Tuesday, August 27, 2024

TRANH CỬ TỔNG THỐNG MỸ : CHƯƠNG TRÌNH KINH TẾ CỦA KAMALA HARRIS HƯỚNG ĐẾN TẦNG LỚP TRUNG LƯU - BÌNH DÂN (Thùy Dương / RFI)

 



Tranh cử TT Mỹ : Chương trình kinh tế của Kamala Harris hướng đến tầng lớp trung lưu - bình dân

Thùy Dương  -  RFI

Đăng ngày: 26/08/2024 - 11:44

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20240826-tranh-c%E1%BB%AD-tt-m%E1%BB%B9-ch%C6%B0%C6%A1ng-tr%C3%ACnh-kinh-t%E1%BA%BF-c%E1%BB%A7a-kamala-harris-h%C6%B0%E1%BB%9Bng-%C4%91%E1%BA%BFn-t%E1%BA%A7ng-l%E1%BB%9Bp-trung-l%C6%B0u-b%C3%ACnh-d%C3%A2n

 

Vài ngày trước khi chính thức được Đại hội đảng Dân Chủ chính thức cử làm ứng viên tranh chức tổng thống Hoa Kỳ, phó tổng thống Kamala Harris hôm 16/08/2024, tại bang Bắc Carolina, một trong những bang then chốt, đã công bố những điểm chính trong chương trình kinh tế nếu bà thắng cử, tập trung vào việc chống giá cả sinh hoạt đắt đỏ, nâng cao sức mua, đặc biệt đối với các gia đình trung lưu và bình dân.

 

HÌNH :

Phó tổng thống, ứng viên tổng thống Mỹ, Kamala Harris, giới thiệu chương trình kinh tế, ngày 16/08/2024, tại bang Bắc Carolina, Hoa Kỳ. © Getty Images via AFP - GRANT BALDWIN

 

Chương trình kinh tế được ứng viên Kamala Harris công bố 3 tháng trước ngày bầu cử tổng thống Mỹ, trong bối cảnh chính quyền Biden - Harris được ghi nhận đã đạt thành tích tích cực : tỉ lệ lạm phát cả năm, tính đến tháng 07/2024, đã giảm xuống còn 2,9%, mức thấp nhất tính từ tháng 03/2021 và tỉ lệ thất nghiệp ở độ tuổi lao động cũng giảm xuống còn 4,3%, theo số liệu của Cơ quan việc làm Mỹ.  

 

Thế nhưng, khác với tổng thống đương nhiệm Joe Biden, vốn tập trung vào các chương trình đầu tư lớn và tạo hàng loạt công ăn việc làm trong các lĩnh vực công nghiệp, ứng viên Kamala Harris được xem là có phương pháp tiếp cận mang tính nhân đạo hơn, với những đề xuất cụ thể và có thể thu hút cử tri. Trong bài phát biểu trong vòng nửa giờ đồng hồ tại Bắc Carolina, ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ Mỹ hứa hẹn xây dựng « một nền kinh tế của các cơ hội », nơi « mỗi người đều sẽ tìm thấy cơ may » cho mình.

 

 

Đâu là những điểm chính trong chương trình kinh tế của Kamala Harris ?

 

Theo trích dẫn của báo L’Express ngày 17/08, trong bài phát biểu về chương trình kinh tế, ứng viên của đảng Dân Chủ nhấn mạnh : « Donald Trump đấu tranh cho các tỷ phú và những doanh nghiệp lớn. Còn tôi sẽ tranh đấu để trả lại tiền cho các gia đình trung lưu và tầng lớp bình dân ». Chương trình kinh tế của ứng viên Kamala Harris gồm 4 nội dung chính.

 

Thứ nhất là giảm gánh nặng chi phí sinh hoạt của người dân. Khi Joe Biden bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống, lạm phát đã ở mức 20%, một phần là do đại dịch Covid-19. Nhờ các chính sách của tổng thống Biden, tỉ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới ngưỡng 3% trong tháng 7. Tuy nhiên, theo đài TV 5 Monde, ứng viên Kamala của đảng Dân Chủ tránh dùng từ « lạm phát » mà nói đến « chi phí sinh hoạt ». Để giảm chi phí sinh hoạt, phó tổng thống Mỹ, ứng viên Kama Harrris tập trung trước hết vào tăng mức lương tối thiểu, thiết lập kỳ nghỉ phép có lương cho người lao động. Business Insider nhắc lại là trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển, Mỹ là nước duy nhất không áp dụng chế độ nghỉ phép có lương hàng năm cho người lao động. 

 

Bà hứa sẽ không tăng thuế thu nhập đối với các hộ gia đình có thu nhập dưới 400.000 đô la/năm và cũng đề xuất một đạo luật cấm lạm dụng việc tăng giá thực phẩm và chất đốt.

Nội dung thứ hai là cải thiện nguồn cung ứng nhà ở. Trong đại dịch Covid-19, nhiều người Mỹ đã rời khỏi nơi ở là căn hộ tại các thành phố lớn và chuyển đến ở tại những ngôi nhà riêng. Lãi vay ngân hàng mua bất động sản sau đó tăng vọt. Chính vì thế, Kamala Harris đề xuất xây dựng thêm 3 triệu nhà ở mới để giải quyết tình trạng « thiếu hụt » trong lĩnh vực nhà ở và giá thuê nhà quá cao. Thêm vào đó là lời hứa hỗ trợ 25.000 đô la cho những người lần đầu mua nhà, cũng như các đạo luật chống đầu cơ bất động sản.

