionnal Biography (2016).

 

Việt và Nam là công nhân mỏ than, lao động ở độ sâu 1000 mét dưới mặt đất. Ta thấy họ uể oải, gương mặt đen kịt vì làm việc giữa bụi than, nhưng cơ thể sáng loáng vì nóng bức hay vì giao hợp ? Lòng đất giống như một cái hang nằm dưới một tầng trời sao sáng. 

 

Vốn là đạo diễn phim tài liệu, trước khi được đào tạo trường Du Fresnoy tại thành phố Tourcoing (miền Bắc nước Pháp), nhà điện ảnh này đã muốn chuyển tải qua màn ảnh những cảm xúc của anh khi đi chọn cảnh và xuống sâu trong các hầm mỏ. Ở nơi này, các âm thanh đã dịu bớt và các mảnh than đá ánh lên những tia sáng lạ kỳ. Trong studio, Trương Minh Quý đã tái tạo một không gian huyền ảo, dành riêng cho đôi tình nhân có bộ điệu lả lướt, với những câu đối thoại trắng trợn. Đeo ngọn đèn pha trên trán, Việt và Nam giống hệt như 2 chàng Pierrot đã thành công giành được điều bất khả. Họ chìm sâu trong lòng đất, nơi mà than đá làm giường cho họ ôm ấp nhau.

 

 

Ẩn hiện biệt ly

 

Việt và Nam là một câu chuyện kể về tình yêu, về chuyến đi xa, về lưu vong, về hành trình tìm kiếm một người lính đã mất tích.  Nam hiện sống bên cạnh bà mẹ của anh, nhưng không hề biết mặt bố minh. Bố anh vào lúc tòng quân tham gia chiến trận không biết là vợ mình đã mang thai. Hình bóng của người đàn ông biệt vô âm tín từ 26 năm qua (tuổi của Nam) là một trong những mạch dẫn dắt bộ phim. Mạch thứ nhì là nỗi buồn tình yêu. Việt chuẩn bị để có thể chấp nhận sự ra đi của Nam. Nam đã quyết vượt biên (qua một nước Tây phương) bằng cách trốn vào trong một chiếc container, nơi tụ hội nhiều người di dân đi tìm 1 tương lai tươi sáng. Đây cũng là cơ hội quay một cảnh gây bàng hoàng cho khán giả, khi Nam tập luyện tự giam mình trong một túi nhựa để vượt sông.

 

Khi sử dụng phim nhựa 16mm, đạo diễn đã phủ một lớp ánh sáng đặc biệt lên các cảnh của bộ phim. Nếu không để ý thì Trương Minh Quý đã có nguy cơ sa vào việc chỉ làm đẹp hình ảnh. Nhưng không, anh khiến cho câu chuyện được cất cánh từ việc xóa nhòa các điểm mốc thời gian và không gian, cho đến bố trí cho đất và nước quyện vào nhau (thiết kế 1 cái hang đào giữa than đá, nhưng nằm trong một container bồng bềnh trên mặt nước).

 

Câu chuyện diễn ra trong một thì quá khứ gần, khá mơ hồ, ngay cả khi có lúc đề cập đến những diễn biến 11 tháng 9 năm 2001, với sự sụp đổ của tháp đôi World Trade Center tại Manhattan (New York). Truyền hình có lúc rỉ rả những thông báo tìm kiếm di hài liệt sĩ. Một cựu chiến binh, lúc trước có quen biết với ông bố ruột của Nam, nhớ lại chuyện ngày trước. Các hình nộm chiến binh, cao như người thật, nhìn trừng trừng vào khán giả, khi chúng ta kinh ngạc vào thăm một đài tưởng niệm liệt sĩ.

 

Các diễn viên nghiệp dư của bộ phim đã chinh phục khán giả nhờ dáng vẻ độc đáo (gương mặt của Nam khi anh canh cho mẹ ngủ). Đạo diễn đã khéo biến một tiệm hớt tóc thành nơi thợ đốt pháo hoa trổ tài. Thật vậy, vào giữa bộ phim, đôi tình nhân ghé vào một tiệm cắt tóc, nhưng cùng ở địa điểm này có một ông thợ hàn hành nghề. Việt ngồi vào ghế, ta nhìn thấy như vô số những tia lửa phát ra từ đầu của Việt. Chẳng qua đó là các tia lửa phát xuất từ ông thợ bên cạnh, đang cố gắng hàn gắn nhiều mảnh vỡ rời rạc. Phải chăng chính Việt và Nam là mảnh vỡ đó? Liệu có cách nào khơi gợi tài tình hơn nỗi ám ảnh của sự biệt ly?

 

Cũng trong cảnh này tại tiệm cắt tóc, nghệ thuật đặt máy tính toán khuôn hình đã chứng minh độ chính xác của Trương Minh Quý khi muốn tác phẩm vương vấn chất thơ tuyệt vọng. Ở đây, Việt và Nam nhìn vào một bản đồ thế giới. Họ nói to, tính toán khoảng cách chia ly giữa hai người rồi đây sẽ bao xa. Có một người khách ngồi lắng tai nghe. Khán giả phát hiện thấy khuôn mặt của người khách phản chiếu trong tấm gương trong khi ngồi chờ cắt tóc. Cũng trong khung ảnh này, ở vị trí phía sau là hình bóng đôi tình nhân. Người đàn ông hỏi họ: “Cũng sắp đi à?” Ông ta cho biết người vợ của ông đã rời nước đi xa.

 

Bỗng chốc trong tấm gương phản chiếu, có 3 người đàn ông như đang trố mắt nhìn cho thấu nỗi đau ly biệt.