 

Thứ ba là giảm chi phí của người dân trong lĩnh vực chăm sóc y tế. Bà Kamala Haris muốn có thêm nhiều dự án chăm sóc sức khỏe, để tất cả mọi công dân đều được hưởng biện pháp mà chính quyền Biden đã áp dụng : giảm một nửa, thậm chí ba phần tư giá các loại dược phẩm thiết yếu cho người cao tuổi (Medicare). Ví dụ, hiện nay, giá insuline trị bệnh tiểu đường cho người cao tuổi được áp giá trần là 25 đô la. Kamala Harris hứa hẹn áp giá trần này cho tất cả mọi người. Bà cũng bảo đảm có thể hủy các khoản nợ y tế cho hàng triệu người Mỹ. 

 

Và cuối cùng, Kamala Harris đề xuất giảm thuế cho các hộ gia đình, đặc biệt bà hứa giảm 6.000 đô la thuế cho những người mới sinh con. Bà Kamala Harris cũng muốn thúc đẩy việc tăng lương tối thiểu và miễn thuế đối với tiền hoa hồng trong lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn.

 

 

Chương trình kinh tế của Kamala Harris được báo chí Mỹ đánh giá thế nào ?

 

L’Express tổng hợp báo chí Mỹ, nhận định khái quát là các đề xuất của bà Kamala Harris không mấy được truyền thông Mỹ tiếp nhận hào hứng, kể cả báo chí thiên tả và thiên hữu. Chẳng hạn, tạp chí The Atlantic cho rằng « kiểm soát giá cả là điều vô nghĩa đối với những người hiểu rõ quy luật cung cầu », nhưng « Harris đang cố gắng thắng cử tổng thống, và để có thể đắc cử, bà ấy cần đưa ra các ý tưởng dân tuý, và các cử tri thì rất ủng hộ luật chống điều họ xem là lạm dụng việc tăng giá ». Kênh CNN cũng chế giễu một chương trình « dân túy ».

 

Hãng tin Mỹ AP thì nhận định : « Mặc dù giá thực phẩm cao hơn 25% so với trước đại dịch cách đây 4 năm rưỡi, nhưng gần đây giá cả đã được ổn định và hiện nay không hẳn là giá cả tăng mạnh […] Hơn nữa, giá của đa phần hàng hóa và dịch vụ nói chung không thể giảm đáng kể, ngoại trừ trường hợp suy thoái mạnh và gây nhiều thiệt hại ».

 

Trong khi đó, nhật báo Mỹ New York Times bối rối : « Cuộc tranh luận kinh tế về vấn đề này rất phức tạp. Các nhà kinh tế đã nêu lên một số yếu tố đã đẩy giá lên cao trong quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch, nhất là do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn, thói quen mua hàng của người tiêu dùng thay đổi đột ngột, nhu cầu tiêu dùng tăng cao do các biện pháp tái thúc đẩy kinh tế của chính phủ, cũng như biện pháp lãi suất thấp của Cục Dự trữ Liên bang. Đa phần các nhà kinh tế nhận định sự tăng giá trong giai đoạn vừa rồi là do các yếu tố này nhiều hơn là do hành xử của các công ty ».

 

 

Đối thủ Donald Trump phản ứng ra sao ?

 

Đương nhiên là chương trình kinh tế của ứng viên đảng Dân Chủ bị đối thủ đảng Cộng Hòa, Donald Trump, chỉ trích mạnh mẽ. Trên mạng xã hội Truth Social của ông, Donald Trump khẳng định chương trình kinh tế của bà Kamala Harris khiến chi phí sinh hoạt sẽ bị đẩy lên cao, « tồi tệ hơn gấp trăm lần ». Ông cảnh báo nếu thúc đẩy một chương trình kiểu « Xô Viết », một hệ thống mang tính « cộng sản » về giá trần, bà Harris sẽ khiến Hoa Kỳ phải đối mặt với cảnh « đói khát và nghèo khó » mà quốc gia này chưa bao giờ chứng kiến.

 

AFP nhắc lại « chủ nghĩa cộng sản » thường được dùng với hàm ý đặc biệt tiêu cực tại Mỹ. Đài TV5 Monde ngày 18/08 cho biết nhiều nhà phân tích cũng coi liên danh Harris - Walz là bộ đôi thiên tả nhất tính từ kỳ tranh cử tổng thống hồi những năm 1980.

 

 

Về mặt kinh tế, theo các khảo sát hiện nay, ưu thế đang ngả về ứng viên Kamala Harris hay Donald Trump ?

 

Theo đài TV5 Monde ngày 18/08, một cuộc điều tra Financial Times và Đại học Michigan công bố ngày 07/08, khẳng định người Mỹ tin tưởng Harris hơn Trump trong việc quản lý kinh tế, điểm tín nhiệm lần lượt đạt 42% và 41%. Còn AFP cho biết theo một khảo sát Đại học Michigan công bố hôm 16/08, 41% người tiêu dùng nhận định là về kinh tế, phó tổng thống Kamala Harris là ứng viên tốt hơn Donald Trump, chỉ có 38 % nghĩ rằng Donald Trump là lựa chọn tốt hơn về kinh tế.

 

-------------------------------

Các nội dung liên quan

 

Tạp chí Đặc biệt

Tranh cử TT Mỹ : Xung đột Israel - Palestine, bài toán khó cho ứng viên Kamala Harris

 

HOA KỲ - KAMALA HARRIS

Tranh cử Mỹ: Kamala Harris chính thức trở thành ứng viên tổng thống đảng Dân Chủ

 

HOA KỲ - CHÍNH TRỊ

Bầu cử tổng thống Mỹ: Một số đảng viên Cộng Hòa ủng hộ Kamala Harris vì e ngại Donald Trump

 

 





No comments:

Post a Comment