 

Clarisse Fabre

 

bản dịch của Bạch Thái Quốc



NGUỒN « Viêt and Nam », un film manifeste qui tente de recoller les morceaux d’un pays meurtri (Le Monde, 25.9.2024)

 

                                                           *

 

Trương Minh Quý,
một trong những gương mặt tiêu biểu của
nền điện ảnh tác giả Việt Nam

 

Anh đã cắt ngắn bộ tóc dài ngày trước. Anh đã hơn 30 tuổi. Tuy vậy, Trương Minh Quý vẫn mang dáng vẻ sinh viên, trong quán cà phê khu phố Mouffetard, Paris, nơi diễn ra cuộc gặp gỡ, trong chiếc áo thun đen, đôi mắt kính viền kim loại, giọng nói dịu dàng.

 

Sinh năm 1990 tại Buôn Mê Thuột, một thành phố trên Cao Nguyên miền Trung Việt Nam, anh là đạo diễn bộ phim Việt và Nam, bị kiểm duyệt và không được phát hành tại Việt Nam. Anh thuộc đội ngũ thế hệ mới của các nhà điện ảnh tác giả Việt Nam, như trường hợp Phạm Thiên Ân, đạo diễn phim Bên Trong Vỏ Kén Vàng (2023), đoạt giải Ống Kính Vàng Liên Hoan Cannes.

 

Các hình ảnh nhục dục và mơ ảo của Việt và Nam, bộ phim thăm dò lại những chấn thương của chiến tranh xuyên qua câu chuyện của một đôi thanh niên - « những con người lem luốc » lao động trong hầm mỏ và làm tình tại đó – thoạt nhìn đã gợi lại tác phẩm của đạo diễn Thái Lan Apichatpong Weerasethakul. Nhưng thực ra nhà làm phim Việt Nam đã chịu những ảnh hưởng sâu rộng hơn nhiều. Anh tâm sự : « Tác phẩm của Weerasethakul đã giúp tôi hiểu ra rằng làm phim có thể là điều đơn giản. Nhưng Việt và Nam cũng mang dấu ấn của Andrei Tarkovsky, đặc biệt là của bộ phim sâu kín của ông mang tên Tấm Gương (1975). Ngoài ra, nhìn về tổng thể, tôi cảm thấy có nhiều điểm tương đồng với Alain Resnais, phương cách của ông là ưu tiên nối kết những hình ảnh và âm thanh, để chúng vượt trội lên dòng kể của câu chuyện. Cuối cùng, việc không tìm sự cộng tác với các diễn viên chuyên nghiệp đến từ Robert Bresson. Diễn viên phải cố gắng tránh diễn quá nhiều...». 

 

 

Những chọn lựa triệt để

 

Trương Minh Quý đã tìm đến điện ảnh thông qua các câu lạc bộ video. « Làm gì có rạp chiếu phim thời tôi còn thơ ấu. Đến tiệm cho thuê video thì tất cả đều chất đống trên bàn. Lúc ấy tôi còn học trung học và sống với bà tôi, cả hai bà cháu cùng nhau xem phim ». Sau đó, vào tuổi thanh niên, anh bắt đầu quay những phim ngắn đầu tay cùng với sự tham gia của gia đình. Thời gian sau, một số các « chọn lựa triệt để » của anh đã thúc đẩy anh rời bỏ trường điện ảnh Thành Phố Hồ Chí Minh, nơi anh theo học từ năm 18 tuổi. 

 

Giai đoạn sau, anh hoàn thành một số phim ngắn được tuyển chọn tham gia một số liên hoan như The Sublim of Rectum (2017) mà bản nội dung tóm lược ghi là một « cuộc thám hiểm bằng thị giác của một cuộc tiếp xúc mật thiết giữa người đồng tính ». Trong thời gian theo học tại Trường điện ảnh Ecole du Fresnoy tại thành phố Tourcoing, miền Bắc nước Pháp, anh đã quay một bộ phim ngắn mang tựa Les Attendants (2020) đề cập đến các cuộc tiếp xúc chóng vánh giữa đàn ông đồng tính trên một bãi đất thải do khai thác mỏ. Sau đó, Trương Minh Quý cũng đã bộc lộ thiên hướng nghệ sĩ của mình khi sáng tạo một tác phẩm gồm phim và sắp đặt The Woman Next Door (2021). Ở trung tâm tác phẩm này có xếp một chiếc nệm. Năm 2023, Trương Minh Quý cũng tham gia một cuộc triển lãm tập thể tại phòng triển lãm BAQ ở Paris.

 

« Trong các bộ phim của tôi, tất cả đều thật » – Trương Minh Quý thổ lộ – « Việt và Nam là hai cái tên rất thông dụng trên đất nước tôi, tương tự như Pierre và Antoine ở Pháp. Bộ phim này không vòng vo, và các đối thoại cũng vậy, các nhân vật thể hiện những tình cảm của họ. Có lẽ bộ phim này quá thẳng thắn. Mỗi người có thể cảm nhận nó theo vị trí riêng của mình. Nói thực ra, Hội Đồng Duyệt Phim xem bộ phim này « có vấn đề » không phải vì câu chuyện đồng tính. Thế nhưng, chủ đề này cũng chẳng giúp ích gì thêm. Chẳng qua đó chỉ là một hạt muối bỏ bể ». Trương Minh Quý đã kết luận như vậy trong một tiếng cười ròn.

 

Clarisse Fabre

 

bản dịch của Bạch Thái Quốc



NGUỒN : Le Monde, 25.9.2024.

 

*Điện ảnh tác giả là một thuật ngữ Pháp để chỉ diện ảnh nghệ thuật, phi thương mại.

 

 

 





No comments:

Post a Comment